Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bạn đọc thân mến,
Hôm nay, Luật Khoa phát hành số báo tháng Mười. Đây là sản phẩm thứ hai trong các số báo định kỳ sẽ xuất bản hàng tháng, theo mô hình hoạt động mới của Luật Khoa.
Mỗi tháng, Luật Khoa chọn ra một chủ đề lớn để tập trung các bài viết giới thiệu và phân tích, nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn đủ rộng và đủ dày về nó. Ngoài ra, số báo tháng cũng sẽ dành đất cho những chuyên mục thường xuyên được nhiều bạn đọc quan tâm.
Trong số báo tháng đầu tiên, chủ đề được chọn là dữ liệu cá nhân, một vấn đề quan trọng ảnh hưởng sát sườn đến tất cả chúng ta nhưng người dân trong nước gần như không có cơ hội nào được thảo luận, chưa nói đến việc có quyền tham gia quyết định.
Đó là một trong những mảng chính mà Luật Khoa đã, đang và sẽ tiếp tục dành nguồn lực theo đuổi: các vấn đề chính trị, pháp luật và xã hội ở Việt Nam, đi kèm với việc giám sát các hoạt động của nhà nước.
Một mảng khác thuộc về nhóm đề tài truyền thống xưa nay của Luật Khoa là các vấn đề quốc tế, trong đó tập trung vào những nước có nhiều liên hệ và các bài học gần gũi cho quá trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Đây là chủ đề của số báo tháng này.
Có nhiều lý do để Đài Loan được lựa chọn làm chủ đề chính của số báo tháng Mười.
Đó một phiên bản khác biệt, nếu không muốn nói là trái ngược với người hàng xóm Trung Quốc của chúng ta. Người Đài Loan cũng từng phải sống dưới chế độ độc tài trong một thời gian dài. Nhiều thế hệ tinh anh, kiệt xuất của họ hoặc bị sát hại, tù đày hoặc phải sống lưu vong.
Chỉ mới vài thập niên trước, người dân đảo quốc này luôn phải sống trong sợ hãi, ở bên ngoài thì không dám bày tỏ chính kiến, ở trong nhà cũng không được làm chính mình. Cha mẹ không dám kể lại những tội ác của chính quyền cho con cái, còn những đứa trẻ không được biết gì ngoài những bài học tẩy não trong nhà trường.
Vậy nhưng từng bước, từng bước một, họ vẫn tìm ra được cách bước ra khỏi bóng tối.
Lịch sử Đài Loan là một lịch sử đầy biến động với những sự kiện ngẫu nhiên được áp lên nơi này. Một vùng đất của di dân. Một hòn đảo nhiều thế kỷ bị các vương triều chê bai không ngó ngàng tới. Rồi thực dân phương Tây xuất hiện. Rồi các thế lực khác đến tranh giành, nhưng chỉ xem nơi đây là bàn đạp cho những tham vọng lớn hơn. Đến khi Quốc Dân Đảng thua trận rút về Đài Loan, hòn đảo nhỏ này bỗng dưng phải gánh lấy toàn bộ sức nặng của một Trung Hoa Dân Quốc dang dở. Và sau hàng thế kỷ sống dưới các danh tính áp đặt, từ cả bên trong lẫn bên ngoài, người Đài Loan đang dần hình thành một danh tính riêng biệt.
Mọi thứ ở nơi này đều diễn ra ngẫu nhiên không theo sắp đặt. Như cách tác giả Lâm Hiếu Đình (Hsiao-ting Lin) gọi trong quyển sách cùng tên, Đài Loan đích thực là một “quốc gia tình cờ” (accidental state).
Nếu có dịp đến Đài Loan, bạn sẽ không thể nhận ra sự ngột ngạt, sợ hãi và tù túng, vốn từng một thời là đặc trưng của chế độ thiết quân luật tại đây.
Thay vào đó, Đài Loan ngập tràn không khí sôi động của tự do và dân chủ.
Số báo này hy vọng sẽ gửi đến cho bạn một phần thứ sinh khí tươi mới đó.
Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi tới:
Trân trọng cảm ơn,
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí