Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nền tảng quan trọng cho cuộc chiến pháp lý chống lại hành vi xâm lược của Nga.
Sự kiện Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) chính thức ra lệnh bắt giữ đương kim Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga - ông Vladimir Putin - khiến cho dư luận quốc tế lẫn Việt Nam xôn xao. [1]
Đây là một quyết định rất quan trọng nhưng khéo léo của ICC. Bên cạnh nhiều tranh cãi, một bộ phận lớn người tiếp nhận thông tin chưa có đủ thời gian nắm bắt điều gì đang xảy ra.
Tác giả đã tổng hợp năm câu hỏi xuất hiện phổ biến để có thể giúp bạn đọc Luật Khoa thấy được một bức tranh toàn cảnh.
ICC không phải là một định chế nằm bên trong Liên Hiệp Quốc. Cụ thể hơn, ICC được hình thành bởi “Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế” (Rome Statue of the ICC - Quy chế Rome). Dù được thảo luận và thương thuyết trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc, Quy chế Rome là một thỏa thuận pháp lý quốc tế riêng biệt.
Hay nói cách khác, Quy chế Rome không phải một văn bản phổ quát và mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc không nhất thiết cũng là thành viên của Quy chế Rome.
Do đó, chỉ có những quốc gia trực tiếp đồng ý là thành viên của Quy chế Rome và chấp nhận thẩm quyền của ICC thì công dân của họ mới có khả năng bị khởi tố, xét xử bởi định chế này.
Ví dụ, Việt Nam dù là thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc nhưng chưa bao giờ là thành viên của ICC.
Trong trường hợp của Nga, quốc gia này cũng không phải là thành viên của ICC. Vậy khẳng định của Nga cho rằng ICC không có thẩm quyền liệu có đúng? Điều này không hoàn toàn chính xác.
Ngoại trừ thẩm quyền dựa trên tư cách thành viên, ICC còn có thể xác lập thẩm quyền dựa trên lãnh thổ (territorial jurisdiction). [2]