‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Những đứa trẻ mới vừa mất mẹ nay lại mất thêm cha.
Ai cũng mong ước rằng gia đình sẽ là chỗ nương tựa vững chắc, nơi mang lại tình yêu thương cho mình và những người thân yêu. Thật may mắn nếu bạn đang sống trong một gia đình như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ chứng kiến nỗi bất hạnh tột cùng đôi khi vẫn diễn ra ngay tại một gia đình. Đứng trước những nỗi bất hạnh đó, vì thiếu kiềm chế mà người ta đã gây ra những tội ác khủng khiếp.
Sau một tội ác như vậy, thủ phạm sẽ bị đưa đến tòa án xét xử. Nhiều người đã phải nhận lấy bản án tử hình cho tội ác gây ra với người thân của họ. Sau nhiều năm quan sát những vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn gia đình, tôi chưa bao giờ thấy án tử hình mang lại bất cứ điều gì có tính xây dựng hay giáo dục người ta về ý thức củng cố, vun đắp một gia đình.
Tôi muốn bạn đi cùng tôi qua ba câu chuyện sau để cân nhắc rằng án tử hình trong các án mạng xảy ra trong một gia đình chẳng những không phải là cách giải quyết hữu hiệu đối với bạo lực gia đình, mà còn vô tình khoét thêm những tổn thương cho các gia đình ấy.
Người thứ nhất là anh Vũ Thanh Hùng, 38 tuổi. Vào tháng 5/2022, Hùng bị mang ra trước tòa án. Anh đứng đơn độc trước tòa, sau lưng anh có lẽ không còn ai khác ngoài các công an làm nhiệm vụ canh giữ bị cáo. Hùng bị xét xử về tội ác đã gây ra cho chính người vợ của mình - người đã có với anh ba mặt con. Vào ngày 16/2/2021, mâu thuẫn giữa Hùng và vợ lên đến đỉnh điểm. Buổi sáng hôm đó, theo tường thuật của báo chí, vợ của Hùng cho rằng anh chỉ yêu thương đứa con thứ hai mà không quan tâm đến đứa con đầu lòng của mình. Trong lúc cãi nhau, vợ anh đề nghị ly hôn và mang con về nhà ngoại. Khoảng hai giờ sau, Hùng dùng một con dao dài chém nhiều nhát vào vợ của mình khiến chị tử vong. Tòa án đã tuyên Hùng án tử hình về tội giết người. [1]
Người thứ nhì là anh Đào Văn Thịnh, 43 tuổi. Theo báo chí, Thịnh đã có với vợ của mình hai đứa con gái. Anh có mâu thuẫn kéo dài với vợ vì nghi ngờ rằng vợ anh đã ngoại tình. Vào sáng ngày 28/6/2021, Thịnh đến nhà bố mẹ vợ, vợ của Thịnh đồng thời cũng có mặt ở đấy. Tại nhà bố mẹ vợ, hai bên đã cãi nhau, Thịnh không kiềm chế được cơn giận nên đã dùng dao chém vào vợ của mình và bố mẹ vợ làm cả ba người tử vong tại hiện trường. [2] Phiên tòa diễn ra vào tháng 12 cùng năm đã tuyên Thịnh án tử hình. [3]
Vụ án thứ ba xảy ra vào năm 2017. Người bị tuyên án tử hình là anh Nguyễn Văn Hồ, 29 tuổi, có một đứa con trai với vợ. Báo chí cho biết Hồ là người nghiện cờ bạc. Một lần, Hồ mượn tiền của người quen để đánh bạc nhưng anh không có khả năng trả lại nên đã trốn khỏi nhà. Sau khi trở về nhà, anh lại nghi ngờ vợ mình ngoại tình với người mà chính anh đã vay tiền. Vì chuyện này nên Hồ và vợ cãi nhau, rồi dẫn đến việc anh dùng dao chém vợ chết ngay tại nhà. [4]
Bạn có thể thấy những tội ác trong ba câu chuyện này đã quá rõ ràng. Tôi không muốn bào chữa hay bao biện cho ba người đàn ông đó. Tuy nhiên, khi tuyên bản án tử hình cho họ cũng đồng thời kéo theo bốn vấn đề mà chúng ta chưa nghĩ đến.
Người ta hay nghĩ rằng trong các vụ án mạng thì án tử hình sẽ mang lại công lý cho các gia đình nạn nhân. Điều này dễ chấp nhận hơn khi nạn nhân và hung thủ là những người không cùng chung một gia đình.
Trong phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Hồ. Mẹ vợ của Hồ, người có con gái đã bị anh sát hại một cách dã man, đã cầu xin tòa án giảm nhẹ tội cho người con rể: “Cháu tôi đã mất mẹ rồi nay mất cha, nó khổ.” [5]
Nguyễn Văn Hồ có một con trai với vợ. Đào Văn Thịnh có hai con gái. Vũ Thanh Hùng có đến ba đứa con. Việc họ bị tuyên án tử hình đồng nghĩa với việc những em nhỏ này sẽ vĩnh viễn mất luôn người cha của mình sau khi đã mất đi người mẹ.
Những người cha như Hồ, Thịnh, Hùng sẽ bị hành hình trên bàn tiêm thuốc độc. Thực thi công lý bằng án tử hình nếu xét cho kỹ thì chẳng phải gián tiếp gây thêm một mất mát nữa cho chính gia đình của họ hay sao? Chúng ta có thể nói rằng những người này không xứng đáng làm cha, nhưng liệu chúng ta có tư cách để nói điều đó? Chính gia đình của nạn nhân mà cũng là bị hại này mới có tư cách lên tiếng.
Sau những bi kịch như vậy, người chết thì đã chết, nhưng những ai còn sống thì phải sống tiếp. Những người còn sống ấy là những đứa con, những người cha, người mẹ của hung thủ và cả của nạn nhân. Chắc chắn họ sẽ sống với gánh nặng tâm lý sau những bi kịch khủng khiếp như vậy. Có thể họ sẽ dằn vặt mình vì sao đứa con của mình lại gây ra một tội ác như thế? Và nếu có cách nào để xoa dịu nỗi đau khổ của họ thì tôi tin rằng đó chỉ có thể là việc đối thoại với người đã gây ra tội ác đó, để hiểu rằng nguyên nhân nào dẫn đến kết cục đau thương này, để tìm một cơ hội tha thứ.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với những đứa con, khi chúng lớn lên không sớm thì muộn cũng sẽ có ý thức về bi kịch của gia đình mình. Và như trong ba vụ việc vừa nêu, nếu người bố có cơ hội sống thì những đứa con sẽ có cơ hội đối thoại với bố của mình. Biết đâu mặc cảm tội lỗi của người bố và sự đau buồn của những đứa con sẽ được xóa bỏ khi họ có cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu về bi kịch gia đình. Tuy nhiên, án tử hình đã tước đi cơ hội này.
Khi những vụ án mạng xảy trong một gia đình, lời kêu gọi tử hình cho hung thủ mà nhiều người vẫn tin rằng đầy tính đạo đức, bồi đắp được tổn thương cho gia đình nạn nhân ấy thật ra chỉ là một sự bao biện ích kỷ. Cái thật sự người ta muốn thấy là những hung thủ tàn nhẫn với người thân của mình thì xứng đáng bị hành hình, để xã hội an toàn hơn, để chính bản thân họ cảm thấy an toàn hơn.
Mong muốn ấy thường được bao biện rằng nếu một người đã ra tay tàn nhẫn với người thân yêu của mình thì thật sự đã hết thuốc chữa, không còn trông mong sự thay đổi nào.
Án tử hình đã cho tòa án cơ hội kết luận toàn bộ con người của Hồ là “không có nhân tính, dã man và côn đồ”; khẳng định Thịnh “dã man, tàn ác, cần loại bỏ anh hoàn toàn khỏi xã hội”; cho rằng Hùng “không còn khả năng để giáo dục, cải tạo”.
Nhưng liệu những khẳng định này có thực sự đúng đắn? Tôi thực sự không thể trả lời. Tuy nhiên, tôi chắc rằng ai cũng có đôi lần nóng giận với người thân của mình. Gia đình là một mối quan hệ rất phức tạp. Quan hệ gia đình là sự hòa quyện giữa sự hy sinh, kỳ vọng, đòi hỏi, và trong nhiều trường hợp mối quan hệ này đã gây ra những đổ vỡ, khiến người ta dễ tuôn ra những câu nói có thể dìm người thân của mình xuống tận đáy bùn.
Do vậy, mối quan hệ gia đình rất khác với các mối quan hệ khác trong xã hội. Nếu chỉ vì thiếu kiềm chế với người thân của mình và dẫn đến án mạng, rồi kết luận ngay rằng con người ấy quá nguy hiểm đối với xã hội thì tôi nghĩ người ta đã quá dễ dãi trong việc định ra tiêu chuẩn để tước đoạt mạng sống của một con người.
Chuyện gì xảy ra cũng có những nguyên nhân của nó. Mâu thuẫn trong một gia đình cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà nó bùng phát thành một vụ án mạng. Tuy nhiên, trong các phiên tòa xét xử những vụ án mạng này, chúng ta thường chỉ nghe các cáo buộc tập trung vào một phía bị cáo. Đôi lúc, tôi cảm thấy rằng những cáo buộc đó được đưa ra nhằm mục đích hợp lý hóa bản án tử hình cho bị cáo, hơn là định ra một tiêu chuẩn về tính hợp lý của bản án tử hình dành cho các bị cáo.
Bằng những cáo buộc nói trên và bản án tử hình, tòa án đã đóng lại rất nhanh những cuộc thảo luận về bạo lực gia đình từ các vụ việc cụ thể này.
Trong vụ án của Đào Văn Thịnh, mâu thuẫn của vợ chồng anh đã kéo dài rất lâu. Thịnh được biết là người nghiện ma túy, thường xuyên đánh đập vợ con. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng anh. Có thể vụ việc của Thịnh sẽ được ngăn ngừa trước khi mọi thứ kịp đi quá xa. Nếu vụ việc của Thịnh được mổ xẻ một cách nghiêm túc thì rất có thể sẽ có một chính sách hoặc thay đổi cách thực thi chính sách nào đó để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, như đưa người vợ đi tạm lánh, cấm tiếp xúc, bảo vệ thông tin người vợ hoàn toàn khỏi người chồng bạo lực. [6]
Rất tiếc, án tử hình đã đóng lại những cuộc thảo luận như vậy. Trong ba câu chuyện nêu ở đầu bài viết, án tử hình dễ làm người ta cảm thấy rằng vụ án mạng như vậy xảy ra hoàn toàn đến từ sự dã man, côn đồ của người chồng. Tử hình người chồng coi như là đã giải quyết được vụ việc. Tôi cho rằng án tử hình trong các vụ án mạng này chỉ cắt đi phần ngọn của đám cỏ, nó tạo cho chúng ta cảm giác như đã giải quyết xong vấn đề, kỳ thực vấn đề vẫn còn ở đấy, và do không được chú tâm đến nên nó sẽ ngày càng phình to ra.
Chỉ trong tháng 10/2022, đã có ít nhất bốn vụ án mạng ngay trong các gia đình. Ở TP. Hồ Chí Minh, công an nghi ngờ rằng một người chồng đã sát hại vợ rồi treo cổ tự tử. [7] Ở tỉnh Quảng Ninh, một người chồng đã giết hại một người vợ đang ly thân của mình sau khi anh muốn hàn gắn tình cảm nhưng bị từ chối. [8] Ở tỉnh Bình Dương, một người chồng đã tìm gặp vợ và chém chết cô ta. [9] Ở Phú Quốc, một người vợ đã bị chồng đánh đến chết trong lúc hai người cãi vã với nhau. [10]
Đến tháng 11/2022, ít nhất ba vụ án mạng tương tự đã xảy ra. Ở tỉnh Bình Thuận, một người chồng được cho là đã đâm chết một người vợ rồi bỏ trốn. [11] Ở tỉnh Đắk Nông, chính quyền cho biết một người đã ra đầu thú sau khi bóp cổ vợ mình đến chết. [12] Còn ở Bắc Giang, một người chồng đã phóng xe máy, chém chết vợ mình ngay trên đường phố. [13]
Tôi tự hỏi rằng liệu các bản án tử hình trong các vụ án mạng trong các gia đình có tính chất răn đe người ta hay không, có giúp xã hội bớt đi những vụ án mạng tương tự hay không?
Câu trả lời rất có thể là không. Biết bao nhiêu bản án tử hình như vậy đã được tuyên, biết bao nhiêu người chồng, người vợ, người con đã bị hành hình trên bàn tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, điều đó dường như không làm giảm bớt các vụ án mạng trong các gia đình. Bạn có thể thử tìm kiếm trên báo chí để thấy rằng những vụ án mạng này đang xảy ra hàng tháng.
Nhiều người tưởng rằng ủng hộ một bản án khủng khiếp cho một tội ác khủng khiếp sẽ ngăn ngừa được tội phạm. Nhưng ngược lại, các vụ án mạng trong gia đình vẫn đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, mặc dù tòa án đã không ngần ngại tuyên án tử hình đối với hung thủ. Nếu bạn dễ dãi với một bản án tử hình cho một tội ác từ bạo lực gia đình, có nghĩa là bạn đang gián tiếp đẩy người thân, bà con, bạn bè của mình - những người có thể vướng vào bạo lực gia đình - vào một kết cục bi thảm như ba câu chuyện ở đầu bài viết, khi các mâu thuẫn không được ngăn chặn trước lúc xảy ra án mạng.
Án tử hình không phải là giải pháp hữu hiệu cho các vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình. Trong rất nhiều trường hợp, án tử hình còn khoét sâu thêm nỗi đau của những người còn sống, “những đứa trẻ mới vừa mất mẹ nay lại mất thêm cha”.
Bài viết này được đăng lần đầu trên website luatkhoa.com và được đăng lại trong số báo Tết 2023 đề ngày 5/1/2023 của Luật Khoa tạp chí (ấn bản PDF và EPUB). Quý độc giả cũng có thể đọc tất cả các bài viết của số bài này tại đây.
1. Tử hình kẻ chém chết vợ ngày mùng 5 Tết. (2022, May 18). Báo Công Lý. https://congly.vn/tu-hinh-ke-chem-chet-vo-ngay-mung-5-tet-207667.html
2. Vụ thảm sát bố mẹ vợ và vợ: Lời khai rùng mình của kẻ sát nhân. (2022, June 29). Báo Tiền Phong. https://tienphong.vn/vu-tham-sat-bo-me-vo-va-vo-loi-khai-rung-minh-cua-ke-sat-nhan-post1350362.tpo
3. Thái Bình: Tử hình kẻ giết vợ và bố mẹ vợ. (2021, December 6). Trung Du. Báo Lao động.
https://laodong.vn/phap-luat/thai-binh-tu-hinh-ke-giet-vo-va-bo-me-vo-981712.ldo
4. Chồng giết vợ, nhận án tử hình: “Cháu đã mất mẹ, nay lại mất cha.” (2017, November 29). Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20221204155812/https://thanhnien.vn/chong-giet-vo-nhan-an-tu-hinh-chau-da-mat-me-nay-lai-mat-cha-post714277.html
5. Xem [4].
6. Xem [2].
7. Nghi án chồng giết vợ rồi treo cổ trong tiệm spa ở TP Thủ Đức. (2022, October 31). Báo Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/nghi-an-chong-giet-vo-roi-treo-co-trong-tiem-spa-o-tp-thu-duc-2022103114142247.htm
8. Dùng chày giết vợ, lấy súng bắn chủ nhà trọ vì ghen tuông. (2022, October 13). Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/dung-chay-giet-vo-lay-sung-ban-chu-nha-tro-vi-ghen-tuong-post1510012.html
9. Người chồng hung hãn chém chết vợ tại chỗ, mẹ vợ cũng bị trọng thương. (2022, October 9). Báo Người Lao Động. https://nld.com.vn/phap-luat/nguoi-chong-hung-han-chem-chet-vo-tai-cho-me-vo-cung-bi-trong-thuong-20221009064327969.htm
10. Phú Quốc: Chồng đánh vợ tử vong trong lúc xô xát. (2022, October 6). Báo Pháp luật TP.HCM.
https://plo.vn/phu-quoc-chong-danh-vo-tu-vong-trong-luc-xo-xat-post701923.html
11. Người chồng giết vợ ra đầu thú. (2022, November 10). VnExpress. https://vnexpress.net/nguoi-chong-giet-vo-ra-dau-thu-4534475.html
12. Chồng giết vợ vì nghi ngờ ngoại tình. (2022, November 18). Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. https://plo.vn/chong-giet-vo-vi-nghi-ngo-ngoai-tinh-post708394.html
13. Phóng xe máy truy đuổi với tốc độ cao, chồng chém vợ tử vong ở Bắc Giang. (2022, November 23). VietnamNet. https://vietnamnet.vn/chong-truy-sat-chem-vo-tu-vong-tren-duong-trong-dem-o-bac-giang-2083239.html