‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chính quyền luôn duy trì sự thù địch đối với các nhóm tôn giáo độc lập.
Đầu tháng 11/2022, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Long An, đã quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai. [1]
Theo Bộ luật Hình sự, người phạm tội này có thể chịu mức án tù tăng dần theo giá trị tài sản chiếm đoạt, từ 2 đến 7 năm tù giam nếu tài sản đó trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; và có thể lên đến 20 năm tù giam hoặc chung thân nếu tài sản đó trị giá trên 500 triệu đồng. Một bản án tù rất nặng có thể đang chờ các thành viên Tịnh thất Bồng Lai.
Hiện nay, chi tiết về vụ án này vẫn chưa được thông tin một cách rõ ràng. Tuy nhiên, đây không phải là một vụ án lừa đảo thông thường.
Tịnh thất Bồng Lai trước hết là một nhóm thực hành tôn giáo, có xu hướng Phật giáo. Nhóm này cho rằng họ có thể hoạt động không cần đăng ký với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). [2]
Tuy nhiên, khi Tịnh thất Bồng Lai ngày càng nổi tiếng thì các nhà sư của GHPGVN đã lên tiếng. Những nhà sư này cáo buộc các thành viên tịnh thất lợi dụng Phật giáo, gọi tắt là “giả sư”. Mặt khác, Giáo hội cũng cáo buộc rằng các thành viên tịnh thất đã xúc phạm Phật giáo qua các bộ phim do tịnh thất tự sản xuất, phát hành trên mạng xã hội.
Các thành viên của tịnh thất cũng lâm vào một biến cố với chính quyền tỉnh Long An do vụ việc “truy tìm cô gái Diễm My”, một người đã bỏ nhà đến Tịnh thất Bồng Lai xin đi tu và sau đó thì mất tích. Để tìm kiếm cô gái này, các thành viên tịnh thất đã biểu tình tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cáo buộc cơ quan này bắt cóc cô gái.
Đến đây, bạn có thể thấy rằng mâu thuẫn đang diễn ra giữa một bên là một nhóm tôn giáo độc lập, thiểu số, thiếu thốn tiềm lực pháp lý và bên kia là cơ quan công an cộng với GHPGVN - một tổ chức tôn giáo lớn, vô cùng thân thiết với chính quyền.
Thêm vào đó, chính quyền Việt Nam vốn dĩ luôn duy trì sự thù địch đối với các nhóm tôn giáo độc lập.
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đã khẳng định sau chuyến làm việc chính thức tại Việt Nam năm 2014: “Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng [tôn giáo, tín ngưỡng độc lập, không được công nhận ở Việt Nam] bị vi phạm rõ ràng với sự giám sát, đe dọa, sách nhiễu và đàn áp liên tục.” [3]
Vì sao chính quyền lại thù địch đối với các nhóm tôn giáo độc lập? Đây thuần túy là lý do chính trị. Chính quyền muốn kiểm soát tất cả các nhóm tôn giáo qua việc phê duyệt hoạt động, chỉ những nhóm nào chính quyền chấp nhận thì mới được phép hoạt động chính thức, và thậm chí phải trở thành công cụ kiểm soát tôn giáo cho chính quyền. Các tổ chức tôn giáo lớn có thể kháng cự lại sự ảnh hưởng này của chính quyền. Tuy nhiên, đối với các tổ chức tôn giáo nhỏ, nhất là các nhóm tôn giáo mới thì chính quyền hiện nay đang đàn áp nặng nề, tìm mọi cách để trấn áp, xóa bỏ, đặc biệt nếu nhóm đó có các hoạt động công khai, gây chú ý.
Tịnh thất Bồng Lai hoàn toàn có thể được xem là một nhóm tôn giáo mới và đang làm công chúng chú ý. Họ tự sáng lập cơ sở của mình, tự chủ động tài chính, tự diễn giải giáo lý tôn giáo mà họ thực hành, và đặc biệt là không chịu sự quản lý của một tổ chức tôn giáo đã được chính quyền cấp phép hoạt động. Một tổ chức như vậy sẽ bị cho là đang thách thức chính sách tôn giáo của chính quyền.
Do đó, vụ án của Tịnh thất Bồng Lai có nhiều khả năng trở thành một vụ trù dập tôn giáo dựa trên động cơ chính trị. Để một tổ chức có khả năng thu hút quần chúng như Tịnh thất Bồng Lai tiếp tục hoạt động tức là làm suy yếu chính sách kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt của nhà nước.
Có thể bạn đã biết tôn giáo và nhà nước có mối quan hệ rất nhạy cảm. Hai khu vực này nếu không tách biệt lẫn nhau thì sẽ trở nên ảnh hưởng lẫn nhau. Chính quyền có thể ưu ái một số nhóm tôn giáo nhất định nhằm đạt được những lợi ích riêng của mình như củng cố quyền lực chính trị, kiểm soát sự bất đồng trong công chúng, tuyên truyền chính trị. Đương nhiên, khi có một số nhóm tôn giáo được ưu ái sẽ gây ra tình trạng phân biệt đối xử giữa các tôn giáo.
Do đó, sự tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo thường là nguyên tắc quan trọng của các nước có thể chế dân chủ. Có nghĩa là tôn giáo không cố gắng ảnh hưởng đến chính trị, đổi lại nhà nước sẽ đối xử bình đẳng giữa các tổ chức tôn giáo.
Tuy nhiên, các thể chế độc tài thường tìm cách thiết lập mối quan hệ đổi chác với các tổ chức tôn giáo, hoặc sẽ trừng phạt các tổ chức tôn giáo đó nếu không đồng ý hợp tác hoặc chống đối. Chính quyền sẽ có nhiều cách để “trừng phạt một cách hợp pháp” như cáo buộc các tội lừa đảo, trốn thuế, vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, v.v.
Ví dụ như trường hợp của Đài Loan. Sau cuộc bầu cử năm 1996, Quốc Dân Đảng (KMT) thắng cử và đã trừng phạt hàng loạt các tổ chức tôn giáo không ủng hộ đảng này. [4]
Ông Tống Thất Lực (Sung Chi-Li), người sáng lập ra một hiệp hội tôn giáo cùng tên với ông, đã bị bắt giữ ngay sau cuộc bầu cử vì tội lừa đảo. Ông Lực tự cho mình là người có sức mạnh siêu nhiên có thể chữa được các bệnh tật. Tòa án đã tuyên ông 7 năm tù giam, phá hủy cơ sở của ông. Đến năm 2003, Tòa án Tối cao đã bác bỏ cáo buộc, tuyên các hoạt động của ông là thực hành quyền tự do tôn giáo và được nhà nước bảo vệ. [5]
Ngoài ông Tống Thất Lực, các nhà lãnh đạo tôn giáo khác cũng đã bị cáo buộc các tội danh như lừa đảo, trốn thuế, bao gồm Hòa thượng Tinh Vân, Hòa thượng Duy Giác, Thiền sư Ngộ Giác Diệu Thiên, Tiến sĩ Hồng Đạo Tử - tất cả đều không ủng hộ KMT trong cuộc bầu cử năm 1996. Sở dĩ KMT có thể làm được đều này vì lúc đó Đài Loan đang chuyển đổi sang thể chế dân chủ, các cơ quan như tòa án, cục thuế vẫn bị KMT ảnh hưởng. [6]
Tại Việt Nam, tòa án lâu nay đã trở thành một công cụ của chính quyền. Thay vì tạo ra chuẩn mực pháp lý, tòa án lại trở thành vũ khí để trừng phạt những ai dám làm trái ý, đối đầu chính quyền, bao gồm các tổ chức tôn giáo.
Vào tháng 7/2022, các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai đã bị tuyên án tù theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân - vốn là một điều luật mơ hồ, cản trở quyền tự do ngôn luận. Sắp tới, họ sẽ phải đối diện với cáo buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - cũng là một điều luật mà các thể chế độc tài sử dụng để trừng phạt các nhóm tôn giáo.
Bạn có thể thắc mắc rằng, chẳng lẽ không thể buộc tội lừa đảo cho một tổ chức tôn giáo nếu họ thực sự phạm tội? Câu trả lời là còn tùy vào vụ việc và bối cảnh chính trị. Lừa đảo dựa trên cảm tình về tôn giáo là rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, việc truy tố tội danh này cần phải thể hiện sự công tâm, công bằng, bình đẳng và không gây ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo.
1. Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai. (2022, November 1). Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20221111082054/https://thanhnien.vn/khoi-to-vu-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tai-tinh-that-bong-lai-post1516790.html
2. Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: Rốt cuộc họ phạm tội gì? (2022, June 22). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2022/06/vu-an-tinh-that-bong-lai-rot-cuoc-ho-pham-toi-gi/
3. Xem [2].
4. Khi chế độ độc tài tắt thở: Tôn giáo Đài Loan chuyển mình tự do như thế nào? (2022, October). Số tháng Mười, 2022, Đài Loan, Luật Khoa. https://store.luatkhoa.com/l/baothangmuoi2022
5. Xem [4].
6. Xem [4].