‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Cách xa về địa lý nhưng cùng bối cảnh lịch sử.
Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc – thực dân là thách thức lớn đối quá trình xây dựng căn tính văn hóa hữu cơ của xã hội Đông Á hiện đại. Trước việc Trung Quốc bị chèn ép liên tục bởi các thế lực đế quốc, thì những vùng chịu ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo Trung Hoa, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc, đương nhiên không nằm ngoài vòng xoáy lịch sử.
Sự can dự của thực dân Pháp trong suốt lịch sử hình thành và suy vong của triều Nguyễn tại Việt Nam (1802 – 1945), hay giai đoạn cuối triều đại Joseon chuyển tiếp sang thời kỳ Triều Tiên thuộc Nhật (1910 – 1945) đều dẫn đến những biến đổi căn bản trong không gian văn hóa, xã hội, tư tưởng của các cộng đồng mà trước đó hệ tư tưởng chính thống ít khi nào xa rời khỏi Nho giáo và chủ nghĩa “dĩ Hoa vi trung”. [1]
Đạo Cao Đài ở Việt Nam và phong trào Jeungsanism (Tăng Sơn giáo) ở Triều Tiên thường được xem là minh chứng cho những sự thay đổi đó. Vậy vì sao những tôn giáo này lại xuất hiện trong thời kỳ xã hội chuyển tiếp? Nguồn gốc của những tôn giáo này từ đâu? Giáo lý riêng biệt của họ là gì? Làm thế nào những giáo phái mới này có thể phát triển vượt trội ngay cả khi bị đàn áp về mặt chính trị xã hội?
Trong bài viết này, người viết xin giới thiệu đến bạn đọc nghiên cứu “Cao Đài and Gucheon Sangje: New Ethnical Grassroots Religions in Colonial Vietnam and Korea” (tạm dịch: Cao Đài và Cửu thiên Thượng đế: Các tôn giáo bản địa mới ở Việt Nam và Triều Tiên thời thuộc địa). [2] Tác giả của nghiên cứu này là giáo sư David W. Kim, Đại học Kookmin, Hàn Quốc.
Mở đầu nghiên cứu của mình, tác giả đề cập đến bối cảnh xã hội của hai phong trào tôn giáo mới thời bấy giờ.
Ở Việt Nam, dưới thời Pháp thuộc, mô hình đào tạo cũ dựa trên nền tảng tư tưởng Nho giáo bị loại bỏ. Pháp tiến hành cải cách thông qua việc giáo dục tầng lớp thanh niên Việt Nam và đưa thêm người Việt vào làm các vị trí văn phòng trong các doanh nghiệp và trong bộ máy hành chính. Không gian thực hành văn hóa, tín ngưỡng thay đổi nhanh chóng và đột ngột.
Về phía Triều Tiên, triều đại Joseon bị ảnh hưởng bởi chiến dịch trừng phạt của Pháp đối với Triều Tiên năm 1866, cuộc chinh phạt của Mỹ vào Triều Tiên năm 1871. Điều ước đảo Ganghwa 1876 khởi đầu cho quá trình chiếm đóng của Nhật Bản giai đoạn 1910 – 1945. Tất cả đều mang đến những bất ổn về chính trị, xung đột và căng thẳng về văn hóa, vốn cũng là tiền đề thúc đẩy các phong trào tôn giáo mới.
Đối mặt với sự vô định và lưng chừng về thế giới quan, tư duy khoa học, cũng như tư duy văn hóa, các tôn giáo mới bắt đầu nảy nở ở cả hai quốc gia.
Ở Việt Nam, tôn giáo bản địa không thể nói là thiếu thốn, nhưng các tôn giáo mới vẫn được hình thành hoặc mở rộng với một tốc độ chóng mặt, điển hình như đạo Hòa Hảo, đạo Dừa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Mẫu, hay tín ngưỡng thờ các thánh nữ như Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Kho và Công chúa Liễu Hạnh, v.v.
Ở xã hội Triều Tiên, cũng tương tự, hàng loạt các tôn giáo mới được hình thành như Donghak (Đông học) – hình thành như một sự đối ứng lại với Seohak (Tây học) vào năm 1860, Daejonggyo (Đại Tông giáo) vào năm 1909, hay Wonbulgyo (Viên Phật giáo) vào năm 1916, v.v.
Nghiên cứu của giáo sư Kim có đóng góp rất chi tiết và rất đáng nể khi so sánh phong trào tôn giáo mới của hai quốc gia nhằm tìm ra nét tương đồng, khác biệt và những sự sáng tạo độc đáo. Ông sử dụng bộ tiêu chí rất cụ thể, bao gồm nguồn gốc, bản sắc dân tộc, bản chất chính trị, thần học và vũ trụ quan, giáo lý căn bản, địa điểm thờ đạo, các nghi lễ, cũng như cơ cấu lãnh đạo và cả yếu tố bình đẳng giới.
Vì giới hạn dung lượng, người viết chỉ có thể giới thiệu bốn điểm chung nổi bật, cụ thể là:
Tác giả chọn Cao Đài và Gucheon Sangje để minh chứng cho những điểm giống nhau này.
Về tinh thần dân tộc, nguồn gốc của hai tôn giáo là minh chứng rõ ràng.
Đạo Cao Đài có nguồn gốc từ Minh Sư, nhóm giáo phái ăn chay lâu đời nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngô Văn Chiêu - người thường xuyên tham dự các buổi lễ “cơ bút” ở Việt Nam, mới được xem là người đầu tiên thấy “thiên nhãn” xuất hiện và trở thành tín đồ đầu tiên được Tiên Ông truyền đạo. Nhưng ông lại từ chối trở thành lãnh đạo giáo hội và tách ra để ẩn tu. Cao Đài sau đó đã được Lê Văn Trung chính thức khai đạo tại làng Gò Kén, phía nam thị xã Tây Ninh vào ngày 7/10/1926.
Về phía Triều Tiên, có những câu chuyện thần bí kể rằng vị thần Daesoon giáng trần, hiện thân dưới dạng con người có tên Kang Il-Sun (hay còn gọi Kang Jeungsan) ở tỉnh Jeolla phía bắc Triều Tiên vào năm 1871, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp dung hòa giữa các đấng thánh thần tối cao và loài người. Họ cho rằng loài người trước nay mang tính duy vật rất nặng, luôn cố gắng thách thức quyền uy của đấng thánh thần. Thời điểm Kang Jeungsan bắt đầu thuyết giảng về “Cheonjigongsa” (sự sắp xếp lại vũ trụ) từ giữa năm 1901 đến 1909, nhiều cuộc xung đột thuộc địa, nhiều sự kiện chính trị xã hội bùng nổ. Thời kỳ đen tối của triều đại Joseon ở Triều Tiên đã thúc đẩy phong trào Jeungsanism, từ đó hình thành tôn giáo mới có nguồn gốc bản địa với tên gọi Daesoon Jinrihoe (Đại Duyên Chân Lý, từ giờ trở đi được gọi là “Jeungsanism” hoặc “đạo Daesoon”).
Những thông tin trên cho thấy nỗ lực định vị lại trung tâm địa lý - sắc tộc của tư duy tôn giáo của cả người Việt lẫn người Triều Tiên.
Cả hai tôn giáo đều cho rằng đất nước của họ được chọn làm trung tâm mới của văn minh trái đất và nhóm tôn giáo của họ sẽ dẫn dắt sự chuyển đổi lịch sử nhân loại. Do đó, cả hai đều phát động phong trào chính trị và quân sự chống thực dân giành độc lập. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhỏ giữa hai tôn giáo đó là đạo Cao Đài có chính sách thân Nhật, trong khi Jeungsanism nói riêng và người Triều Tiên nói chung có mối thù lớn với người Nhật trong giai đoạn họ là thuộc địa của đế quốc này.
Về thần học và vũ trụ quan, cả hai tôn giáo mới ở Việt Nam và Triều Tiên đều được biết đến là tôn giáo độc thần.
Tuy nhiên, đạo Cao Đài thừa nhận vũ trụ được phân thành thiên đường và địa ngục. Trong khi đó, Jeungsanism đưa ra ba cõi: cõi trời, cõi trần và cõi người. Cõi trời có chín tầng cảnh giới khác nhau dựa trên truyền thống tôn giáo Á Đông, trong đó vị thần tối thượng Kang ngự ở tầng cao nhất - tầng trời thứ chín.
Điều thú vị là hai tôn giáo đều tin vào thuyết Vụ nổ lớn tạo ra vũ trụ, được xem là phù hợp với lý thuyết khoa học đương đại do George Gamow (1904 – 1968) phát triển.
Về giáo lý căn bản, đạo Cao Đài và Daesoon đều theo đuổi sự hòa hợp với vũ trụ. Triết lý này mang đến niềm hy vọng cho các tín đồ kể cả khi họ đang bị đặt dưới sự đàn áp và hạn chế xã hội. Thậm chí, tư tưởng Injon của Jeungsanism ngụ ý đưa ra một viễn cảnh rằng của con người có thể vượt trội cả các vị thần.
Về nơi thờ tự và lễ nghi, cả hai tôn giáo đều khuyến khích các tín đồ tham gia vào các nghi lễ tự tu luyện theo đạo và đạt được đến giai đoạn đắc đạo. Tuy nhiên, nghi lễ “cơ bút” là một phương tiện độc đáo, huyền diệu của đạo Cao Đài để liên hệ với Thượng đế. Trong khi đó, các tín đồ của đạo Daesoon sẽ tham gia các nghi lễ như một nhóm. Điển hình có thể kể đến như nghi lễ cộng đồng Gongbu là phương thức để đạt đến “thiên đường trần gian” với điều kiện sống thực tại.
Đạo Daesoon có nhiều địa điểm linh thiêng thờ đạo khác nhau để cho các tín đồ hành hương, nhưng hầu như những nơi thờ đạo linh thiêng này chủ yếu chỉ dành cho các thành viên trong nội bộ, và hạn chế người ngoại đạo. Trong khi đó, Tòa thánh của đạo Cao Đài tại Tây Ninh là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn của Việt Nam (đón nhận khoảng 200 - 300 du khách nước ngoài mỗi ngày).
Về cơ cấu lãnh đạo, đạo Cao Đài sẽ lựa chọn người đứng đầu thông qua hình thức bầu cử, cho nên việc bổ nhiệm sẽ mang tính chính trị (hay thậm chí quân sự) nhiều hơn.
Với Jeungsanism, việc bổ nhiệm sẽ tập trung nhiều vào sự phát hiện cá nhân hoặc chỉ định của người lãnh đạo trước đó. Các vị trí trong mười một cấp độ lãnh đạo của đạo Daesoon thường sẽ đạt được thông qua tài năng và kỹ năng liên quan đến hoạt động cộng đồng.
Về vấn đề bình đẳng giới thì đạo Cao Đài có vẻ hạn chế hơn. Những tín đồ hiến thân vì đạo đều có khả năng vươn tới vị trí lãnh đạo, nhưng phụ nữ không thể trở thành Chưởng pháp hoặc Giáo tông - hai chức sắc cao nhất.
Về phía đạo Daesoon, sẽ không có giới hạn nào đối với nữ giới trở thành lãnh đạo. Kang đề cập đến ý tưởng bình đẳng giới, mong muốn xóa bỏ rào cản về sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới để họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
***
Có thể bạn đọc sẽ khá bất ngờ với các thông tin mà nghiên cứu đưa ra. Hai phong trào tôn giáo nói trên về mặt địa lý thậm chí có thể không ý thức về sự tồn tại của nhau, không liên quan đến nhau nhưng lại có những điểm tương đồng. Phát hiện mới mẻ này có thể là điểm bắt đầu cho những độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về các phong trào tôn giáo mới ở Đông Á.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Nguyễn Quốc Tấn Trung (2017). Tư tưởng đại quốc – tiểu quốc: “Một nhịn chín lành” chỉ bất lợi cho cả hai. Luật Khoa Tạp Chí. https://luatkhoa.com/2017/07/tu-tuong-dai-quoc-tieu-quoc-mot-nhin-chin-lanh-chi-bat-loi-cho-ca-hai
2. David W. Kim (2011). Cao Đài and Gucheon Sangje: New Ethnical Grassroots Religions in Colonial Vietnam and Korea. The International Journal of Religion and Spirituality in Society. https://cgscholar.com/bookstore/works/cao-dai-and-gucheon-sangje?category_id=cgrn&path=cgrn%2F262%2F263