‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đâu là ranh giới giữa chống tin giả và đảm bảo tự do ngôn luận?
Sẽ không ngoa khi nói rằng “tin giả” hay “fake news” đã trở thành nỗi ám ảnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những thông tin chưa kiểm chứng không chỉ khiến cho những người tin tưởng nó cảm thấy xấu hổ, mà còn có thể dẫn đến các tác động tiêu cực rất lớn. Chỉ tính riêng ở Mỹ, tác động của tin giả có thể khiến thị trường chứng khoán mất đi hàng trăm tỷ đô-la, hoặc dẫn đến các hành động bạo lực, hay thậm chí là bạo loạn. [1] [2] [3]
Tin giả có thể đến từ nhiều nguồn, và nhiều mục đích khác nhau. Các chính trị gia hay các chính quyền cũng là một trong những đối tượng sản xuất tin giả nhiều nhất, nhằm phục vụ cho các mục đích chính trị, thậm chí là chiến tranh. Một ví dụ xa xưa đó là việc Thủ tướng nước Phổ Otto von Bismarck đã xuyên tạc bức điện tín Ems của vua Phổ gửi cho nước Pháp, khiến cho hai nước lao vào cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871). [4]
Lịch sử hiện đại cũng không thiếu các ví dụ như vậy. Chính vì thế mà một trong những nỗ lực quốc tế đầu tiên chống lại tin giả là nhằm gán trách nhiệm pháp lý lên các quốc gia trong việc không tuyên truyền, đưa thông tin sai sự thật để chống lại một quốc gia khác. Điều này dẫn đến sự ra đời của Công ước Quốc tế năm 1936 về phát sóng cho mục đích hòa bình (1936 International Convention on the Use of Broadcasting in the Cause of Peace), trong đó nghiêm cấm các quốc gia tham gia công ước lan truyền các thông tin sai trái về một quốc gia khác. [5]
Tất nhiên, ở thời điểm năm 1936 thì quy định này khá dễ để giám sát với sự tồn tại của một phương tiện truyền thông duy nhất là đài phát thanh. Nhưng ở thời đại ngày nay, công ước này có thể được đánh giá là chưa đủ về mức độ bao quát.
Sau Đệ nhị Thế chiến, với sự phân cực của hai khối cộng sản và tư bản trong Chiến tranh Lạnh, và sau đó là sự ra đời của internet, thế giới lại chứng kiến một làn sóng mới các hiện tượng tin giả không do các quốc gia trực tiếp sản xuất, mà là do các tác nhân bên trong quốc gia đó. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải chống lại những thông tin trên bằng chính pháp luật quốc gia của mình, bên cạnh những đạo luật lỗi thời về vu khống hay lăng mạ.