Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một cuốn sách của tiếng cười, sự giải thoát và niềm hy vọng.
Ngồi vắt vẻo trên cửa sổ là hành động có lẽ ai cũng từng làm qua nhiều lần trong đời. Trèo qua cửa sổ thì hiếm hơn nhiều, và tần suất của nó tỷ lệ nghịch với độ tuổi; với những ai sống trong các chung cư, nó còn tỷ lệ nghịch với độ cao.
Nếu vắt chân trên cửa sổ thường được xem là dấu hiệu của kẻ mộng mơ, thì trèo qua cánh cửa đó là chỉ dấu của sự nổi loạn, một đặc tính thường thấy ở những người trẻ.
Allan Karlsson không còn trẻ lắm khi thực hiện hành vi nổi loạn này. Ông leo qua cửa sổ phòng ở tầng trệt của viện dưỡng lão vào cái ngày sinh nhật thứ 100 của mình.
Cuộc trốn chạy của ông già trăm tuổi dẫn đến một chuỗi các sự kiện hài hước và khó tin, nhưng nó vẫn không là gì so với những thứ đã diễn ra trước đó trong cuộc đời của nhân vật này.
Allan không chỉ xuất hiện mà còn đóng vai trò trung tâm của hầu hết các sự kiện bước ngoặt trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ 20. Ông giải được bài toán then chốt giúp người Mỹ làm ra quả bom nguyên tử đầu tiên, từ đó chấm dứt sớm Thế chiến II. Ông vui vẻ chia sẻ bí kíp đó cho người Nga, đẩy Chiến tranh Lạnh lên cao trào. Rồi chính ông góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh và dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.
Allan cũng tạo vô số ân oán với các nhân vật chính trị khét tiếng nhất thế kỷ trước; vừa là bạn tâm giao của Tổng thống Mỹ Truman, vừa là ân nhân của lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông, vừa gián tiếp gây ra cái chết của Thống soái Stalin, vừa xoa đầu vỗ về lau nước mắt cho lãnh tụ tương lai của Triều Tiên Kim Jong Il.
Allan Karlsson, tất nhiên, là một nhân vật không có thật.
Đó là nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết “The 100-Year-Old Man Who Climbed Out the Window and Disappeared” của nhà văn người Thụy Điển Jonas Jonasson. [1]
Tác phẩm được xuất bản vào năm 2009 và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Đến nay, nó đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng và đến tay hàng chục triệu độc giả trên khắp thế giới. Bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2013 với tựa đề “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, đến nay đã được tái bản hơn 20 lần. [2]
Vì sao cuộc đời tưởng tượng của một ông già gân lại được hưởng ứng đến vậy?
Jonas Jonasson đoán rằng đó là do truyện của ông truyền tải hy vọng. [3]
Người đọc sẽ không gặp khó khăn gì để cảm nhận điều đó.
Bản thân sự tồn tại của nhân vật đã là biểu tượng của hy vọng. Một người sống được đến 100 tuổi đã là chuyện hiếm, và còn hy hữu hơn khi vào cái tuổi đó, thay vì nằm ngoan ngoãn (chờ được đút đồ ăn rồi chết), lại còn nổi loạn tự viết tiếp câu chuyện cuộc đời.
Với những ai sống ở Việt Nam, giá trị của cuốn sách còn đến từ các bài học lịch sử và chính trị tươi mới.
Những sự kiện và nhân vật lịch sử khô khan trở nên sinh động và hài hước qua từng lời thoại. Nếu chỉ từng học sơ sơ các sự kiện và nhân vật đó, bạn cũng sẽ cảm thấy gần gũi và quen thuộc. Còn nếu biết rõ về nó, bạn có thể dễ dàng bị thuyết phục, và thán phục, trước các tình tiết trong truyện.
Rốt cuộc thì tuy bịa như thật, nhưng cái thật của truyện vẫn còn đáng tin hơn nhiều so với những bài học lịch sử “thật mà không khác gì bịa” được tuyên truyền cho nhiều thế hệ người Việt.
Bạn hãy thử đọc đoạn đối thoại sau giữa nhân vật chính Allan và lãnh tụ Liên Xô Stalin, trong một bữa ăn tối thịnh soạn tại Điện Kremlin. Trước đó, Allan đã đồng ý lời mời giúp đỡ Liên Xô phát triển bom hạt nhân, và Stalin không thể vui vẻ hơn. Mọi thứ thay đổi 180 độ sau khi Allan vô tình trích dẫn thơ của một tác giả mà Stalin căm ghét.
- Ông tưởng ông là ai, đồ chuột cống khốn kiếp? Stalin gầm lên. Ông có nghĩ là mình, một đại diện của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tư bản Mỹ kinh tởm, hiện thân cho mọi thứ mà Stalin khinh miệt nhất trên trái đất, ông, ông dám đến điện Kremlin, điện Kremlin, và mặc cả với Stalin, mặc cả với Stalin?
- Tại sao ông nói cái gì cũng hai lần? Allan thắc mắc, trong khi Stalin tiếp tục:
- Liên Xô đang chuẩn bị cho chiến tranh lần nữa, tôi báo ông biết! Sẽ có chiến tranh, chắc chắn sẽ có chiến tranh đến khi nào đế quốc Mỹ bị xóa sổ.
- Ồ, thế à? Allan đáp.
- Để chiến đấu và giành chiến thắng, chúng ta không cần bom nguyên tử chết tiệt của ông! Những gì chúng ta cần là trái tim và linh hồn xã hội chủ nghĩa! Người cảm thấy không bao giờ có thể bị đánh bại thì sẽ không bao giờ bị đánh bại!
- Tất nhiên trừ phi có ai đó thả một quả bom nguyên tử vào anh ta, Allan đáp.
- Ta sẽ tiêu diệt chủ nghĩa tư bản! Ngươi nghe chưa! Ta sẽ tiêu diệt từng tên tư bản một! Và ta sẽ bắt đầu với ngươi, đồ chó, nếu ngươi không giúp ta chế tạo bom!
Allan để ý thấy trong khoảng một phút mình đã hóa thành cả chuột và chó. Và Stalin rõ ràng không lành mạnh lắm, vì cuối cùng vẫn định dùng dịch vụ của Allan.
Nhưng Allan thì sẽ không ngồi nghe sỉ nhục mình nữa. Ông đến Moskva để giúp họ một tay chứ không phải để bị quát vào mặt. Bây giờ thì kệ Stalin tự lo.
- Tôi đang nghĩ một điều, Allan nói.
- Cái gì? Stalin giận dữ hỏi.
- Tại sao ông không cạo bộ ria mép đó đi?
Thế là bữa tối chấm dứt bởi vì phiên dịch ngất xỉu.
Nếu đã từng trải qua mái trường xã hội chủ nghĩa, bạn không thể không cảm thấy những lời của Stalin quá quen tai, dù biết rằng cuộc hội thoại này hoàn toàn không có thật.
Giống như Tố Hữu, tác giả Jonas Jonasson chưa từng gặp trực tiếp Stalin. Nhưng khác với Tố Hữu, những lời mô tả của Jonasson về Stalin khiến người đọc thấy đáng tin và gần với sự thật nhiều hơn là những dòng thơ tuyên truyền tưởng tượng của nhà thơ cách mạng.
Trích đoạn ở trên nằm trong bản dịch tiếng Việt. Nó có một số điểm cần lưu ý (như việc dùng chữ “không lành mạnh” trong khi bản tiếng Anh ghi “inconsistent”, vốn có nghĩa là không nhất quán, hoặc trong ngữ cảnh này có thể hiểu là không tỉnh táo). Nhưng các chi tiết về kỹ thuật dịch không phải là chuyện đáng chú ý nhất của bản tiếng Việt. Vấn đề lớn nhất của nó là câu chuyện muôn thuở: kiểm duyệt.
Cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm châm biếm. Nó giễu nhại tất cả các nhân vật và sự kiện, không phân biệt quốc gia hay ý thức hệ nào. Những nhân vật và ý tưởng gây tiếng cười lớn nhất chính là những người cho rằng mình đúng và tất cả những người khác đều sai.
Với văn hóa phương Tây, việc người dân cười cợt các lãnh đạo quốc gia, hay việc các lãnh đạo tự châm biếm bản thân, đều được xem là những thực hành biểu đạt lành mạnh và bình thường.
Còn với những nơi mà chỉ cần có ý kiến khác biệt đã bị chụp mũ phản động, mọi hình thức biểu đạt, cho dù là hư cấu, cũng phải tự cắt gọt.
Như khi Allan tự đúc kết từ lời khuyên của ba mẹ, rằng “linh mục và chính trị gia đều xấu, và bất kể là cộng sản, phát xít, tư bản hay thứ gì thì cũng chẳng khác chi nhau”, qua bản tiếng Việt, hai chữ “cộng sản” đã bị bứng đi mất.
Hoặc khi một nhân vật Liên Xô chỉ trích các lãnh đạo của mình - rằng Stalin hoàn toàn mất trí, Khrushchev thì chỉ dấu duy nhất cho thấy còn tính người là việc tử hình Nguyên soái Beria, và Brezhnev bốc mùi - trong bản tiếng Việt, tên các nhân vật chỉ còn là những chữ cái đầu: ông S., ông Kh. và Nguyên soái B.
Dĩ nhiên, bạn đọc khó có thể trách cứ dịch giả hay đội ngũ biên tập lẫn nhà xuất bản. Đặt trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, việc có thể xuất bản một quyển truyện với nội dung như thế đã gần như được xem là một hành động trèo qua cửa sổ.
Và điều đó, có lẽ đúng với tinh thần của quyển sách. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ta vẫn luôn có thể trèo qua cửa sổ và viết câu chuyện của chính mình, theo cách của riêng mình.
Bạn có thể mua quyển “The 100-Year-Old Man Who Climbed Out the Window and Disappeared” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. The 100-Year-Old Man Who Climbed Out the Window and Disappeared: Jonasson, Jonas: 9781401324643: Amazon.com: Books. (n.d.). Hachette Books. https://www.amazon.com/100-Year-Old-Man-Climbed-Window-Disappeared/dp/1401324649
2. Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ và Biến Mất. Nhà xuất bản Trẻ. https://www.nxbtre.com.vn/sach/ong-tram-tuoi-treo-qua-cua-so-va-bien-mat-44650.html
3. Beckerman, H. (2018, March 22). Jonas Jonasson: ‘My success is that I spread hope.’ The Guardian. https://www.theguardian.com/books/2016/may/01/jonas-jonasson-my-success-is-that-i-spread-hope-meet-the-author-hitman-anders