“From development to democracy”: Một lý thuyết về tương lai dân chủ cho Việt Nam

Bài học từ những nhà nước kiến tạo phát triển ở Á châu.

“From development to democracy”: Một lý thuyết về tương lai dân chủ cho Việt Nam
Ảnh bìa sách: Princeton University Press. Đồ họa: Luật Khoa.

Suốt từ khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ đến nay, người ta thường gắn triển vọng dân chủ hóa của Việt Nam với hai từ: “lật đổ” và “sụp đổ”.

Tóm lại, các thảo luận chính trị dành một không gian rất lớn để bàn về một sự đổ vỡ toàn diện của thể chế chính trị hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền nắm giữ. Họ coi đó là con đường dân chủ hóa hiển nhiên.

Nhưng luôn tồn tại một luồng quan điểm và thảo luận khác, ít sôi nổi hơn, đó là con đường cải cách chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, hay nói cách khác là một cuộc Đổi mới 2.0. Nếu Đổi mới 1.0 đã chuyển nền kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung (xã hội chủ nghĩa) sang kinh tế thị trường (tư bản chủ nghĩa) thì Đổi mới 2.0 sẽ giải quyết nốt phần còn lại của bài toán phát triển quốc gia: chuyển đổi nền chính trị từ độc tài chuyên chế sang dân chủ.

Đây cũng chính là nội dung của cuốn sách From development to democracy: The transformations of modern Asia (tạm dịch là “Từ phát triển tới dân chủ: Sự chuyển đổi của châu Á hiện đại”) mới xuất bản năm 2022 của hai nhà chính trị học Dan Slater và Joseph Wong. [1] Cuốn sách do Princeton University Press ấn hành.

Còn gì thú vị hơn cho những ai trăn trở với tương lai dân chủ của đất nước khi đi tìm lời giải cho đất nước mình ở các quốc gia láng giềng Á châu. Nhưng đi xa hơn thế, hai tác giả còn dành hẳn một phần cuốn sách để phân tích riêng trường hợp Việt Nam và đặt Việt Nam trong lý thuyết “dân chủ hóa trên thế mạnh” của họ.

Dân chủ hóa trên thế mạnh

“Dân chủ hóa trên thế mạnh” (tạm dịch thoáng ra từ cụm “democracy through strength”) là một lý thuyết dựa trên dữ liệu về quá trình dân chủ hóa ở Đông Á và Đông Nam Á trong thế kỷ 20. Hai tác giả nhận ra rằng, các nền dân chủ ở hai khu vực này có xu hướng được hình thành sau một thời kỳ phát triển kinh tế và nhờ các chế độ độc tài chủ động cải cách hơn là do cách mạng lật đổ.

Nghe có vẻ quen thuộc. Phát triển kinh tế dẫn đến dân chủ hóa chính là nội dung của lý thuyết hiện đại hóa, vốn có ảnh hưởng rất lớn tới chính trị học thế giới trong thế kỷ 20. Nhưng vế sau của lý thuyết dân chủ hóa trên thế mạnh thì mới: các chế độ độc tài ở Á châu chủ động dân chủ hóa thay vì chờ đến ngày bị lật đổ.

Các tác giả viện dẫn ba hình mẫu điển hình: Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khoan đã, Nhật Bản? Họ thua trận trong Thế chiến II và bị Mỹ áp đặt nền dân chủ vào mà? Dưới góc nhìn của hai tác giả, mặc dù vai trò chiếm đóng và áp đặt dân chủ của Mỹ là cực kỳ quan trọng nhưng Nhật Bản sẽ không thể trở thành một nền dân chủ nếu không có sự nhượng bộ và hợp tác của giới tinh hoa chính trị nước sở tại - vốn vẫn có địa vị chính trị và tiềm lực kinh tế hùng hậu sau cuộc đại chiến. Họ nhượng bộ vì họ thấy được lợi ích của dân chủ đối với tương lai của họ: họ tự tin rằng họ sẽ thắng cử và họ sẽ duy trì được sự ổn định trong một nền dân chủ.

Hai ví dụ Đài Loan và Hàn Quốc có tính đại diện cao hơn nhiều cho lý thuyết này. Vào cuối thập niên 1980, các đảng độc tài cầm quyền ở đây đã tiến hành cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa ngay cả khi họ đang rất mạnh và không có thế lực nào khả dĩ lật đổ được họ.

Vì sao họ lại làm được điều đó? Có mấy lý do.

Một, họ đủ mạnh. Họ mạnh vì có thành tích phát triển kinh tế ngoạn mục suốt mấy thập niên trước đó, vì họ có hệ thống tổ chức đảng và tổ chức quần chúng rộng khắp, và vì họ có một bộ máy quan lại, công an, quân đội vừa có năng lực, vừa nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Hai, họ nhận ra những dấu hiệu bất ổn xã hội. Đó là các cuộc biểu tình, những cuộc thất cử ngay cả trong những cuộc bầu cử bị kiểm soát gắt gao của họ, đó là những tiếng nói đối lập ngày càng lớn lên trong lòng chế độ chuyên chế, là những dấu hiệu bất ổn kinh tế, và là những mối đe dọa an ninh quốc gia xuất phát từ sự dịch chuyển về địa chính trị quốc tế.

Tóm lại, các chế độ độc tài này đang rất thỏa mãn với quyền lực tuyệt đối lẫn thành tích của bản thân, nhưng họ cảm thấy có gì đó không ổn. Đến một thời điểm nào đó - thời điểm mà các tác giả gọi là “bittersweet spot” - các nhà độc tài này sẽ nhận ra rằng: đàn áp thêm nữa sẽ chẳng thể vãn hồi sự ổn định xã hội, mà nới lỏng ra cũng chẳng khiến đảng bị diệt vong.

Các nhà độc tài ở Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, và ở một số thời điểm là Thái Lan và Miến Điện, đã chọn dân chủ hóa như một lối thoát - hay đúng hơn là giải pháp - cho tình thế đó.

Trạng thái dở dở ương ương của Trung Quốc năm 1989

Hai tác giả đưa ra một lời giải thích thú vị cho lý do tại sao Trung Quốc lại không chọn con đường dân chủ hóa vào năm 1989, khi hàng trăm nghìn sinh viên biểu tình ròng rã mấy tháng trời ở quảng trường Thiên An Môn.

Đó là vì khi ấy chế độ độc tài chuyên chế ở Trung Quốc chỉ vừa đủ mạnh để thoát chết chứ chưa đủ mạnh để thoát xác.

Sau một thập kỷ cải cách kinh tế, đến năm 1989, Trung Quốc thoát chết trong gang tấc, không chịu chung số phận với Liên Xô và Đông Âu. Nhưng khi đó, họ không có cơ sở để tin rằng dân chủ hóa sẽ giúp họ giữ được quyền lực và quyền lợi nếu họ thoát xác trở thành một nền dân chủ.

Thêm nữa, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa có được một câu chuyện thần kỳ kinh tế để kể, để tạo ra tính chính danh cho mình. Cấu trúc đảng và chính quyền đương thời cũng có rất nhiều vấn đề khi các địa phương được cởi trói làm ăn đã tạo ra những nạn bè phái và những rạn nứt khổng lồ bên trong đảng, khiến chính quyền trung ương ngày đêm lo lắng. Kết quả là họ chọn tắm máu trên quảng trường Thiên An Môn.

Trung Quốc và Việt Nam ngày nay: hai ứng cử viên tiềm năng

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, Trung Quốc và Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và trở thành hai ứng cử viên cho giải pháp dân chủ hóa trên thế mạnh của Slater và Wong.

Lý do là gì? Bạn có đoán được không?

Tôi đã viết đủ nhiều để bạn đoán được lý do cũng như phản bác những lý do đó. Nếu tò mò về cách giải thích của hai tác giả, hãy đọc cuốn sách này, hiện có bán trên Amazon.

Tôi cũng xin giới thiệu ba nghiên cứu trước đây của hai tác giả Slater và Wong, vốn là tiền đề để họ viết cuốn sách này.

Ngoài ra, còn hai cuốn sách khác có liên quan của các tác giả Việt Nam để bạn tham khảo thêm:

Nếu bạn muốn bàn về chủ đề này, hãy gửi bài cho Luật Khoa tại đây.


Một tấm bản đồ dẫn vào thế giới triết học chính trị
Những trăn trở từ thời cổ đại đến ngày nay.
Lịch sử cải cách thể chế Việt Nam thời kỳ Đổi Mới qua một cuốn sách mỏng
Đổi Mới = phi tập trung hóa quyền lực nhà nước.

Bạn có thể mua quyển “From development to democracy: The transformations of modern Asia” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Chú thích

1. Xem trên Amazon: https://amzn.to/3JM1cEA

2. Slater, D., & Wong, J. (2013). The Strength to Concede: Ruling Parties and Democratization in Developmental Asia. Perspectives on Politics, 11(3), 717–733. https://doi.org/10.1017/s1537592713002090

3. ​​Slater, D., & Wong, J. (2018). Game for Democracy: Authoritarian Successor Parties in Developmental Asia. In Life after Dictatorship: Authoritarian Successor Parties Worldwide (pp. 284–313). Cambridge University Press.

4. Riedl, R. B., Slater, D., Wong, J., & Ziblatt, D. (2020). Authoritarian-Led Democratization. Annual Review of Political Science, 23(1), 315–332. https://doi.org/10.1146/annurev-polisci-052318-025732

5. Nguyễn Trần Bạt (2013). Sách Cải cách và Sự phát triển. Chungta.com. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/cai_cach_va_su_phat_trien.html

6. Tập hợp Dân chủ Đa nguyên (2015). Khai sáng kỷ nguyên thứ hai. https://thongluan-rdp.org/images/khai-sang-ky-nguyen-thu-hai.pdf

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.