‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Nhà báo viết về nhà (tình) báo.
Tháng 10/1959, một thanh niên Việt Nam có thân người mảnh dẻ, chiều cao trung bình, mái tóc cắt cao, đôi mắt sắc sảo ẩn dưới cặp lông mày rậm, vừa đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Sau hai năm học báo chí tại bang California, Mỹ, người thanh niên ấy đã sẵn sàng thực hiện một nhiệm vụ cam go nhất trong cuộc đời anh - một nhà báo kiêm điệp viên cho Bắc Việt. Anh bắt đầu sống hai cuộc đời kể từ lúc ấy. Người thanh niên đó tên là Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn trở về Sài Gòn trong lúc phe cộng sản đang bị thanh trừng mạnh mẽ ở miền Nam. Anh bắt đầu lo sợ liệu rằng có ai biết anh đang là điệp viên cho cộng sản hay không. Sau một tháng sống trong thấp thỏm nhưng không có chuyện gì đặc biệt xảy đến, Phạm Xuân Ẩn bắt tay vào công việc của mình. Nhờ công việc trước kia của anh trong quân đội miền Nam, Phạm Xuân Ẩn đã dùng các mối quan hệ cá nhân, nhất là sự kết giao của anh với trùm đặc vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến, để gia nhập vào giới báo chí Sài Gòn. Ông Tuyến đã đưa anh vào làm báo ở Việt Tấn Xã - cơ quan thông tấn của chính quyền miền Nam khi ấy. Ẩn là nhà báo nhưng nhận lương từ cơ quan mật vụ Sài Gòn.
Từ năm 1961, Phạm Xuân Ẩn chuyển sang làm việc cho hãng tin Reuters, viết cho một số tờ báo khác và trở thành nhân sự chủ chốt của tờ Time tại Việt Nam. Trung bình cứ hai tháng một lần, Phạm Xuân Ẩn vắng mặt ở nhà, ông đi đến vùng Củ Chi, nơi đặt trung tâm liên lạc của cộng sản. Suốt 23 năm như vậy, Phạm Xuân Ẩn từng bước trở thành một nhà báo uy tín. Ông tự do ra vào Tòa Đại sứ Mỹ, được các cố vấn quân sự Mỹ thường xuyên tham vấn về tình hình chiến sự. Một người gần như không thể trở thành cộng sản như vậy lại chính là một đặc vụ chiến lược của cộng sản.
Thế giới đã gọi ông là một “Điệp viên hoàn hảo” (Perfect Spy), theo tên cuốn sách nổi tiếng của giáo sư Larry Berman, còn nhà báo người Pháp Jean-Claude Pomonti, đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn trong chiến tranh Việt Nam, gọi ông là “Một người Việt trầm lặng” (A Quiet Vietnamese) - đây cũng là tên một cuốn sách khác viết về Phạm Xuân Ẩn đã được dịch sang tiếng Việt.
“Một người Việt trầm lặng” của Jean-Claude Pomonti không phải là một cuốn sách nghiên cứu phức tạp với đầy rẫy các phân tích sự kiện lịch sử theo tuyến tính thời gian. Đây là một tường thuật mang phong cách báo chí. Tác giả là người đã tác nghiệp báo chí tại miền Nam cùng thời và rất thân quen với Phạm Xuân Ẩn. Ông cũng đã gặp lại ông Ẩn sau khi cuộc đời thứ hai của nhà tình báo này được công khai.
Khi đọc cuốn sách, bạn có thể cảm thấy như mình đang xem bộ phim về một điệp viên được Bắc Việt cài cắm vào sự hỗn độn của Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Bằng một chút tưởng tượng, cuốn sách chắc chắn sẽ đưa bạn trở lại với không khí sống động của Sài Gòn những năm tháng ấy.
Tới đây, bạn sẽ thấy Phạm Xuân Ẩn chỉ là một nhân vật, và xoay quanh con người này là những mối quan hệ phức tạp với các nhân vật khác trong một bối cảnh chính trị đầy nhọc nhằn và rủi ro nhưng cũng đầy hấp dẫn và mê hoặc.
Cuốn sách mô tả công việc báo chí của Phạm Xuân Ẩn không gì khác hơn là xâu chuỗi các sự kiện để giải thích về lịch sử hoặc dự đoán về tương lai. Đó là cách ông Ẩn làm việc, cũng như cung cấp thông tin chiến lược cho Bắc Việt.
Phạm Xuân Ẩn đã nói với tác giả: “Tôi làm việc một mình, không những thu thập tài liệu bí mật, cũng như công khai, mà tôi còn phải phân tích chúng. [...] Phân tích đòi hỏi phải hiểu biết rộng tình thế. Nếu bạn không đủ tri thức thì làm sao đưa ra một sự phân tích thông minh! Phải hòa nhập với tất cả trong mỗi lĩnh vực quân sự, xã hội, tài chính và tâm lý. Phải nhận thức sâu sắc về Mỹ. Và quan trọng là phải tìm hiểu ý đồ rồi mới đến hành động. [...] Tôi có lợi thế là biết rõ tình hình ở cả hai phe. Tôi tự xoay sở để tiếp cận được những tài liệu cộng sản - những nghị quyết do CIA và CIO (Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo - cơ quan tình báo trung ương của chế độ Việt Nam Cộng hòa) bắt được. Tôi đọc các báo cáo thẩm vấn những người cộng sản bị bắt hay những tên đào ngũ đã chạy sang đầu hàng địch. Tôi đọc các báo cáo thẩm vấn tù binh và cả những tên đang đào hầm để có chỗ đưa pháo tháo rời vào gần đối phương.”
Tuy viết về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn từ khi sinh ra cho đến lúc ông bị lộ diện là điệp viên cộng sản, Jean-Claude Pomonti đã chọn cách viết đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Điều này khiến mỗi chương đều đầy tính khám phá, mời gọi bạn đọc tiến sâu hơn nữa vào những biến cố của lịch sử. Cuốn sách có thể sẽ không phải là một kiến giải hoàn hảo về con người Phạm Xuân Ẩn hay chiến tranh Việt Nam - nhưng liệu điều đó có cần thiết hay không, hay việc tìm hiểu lịch sử nên là sự tìm tòi vô tận để mang đến những điều mới mẻ cho hiện tại.
Cuốn sách cũng khơi ra một số vấn đề mà đến nay chính quyền vẫn không muốn công khai, như các trại cải tạo sau năm 1975, nỗi thống khổ của các thuyền nhân, hay cuộc chiếm đóng ở Campuchia, v.v.
Trong chương cuối cùng của cuốn sách, Phạm Xuân Ẩn đã đưa ra một nhận định vẫn còn nóng hổi cho đến ngày hôm nay: “Nạn tham nhũng kìm hãm phát triển đến mức nào? Làm sao tạo ra được sức đối trọng để giảm bớt chủ nghĩa đơn nguyên chính trị đang gặm mòn chế độ? Tình hình Việt Nam đã đủ chín muồi để đổi mới chưa?”
Nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, hãy thử tìm hiểu lịch sử qua cuộc đời của một con người hoặc lăng kính của một người đã từng có mặt ở đấy. Cuốn sách này là một lời mời gọi hấp dẫn.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.