‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Xác lập lại lằn ranh tôn giáo - chính quyền.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 6/10/2022.
Người Việt Nam khi du lịch đến Đài Loan thường ghé thăm chùa Long Sơn. Ở phía đối diện chùa là một trạm tàu điện ngầm. Bước xuống trạm tàu điện này, bạn sẽ thấy một khu vực đặt nhiều ki-ốt nhỏ nhưng họ không bán hàng hóa gì cả. Họ xem bói toán lấy tiền.
Tự do xem bói là một ví dụ phản ánh về mức độ tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đài Loan. Trong khi đó, bói toán ở Việt Nam bấy lâu nay vẫn bị xem là “tuyên truyền mê tín dị đoan”.
Đài Loan đối với Việt Nam là một tương lai rất gần nhưng cũng rất xa. Gần vì truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân hai nước khá tương đồng, cũng đi chùa, cũng thích phóng sanh, cũng tin vào số kiếp, cũng đa dạng các tín ngưỡng, tôn giáo. Xa vì Đài Loan đã thoát khỏi chế độ độc tài và đã dân chủ hóa thành công, còn Việt Nam vẫn đang đuổi bắt các nhóm tôn giáo không có giấy phép.
Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam hết hy vọng. Người Đài đã từng đau khổ sống dưới chế độ thiết quân luật trong gần 40 năm. Bất cứ ai cũng có thể bị bắt, thậm chí là dễ dàng bị xử tử. Nhưng chế độ độc tài nào rồi cũng phải kết thúc.
Tôn giáo ở Đài Loan đã chuyển mình ra sao trong thể chế dân chủ? Những khúc ngoặt nào các tôn giáo ở Đài Loan đã vượt qua để có được tự do như hôm nay? Rất có thể đó là những gì mà Việt Nam sẽ trải qua.
Nếu bạn từng xem phim điện ảnh “Cổn Cổn Hồng Trần” (Red Dust 1990) chắc hẳn còn nhớ cảnh nữ chính Thẩm Thiều Hoa nhường vé, đẩy người yêu của cô, Chương Năng Tài, lên chuyến tàu cuối cùng đi Đài Loan.
Năm đó, Quốc Dân Đảng (Kuomintang - KMT) bại trận trước Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek), lãnh đạo tối cao của Trung Hoa Dân Quốc, đưa hai triệu người tháo chạy đến đảo Đài Loan - lúc này đang trong thời kỳ thiết quân luật.
Trước đó, sau Thế chiến thứ Hai, Đài Loan được Nhật Bản trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc sau 50 năm cai trị. Hòn đảo này trở thành nguồn viện trợ của KMT cho cuộc nội chiến dai dẳng, đẫm máu ở đại lục.
Đến năm 1947, giá lương thực tăng nhanh, nhiều mặt hàng bị chính quyền thao túng, và việc người Đài không được tham gia chính quyền đã châm ngòi cho một cuộc nổi dậy đòi quyền tự quyết. Cuộc nổi dậy này về sau được gọi là Sự kiện 228 hay Thảm sát 228, vì bắt đầu vào ngày 28/2/1947. Đài Loan ban hành thiết quân luật tạm thời rồi chính thức vào năm 1949, mở ra thời kỳ Khủng bố Trắng (White Terror) với ước đoán hàng chục nghìn người đã bị giết hại hoặc mất tích. [1][2]
Đài Loan lúc này vẫn chỉ là một phần lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc. KMT nuôi mộng một ngày nào đó tái chiếm đại lục. Do đó, bất cứ ai kêu gọi hòa bình hay bất cứ thứ gì liên quan đến chủ nghĩa xã hội thì đều bị cho là phản quốc.
Thiết quân luật là cái cớ để KMT gạt qua một bên các quyền của người dân theo Hiến pháp, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Chính quyền rất nhạy cảm đối với các nhóm tôn giáo, do lo ngại Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ cài gián điệp vào Đài Loan dưới vỏ bọc tôn giáo. [3] Do đó, các nhóm tôn giáo có quan điểm chính trị không giống với Quốc Dân Đảng đều rơi vào diện bị trấn áp. [4]
Một số lãnh đạo của Nhất Quán Đạo (Yiguandao) đã mất tích sau khi được mời đến “uống trà” ở đồn cảnh sát. Các nhóm tôn giáo khác như Hội thánh Tân Ước (New Testament Church), Hội thánh Tin Lành Trưởng lão (Presbyterian Church) với quy mô tổ chức lớn hơn cũng bị đàn áp.
Các tôn giáo có gốc gác Nhật Bản cũng nằm trong tầm ngắm, ví dụ Thiên lý giáo (Tenrikyo) bị cho là thân Nhật cực đoan vì không chấp nhận việc đánh mất Đài Loan, Sáng giá Học hội (Soka Gakkai) bị tình nghi thân Trung Quốc, có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. [5]
Tuy nhiên, KMT luôn muốn chứng minh sự khác biệt của họ so với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, một số tôn giáo bị cấm ở Trung Quốc được phép hoạt động tại Đài Loan. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ công nhận chính thức năm tôn giáo. [6]
Vào lúc này, miền Bắc Việt Nam ngả theo mô hình kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn cho các tổ chức tôn giáo. Ngược lại, miền Nam Việt Nam lại tiến bộ hơn Đài Loan khi các tôn giáo được hoạt động tự do. Thậm chí, các tôn giáo ở miền Nam đã có các hoạt động an sinh xã hội chuyên nghiệp, điều mà chỉ bắt đầu ở Đài Loan từ thập niên 1990.
Đáng tiếc, cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam đối với các tôn giáo ở nhiều khía cạnh lại quay ngược về thời kỳ thiết quân luật của Đài Loan. Chính quyền Việt Nam đã làm những điều y như KMT từng thực hiện, bắt buộc các nhóm tôn giáo phải đăng ký để dễ kiểm soát, thâm nhập vào các tổ chức tôn giáo, đàn áp các nhóm tôn giáo có quan điểm trái với chính quyền.
Nếu có dịp đến Đài Loan, bạn sẽ thấy có vô số các đền thờ khác nhau. Những ngôi đền này thuộc về các tôn giáo cổ truyền của người Đài Loan, có vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Chúng rất đậm bản sắc Đài Loan và có thể nói là phần nào thách thức quyền lực của KMT, vốn được xây dựng dựa trên căn tính Trung Hoa của đại lục. [7] Năm 1968, chính quyền đã ban hành một số quy định nhằm hạn chế các lễ hội truyền thống dưới các nội dung như hướng dẫn tổ chức các lễ tế một cách tiết kiệm, đơn giản hóa các nghi lễ tín ngưỡng. KMT cũng đã lập ra nhiều chương trình phổ biến đặc tính Trung Hoa trong xã hội Đài Loan. [8]
Tại Việt Nam, ngay sau năm 1975 đến thập niên 1990, một số tín ngưỡng dân gian bị chính quyền cho là mê tín dị đoan, một số ngôi đền không được phép hoạt động như trước đó. [9]
Dưới thời thiết quân luật, Phật giáo và Đạo giáo Đài Loan bị hạn chế hoạt động do KMT lo ngại các tổ chức này có thể lôi kéo người dân chống chính quyền. KMT có phần coi trọng và tin tưởng đạo Ki-tô hơn, cho nên nhiều trường đại học của Ki-tô giáo được phép hoạt động. [10]
Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1970, KMT ngày càng mất dần sức ảnh hưởng đối với người Đài Loan do cách cai trị độc đoán của mình. Vị thế ngoại giao của Đài Loan trên trường quốc tế cũng kém đi rất nhiều. Mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Nhiều người tán thành rằng tôn giáo phải đứng ngoài chính trị, vì tôn giáo có sức ảnh hưởng đáng kể đối với công chúng, có thể dẫn đến tình trạng chính quyền ưu ái tôn giáo này và đàn áp tôn giáo kia, phá vỡ các tiến trình chính trị thông thường. Điều đó không sai nhưng chưa hẳn chính xác.
Chế độ độc tài kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo vì họ biết các tôn giáo có thể đoàn kết người dân nổi dậy, điển hình là phong trào dân chủ ở Hàn Quốc, Philippines vốn đều có sự tham gia của các nhóm tôn giáo. Câu hỏi đúng hơn là tôn giáo nên can thiệp vào chính trị khi nào và ở chừng mực ra sao.
Tại Đài Loan, từ thập niên 1970, KMT mất dần vị thế ngoại giao của mình. Mỹ rục rịch nối lại quan hệ với Trung Quốc. Ước muốn tái chiếm đại lục của KMT ngày càng viển vông. Áp lực cải cách ngày càng nặng nề.
Năm 1971, sau chuyến thăm Trung Quốc của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão tuyên bố người Đài có quyền tự quyết, yêu cầu KMT cải cách chính trị, tổ chức bầu cử chính quyền. [11]
Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão bác bỏ các chỉ trích về việc bị chính trị hóa. Andrew Chang, Tổng thư ký của chi nhánh hội thánh tại Đài Loan, nói rằng một tổ chức có lương tâm không thể đứng nhìn kẻ điên cuồng lái xe tải chở nhiều người lao xuống vực thẳm. “Chúng tôi không làm chính trị, chúng tôi hành động vì mối lo lắng của mình [cho tình trạng đất nước]”, ông Chang khẳng định. [12]
Vào lúc này, Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão có một số điều kiện thuận lợi để lên tiếng vì họ có được sự ủng hộ ở Mỹ và Canada - những nước viện trợ cho Đài Loan. Mặt khác, hội thánh gây dựng được uy tín từ lâu khi đã hoạt động ở Đài Loan trước khi các nhóm tôn giáo chuyển từ đại lục đến. Năm 1977, hội thánh thậm chí còn công bố tuyên ngôn nhân quyền của mình, yêu cầu chính quyền xây dựng “một Đài Loan mới và độc lập”. [13]
Năm 1980, KMT đã cho phép các thành viên của phong trào đảng ngoại (tangwai) - tức là bên ngoài KMT - ứng cử cấp địa phương mà không cần được đảng này cấp phép như trước đây. Một số thành viên đảng ngoại sau này đã lập ra Dân Tiến Đảng (DPP) vào năm 1986, tức là đảng của đương kim Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). [14]
Năm 1987, thiết quân luật được chính thức gỡ bỏ. Tuy nhiên, KMT lại thông qua đạo luật về an ninh quốc gia, cấm các cuộc biểu tình trái Hiến pháp, ủng hộ chủ nghĩa cộng sản hoặc ly khai. [15] Tuy nhiên, phong trào dân chủ, đòi quyền tự quyết, tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn phát triển mạnh mẽ.
Sau khi bãi bỏ thiết quân luật, Đài Loan bước vào giai đoạn dân chủ hóa. Năm 1992, lần đầu tiên Đài Loan tổ chức bầu cử Lập pháp Viện một cách tự do và công bằng.
Với việc cải cách chính trị, các tổ chức tôn giáo cũng có sự chuyển biến. Các hiệp hội tôn giáo độc quyền như Hiệp hội Phật giáo Đài Loan mất dần sức ảnh hưởng, nhường chỗ lại cho các hiệp hội Phật giáo mới vốn năng động và cấp tiến hơn. Các tôn giáo bị cấm như Nhất Quán Đạo bắt đầu được chính quyền công nhận. [16]
Trong thập niên 1990, sau một thời gian cấm nhiều tôn giáo hoạt động, chính quyền Việt Nam cũng bắt đầu công nhận các tôn giáo như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Baha'i, Mặc Môn, v.v. Tuy nhiên, Việt Nam lại đi theo hướng trái ngược với Đài Loan. Các tôn giáo ở Việt Nam được chính quyền công nhận để dễ dàng kiểm soát. Trong khi đó, Đài Loan bắt đầu chính sách tự do tôn giáo kéo theo nhiều vụ bê bối.
Cho đến nay, bạn vẫn rất có thể bắt gặp một số cuộc tuần hành trên đường phố Đài Bắc đòi chính quyền cải cách luật thuế liên quan đến vụ án về một nhóm tôn giáo đã xảy ra cách đây 26 năm.
Đó là vào năm 1996, cảnh sát bắt giữ Tiến sĩ Hồng Đạo Tử (Hong Tao-Tze) cùng vợ và hai đệ tử của ông. Một số tài sản của ông bị đóng băng. Ông Hồng và ba người bị buộc tội lừa đảo và trốn thuế. [17]
Ông Hồng lập ra học viện khí công và võ thuật Thái Cực Môn (Tai Ji Men) vào năm 1966. Tổ chức này dần có sức ảnh hưởng lớn với nhiều hoạt động phổ biến văn hóa truyền thống Trung Hoa, vận động hòa bình cho thế giới. Công tố viên cáo buộc ông Hồng phạm tội lừa đảo và trốn thuế trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 1996. [18] Cáo buộc trốn thuế này có liên quan đến khoản tiền trong các bao lì xì đỏ mà các đệ tử gửi cho ông Hồng. Theo công tố viên, số tiền này được tính là học phí và phải chịu thuế. [19]
Phải đến năm 2007, Tối cao Pháp viện Đài Loan mới bãi bỏ cáo buộc hình sự đối với vụ án này. Các phán quyết theo sau đó của tòa án các cấp cũng đều có lợi cho ông Hồng và các bị cáo khác. Các cơ quan thuế vụ đã hủy bỏ các đơn thuế của các năm nhưng lại đòi truy thu duy nhất năm 1992. [20] Năm 2020, cơ quan thuế đã bán đấu giá một khu đất tịch thu trước đó của ông Hồng để truy thu thuế. [21]
Năm 2021, trong một video được công bố, một nhân viên thuế vụ thừa nhận rằng công tố viên đã buộc tội ông Hồng và những người khác mà không có bằng chứng, sau đó đã nhờ anh khai chứng giả. Cho đến nay, vụ án của Tiến sĩ Hồng vẫn còn tranh chấp. Nó là điển hình cho di chứng của thời kỳ hậu độc tài. [22]
Năm 1996 chính là năm Đài Loan lần đầu tiên tổ chức bầu cử trực tiếp tổng thống. Các phe phái trong các đảng chính trị đã liên kết với các tổ chức tôn giáo nhất định để tìm kiếm phiếu bầu. Cuối cùng, Lý Đăng Huy (Lee Teng-Hui), thuộc đảng KMT, người sau này được gọi là “Mr. Dân chủ” vì thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, đắc cử tổng thống.
Sau cuộc bầu cử, Đài Loan nổi lên một số vụ ám sát đối với các chính trị gia như vụ đột nhập, bắn chết ông Lưu Bang Hữu (Liu Pang-You); [23] vụ bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại đảng viên DPP bà Bành Uyển Như (Peng Wan-ru); [24] vụ cưỡng hiếp, giết hại một bé gái năm tuổi ngay tại Sở chỉ huy Lực lượng Không quân; [25] hay vụ án bắt cóc, giết hại cô gái 17 tuổi Bạch Hiểu Yến (Pai Hsiao-yen), con gái của một ngôi sao truyền hình khi ấy. [26]
Theo nhà nghiên cứu người Đài Loan Thái Chính An (Tsai Cheng-an), các vụ án nghiêm trọng đã khiến công chúng gây áp lực vô cùng lớn lên chính quyền. Bộ Tư pháp đã quyết định tấn công vào các nhóm tôn giáo để vừa chuyển hướng dư luận, vừa trừng phạt các nhóm tôn giáo không ủng hộ Lý Đăng Huy. [27]
Chùa Phật Quang Sơn (Fo Guang Shan) do Hòa thượng Tinh Vân (Hsing Yun) trụ trì bị cáo buộc xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai, xả rác gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế. Báo chí cũng đăng hàng loạt các bài viết gây sốc về ngôi chùa để tạo dư luận. Sau nhiều cuộc biểu tình được dàn dựng, ngôi chùa phải đóng cửa trong ba năm. [28]
Thiền sư Ngộ Giác Diệu Thiên (Wu Jue Miao Tian), người sáng lập Hiệp hội Thiền Phật giáo Đài Loan, bị cáo buộc lừa đảo và trốn thuế liên quan đến một ngôi chùa khác. Sau đó, ông được miễn tội lừa đảo nhưng bị cáo buộc trốn thuế với số tiền truy thu thuế khổng lồ. Cuối cùng, ông đồng ý trả một phần tiền thuế để thoát khỏi cuộc săn đuổi của cơ quan thuế vụ. [29]
Ông Tống Thất Lực (Sung Chi-Li), người sáng lập ra một hiệp hội tôn giáo mang tên mình, bị cáo buộc lừa đảo. Ngôi đền của hiệp hội bị cảnh sát phá hủy. Ông Tống cho rằng bản thân có sức mạnh siêu nhiên có thể mang lại quyền lực, trí tuệ, may mắn cho các tín đồ. [30] Các tín đồ phải mua tranh ảnh, sách, video từ ông với giá cắt cổ. Ông bị kết án bảy năm tù giam. Đến năm 2003, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ cáo buộc, tuyên các hoạt động của hiệp hội là quyền tự do tôn giáo và được nhà nước bảo vệ. [31]
Hòa thượng Duy Giác (Wei Jue), trụ trì tu viện Trung Đài Sơn (Chung Tai Shan), cũng bị truy tố về tội trốn thuế và lừa đảo, nhưng sau đó được tòa tuyên trắng án. [32]
Cả bốn người nêu trên đều ủng hộ các đối thủ chính trị của Lý Đăng Huy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996 là Trần Lý An (Chen Lu-An) - ứng cử viên tổng thống độc lập, và Tạ Trường Đình (Hsieh Chang-Ting) - ứng cử viên phó tổng thống thuộc DPP. [33]
Ngoài ra, có một tôn giáo tại Đài Loan mà nhiều người Việt Nam biết đến cũng bị buộc tội lừa đảo và trốn thuế. Đó là Pháp Môn Diệu Âm. Vì các cáo buộc này, người sáng lập Thanh Hải Vô Thượng Sư đã phải rời bỏ Đài Loan trong một thời gian. [34]
Cho đến năm 1996, trong khi Đài Loan đang chuyển đổi dân chủ, quốc gia này vẫn chịu di chứng của thời kỳ độc tài khi các lãnh đạo cũ vẫn quen với việc sử dụng báo chí, dùng các cơ quan của chính quyền như cục thuế, tòa án để đàn áp các tổ chức tôn giáo nhúng tay vào chính trị.
Khi chế độ độc tài tắt thở, đất nước hít vào những hơi thở đầu tiên của thể chế dân chủ. Những hơi thở tự do ấy mang lại lợi ích cho rất nhiều bên.
Các tổ chức tôn giáo ở Đài Loan đã hưởng lợi lớn trong thời kỳ đầu chuyển đổi dân chủ. Tuy nhiên, tự do cũng mang lại những vụ bê bối tôn giáo khiến nhiều người cho rằng cần phải thông qua một bộ luật để quản lý tôn giáo.
Nghe có vẻ như rất phù hợp. Tôn giáo gì thì cũng cần phải tuân thủ pháp luật, tránh lợi dụng để trục lợi.
Tuy nhiên, rất ít các nền dân chủ trên thế giới ban hành luật để quản lý tôn giáo. Hầu hết các quốc gia phương Tây hướng đến một chính sách “twin toleration” (tạm dịch là sự khoan dung song hành), được hiểu là nhà nước không cố can thiệp vào các hoạt động tôn giáo để đổi lại việc các tôn giáo sẽ không tìm cách kiểm soát nhà nước.
Khi Đài Loan chuyển đổi dân chủ, đảo quốc này cũng loay hoay với câu hỏi có nên ban hành luật về tôn giáo hay không.
Năm 1993, Bộ Nội vụ Đài Loan đã đệ trình Luật về các Tổ chức Tôn giáo (Law on Religious Corporations). Tuy nhiên, phần lớn các lãnh đạo tôn giáo lúc này có quan điểm rằng nhà nước không nên can thiệp vào các vấn đề tôn giáo. [35]
Năm 1994, Hiệp hội Phật giáo Đài Loan, một hiệp hội độc quyền về Phật giáo trong thời kỳ thiết quân luật, soạn một bộ luật riêng của mình về tôn giáo nhưng cũng thất bại. Cùng năm, chính quyền đã thông qua một quy định về hoạt động từ thiện có lợi đối với các tổ chức tôn giáo. [36]
Trước làn sóng tôn giáo mới tràn ngập Đài Loan, Hòa thượng Tinh Vân cũng tự mình đề nghị một bộ luật tôn giáo nhằm bảo vệ uy tín của các tôn giáo. Tuy nhiên, các lãnh đạo Phật giáo khác không tán thành, với lý do lập pháp về tôn giáo để ngăn chặn lừa đảo là một phản ứng thái quá. [37]
Dưới thời Tổng thống Lý Đăng Huy, chính quyền thông qua một số quy định, thủ tục, biện pháp để quản lý các khía cạnh về hoạt động tôn giáo như từ thiện, giáo dục, quản lý đất đai, quy định về việc chức sắc từ đại lục đến Đài Loan, việc xây dựng đền, chùa trên núi, v.v. Cách tiếp cận này được duy trì dưới thời tổng thống kế tiếp là Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian). [38]
Cho đến nay, các lãnh đạo tôn giáo vẫn bất đồng về việc ban hành một bộ luật đối với tôn giáo. Năm 2015, một số lãnh đạo hiệp hội tôn giáo lớn ở Đài Loan kêu gọi Bộ Nội vụ ban hành luật để giám sát tài chính của các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, một bộ luật như vậy lại gây bất lợi cho các tôn giáo nhỏ. [39]
Có ba lý do ngăn cản Đài Loan thông qua một đạo luật về tôn giáo.
Thứ nhất, di chứng của chế độ độc tài về việc đã từng đàn áp tôn giáo. Do đó, hoạt động lập pháp nào về tôn giáo cũng dễ gây ra cảm giác là chính quyền có thể trở nên độc tài như trong quá khứ.
Thứ hai, Đài Loan đã trở thành một hình mẫu về tự do tôn giáo, luôn phản đối Trung Quốc đàn áp tự do tôn giáo cho nên khó có thể vừa chỉ trích đại lục, vừa siết chặt quản lý tôn giáo ở nước mình.
Thứ ba, mối quan hệ giữa các chính trị gia và các lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt trong các cuộc bầu cử, gây khó khăn cho việc can thiệp sâu vào tôn giáo.
Cho đến nay, Đài Loan vẫn thả cửa đối với các tôn giáo. Chính quyền không kiểm soát tài chính của các tổ chức tôn giáo. Bạn có thể hoạt động tôn giáo mà không cần xin phép. Điều này đã giải phóng tiềm năng của các tổ chức tôn giáo cả về kinh tế và an sinh xã hội.
Đài Loan không chỉ có các nhân vật tôn giáo nổi danh trên thế giới mà còn có các tổ chức từ thiện ở tầm cỡ quốc tế như tổ chức cứu trợ nhân đạo Phật giáo Từ Tế (Tzu Chi). Trong khi đó, các tôn giáo tại Việt Nam, do chật vật với các quy định kiểm soát của chính quyền, không xây dựng được tổ chức từ thiện nào có tầm cỡ trong khu vực. Ngoại trừ thiền sư Thích Nhất Hạnh vốn phát triển tăng đoàn của mình ở nước ngoài, Việt Nam không có nhân vật tôn giáo nào có sức ảnh hưởng đối với thế giới.
Người Đài dù theo hay không theo tôn giáo cũng được hưởng lợi lớn từ chính sách tự do tôn giáo cởi mở. Các tổ chức tôn giáo với tài chính khổng lồ có vai trò lớn trong việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội cho công chúng. Trong khi đó, từ sau năm 1975 đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn cấm các tổ chức tôn giáo tham gia một cách chuyên nghiệp vào lĩnh vực an sinh xã hội.
Đài Loan cũng đã trở thành một nơi chào đón tất cả các tôn giáo mới. Người Việt vẫn đều đặn đáp máy bay tới và đóng góp tiền của vào Đài Loan thay vì cho Việt Nam, nơi vẫn đuổi bắt các nhóm tôn giáo mới.
1. Walking through 228 : 10 Facts About 228. (2017, February 27). OFTaiwan. Retrieved September 15, 2022, from https://oftaiwan.org/2015/02/27/walking-through-228-10-facts-about-228/
2. Taiwan’s White Terror: Remembering the 228 Incident. (n.d.-b). Foreign Policy Research Institute. Retrieved September 15, 2022, from https://www.fpri.org/article/2017/02/taiwans-white-terror-remembering-228-incident/
3. Laliberté, A. (2009, June). The Regulation of Religious Affairs in Taiwan: From State Control toLaisser-faire? Journal of Current Chinese Affairs, 38(2), 53–83. https://doi.org/10.1177/186810260903800203
4. Uncompleted Transitional Justice in Taiwan: Repression of Religious and Spiritual Minorities and the Tai Ji Men Case. (2021, October). The Journal of Cesnur, Volume 5(Issue 5), 68–93. https://doi.org/10.26338/tjoc.2021.5.5.5
5. Xem [3].
6. Xem [3].
7. Xem [3].
8. R. Katz, P. (2003, June). Religion and the State in Post-War Taiwan. The China Quarterly, Page 402. https://www.jstor.org/stable/20059000?seq=8#metadata_info_tab_contents
9. Phương, T. (2020, November 13). Miền Nam sau 30/4/1975: Tàn phá các đền miếu, biến danh nhân thành tội nhân. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved September 15, 2022, from https://luatkhoa.org/2020/04/mien-nam-sau-30-4-1975-tan-pha-cac-den-mieu-bien-danh-nhan-thanh-toi-nhan/
10. Richard Madsen. (2007, November). Democracy’s Dharma Religious Renaissance and Political Development in Taiwan. https://content.ucpress.edu/chapters/10896.ch01.pdf
11. 台北時報. (2020, March 4). FEATURE: Church played catalyst role on road to reforms. Taipei Times. Retrieved September 15, 2022, from https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2007/08/13/2003373915
12. Xem [11].
13. Xem [11].
14. Reporter, T. (2021a, June 20). Life Under Martial Law: It Was Suddenly Over, But Then What? The Taiwan Gazette. Retrieved September 15, 2022, from https://www.taiwangazette.org/news/2019/7/14/life-under-martial-law-it-was-suddenly-over-but-then-what
15. Gazette, T. T. (2022, August 14). The Law and Politics of Taiwan’s Transitional Justice: An Interview with Cheng-Yi Huang (Part 1). The Taiwan Gazette. Retrieved September 15, 2022, from https://www.taiwangazette.org/news/2022/7/15/the-law-and-politics-of-taiwans-transitional-justice-an-interview-with-cheng-yi-huang
16. Xem [3].
17. Xem [4]
18. Xem [4]
19. Massimo Introvigne. (2022, April). The Tai Ji Men Case and European Values: A Test for Democratic Taiwan. The European Times. https://www.europeantimes.news/2022/04/the-tai-ji-men-case-and-european-values-a-test-for-democratic-taiwan/
20. Xem [4].
21. Massimo Introvigne. (2022, April). The Tai Ji Men Case and European Values: A Test for Democratic Taiwan. The European Times. https://www.europeantimes.news/2022/04/the-tai-ji-men-case-and-european-values-a-test-for-democratic-taiwan/
22. Xem [4].
23. 台北時報. (2020b, March 4). Suspected murderer of former Taoyuan County official escapes police. Retrieved September 15, 2022, from https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/1999/09/20/0000003243
24. Women\’s foundation seeks financial aid - Taipei Times. (2020, March 1). Retrieved September 15, 2022, from https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2003/07/06/2003058253
25. 台北時報. (2020a, March 3). Exonerated man given compensation. Taipei Times. Retrieved September 15, 2022, from https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2015/06/30/2003621929
26. 台北時報. (2020b, March 3). Time to focus on preventing crime. Taipei Times. Retrieved September 15, 2022, from https://www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2006/04/26/2003304687
27. Xem [4].
28. Xem [4].
29. Xem [4].
30. Reporter, S. (1996, October 13). Politician linked to cult leader. South China Morning Post. Retrieved September 15, 2022, from https://www.scmp.com/article/177880/politician-linked-cult-leader
31. Xem [3].
32. Xem [4].
33. Xem [4].
34. Xem [4].
35. Xem [3].
36. Xem [3].
37. Xem [3].
38. Xem [3].
39. Taiwan Business TOPICS Magazine. (2015, October 21). Religion in Taiwan: When Faith and Money Collide. The News Lens International Edition. Retrieved September 15, 2022, from https://international.thenewslens.com/article/26900