Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Bắc Kinh tự đẩy mình vào thế khó, nhưng cũng không phải nước cờ bí.
Dù “toàn trị” (Authoritarianism) vẫn là thuật ngữ mô tả chính xác nhất bản chất nhà nước và cách thức hoạt động của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, điều này không có nghĩa là mô hình này không thể hoàn thiện, phát triển, và tiếp tục được chấp nhận trong dài hạn.
***
Trong vài ngày trở lại đây, giới quan sát phương Tây lẫn các nhà dân chủ Việt Nam đặc biệt chú ý câu chuyện biểu tình của sinh viên và người dân tại Trung Quốc với tên gọi truyền thông “Biểu tình giấy trắng”.
Mục tiêu ban đầu của các cuộc biểu tình này được giải thích là nhằm phản đối các quy định ngặt nghèo và thiếu cân nhắc đối với tình hình COVID mới của Bắc Kinh. [1]
Cho đến nay, với định hướng chính sách “zero-COVID” (tạm gọi là chính sách “không ca COVID”), rất nhiều thành phố lớn của Trung Quốc vẫn còn trong tình trạng ngăn sông cấm chợ, người dân không thể ra đường vì bất kỳ lý do gì, người có triệu chứng hay mắc bệnh vẫn bị cưỡng bức vào các khu cách ly, v.v. Nhìn chung, đây đều là những biện pháp mà gần như toàn bộ thế giới đã dỡ bỏ từ tận hơn một năm trước để trở lại với đời sống kinh tế - xã hội thường nhật.
Phong trào này rõ ràng là một tín hiệu cho thấy xã hội và không gian dân sự của Trung Quốc sẽ không chấp nhận đương nhiên mọi chính sách hay đường lối của chính quyền Bắc Kinh.
Tuy vậy, một số nhóm có vẻ đang trầm trọng hóa phong trào “Giấy trắng”.
Người viết đã nhìn thấy một số nhà quan sát chính trị châu Á trên YouTube cho rằng cuộc biểu tình này là hồi/sự cáo chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một số báo chí và các nhà quan sát quốc tế thì lại cho rằng cuộc biểu tình là nguồn lực đẩy ông Tập Cận Bình vào “góc chết”, tình trạng ít người có thể tưởng tượng là ông sẽ rơi vào chỉ vài tháng trước. [2]
Nhà phân tích Evan Dyer trên CBC cho rằng dù Tập Cận Bình có thể thành công trong việc tạm thời làm nguôi cơn giận của người dân Trung Quốc, nhưng ông đã mất đi vị thế chính trị bất khả xâm phạm của mình khi phải “xuống nước” với chính sách “zero-COVID” - một chính sách mà ông tự hào và đầu tư nhiều tâm huyết chính trị nhất gần đây.
Dù người viết đồng tình rằng kết quả của cuộc biểu tình diện rộng này sẽ tạo nên một số thay đổi nhất định trong không gian chính trị Trung Quốc, tuy nhiên các nhà quan sát và các nhà nghiên cứu không nên xem thường tính thích nghi và khả năng biến chuyển của các chính thể “vì dân” mang phong cách Trung Quốc như thế.
Dù không phải là những khái niệm mới, người ta thường quên đi hai thuật ngữ chính trị quan trọng đã được giới thiệu cách đây vài thập niên để mô tả sức sống và khả năng thích ứng của các chính quyền toàn trị/ độc tài đương đại: “độc tài tham vấn” (consultative dictatorship) và “toàn trị đại diện” (authoritarian representation).