Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Vai trò thiết thực với cuộc sống và phép thử về khả năng khoan dung.
Hai năm trước, trên đường về nhà giữa mưa đông ẩm ướt, đầu óc tôi quay cuồng trong luồng suy nghĩ xẹt qua xẹt lại, xoay vòng luẩn quẩn, không một lối thoát. Có cỗ máy vận hành trong đầu của mình và tôi không biết công tắc nguồn của nó nằm ở đâu. Tôi nằm xuống giường, tắt đèn và cố ngủ sau nhiều tháng dài trằn trọc, và bạn cũng đoán được rồi đó, cỗ máy đó vẫn không dừng.
Khoảng thời gian đó, không có biến cố gì lớn xảy ra cả, nhưng tôi ngày càng không thể kiểm soát chính mình. Tôi biết rằng cơ thể mệt mỏi sau nhiều tháng dài làm việc, nhưng càng mệt bao nhiêu tôi lại càng muốn làm việc bấy nhiêu. Đó là một kiểu không chấp nhận tình trạng của mình, luôn khẳng định mình có thể tốt hơn. Thế mà lúc đó tôi không ý thức được. Tôi trải qua một thời gian dài mất ngủ triền miên. Tôi gần như không có hứng thú gì nữa ở cuộc sống, mỗi ngày đều tẻ nhạt như nhau.
Rồi một buổi tối, tôi mở TV, tìm một bộ phim cho cỗ máy trong đầu tôi ngấu nghiến. Tôi vô tình lướt qua một chương trình về thiền. Trước đó, tôi không nghĩ rằng thiền sẽ mang lại ích lợi gì. Và nếu có đi chăng nữa, tôi cũng không thể đạt đến trình độ như các bậc thầy về thiền. Nhưng tôi cũng nhắm mắt đưa chân, thử xem thế nào. Lắng nghe theo lời người hướng dẫn thiền trên TV, tôi bắt đầu hít vào thở ra có ý thức. Tôi bất ngờ tắt được cỗ máy trong đầu mình, và chìm vào giấc ngủ trong một lúc.
Sau đó, tôi tình cờ đọc được một cuốn sách giới thiệu về các tôn giáo, trong đó nói thiền là một thực hành ở nhiều tôn giáo. Nhưng điều quan trọng hơn là cuốn sách đã chỉ cho tôi biết các tôn giáo đều đưa ra một chỉ dẫn về cách các tín đồ nên nhìn nhận cuộc sống như thế nào, nên coi các khó khăn ra sao để vượt qua. Tôi nghĩ có lẽ đây là thứ mà tôi đang thiếu, và tôi cố gắng tự vẽ ra trong đầu mình một số ý tưởng về cuộc sống của mình. Tôi vẫn thực hành thiền vài ngày một lần, cốt là để thư giãn trước khi ngủ. Nhưng mọi thứ một thời gian sau lại quay trở về tình trạng như ban đầu, thỉnh thoảng cỗ máy ấy vẫn không mời mà đến.
Lúc này, tôi có nghĩ tới việc thực hành tôn giáo nhưng tôi vẫn còn nhiều hoài nghi. Tôi vẫn dị ứng khi ai đó tiếp cận và mời tôi vào một nhóm tôn giáo nào đó. Đối với cá nhân, tôi nghĩ tôn giáo là không cần thiết, mất thời gian và tiền bạc. Vả lại, gia đình tôi, cũng như rất nhiều người Việt Nam khác, không có truyền thống tôn giáo nào cả.
Cho đến đầu năm 2022, tôi chứng kiến sự kiện thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời tại Huế. [1] Trong lễ tang của ông, các tín đồ từ khắp thế giới, bao gồm cộng đồng Phật giáo quốc tế, đều tỏ lòng kính trọng, nhất là đối với sự nghiệp giảng dạy về Phật học của ông. Tôi quyết định cho mình một cơ hội tìm hiểu và thực hành giáo lý căn bản của đạo Phật. Tôi muốn phiêu lưu một chuyến xem tôn giáo có thể cải thiện tinh thần bản thân ra sao. Tôi không có gì để mất, tại sao tôi không thử nghiệm một thứ gì đó mới mẻ.
Sau nhiều tháng tìm hiểu và thực hành các giáo lý đạo Phật căn bản. Tinh thần của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Có rất nhiều suy nghĩ mà tôi loay hoay từ trước đến nay đã tìm ra lời giải theo giáo lý của đạo Phật. Bạn cũng biết đấy, khi những thắc mắc của bạn được giải đáp, bạn không tốn năng lượng đi tìm kiếm câu trả lời nữa, bạn có nhiều thời gian cho cuộc sống hiện tại. Giống như cuốn sách mà tôi từng đọc, đạo Phật đã cho tôi một hướng đi trong cuộc sống.
Tôi nghĩ rằng, ở một xã hội khá tiện nghi, đầy đủ, nếu không có tôn giáo thì chúng ta vẫn sống thoải mái. Tuy nhiên, đôi lúc, chúng ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc, thậm chí là đau khổ.
Trong bài thuyết trình từ thập niên 1950, phái đoàn Phật giáo Việt Nam trong Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ Tư đã phát biểu rằng đạo Phật ra đời là để xây dựng hạnh phúc chân thực. Đạo Phật giúp loại bỏ hai đau khổ lớn nhất của con người là đau khổ về vật chất và đau khổ về tinh thần: [2]
“Ước muốn [về vật chất] thì phải được thỏa mãn. Nhưng sự thỏa mãn chỉ có trong phút giây rồi tan biến, nhường chỗ cho một ước muốn mới. Vì thế, suốt đời, con người cứ mãi lận đận gian nan.”
“Với một khối óc và một trái tim, con người sinh hoạt khác hẳn loài vô tình. [...] Nhìn những cảnh tượng thương đau, […] con người bàng hoàng tự hỏi xem mình là ai, đâu là nguồn gốc của tất cả hiện tượng, trước mình có những ai và sau mình sẽ có những gì. Vì sao muôn loài tồn tại […] để chứng kiến bao nhiêu nỗi thảm sầu? Tất cả những câu hỏi đó đến trong trí óc chúng ta như những ngọn gió lốc bạo tàn. Con người làm sao có được hạnh phúc trong trạng thái thắc mắc nghi ngờ đó của tâm tưởng?”
Lý do ra đời vừa nêu của Phật giáo cũng chính là lý do mà các tôn giáo ra đời và tồn tại cho đến nay, đều vì nhu cầu tìm kiếm hạnh phúc hay thoát khỏi đau khổ của con người.
Carl Jung, một trong những người tiên phong có ảnh hưởng nhất về tâm lý học hiện đại, viết rằng: “Tôi đã điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Trong số những người đã trải qua một nửa cuộc đời, tức là trên 35 tuổi, không có người nào mà vấn đề sau cùng của họ là không tìm lấy một đường hướng tôn giáo, […] không ai trong số họ thực sự được chữa lành nếu không lấy lại được đường hướng tôn giáo của mình.” [3]
Hãy bỏ qua vấn đề trừu tượng về theo đuổi hạnh phúc khi tham gia tôn giáo. Nhiều nghiên cứu tại Mỹ về đạo Ki-tô cho thấy tôn giáo có vai trò thiết thực với cuộc sống như ngăn ngừa nghiện rượu, giảm tỷ lệ tự tử. [4]
Năm 1985, Robert Coombs và các đồng nghiệp của ông tại Trường Khoa Y Los Angeles, thuộc Đại học California, phát hiện ra rằng việc lạm dụng rượu cao hơn 300% ở những người không đi lễ nhà thờ. [5]
David Larson thuộc Viện Nghiên cứu Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia (Mỹ) ghi nhận: “Ngay cả sau khi mắc chứng nghiện rượu, tôn giáo thường là một động lực mạnh mẽ để tiết chế.” [6]
Năm 1985, giáo sư xã hội học Steven Stack tại Đại học bang Pennsylvania trong một nghiên cứu đã kết luận rằng tỷ lệ tự tử gia tăng, đặc biệt ở thanh thiếu niên, khi mối quan hệ gia đình - tôn giáo có sự sụt giảm. Năm 1983, trong một nghiên cứu khác, ông cho rằng tỷ lệ tự tử vì thất nghiệp sẽ giảm đáng kể khi có thêm biến số tôn giáo. [7]
Những tìm hiểu trên đây không phải để thuyết phục bạn chọn cho mình một tôn giáo nào cả. Việt Nam là một nước đa tôn giáo và sẽ ngày càng có nhiều tôn giáo hơn nữa. Tuy nhiên, mức độ tôn trọng quyền tự do tôn giáo có vẻ ngày một giảm dần. Thái độ này sẽ đưa đến nhiều hệ lụy.
Các tôn giáo lâu đời như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành đã đạt được một mức độ tôn trọng nhất định trong xã hội, bất kể công chúng có thật sự hiểu giáo lý của tôn giáo đó hay không.
Tuy nhiên, người ta lại không ngần ngại khi dán nhãn “tà đạo”, “nguy hiểm”, “lừa đảo” cho các tôn giáo mới như Pháp Luân Công, Hội thánh Đức Chúa Trời, Thanh Hải Vô Thượng Sư, đạo Dương Văn Mình, v.v. Hiện nay, có ít nhất 85 tôn giáo mới đang hoạt động tại Việt Nam. [8]
Một phần lý do của việc kỳ thị này là vì tôn giáo mới có những giáo lý khó hiểu đối với người thường, ví dụ như các tín đồ Pháp Luân Công thường cho rằng tập bộ môn này có thể chữa được bệnh, hay đạo Dương Văn Mình thực hành cầu nguyện với con ve, con cóc, con chim én làm bằng gỗ.
Mặt khác, việc kỳ thị các tôn giáo mới có lẽ xuất phát từ cơ chế phòng vệ tự nhiên của con người. Cái gì không hiểu rõ, không nắm bắt được thì người ta tự động gắn cho nó là mối đe dọa để bảo vệ bản thân. Đối với tôn giáo cũng vậy, nếu chúng ta không hiểu rõ về tôn giáo thì sẽ mặc nhiên xem tôn giáo đó là nguy hiểm. Khi chúng ta tránh xa tôn giáo nào đó, thì chúng ta cũng không muốn người khác tham gia, nhất là bạn bè, người thân của mình.
Thật ra, không chỉ các tôn giáo mới, các tôn giáo lâu đời cũng có những giáo lý khó hiểu đối với người vừa mới nghe qua. Phật giáo có pháp môn “trì danh niệm Bụt” là một thực hành rất lâu đời. Người Phật tử niệm lặp đi lặp lại “Nam Mô A Di Đà Phật” với niềm tin được giải thoát vào cõi Phật. Thoạt nhiên, bạn có thể không hiểu vì sao chỉ lặp đi lặp lại một cụm từ khó hiểu như vậy mà sẽ được giải thoát. Nhưng nếu là một tín đồ Phật giáo lâu năm, bạn sẽ thấy việc thực tập này rất hợp lý.
Một nguyên nhân có tác động đáng kể hơn nữa là sự nhúng tay của chính quyền. Báo chí nhà nước với nguồn lực khổng lồ đã rỉ rả từ năm này qua tháng nọ về sự nguy hiểm khi tham gia các tôn giáo mới. Những tuyên truyền này thường được khoác lên mình chiếc áo bảo vệ sức khỏe, tinh thần của người dân khỏi các tôn giáo xấu xa. Sự thật là các thể chế độc tài thường hạn chế hoặc loại bỏ tôn giáo vì mục đích chính trị.
Ngày xưa, thực dân Pháp từng giam Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo vào trại tâm thần. Sau năm 1975 cho đến tận những năm 1990, chính quyền đã cấm hoạt động các tôn giáo như Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, Mặc Môn, v.v. Giờ đây, khi các tôn giáo này được phép hoạt động thì chính quyền lại cấm các tôn giáo mới.
Tôn giáo là một trải nghiệm có tính chất cá nhân, tức là nếu chưa thật sự tìm hiểu, thực hành tôn giáo đó, những nhận định về nó có thể rất phiến diện. Vì mang tính chất trải nghiệm cá nhân nên việc tranh luận tôn giáo nào tốt hơn cũng hoàn toàn vô ích. Cái nhìn phiến diện về tôn giáo sẽ đưa đến hai hệ lụy lớn sau.
Thứ nhất, người có cái nhìn phiến diện dù vô tình hay cố ý sẽ tác động đến mong muốn tham gia tôn giáo của người khác, nhất là những người có mối liên hệ gần gũi với người đó như bạn bè, họ hàng, người thân trong nhà. Dù vô tình hay cố ý thì quan điểm phiến diện ấy sẽ làm người khác giảm cơ hội có được cho mình một trải nghiệm tôn giáo, biết đâu trải nghiệm đó sẽ giúp ích cho họ rất nhiều, thậm chí là có thể cho họ cả một đời sống mới.
Một người trẻ khó có thể hiểu được những người ngày càng lớn tuổi đang phải đối diện với những vấn đề nào trong cuộc sống. Ví dụ, mẹ tôi ngày càng lo lắng cho cuộc sống lúc về già của bà và nhất là cái chết sẽ đến như thế nào.
Chắc hẳn bạn từng thấy không ít người trung niên dễ dàng tham gia vào các tôn giáo mới. Đó có lẽ là vì các tôn giáo mới có mô hình tham gia đơn giản hơn rất nhiều so với các tôn giáo lâu đời. Giáo lý của họ cũng thường đi thẳng vào nhu cầu của người tham gia chứ hiếm khi đồ sộ, phức tạp như các tôn giáo lâu đời, vốn đòi hỏi một nỗ lực lớn của tín đồ về thời gian, công sức để thấu hiểu.
Lừa đảo trong tôn giáo là mối quan tâm rất chính đáng. Tuy nhiên, lừa đảo có ở khắp các lĩnh vực của xã hội chứ không riêng gì ở các tôn giáo. Điều quan trọng là người tham gia các tôn giáo phải suy xét kỹ lưỡng và tìm sự hỗ trợ khi cần thiết. Quan ngại lừa đảo dẫn đến việc phủ nhận các tôn giáo là một phản ứng thái quá, tự lấy đi cơ hội có được một trải nghiệm hữu ích cho bản thân hoặc người thân của mình.
Hệ lụy thứ hai của cái nhìn phiến diện đối với tôn giáo là sự giảm sút khả năng khoan dung với các quan điểm khác biệt.
Tại Đài Loan, một tôn giáo tên là Hiệp hội Giáo lý T’ienti hay The Lord of Universe Church hướng dẫn tín đồ tụng niệm 20 từ tiếng Hoa như “trung thành”, “tha thứ”, “thành thật”, “đạo đức”, v.v. để giảm đi nghiệp quả của mình, xua tan các âm binh ám vào gia đình, [9] thậm chí là có thể chữa được bệnh. Khi vừa mới nghe qua mô tả nói trên, người ta dễ cho rằng tôn giáo này hoàn toàn mê tín. [10]
Từ cổ chí kim, quan điểm khác biệt giữa các tôn giáo có thể làm cho người ta trở nên thù địch, thậm chí giết chóc lẫn nhau. Do vậy, nhiều người lấy lý do này để kêu gọi phải hạn chế các tôn giáo phát triển. Quan điểm như vậy nghe có vẻ rất hợp lý nhưng thật ra đây chính là con đường dẫn đến một xã hội độc tài.
Các giáo lý khác biệt của tôn giáo chính là một phép thử về khả năng khoan dung của công chúng đối với các ý tưởng khác biệt. Nếu người ta không khoan dung đối với những quan điểm tôn giáo mà mới nghe qua có phần kệch cỡm, mê tín thì làm sao chắc chắn rằng những ý tưởng mới mẻ trong các lĩnh vực khác sẽ không bị ném đá.
Người ta không cần phải chấp nhận hay ủng hộ một quan điểm tôn giáo nào đó, nhưng điều tối thiểu là hãy tôn trọng nó, và tự nhắc nhở mình rằng “tôn giáo là một trải nghiệm có tính chất cá nhân”.
1. Văn Tâm (2022, January 22). Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/
2. Nguyệt san Phật giáo Việt Nam số 4 năm 1956, trang 6. (1956, December 16). Thư Viện Hoa Sen. http://thuvienhoasen.org/images/file/WyI9gM3Q0QgQAIwY/phat-giao-viet-nam-1956-04.pdf
3. A quote from Modern Man in Search of a Soul. (n.d.). Good Read. https://www.goodreads.com/quotes/160797-i-have-treated-many-hundreds-of-patients-among-those-in
4. Fagan, P. (n.d.). Why Religion Matters: The Impact of Religious Practice on Social Stability. The Heritage Foundation. https://www.heritage.org/civil-society/report/why-religion-matters-the-impact-religious-practice-social-stability
5. Xem [4].
6. Xem [4].
7. Xem [4].
8. Thái Thanh (2021, December 25). 5 vấn đề tôn giáo năm 2021 mà chính quyền không muốn bạn biết. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2021/12/5-van-de-ton-giao-nam-2021-ma-chinh-quyen-khong-muon-ban-biet/
9. The Lord of Universe Church. (2018, October 14). The Twenty Words of Truth. https://www.tienti.org/the-twenty-words-of-truth/
10. Luật Khoa Team (2021, September 10). Các giáo phái có thực sự đáng sợ? Luật Khoa Tạp Chí. https://luatkhoa.org/2021/09/cac-giao-phai-co-thuc-su-dang-so/