Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nhưng “an ninh quốc gia” là trên hết.
THƯ BẠN ĐỌC - Tôi đi học quân sự hồi còn là sinh viên năm nhất. Bọn tôi học tập trung, tôi nhớ đâu đó một tuần, ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh trong khuôn viên làng đại học Thủ Đức. Đó là một dãy các tòa nhà ở khá xa khu dân cư, vắng người, cũng không có hàng quán gì. Dãy nhà đó nằm gần hồ Đá, nơi hay được gọi là hồ tử thần vì phát hiện người chết khá thường xuyên.
Hồi đó, tôi không rõ tại sao mình lại phải đi học quân sự, nhưng việc học tháo lắp súng và ngủ giường tầng là những trải nghiệm khá hay ho với đứa ít đi xa nhà như tôi. Chuyện chỉ bớt vui đi khi tôi phải vào ngồi trong những lớp học chật chội và nghe một vị đại tá nào đó giảng rất chán về những chuyện không có mấy ý nghĩa với cuộc đời mình, kiểu như lịch sử nghệ thuật quân sự, hay xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sau này tôi mới hiểu, họ đang cố gắng tuyên truyền, xây dựng tinh thần dân tộc cho đám sinh viên trẻ. Nỗ lực đấy với tôi tương đối thất bại, nhất là sau khi tôi phát hiện ra những bộ đồng phục tự hào màu xanh áo lính của bọn tôi được phơi bằng cách trải thẳng xuống mặt đường.
Cũng phải mãi đến sau này nữa tôi mới nhận ra, không chỉ nhận thức lúc đó của mình còn non nớt, mà thiết kế của việc học quân sự cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ. Các trung tâm quân sự thường được đặt ở nơi vắng vẻ và tối tăm; sinh viên nam, nữ được bố trí ở tập trung; lãnh đạo và nhân viên ở trong các khu này hầu như toàn đàn ông. Tôi nhớ những buổi đêm nhìn ra những con đường không ánh đèn, lỡ mà gặp nạn thì tiếng kêu cứu chưa chắc có ai nghe thấy. Thời ấy, và có lẽ cả bây giờ, chẳng ai quan tâm đến chuyện nếu như có xảy ra quấy rối tình dục thì học viên phải báo cáo tới ai, quy trình thế nào.
Khi đi học quân sự, người ta thường kỳ vọng học viên chịu khó, chịu khổ, tuân theo luật quân đội. Tư tưởng đó dễ sinh ra xu hướng bình thường hóa các hành động bắt nạt, ngược đãi. Đó là chưa kể trong bốn bức tường mang danh quân đội, khi luật chơi do những người cầm súng thiết lập, các vấn đề nảy sinh luôn có thể được xem là chuyện “an ninh quốc gia”. Khi đó, đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm giải trình là chuyện không tưởng. Những vụ việc như Đồng Tâm hay quân nhân Trần Đức Đô là minh chứng cho luật chơi này.
Chúng ta cũng thấy tư tưởng này hiển hiện trong cách hành xử của ngành quân đội sau vụ việc vừa xảy ra ở trường HUFLIT. Chuyện chưa biết là hư hay thực thì các thế lực thù địch đã nhanh chóng được dựng dậy để làm tấm bia: nào “phản động”, nào “ba sọc”, nào “hội anh em dân chủ”. Có đến hàng trăm, hàng nghìn sinh viên đang hoang mang về sự an toàn của bản thân và bạn bè, nhưng nếu đặt mối quan tâm của họ trước nguy cơ làm ảnh hưởng danh dự của quân đội thì đều như vô hình cả. An ninh quốc gia là trên hết.
Tôi không có cách nào để biết được rằng có nữ sinh đã thực sự bị cưỡng hiếp tối 11/1/2023 hay không. Dư luận quanh tôi cũng chia về nhiều ngả. Nhưng có một điều mà dường như mọi người hết sức đồng thuận: nếu có xảy ra quấy rối tình dục trong môi trường đó thì cũng không lạ gì. Môi trường ấy trong tương lai còn có nguy cơ trở nên kém an toàn hơn, khi vị chủ nhiệm trường Chính trị Quân khu 7 phát biểu xanh rờn trong họp báo về vụ việc ở HUFLIT rằng họ có thể sẽ hạn chế việc sử dụng điện thoại trong khu học quân sự để tránh “cắt ghép, xuyên tạc”. [1]
Tôi muốn hỏi, tại sao hàng năm chúng ta vẫn ép hàng trăm nghìn sinh viên tham gia học tập ở những nơi đầy rủi ro như thế?
Đọc thêm các bài viết khác về vụ nữ sinh HUFLIT:
1. Nhóm PV. (2023, January 12). Nữ sinh quay clip ở trường quân sự: Hối lỗi vì clip bị cắt ghép. Báo Điện Tử Dân Trí. https://web.archive.org/web/20230116095455/https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nu-sinh-quay-clip-o-truong-quan-su-hoi-loi-vi-clip-bi-cat-ghep-20230112132656693.htm