Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Đổi Mới = phi tập trung hóa quyền lực nhà nước.
Bạn có biết Việt Nam từng có đến 70 cơ quan cấp bộ trước năm 1986 và nay chỉ còn 22? Bạn có biết tỷ lệ lãnh đạo các tỉnh, thành trong Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tăng từ 15,6% năm 1982 lên gần 40% trong những khóa gần đây? Và kể từ năm 1991, hai bí thư của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bắt đầu có mặt trong Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực nhất của Việt Nam?
Đây là những con số thuộc loại quan trọng nhất của chính trị Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Chúng cho thấy quá trình chính quyền trung ương bị thu hẹp lại và chính quyền địa phương ngày càng có quyền lực hơn. Đó là điểm cốt lõi trong bức tranh cải cách thể chế ở Việt Nam.
Đây cũng là luận điểm chính của cuốn sách có tên “Vietnam: A Pathway from State Socialism” do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành năm 2019. Bằng một cuốn sách mỏng, học giả Thaveeporn Vasavakul đã tóm tắt tiến trình cải cách thể chế Việt Nam trong suốt gần 40 năm qua.
Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ thấy tác giả dùng đi dùng lại thuật ngữ “decentralization” (phi tập trung hóa) để mô tả quá trình cải cách thể chế Việt Nam. Tác giả gọi thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp ở ta trước năm 1986 là “state socialism” (chủ nghĩa xã hội nhà nước) - với vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc kiểm soát các nguồn lực xã hội. Quá trình Đổi Mới đồng thời là quá trình tổ chức lại bộ máy nhà nước theo hướng kinh tế thị trường. Trên thực tế, đó là một cuộc dịch chuyển khổng lồ của quyền lực bên trong bộ máy nhà nước một đảng ở ta.
Cuộc dịch chuyển này không phải mới bắt đầu từ năm 1986, mà đã bắt đầu từ cuối những năm 1960 ở miền Bắc với hiện tượng “khoán hộ”, “khoán chui” ở Vĩnh Phúc thời kỳ ông Kim Ngọc làm bí thư tỉnh ủy. Tiếp đó, cơ chế làm ăn tập thể kiểu xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt cũng gặp nhiều trở ngại ở miền Nam - nơi chủ nghĩa tư bản đã bén rễ hàng trăm năm. Hàng loạt hiện tượng “xé rào” diễn ra ở các tỉnh, thành, vô hình trung làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương.
Việc cải cách kinh tế theo hướng thị trường đã dẫn đến việc phải trao quyền/ tăng quyền cho các chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp tỉnh, giảm bớt quyền hạn của các cơ quan trung ương. Quá trình này diễn ra đặc biệt sôi động trong các lĩnh vực đầu tư công, cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản lý đất đai, phân bổ ngân sách nhà nước, xóa đói giảm nghèo, và tổ chức cán bộ. Kết quả là chính quyền trung ương chỉ còn nắm quyền trong các dự án quốc gia, dự án có quy mô vốn lớn, dự án có tác động tới an ninh - quốc phòng; phần còn lại nằm trong tay các quan tỉnh.
Cũng nhờ vậy mà các quan tỉnh ngày càng có thế lực hơn, hình thành các nhóm lợi ích, và khi mà giờ đây quan tỉnh cũng có một chân trong Trung ương Đảng như một bộ trưởng thì việc tỉnh có nghe lời bộ hay không là chuyện không dễ trả lời. Tác giả đã biến tấu câu tục ngữ Việt Nam “phép vua thua lệ làng” thành “phép vua thua lệ tỉnh” để mô tả tình trạng này.
Như vậy, mặc dù vẫn là thể chế chính trị một đảng, quyền lực bên trong đảng cầm quyền đã được phân bổ lại, với ngày càng nhiều nhóm lợi ích xuất hiện.
Quá trình cải cách thể chế này cũng dẫn đến rất nhiều vấn đề, trong đó có tham nhũng, trách nhiệm giải trình và xung đột giữa chính quyền địa phương với người dân. Bạn sẽ thấy tác giả kể lại sự kiện Thái Bình năm 1997 và thảm họa môi trường Formosa năm 2016 như những ví dụ điển hình để minh họa cho vấn đề trên.
Cuốn sách mỏng này được tác giả đầu tư chỉn chu để cung cấp hàng loạt thuật ngữ tiếng Việt có dấu, giúp người đọc dễ lĩnh hội các nội dung trong tiếng Anh hơn nhiều.
Bạn có thể mua quyển “Vietnam: A Pathway from State Socialism” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.