Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Đặc biệt khuyến đọc đối với cánh đàn ông Việt.
“Hảo nữ Trung Hoa” là một cuốn sách mở ra rất nhiều góc nhìn dũng cảm, và rung động sâu xa về từng thân phận phụ nữ, về Trung Quốc trong thăng trầm lịch sử. Nhưng tất nhiên, để làm được điều này, cuốn sách đã không hề được viết ở Trung Quốc.
Tác giả Hân Nhiên là phóng viên ở Đài Phát thanh Truyền hình Nam Kinh và là người thực hiện một chương trình phát thanh buổi tối với tên gọi “Khinh phong dạ thoại” (Lời trong gió đêm). Trong chương trình này, cô đọc, chia sẻ, và thảo luận về hàng trăm câu chuyện của những người phụ nữ Trung Quốc gửi về. Chương trình rất được yêu thích vì đã vén màn mở ra một thế giới nhiều đau buồn và khốn khổ, nhưng cũng lấp lánh yêu thương phi thường của những người phụ nữ trên khắp Trung Quốc. Tất nhiên, không phải câu chuyện nào cũng được đưa lên sóng, điều mà có lẽ ai cũng hiểu tại sao trong bối cảnh chính trị tại Trung Quốc những năm 1990.
Sau một thời gian làm chương trình này, Hân Nhiên đã quyết định nghỉ làm báo và sang Anh du học vì “phải chứng kiến bao sự kiện choáng váng và đau buồn và thường bị bắt phải nói và viết những điều mà bản thân không đồng tình’’. Tại Anh, cô đã cho ra đời “Hảo nữ Trung Hoa”, như lời khuyên của một đồng nghiệp rằng: “Nếu cô không viết ra những câu chuyện này, trái tim cô sẽ tràn ứ và vỡ tung ra bởi chúng’’. Và đúng vậy, thay vì một trái tim vỡ tung trong âm thầm cô độc, Hân Nhiên đã làm vỡ tung trái tim của bao thế hệ người đọc vì những câu chuyện có thật và quá ám ảnh về động đất ở Đường Sơn, về thân phận những người con gái có cha mẹ bị đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, về những đứa con gái khốn khổ khi có những người anh, người cha quá khốn nạn, hay những tình yêu day dứt kéo dài mãi trong năm tháng viển vông, v.v.
Tôi bắt đầu mở những trang đầu tiên của cuốn sách này ở Đài Loan, trong những buổi sáng mưa ướt lướt thướt ngoài khung cửa, và trong suốt thời gian đọc, tôi luôn phải lật bìa xuống khi đọc xong vì đôi mắt và gương mặt của cô bé trên bìa quá đỗi ấn tượng và bi thương đến mức không thể nhìn thẳng.
Những câu chuyện được kể cũng chấn động như vậy đó, đọc là lòng như sóng dậy triều dâng. Tôi đọc từng câu chuyện một vào bữa sáng, khi ra phố, lúc đứng giữa đại lộ đông đúc, tôi cứ nghĩ mải miết về những con ruồi, về bài hát trong phim Băng sơn thượng lai khách với quả dưa ngọt và ngọn tuyết lở, về cả những chiếc lá được lấy làm băng vệ sinh ở đồi Hét năm này qua tháng khác, v.v. Rồi nhìn những người phụ nữ qua lại, nói với nhau bằng thứ tiếng Trung xa lạ, hoặc là nhìn họ lặng im lướt điện thoại trên tàu điện, tôi chợt nghĩ có bao nhiêu câu chuyện ẩn khuất trong những người phụ nữ này, và cả những người phụ nữ dùng cùng ngôn ngữ với họ nhưng ở bờ bên kia nơi đại lục, mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được?
Sách tốt thì có lẽ không cần bình nhiều, vì bao nhiêu cũng không thể sánh với những điều tác giả đã nói đủ đầy. Tuy nhiên, có một điều này phải nói, tôi tin rằng ở Việt Nam, những câu chuyện đớn đau, khổ sở nhưng rực sáng như thế về phụ nữ không ít, chỉ là chưa có ai viết lại những điều có thật (không phải là hư cấu) về hảo nữ Việt Nam một cách thiết tha mà dịu dàng yêu thương đến vậy.
Tôi cho rằng đàn ông viết về đàn bà khó có thể thấu tường như đàn bà viết về đàn bà; văn đàn ông viết thường mơ màng lãng mạn hơn vì đàn bà thường là nàng thơ, là giấc mơ của đàn ông (dù mơ đẹp hay ác mộng thì còn tùy). Đàn bà khi viết về chính họ, đó là một cuộc vật lộn để thấu thị vô số nỗi đau, phải nhìn lại, phải nhớ ra, nhớ cả những điều muốn quên, thật không dễ gì mà rút ruột rút lòng ra để viết xuống hết được. Và một điều nữa, có bao nhiêu người phụ nữ ở Việt Nam có đủ dũng cảm để nói ra câu chuyện đời mình ở những mặt khốn khổ thê thiết nhất, và có người phụ nữ nào có đủ bao dung, yêu thương và thấu cảm như Hân Nhiên để nhẫn nại ngồi lắng nghe, không phán xét, không kì thị? Người ta đã quá quen với sự yêu kiều và dễ dàng trong đời sống, tới mức mở lòng sống thật trở nên khó khăn quá đỗi.
Cuốn sách đặt xuống, câu chuyện đóng lại, nhưng tôi biết có một hạt mầm nào đó vừa gieo xuống, và hy vọng sẽ nở hoa, cho một Trung Hoa không chỉ có tơ lụa, có trà, có yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu, mà còn có nhiều điều sâu thẳm hơn thế để tìm hiểu và học hỏi từ nhân tâm thầm lặng.
Nhã Nam đã tái bản hai cuốn sách nổi tiếng của Hân Nhiên là “Hảo nữ Trung Hoa” và “Thiên táng”. Ai cũng có thể đọc, nhưng tôi chân thành khuyên đọc đối với cánh đàn ông. Một cuốn sách không dễ đọc nhưng xứng đáng để các anh đọc và hiểu hơn về một nửa thế giới theo cách nhìn chân thật, sâu thẳm nhất, từ một quốc gia rất gần với Việt Nam theo nhiều nghĩa.
Bạn có thể mua quyển “Hảo nữ Trung Hoa” bản tiếng Việt tại đây, hoặc “The Good Women of China: Hidden Voices” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.