‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Làm bạn với triết gia qua quyển sách “Alain nói về hạnh phúc”.
“Tôi chúc bạn có được niềm vui.
Đó mới đúng là thứ cần được trao đi và nhận về. Đó mới đúng là phép lịch sự đích thực khiến tất cả mọi người đều phong lưu, và trước tiên là cho chính người đi tặng. Đó mới đúng là kho báu mà càng được trao đổi bao nhiêu thì càng được nhân lên bấy nhiêu.
Ta có thể rải nó khắp phố phường, trên toa xe điện, hay trong các quầy báo; nó sẽ không vì thế mà suy suyển đến một nguyên tử.
Bạn vứt nó ở đâu, nó sẽ mọc lên và trổ hoa ở đấy.”
Đó là lời chúc năm mới của Alain, được viết vào một ngày tháng Giêng cách đây đã hơn một thế kỷ (chính xác là 113 năm).
Alain là tên thường gọi của Émile-Auguste Chartier, một triết gia, giáo sư và nhà báo có sức ảnh hưởng bậc nhất ở Pháp vào đầu thế kỷ 20. [1]
Đoạn trích trên nằm trong bài viết “Chúc mừng năm mới”, là một trong 93 bài trao đổi ngắn của Émile Chartier, được tập hợp lại trong quyển sách có tên “Alain nói về hạnh phúc”.
Bản gốc tiếng Pháp có tựa đề “Propos sur le bonheur” được xuất bản vào năm 1925. Bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Trẻ được phát hành vào năm 2013.
Các bài viết (propos) của Émile Chartier trong sách khó có thể được quy chính xác là thể loại gì. Nó vừa là những lá thư được viết với giọng tâm sự nhẹ nhàng về đủ chuyện trên trời dưới đất, vừa là các luận văn với những phân tích, lập luận đi kèm dẫn chứng phong phú. Cùng lúc, chúng lại thường xuyên mang hơi thở của một bài thơ (cái tên Alain của Émile Chartier được lấy theo Alain Chartier, một nhà thơ nổi tiếng vào thế kỷ 15). [2]
Đoạn trích dẫn dưới đây trong bài “Về cái chết” là một ví dụ.
“Con người thật can đảm. Không phải tùy dịp thì mới can đảm, mà đó là bản chất. Hành động, tức là dám hành động. Suy nghĩ, tức là dám suy nghĩ.
Rủi ro nằm ở mọi nơi mà không làm con người run sợ. Bạn thấy con người đi tìm cái chết và thách thức nó, nhưng anh ta lại không biết cách chờ đợi nó đến.
Vì nôn nóng mà tất cả những ai rảnh rỗi đều khá hiếu chiến. Không phải bởi họ muốn chết, mà đúng hơn là bởi họ muốn sống.
Và nguyên nhân thực của chiến tranh chắc chắn là nỗi buồn chán của một số ít người, những kẻ muốn những rủi ro thật rõ ràng, thậm chí tìm kiếm những rủi ro được định hình, giống như trong trò cờ bạc.
Và hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà những ai lao động bằng bàn tay của chính mình lại rất yêu hòa bình, như họ đã chiến thắng từng phút, từng giây.
Thời gian của đời họ đầy ắp và xác quyết.”
***
Tôi biết đến Alain từ André Maurois, tác giả nổi tiếng của Pháp, một trong những học trò xuất sắc của ông.
Ngày bé, khi đọc “Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi” của André Maurois (qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), tôi đã không khỏi thán phục trước sự thông thái của người viết, đồng thời tò mò về người thầy tên Alain được nhắc tới nhiều lần.
Sau này, khi đọc “Alain nói về hạnh phúc”, sự hiếu kỳ của tôi được xác nhận. Alain quả không hổ danh là thầy của André Maurois.
Là triết gia theo trường phái duy lý, Alain nhìn mọi thứ theo con mắt lý trí nhưng không khô khan và vô cảm. Ông như một thầy thuốc thông thái, đầy kinh nghiệm và không ít thủ thuật, có thể kiên nhẫn quan sát và lắng nghe những lời tả bệnh, để rồi đột ngột nắn cái khớp đau hay chích một mũi thuốc làm xẹp ngay cơn bệnh.
Tôi thường nhận ra việc mô tả sách của Alain cho những người xung quanh là một nhiệm vụ tương đối bất khả thi. Giống như màu xanh thôi miên của trời, mùi hương vẫy gọi của cỏ cây, hay âm thanh du dương của sóng biển, để cảm nhận trọn vẹn một tác phẩm hay, bạn cần giở trang sách ra và nhâm nhi từng chữ, thay vì nghe người khác kể lại.
Điều đó tất nhiên không có nghĩa là mọi thứ trong sách đều đúng (trên đời không tồn tại cuốn sách nào như vậy; nếu có, nó không phải để đọc, người ta sẽ đặt nó lên bàn để thờ rồi vái lạy).
Bạn sẽ dễ dàng thấy mình bất đồng với Alain trong nhiều vấn đề, và tác giả có lẽ không hề phật lòng vì điều đó. Những bài viết của Alain đóng vai trò khơi gợi các cuộc thảo luận nhiều hơn là ban phát các kết luận. Rốt cuộc thì trái tim của triết học là những câu hỏi chứ không phải các đáp án, và chức năng của nó là giúp chúng ta suy nghĩ về mọi thứ thay vì hài lòng với những gì được dọn sẵn.
Hơn nữa, Alain/ Émile Chartier còn xa mới là một hình tượng hoàn hảo.
Những dòng nhật ký lúc cuối đời của ông được phát hiện và xuất bản gần đây khiến không ít người cảm thấy hình tượng sụp đổ. [3]
Trong đó, Alain vừa cho thấy những suy nghĩ bài Do Thái, vừa ủng hộ Phát xít Đức đánh bại đội quân kháng chiến của Pháp trong Thế chiến II.
Ở phiên bản Alain sau này, người ta khó nhận ra hình ảnh một nhà hiền triết thông thái đầy lý trí. Thế chỗ trong đó là một ông già dường như có phần lẩm cẩm với những cơn đau tuổi xế chiều. Chính Alain cũng biết điều đó khi ông buồn bã thừa nhận định kiến thù hằn của mình đối với người Do Thái là “passion triste”, một thứ ám ảnh thể hiện sự yếu kém và bất lực của bản thân. [4]
Giống như không ít thầy thuốc tài ba, ông có thể chữa được bệnh cho muôn người nhưng lại vô phương trước vấn đề của mình.
Và Alain không phải người duy nhất.
Vài năm trước, khi những dòng nhật ký cá nhân của Albert Einstein được công bố, rất nhiều người đã sốc khi biết nhà vật lý thiên tài cũng mang trong mình những suy nghĩ phân biệt chủng tộc nặng nề. [5]
Trong chuyến đi châu Á vào thập niên 1920, Einstein đã mô tả về người Trung Quốc bằng những từ ngữ miệt thị như “bẩn thỉu”, “ngu dốt” và “ngồi ăn theo tư thế giống như người châu Âu đang ngồi ỉa”.
Einstein đã từng nhiều lần chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gọi đó là “thứ bệnh của người da trắng”. Không ngạc nhiên gì khi những dòng ghi chú cá nhân trên được Einstein giữ kín lúc còn sống.
Giống như Alain, những phát hiện “đào mộ” về Einstein khiến không ít người thất vọng. Tuy nhiên, không mấy ai vì thế đi hoài nghi những công trình khác của ông.
Những góc khuất đó chỉ cho thấy rằng dù có là thiên tài như Einstein hay người thầy được ngưỡng mộ như Alain, tất cả chúng ta, những con người thật, đều là những sản phẩm không hoàn hảo.
Trong bài viết “Số phận”, Alain đã dẫn lời triết gia Spinoza rằng “con người không cần đến sự hoàn hảo của loài ngựa”, và ngay cả một người hoàn hảo như Pyrrhus, được xem là một trong những vị tướng vĩ đại nhất thời cổ đại, cuối cùng lại bị chết chỉ vì một viên gạch rớt trúng đầu.
Vậy nên, nếu không phải là ngựa và nếu cũng sợ có ngày gạch rớt bể đầu, có lẽ chúng ta vẫn chấp nhận làm bạn được với những triết gia thông thái như Alain, ít nhất là khi họ còn chưa quá lẩn thẩn.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (1998, July 20). Alain | French philosopher. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Alain
2. Brown, F. (1975). Alain [Review of The Gods, by A. A. Levasseur & R. Pevear]. The Hudson Review, 28(2), 264–270. https://doi.org/10.2307/3850188
3. Moulin, J. (n.d.). Project MUSE - The Ghosts of World War II: The Year in France. https://muse.jhu.edu/article/726546
4. Maggiori, R. (2018, March 14). Alain, naufrage d’un sage. Liberation. https://www.liberation.fr/livres/2018/03/14/alain-naufrage-d-un-sage_1636194/
5. Flood, A. (2018, June 13). Einstein’s travel diaries reveal “shocking” xenophobia. The Guardian. https://www.theguardian.com/books/2018/jun/12/einsteins-travel-diaries-reveal-shocking-xenophobia