Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Chính quyền tiếp tục gia tăng sách nhiễu, đàn áp.
Theo báo Công an Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết Cục An ninh Nội địa là “đơn vị trọng điểm” trong chiến dịch xóa bỏ đạo Dương Văn Mình. [1]
Theo đó, cục này được cho là đang “hướng dẫn, phối hợp”, cử nhiều lượt cán bộ đến cơ quan công an, chính quyền các địa phương bao gồm Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên để xóa bỏ đạo Dương Văn Mình.
Thượng tá Trần Quang Hiếu, nguyên Trưởng phòng An ninh Dân tộc - Cục An ninh Nội địa Bộ Công an đã nói rằng để xóa bỏ đạo Dương Văn Mình cần “huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tích cực, nòng cốt của lực lượng Công an các cấp, xóa bỏ các tổ chức này khi mới manh nha hình thành”.
Vào ngày 24/11/2022, Bộ Công an đã thuyên chuyển ông Trần Quang Hiếu giữ chức phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cũng là một địa bàn có nhiều hoạt động của các tổ chức Tin Lành độc lập mà nhà nước muốn xóa bỏ. Trước đây, ông Hiếu từng giữ chức Trưởng phòng Cục An ninh Tây Nguyên. [2]
Cho đến nay, chính quyền các tỉnh đã vận động 1.269/7.470 người “cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Theo chính quyền, trong năm 2022, các tín đồ đạo Dương Văn Mình đã “không dám” tổ chức “Tết chung”; lễ kỷ niệm ngày sinh Dương Văn Mình; lễ kỷ niệm ngày thành lập “tổ chức” do sự đàn áp của chính quyền.
Ông Vũ Chiến Thắng khẳng định sẽ hướng dẫn người H'mong theo các tín ngưỡng, tôn giáo chính thống, được nhà nước công nhận. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam vẫn chưa cải thiện được mức độ khoan dung của mình đối với tự do tôn giáo.
Đọc thêm về đạo Dương Văn Mình: Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay Công an?
Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết chính quyền tỉnh này đang thực hiện cao điểm đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ đạo Dương Văn Mình theo Đề án số 78. [3]
Theo đó, chính quyền đã tổ chức 11 tổ công tác để đàn áp đạo Dương Văn Mình. Tính đến tháng 11/2022, chính quyền đã xóa bỏ 5 nhà tang lễ, 50 bàn thờ tại các hộ gia đình và vận động 112 hộ gia đình với 602 người tại 14 thôn, 10 xã, 2 huyện ký cam kết từ bỏ đạo Dương Văn Mình.
Chính quyền cho rằng đạo Dương Văn Mình đã hiện diện và ảnh hưởng tại 5 huyện, 14 xã và 19 thôn trên toàn tỉnh. Các tổ công tác đang đấu tranh và vận động để xóa bỏ sự hiện diện và ảnh hưởng nói trên. Hai huyện Ba Bể và Chợ Mới được chính quyền khẳng định là đã “xóa bỏ hoàn toàn” đạo Dương Văn Mình.
Sau khi nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình qua đời, chính quyền vẫn tiếp tục trấn áp các tín đồ theo Đề án số 78.
Nội dung của đề án này tới nay vẫn chưa được công bố đầy đủ, chỉ biết rằng mục tiêu của đề án là xóa bỏ hoàn toàn đạo Dương Văn Mình vào năm 2023.
Vào ngày 2 và 3/11/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An đã tuyên y án sơ thẩm đối với sáu thành viên Tịnh thất Bồng Lai theo Điều 331. [4]
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, mỗi người đã bị tuyên án từ 3 năm đến 5 năm tù giam, tổng cộng là 23,5 năm cho sáu thành viên, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong sáu thành viên, ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, được cho là người chủ mưu của vụ án này, các thành viên còn lại là đồng phạm. Ông bị tuyên án 5 năm tù giam. Các luật sư cho biết sức khỏe của ông Vân đang rất kém, nhiều bệnh tật và phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.
Cũng vào đầu tháng 11, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Long An, đã quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai. Sáu thành viên của tịnh thất đối mặt với khả năng bị tuyên thêm một tội danh nữa. [5]
Đây là vụ án rất phức tạp vì có liên quan đến yếu tố tôn giáo, tự do lập hội và tự do biểu đạt - vốn là các quyền dân sự cơ bản nhưng không được đảm bảo tại Việt Nam.
Cho đến nay, sáu thành viên tịnh thất đã được Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đưa vào danh sách các nạn nhân của việc đàn áp tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới. [6]
Theo VOA, vào ngày 6/11/2022, một số tín đồ đạo Tin Lành độc lập ở Đắk Lắk đã bị cấm xuất cảnh, câu lưu và sách nhiễu tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh. [7]
Những người này được cho là đang trên đường dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á lần thứ 9 được tổ chức tại Bali, Indonesia. Đây là một hội nghị quốc tế diễn ra thường niên nhằm cổ vũ, bảo vệ niềm tin tôn giáo của mọi người.
VOA dẫn lời ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Ủy ban cứu Người vượt biển (BPSOS) cho biết có một tín đồ Cao Đài và bốn tín đồ Tin Lành người Thượng bị chính quyền Việt Nam ngăn cấm đến dự hội nghị này.
Ông Y Sĩ Êban, một tín đồ đạo Tin Lành ở Đắk Lắk, nói với VOA rằng, chính quyền cấm ông lên máy bay để đi dự hội nghị. Công an đã đưa ông về Đắk Lắk, điều tra, đánh đập, thu giữ bằng lái xe, căn cước, hộ chiếu và ba chiếc điện thoại.
Một tín đồ khác tên Y Khiu Niê cũng cho biết đã bị chính quyền cấm xuất cảnh, bị đưa về Đắk Nông, bị câu lưu cho đến 21 giờ ngày hôm sau mới được thả.
Trước đó, vào ngày 22/7/2022, bà Nguyễn Xuân Mai, tín đồ đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 cũng đã bị thẩm vấn hơn sáu tiếng đồng hồ tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Hoa Kỳ. [8]
Chính quyền Việt Nam thời gian gần đây đã gia tăng kiểm soát, đàn áp các tổ chức Tin Lành độc lập tại Tây Nguyên. Các tín đồ độc lập thường xuyên bị sách nhiễu và cản trở hoạt động nghi lễ tôn giáo.
Đọc thêm phóng sự về các nhóm Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên: Khi Tây Nguyên không còn là nhà
Vào cuối tháng 11/2022, trang web của chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đăng bài viết yêu cầu người dân “tuyệt đối không tham gia tu luyện Pháp Luân Công dưới bất cứ hình thức nào”. [9]
Bài viết nêu nhiều lý do người dân không được tập luyện bộ môn này:
Bài viết cho biết hiện nay tại TP. Đà Lạt đang có nhiều điểm nhóm tập luyện, phổ biến Pháp Luân Công qua việc phát tờ rơi, truyền bá khiến nhiều người lầm tưởng Pháp Luân Công là phi chính trị, phi tôn giáo.
Vào tháng 9/2022, một số học viên Pháp Luân Công tại TP. Đà Lạt cho biết họ bị các cán bộ an ninh quấy rối, đánh đập trong lúc họ tập luyện tại một công viên trong thành phố. Các tờ báo nhà nước đến nay vẫn chưa thông tin rõ ràng về các cáo buộc này. [10]
Hiện nay, Pháp Luân Công là một trong các tôn giáo mới bị chính quyền đàn áp rộng rãi nhất. Do Pháp Luân Công tại Việt Nam không có tính chất tổ chức chuyên nghiệp, người tập thường tổ chức các nhóm tập luyện tự phát, cho nên chính quyền chỉ dừng ở việc quấy rối một số điểm tập luyện, xử phạt vi phạm hành chính khi phổ biến Pháp Luân Công tại các nơi công cộng.
Vào tháng 11/2022, một thầy truyền đạo tên Nay Y Blang nói với VOA rằng đã bị chính quyền xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên khám xét nhà, tịch thu xe máy. [11]
Ông Nay Y Blang là thành viên của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ, một trong những tổ chức Tin Lành chưa đăng ký và thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu.
Việc khám xét nhà của ông Nay Y Blang được cho là do ông không chấp hành một quyết định xử phạt hành chính của nhà nước vào tháng 9/2022, vì tụ tập các tín đồ sinh hoạt tôn giáo tại tư gia. [12]
Tuy nhiên, ông Nay Y Blang cho biết từ tháng 8/2022 sau cuộc gặp với các viên chức ngoại giao ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. HCM, chính quyền đã canh giữ ông mọi lúc, mọi nơi.
Đến tháng 9/2022, chính quyền đã câu lưu ông khi trên đường đi gặp phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại TP. HCM.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên ngăn cấm người dân tiếp các phái đoàn ngoại quốc để tìm hiểu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có các tín đồ tôn giáo. Chính quyền thực hiện nhiều hoạt động trả thù đối với những người báo cáo tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như đuổi gia đình họ ra khỏi các căn nhà đang thuê, tịch thu giấy tờ tùy thân, tìm cách xử phạt hành chính một cách hợp pháp, thậm chí là cho côn đồ đánh đập họ.
1. Xuân Mai, Quỳnh Vinh (2022, November 22). Những kinh nghiệm trong đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp (bài cuối). Báo Công an Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20221125032150/https:/cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-kinh-nghiem-trong-dau-tranh-xoa-bo-to-chuc-bat-hop-phap-bai-cuoi--i675484/
2. Nguyễn Chính (2022, November 24). Thượng tá Trần Quang Hiếu giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk. Báo Bảo Vệ Pháp Luật. https://web.archive.org/web/20221223073352/https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/nhan-su-moi/thuong-ta-tran-quang-hieu-giu-chuc-pho-giam-doc-cong-an-tinh-dak-lak-131888.html
3. Bình Minh (2022, November 14). Bắc Kạn nỗ lực xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn. https://web.archive.org/web/20221209040932/http://congan.backan.gov.vn/tin-an-ninh-trat-tu/bac-kan-no-luc-xoa-bo-to-chuc-bat-hop-phap-duong-van-minh-62143.html
4. Bắc Bình. (2022, November 3). Tòa phúc thẩm bác kháng cáo vụ Tịnh thất Bồng Lai. Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20221103133950/https://thanhnien.vn/toa-phuc-tham-bac-khang-cao-vu-tinh-that-bong-lai-post1517632.html
5. Bắc Bình. (2022, November 2). Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tịnh thất Bồng Lai. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/khoi-to-vu-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tai-tinh-that-bong-lai-post1516790.html
6. USCIRF. (n.d.). Freedom of Religion or Belief Victims List. https://www.uscirf.gov/victims-list/prisoner/8064
7. VOA. (2022, November 8). Việt Nam cấm xuất cảnh, sách nhiễu tín đồ dự hội nghị Tự do Tôn giáo Đông Nam Á. https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-cam-xuat-canh-sach-nhieu-tin-do-du-hoi-nghi-tu-do-ton-giao-dna/6825127.html
8. RFA. (2022, July 27). Tín đồ Cao Đài bị câu lưu nhiều giờ khi về Việt Nam từ Hội nghị Tự do Tôn giáo. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cao-dai-follower-detained-by-police-for-hrs-upon-returning-home-from-religious-freedom-conference-07232022103553.html
9. Xuân Khởi. (2022, November 29). Những hiểm họa từ pháp luân công. Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Lâm Hà. https://web.archive.org/web/20221221013033/https://lamdong.gov.vn/sites/lamha/tintonghop/phapluat-quocphong-anninh/SitePages/Nhung-hiem-hoa-tu-phap-luan-cong.aspx
10. Hồ Đan. (2022, October 31). Tôn giáo tháng 9/2022: Hà Nội có Phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng tôn giáo mới; đàn áp học viên Pháp Luân Công ở Đà Lạt. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/10/ton-giao-thang-9-2022-ha-noi-co-phong-tin-nguong-va-hien-tuong-ton-giao-moi-dan-ap-hoc-vien-phap-luan-cong-o-da-lat/
11. VOA. (2022, November 29). Chính quyền Phú Yên sách nhiễu tín đồ Tin Lành, không cho gặp quan chức Mỹ. https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-phu-yen-sach-nhieu-tin-do-tin-lanh-khong-cho-gap-quan-chuc-my/6854566.html
12. VOA. (2022, July 20). Tín hữu tin lành Đấng Christ ở Phú Yên bị chính quyền sách nhiễu, hăm dọa. https://www.voatiengviet.com/a/6666353.html