‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Muốn làm người Đài Loan, và không muốn thuộc về Trung Quốc.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 6/10/2022.
Người Đài Loan có phải là người Trung Quốc?
Dưới chế độ độc tài của Quốc Dân Đảng (KMT), từ năm 1945 đến cuối thập niên 1980, câu trả lời hiển nhiên là “phải”. Vào thời kỳ được gọi là “Khủng bố Trắng” (White Terror), [1] người dân có thể bị khép tội nếu dám chất vấn điều đương nhiên đó.
Quốc Dân Đảng, thua trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc, rút lui toàn bộ về Đài Loan vào năm 1949. Trong suốt nhiều thập niên sau đó, họ vẫn xem Đài Loan chỉ là cứ địa tạm thời để tái xây dựng lực lượng nhằm phản công lấy lại đại lục. Người dân Đài Loan vì vậy được giáo dục rằng mình là một phần của Trung Quốc, và được tuyên truyền liên tục về trách nhiệm phải giải phóng các đồng bào ở bên kia eo biển.
Tham vọng của Quốc Dân Đảng không thành hiện thực, nhưng hệ quả của nó là người Đài Loan luôn sống trong một bức màn mờ ảo về căn tính của dân tộc, bên cạnh việc xác lập một mối quan hệ xác đáng với Trung Quốc.
Chỉ đến khi Đài Loan tiến hành dân chủ hóa từ cuối thập niên 1980, các cuộc thảo luận công khai về những vấn đề trên mới được nở rộ.
Những cuộc khảo sát về các đề tài nhạy cảm bắt đầu được tiến hành, cho người ta thấy bức tranh sinh động về những thay đổi của đảo quốc.
Trong số đó, có vai trò tham khảo hữu ích là các khảo sát được tiến hành liên tục hàng năm từ đầu thập niên 1990 do Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử (Election Study Center) thuộc Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan (National Chengchi University) thực hiện.
Hai khảo sát quan trọng được phân tích ở đây, một là về căn tính dân tộc (Taiwanese/ Chinese identity), [2] và một là về chủ trương độc lập hoặc thống nhất với Trung Quốc (Taiwan Independence vs. Unification with the Mainland). [3]
Khảo sát về căn tính dân tộc được Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử thực hiện từ năm 1992, còn khảo sát về mối quan hệ với Trung Quốc được ghi nhận từ năm 1994.