‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Nếu xã hội dân sự không tồn tại, người nhảy vào có thể sẽ là xã hội đen.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022.
Một nhà nghiên cứu chuyển đến sống tại một nước khác. Trong một năm ở đây, ông nhận ra thành phố này không có tổ chức dân sự nào hoạt động và chủ động tương tác với người dân. Đó đây có một vài hiệp hội doanh nghiệp, vài tổ chức thương nhân, nhà thờ, nhưng những nơi này đều không mặn mà gì với việc thu hút người bên ngoài.
Những người dân ở đây không tin thứ gì, kể cả Chúa trời. Hàng xóm không tin tưởng nhau. Chồng không tin tưởng vợ. Vợ cũng chẳng tin tưởng chồng.
Thành phố kể trên nằm ở miền Nam nước Ý. Vào thập niên 1950, vùng đất này gần như nằm hoàn toàn dưới sự cai quản của các băng đảng tội phạm (mafia).
Tại đó, giữa chính quyền và người dân là một khoảng trống mênh mông, không có tổ chức xã hội nào ở giữa điều hòa các mối quan hệ. Mafia lấp vào khoảng trống đó, kiểm soát toàn bộ mọi mặt đời sống.
Ví dụ về mafia thường được dùng để minh họa cho mô hình nghịch (anti-model), rằng đó là điều có thể xảy ra ở một nơi không có xã hội dân sự.
Tất nhiên, bạn có thể nói rằng giải pháp cho vấn đề trên là ở năng lực của chính quyền. Nếu chính quyền đủ mạnh thì sẽ dẹp được các băng đảng tội phạm.
Điều này hoàn toàn hợp lý, nhưng nó chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề: một xã hội không có niềm tin.
Niềm tin vốn dĩ đóng vai trò như chất bôi trơn của xã hội (social lubricant). Thiếu nó, xã hội như một cỗ máy không thể vận hành trơn tru, luôn có thể bị cháy vì bất kỳ ma sát nhỏ nào.
Vậy đặt hết niềm tin vào chính quyền là giải quyết được vấn đề chứ gì?
Đây đích thực là giải pháp của không ít người từ xưa đến nay, và nó giống như câu cửa miệng quen thuộc mà người Việt Nam vẫn được nghe mỗi ngày: để đảng và nhà nước lo.
Nếu sống đủ lâu ở Việt Nam, bạn hẳn biết rõ kết quả, hay hậu quả của giải pháp ký gửi trọn gói niềm tin vào đảng là ra sao.
Nhưng ngay cả với những chính quyền trong sạch, vững mạnh, những thể chế được xem là ưu việt nhất, người dân cũng không lựa chọn đặt niềm tin hoàn toàn vào đó.
Họ cần một mối quan hệ độc lập, hợp tác ngang bằng, và trong nhiều trường hợp cần thiết, đối trọng với chính quyền.
Xã hội dân sự - nơi những công dân tập hợp lại cho một mục đích nào đó - được xem là đáp án cho những nhu cầu trên.
Nhiều quan điểm còn chứng minh, một xã hội dân sự mạnh mới là tiền đề tạo nên một thể chế tốt, một chính quyền có trách nhiệm, từ đó xứng đáng với niềm tin của người dân.
Nhưng cũng có ý kiến nghi ngờ, ít nhất là tranh cãi với góc nhìn rằng xã hội dân sự muốn làm đúng vai trò thì phải độc lập, tách rời và không phụ thuộc vào nhà nước.
Tất cả những tranh luận như trên và nhiều vấn đề khác xoay quanh câu chuyện về xã hội dân sự được đề cập chi tiết trong quyển “The Third Sector: Community Organizations, NGOs, and Nonprofits” (Khu vực thứ ba: Các tổ chức cộng đồng, phi chính phủ và phi lợi nhuận) của hai tác giả Meghan Kallman và Terry Clark. [1]
Cuốn sách tổng hợp phong phú nhiều nghiên cứu xưa nay về xã hội dân sự, với các lý thuyết và quan điểm khác nhau, kết hợp cùng những công trình phân tích riêng của hai tác giả. Khu vực “thứ ba” trong tên sách nhắc đến những gì nằm ngoài hai khu vực nhà nước và thị trường.
Bạn sẽ thấy lý do mà nhiều người ủng hộ xã hội dân sự, thông qua cách tiếp cận về “vốn xã hội” (social capital) và vai trò của nó đối với sự phát triển lành mạnh của mỗi cá nhân, của toàn bộ xã hội lẫn thể chế chính trị.
Bạn cũng sẽ thấy những phản biện dành cho các quan niệm truyền thống của phương Tây về xã hội dân sự, với nhiều dẫn chứng thực tế từ các nước Á Đông.
Cuốn sách trình bày mô hình của sáu nước, từ phương Tây (Mỹ và Pháp) đến phương Đông (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc).
Bạn sẽ thấy tuy cùng là phương Tây, nhưng mô hình của Pháp lại chẳng giống gì Mỹ mà chia sẻ nhiều điểm chung với Nhật hơn; và tuy cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, nhưng Nhật và Hàn lại khác xa Trung Quốc, còn Đài Loan thì nằm đâu đó giữa giữa. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc là hai thái cực chẳng giống ai.
Để tìm hiểu và đánh giá các mô hình xã hội dân sự khác biệt nhau, nhóm tác giả giới thiệu một khung lý thuyết được gọi là “institutional logics”, tạm dịch là những đặc điểm vận hành.
Theo đó, có năm phương diện để đánh giá khu vực xã hội dân sự: quan hệ với nhà tài trợ (clientelism), tư tưởng bảo hộ (paternalism), quan hệ với bộ máy hành chính (bureaucracy), tinh thần hành động (activism), và mức độ chuyên nghiệp (professionalism).
Thông qua mối quan hệ tương tác, và trong nhiều trường hợp là đối nghịch giữa các đặc điểm này, người ta có thể so sánh, tìm ra điểm chung và khác biệt giữa các mô hình xã hội dân sự tại các quốc gia khác nhau, vốn chịu ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử, văn hóa và chính trị riêng biệt.
Những kết luận có được từ sách phần nhiều không phải là các đáp số toán học rõ ràng. Chính xác hơn, chúng không phải là những phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản, mà giống như những phương trình phức tạp với nhiều ẩn số cần được tiếp tục giải đáp.
Điều đó cũng phản ánh bản chất của xã hội dân sự và thế giới chúng ta đang sống, nơi các kết luận đơn giản và hời hợt trong nhiều trường hợp dễ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. The Third Sector: Community Organizations, NGOs, and Nonprofits: Kallman, Meghan, Clark, Terry: 9780252084294: Amazon.com: Books. (n.d.). https://www.amazon.com/Third-Sector-Community-Organizations-Nonprofits/dp/0252084292