Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Sau đại dịch COVID-19, chính quyền có xu hướng ngày càng siết chặt các cộng đồng tôn giáo dù ở bất kỳ địa hạt nào, miền núi hay đồng bằng, có đăng ký hay không đăng ký, tôn giáo mới hay truyền thống.
Vào tháng 5/2022, Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã tuyên 15 tín đồ người H'mong theo đạo Dương Văn Mình từ 2 đến 4 năm tù giam. [1] Đáng ra họ sẽ không xung đột với công an để phải ngồi tù như vậy, nếu chính quyền không đến lấy xác của nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình mà họ rất tôn kính.
Một số tín đồ Dương Văn Mình bị bắt trong vụ án vừa nêu nói với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ đã bị công an tra tấn nặng nề, ép buộc từ bỏ đạo. [2]
Đến tháng 7/2022, sáu thành viên Tịnh thất Bồng Lai bị tuyên án từ 3 đến 5 năm tù giam vì tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự). [3] Trước bản án này, họ còn bị công an và báo chí nhà nước loan tin là có dấu hiệu loạn luân. Thông tin này là không có cơ sở.
Cũng trong tháng 7/2022, một tín đồ Tin Lành độc lập là người Thượng ở tỉnh Phú Yên cho biết đã bị cán bộ chính quyền đe dọa sẽ “xử lý, bắt bớ bằng bất cứ hình thức nào” nếu tiếp tục sinh hoạt tập trung, vì “bây giờ nhà nước làm mạnh, không thả lỏng để các anh làm như thế”. [4]
Giáo hội Công giáo Việt Nam cho biết chính quyền không còn công nhận các giáo họ như trước đây, và ngày càng khó đăng ký hoạt động ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. [5] Giáo hội Phật giáo Việt Nam chật vật với chính quyền vì dự thảo về quản lý tiền công đức. [6]
Hiện nay, Ban Tôn giáo Chính phủ đang triển khai các hoạt động liên quan đến việc sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và chuẩn bị ban hành nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. [7] Cả hai nghị định đều sẽ thắt chặt hơn quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Xu hướng đàn áp sẽ không dừng lại, thậm chí còn nặng nề hơn nữa. Vì sao chính quyền ngày càng thù địch đối với cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam?
Việc gia tăng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam đã xuất phát từ những chỉ đạo của chính quyền cấp trung ương.
Đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người từng giữ chức Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, đã công khai các chỉ đạo về quản lý tôn giáo. [8]
Một trong các chỉ đạo của ông Thắng khớp với cách chính quyền đối xử với các thành viên Tịnh thất Bồng Lai hay các tín đồ Dương Văn Mình: “[...] đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo để gây rối làm mất ổn định chính trị, an ninh trật tự; nắm tình hình an ninh trong tôn giáo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, đấu tranh với các nhóm, cá nhân cực đoan trong tôn giáo lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước [...]”.
Sáu tháng sau, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường công tác “quản lý nhà nước” về tôn giáo, trong đó có vấn đề nhân sự. Cụ thể là “chủ động có kế hoạch, lựa chọn nhân sự các tổ chức tôn giáo trước mỗi kỳ Đại hội, kiên quyết không để chức sắc có tư tưởng cực đoan giữ các vị trí lãnh đạo trong giáo hội; kiên quyết đấu tranh phê phán, xử lý những hành vi vi phạm của các chức sắc”. [9]
Xu hướng kiểm soát chặt chẽ tôn giáo là lựa chọn từ lâu của Việt Nam. Tuy nhiên, những chỉ đạo công khai, quyết liệt gần đây cho thấy chính quyền ngày càng nhạy cảm hơn đối với hoạt động tôn giáo.
Điều đáng lưu ý trong các chỉ đạo này là sự không rõ ràng về các thuật ngữ mô tả hành vi như “lợi dụng tôn giáo”, “mất ổn định chính trị, an ninh trật tự”, “các nhóm, cá nhân cực đoan trong tôn giáo”. Đây đều là những thứ không được định nghĩa trong luật. Chúng có thể bị diễn giải tùy tiện theo quan điểm của chính quyền.
Trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, trước khi khởi tố vụ án, Ban Tôn giáo Chính phủ đã khẳng định nơi này có dấu hiệu hoạt động tôn giáo để trục lợi. [10] Tuy nhiên, cáo buộc chủ yếu của phía tòa án lại là việc các thành viên tịnh thất đăng tải clip xúc phạm công an huyện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chức sắc của giáo hội này. [11]
Điều này cho thấy chính quyền địa phương xử lý vấn đề tôn giáo rất thống nhất với quan điểm chung của chính quyền trung ương.
Bên cạnh các nhóm tôn giáo truyền thống không chấp nhận sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền, còn có một bộ phận tôn giáo khác khiến chính quyền ngày càng lo lắng.
Ở một số tỉnh, thành hiện nay, bạn sẽ không còn thấy các nhóm tập luyện Pháp Luân Công công khai nữa. Đây là kết quả từ cuộc chiến chống tôn giáo mới của chính quyền.
Tuy nhiên, phong trào tôn giáo mới vẫn nở rộ ở khắp các tỉnh, thành dù bị cấm hoạt động công khai.
Vào tháng 9/2021, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. Hà Nội Phạm Tiến Dũng thông báo ngày càng có nhiều nhóm tôn giáo mới truyền đạo cho người dân qua mạng xã hội. [12] Đến tháng 5/2022, ông cho biết các tôn giáo mới ở TP. Hà Nội hoạt động ngày càng phức tạp, với khoảng 2.000 người tham gia. [13]
Vào tháng 4/2022, báo chí nhà nước cho biết Pháp môn Diệu Âm, một giáo phái mà chính quyền dùng mọi biện pháp để ngăn chặn trong nhiều năm qua, đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành. [14]
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cũng đã xác nhận vào đầu năm 2022: “[...] hiện tượng “tà đạo”, mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng hoạt động xâm lấn ở nhiều tỉnh, thành phố…” [15]
Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã lập kỷ lục về số các tôn giáo mới. Theo số liệu thống kê từ nhà nước, vào năm 1997, chỉ có 32 nhóm tôn giáo mới, nhưng đến năm 2021 con số “đạo lạ” đã là 85, tức tăng hơn hai lần. [16]
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chính quyền sợ hãi phong trào tôn giáo mới.
Trong tài liệu bồi dưỡng các cán bộ làm công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nhận định rằng một số tôn giáo mới có xu hướng quy kết các vấn đề tiêu cực của xã hội là do chính trị, xuyên tạc lịch sử, làm người dân mất niềm tin vào đảng, nhà nước. Một số tôn giáo khác thì chỉ trích các tôn giáo truyền thống, không hợp tác với chính quyền. [17]
Trong hơn một năm qua, chính quyền rất tập trung chống các tôn giáo mới. Gần như các tỉnh, thành đều cố gắng không để các nhóm tôn giáo mới cắm rễ.
Chẳng hạn, tỉnh Kon Tum tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn, tỉnh Tuyên Quang liên tục trấn áp người H'mong theo đạo Dương Văn Mình, [18] hay tỉnh Thừa Thiên - Huế kiên quyết xóa các hoạt động tôn giáo mới dù là những hoạt động được tổ chức tại nhà riêng, như ngăn chặn nhóm Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, [19] trục xuất tín đồ Nhất Quán Đạo ra khỏi tỉnh. [20]
Làn sóng ngày càng cao của phong trào tôn giáo mới đã khiến chính quyền phải gia tăng đàn áp, kiểm soát lên các hoạt động tôn giáo không đăng ký, không để cho bất kỳ tôn giáo mới nào được hoạt động công khai như trước đây.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã có hiệu lực từ năm 2018, nhưng trên thực tế, việc thực thi đạo luật này từ nhiều năm qua rất chậm chạp và không đạt hiệu quả.
Năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ trong hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã cho rằng một số địa phương buông lỏng việc quản lý tôn giáo, “chưa kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm với những hành vi sai trái của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật”. [21]
Đến đầu năm 2022, ông Vũ Chiến Thắng tiếp tục nhận định rằng vẫn còn hiện tượng buông lỏng quản lý tôn giáo ở một số nơi, chưa đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các hoạt động tôn giáo có dấu hiệu cực đoan. [22]
Trên thực tế, chính quyền địa phương rất khó thực thi hiệu quả Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Bản chất của luật này là hạn chế quyền tự do tôn giáo, can thiệp rất sâu vào các hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Đây là việc rất nhạy cảm, có thể tạo ra xung đột đối với các cộng đồng tôn giáo. Hiếm có địa phương nào cho thấy có đủ khả năng, sự khéo léo để thực hiện theo các quy định trong luật.
Mặt khác, do thiếu hướng dẫn thực thi cụ thể, một số địa phương đã chọn cách từ chối cho đăng ký các hoạt động tôn giáo mới nhằm giảm gánh nặng trách nhiệm về việc quản lý hoạt động tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự. Đây cũng là một biểu hiện của sự kém hiệu quả khi thực thi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. [23]
Mặc dù vậy, Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII năm 2021 đã yêu cầu cần phải “nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”. [24]
Ngay sau đó, Bộ Nội vụ đã ban hành chương trình hành động giai đoạn 2021 - 2025 về công tác tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện nghị quyết mới của đảng. Trong đó, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các địa phương “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo”, “tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương để [...] bảo đảm việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được kịp thời và hiệu quả”. [25]
Áp lực phải thực thi hiệu quả Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các quy định liên quan cũng là một trong những lý do khiến cả chính quyền trung ương và địa phương mạnh tay hơn với các hoạt động tôn giáo.
1. Thái Thanh (2022, June 15). Tôn giáo tháng 5/2022: Thêm người ở Tịnh thất Bồng Lai bị bắt, đàn áp đạo Hà Mòn. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/06/ton-giao-thang-5-2022-them-nguoi-o-tinh-that-bong-lai-bi-bat-dan-ap-dao-ha-mon/
2. Thái Thanh (2022, July 16). Tôn giáo tháng 6/2022: Bộ Ngoại giao Mỹ: Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập bị công an tra tấn. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/07/ton-giao-thang-6-2022-bo-ngoai-giao-my-nhieu-tin-do-ton-giao-doc-lap-bi-cong-an-tra-tan/
3. Bắc Bình (2022, July). Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: Tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20220804032400/https://thanhnien.vn/vu-an-tinh-that-bong-lai-tuyen-phat-bi-cao-le-tung-van-5-nam-tu-post1480618.html
4. VOA (2022, July 20). Tín hữu tin lành Đấng Christ ở Phú Yên bị chính quyền sách nhiễu, hăm dọa. https://www.voatiengviet.com/a/6666353.html
5. Xem [2].
6. Thái Thanh (2022, May). Tôn giáo tháng 4/2022: Giáo hội Phật giáo Việt Nam không muốn minh bạch tiền công đức. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/05/ton-giao-thang-4-2022-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-khong-muon-minh-bach-tien-cong-duc/
7. Xem [2].
8. Vũ Chiến Thắng (2022, January). Những định hướng đối với công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta trong thời gian tới. Tạp chí Tổ chức Nhà nước. https://web.archive.org/web/20220804031906/https://tcnn.vn/news/detail/53237/Nhung-dinh-huong-doi-voi-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-o-nuoc-ta-trong-thoi-gian-toi.html
9. Công Phong, Lê Xuân (2022, June). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Báo Tin Tức. https://web.archive.org/web/20220804032138/https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-20220624200428875.htm
10. Thái Thanh (2021, December). Tôn giáo tháng 11/2021: Giáo xứ An Hòa khiếu nại vì đất của giáo xứ trước 1975 bị phân lô bán nền. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2021/12/ton-giao-thang-11-2021-giao-xu-an-hoa-khieu-nai-vi-dat-cua-giao-xu-truoc-1975-bi-phan-lo-ban-nen/
11. Xem [3].
12. Thái Thanh (2021, October). Tôn giáo tháng 9/2021: Ban Tôn giáo TP. Hà Nội lo ngại các tôn giáo mới hoạt động qua mạng xã hội. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2021/10/ton-giao-thang-9-2021-ban-ton-giao-tp-ha-noi-lo-ngai-cac-ton-giao-moi-hoat-dong-qua-mang-xa-hoi/
13. Xem [1].
14. Thái Thanh, Thiện Trường (2022, April). Tôn giáo tháng 3/2022: Chính quyền tổng kết 30 năm kiểm soát đạo Cao Đài. https://www.luatkhoa.com/2022/04/ton-giao-thang-3-2022-chinh-quyen-tong-ket-30-nam-kiem-soat-dao-cao-dai/
15. Xem [7].
16. Văn Tâm (2021, July). Thế nào là “tà đạo”? 4 vấn đề về các tôn giáo mới chính quyền không muốn bạn biết. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2021/07/the-nao-la-ta-dao-4-van-de-ve-cac-ton-giao-moi-chinh-quyen-khong-muon-ban-biet/
17. Ban Tôn giáo Chính phủ (2021, September). Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo theo Quyết định 219/QĐ-TTG ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ. https://web.archive.org/save/http://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/03_11_2021/tai-lieu-boi-duong-de-an-2021-11-03-16-41-27.pdf
18. Xem [1].
19. Xem [11].
20. Xem [2].
21. Ban Tôn giáo Chính phủ (2019, July). Giao ban công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cụm các tỉnh, thành phố phía Bắc quý II/2019. Sở Nội vụ tỉnh Nam Định. https://web.archive.org/web/20220804034154/https://sonoivu.namdinh.gov.vn/tin-tong-hop/giao-ban-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-cum-cac-tinh-thanh-pho-phia-bac-quy-ii2019-686
22. Xem [7].
23. Xem [1].
24. Trần Hữu Tuấn (2021, September). Bộ Nội vụ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước. https://web.archive.org/web/20220804034911/https://binhphuoc.gov.vn/vi/snv/ton-giao/bo-noi-vu-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-ve-cong-tac-tin-nguong-ton-giao-340.html
25. Xem [24].