‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Một năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 3/11/2022.
Năm 1904, một tuyến đường sắt được khai trương, đón khách từ bán đảo Sơn Trà, men theo hữu ngạn sông Hàn, rồi xuyên qua khu đất cát Ngũ Hành Sơn tiến về một vùng đất thịnh vượng bậc nhất khi đó, nơi mà mọi con đường, mọi con sông gặp nhau. Người ngoại quốc gọi nơi đó là Faifo. Người Việt gọi vùng đất ấy là Hội An. [1]
Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam có hai phố nhà ngói liên tiếp nhau dài hàng cây số, trên bến dưới thuyền, kẻ bán người mua tấp nập, hàng hóa từ mọi miền đổ về rồi phân phối đi khắp thế giới.
Nhiều hạng người sinh sống, tới lui nơi đây. Người Hoa với các hãng buôn lớn đang chi phối nền thương mại. Thực dân Pháp đặt Tòa Công sứ tại Hội An để điều hành công việc cai trị hà khắc của mình. Không chỉ thực dân mới đối xử khắc nghiệt với người dân mà người Việt cũng ức hiếp người Việt. Nhóm người đó là các quan lại triều đình. Họ không biết rồi chẳng bao lâu nữa một tai họa sẽ giáng xuống đầu họ.
Lẫn trong đám quan lại đó, có một nhóm các chí sĩ cũng đã từng ra làm quan nhưng họ suy nghĩ rất khác. Đêm đêm, họ thao thức nghĩ cách cứu lấy đất nước. Ngày ngày, họ hội họp bạn bè để biến hoài bão thành hiện thực. Nhiều năm trước, họ có lẽ đã gặp nhau ở trường tỉnh Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn, cách Hội An chừng 10 cây số. [2]
Giống như Đại Đạo Trình của Đài Loan, thương nghiệp tại Hội An không chỉ mang đến hàng hóa mà còn chở theo sách vở, văn minh Đông Tây. Nhưng ảnh hưởng đến các chí sĩ hơn cả là tư tưởng dân quyền đang nổ ra ở bên Tàu cùng với sự thành công của công cuộc Duy Tân và hiện đại hóa của Nhật Bản.
Những thanh niên theo học trường tỉnh ấy chắc chắn được tiếp xúc đủ các tư tưởng mới mẻ, tiến bộ. Họ đã nhìn thấy sự tụt hậu thảm hại của đất nước. Giờ đây, họ đang cùng nhau khơi dậy một phong trào lớn lao nhưng thực tế, chậm rãi nhưng chắc chắn, dũng cảm nhưng khôn ngoan. Đối tượng của họ không phải là người Pháp hay đám quan lại, mà chính là người dân. Tên của họ là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng cùng nhiều sĩ phu khác.