Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bắt đầu từ việc nhận thức về vai trò của nhà nước và quyền tự do của con người.
Kinh tế học vĩ mô bắt nguồn từ kinh tế học chính trị, nghiên cứu việc các nhà nước tư bản sẽ can thiệp vào nền kinh tế thị trường tới đâu, các chính sách ảnh hưởng đến tính tự do của thị trường như thế nào. Mô hình kinh tế đề cao quyền sở hữu tư nhân gắn liền với các thể chế dân chủ đã đặt ra thách thức cho giới cầm quyền khi phải giới hạn tư hữu của người dân.
Nước Mỹ tư bản là một biểu tượng bất hủ như vậy. Nó không thể thiếu những người làm kinh tế và người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự do. Đồng thời, nó cũng phải vật lộn giải quyết những căng thẳng trong mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - quyền tự do của mỗi con người.
Nhà kinh tế học lỗi lạc Milton Friedman là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự do, ông quan ngại trước sự can thiệp thô bạo của nhà nước vào kinh tế thị trường. Với những đóng góp của mình cho “monetarism” (chủ nghĩa tiền tệ - ám chỉ sự nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc điều tiết tiền tệ lưu thông) và những nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học vĩ mô khác, Friedman đã trở thành một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nửa cuối thế kỷ 20.
Milton Friedman đạt giải thưởng Nobel về kinh tế vào năm 1976. Ông còn là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hoover, Đại học Stanford và giáo sư kinh tế học Đại học Chicago. Với độ bảo chứng về chuyên môn, chúng ta có thể kỳ vọng nội dung cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản và tự do” của ông đậm chất hàn lâm và khúc chiết.
Cuốn sách ra đời vào năm 1962, là tập hợp các bài giảng của tác giả trong giai đoạn từ năm 1956 đến 1962. Ở thời kỳ này, sự thịnh hành của chủ nghĩa xã hội với hình mẫu Liên Xô khiến những quan điểm trái chiều của Friedman đối với nhà nước phúc lợi bị độc giả thờ ơ. Tuy nhiên, sau 20 năm với những thay đổi lớn về kinh tế lẫn chính trị toàn cầu, cuốn sách được tái bản và nhận được sự đón nhận rộng rãi từ công chúng.
Tại hai chương đầu, tác giả đặt vấn đề ở mức lý thuyết trừu tượng về các nguyên lý cơ bản của kinh tế và tự do cũng như khái quát về vai trò của nhà nước trong một xã hội tự do. Bạn sẽ tìm thấy những mô tả về một con người theo chủ nghĩa tự do cổ điển, chính xác là bản tự họa của tác giả.
Ở phần lý thuyết trừu tượng này, tác giả đề xuất khái niệm “neighborhood effect” (hiệu ứng lân cận). Đây là hiệu ứng mà hành động của một cá nhân tác động đến những cá nhân khác nhưng việc thu phí hay đền bù cho những người chịu tác động đó là không thể thực hiện được. “Hiệu ứng lân cận” là quan điểm xuyên suốt ở những chương sau.
Để dễ hiểu hơn về hiệu ứng này, tác giả đưa ra hai ví dụ.
Giả sử, một con sông tại một khu dân cư nọ bị ô nhiễm. Với hành động của mình, người gây ô nhiễm buộc những người sinh sống quanh đó phải đánh đổi nguồn nước sạch lấy nguồn nước ô nhiễm. Những người chịu ô nhiễm có thể rất muốn phạt người gây ô nhiễm kia. Song, nếu hành động đơn lẻ, họ sẽ vẫn phải dùng nguồn nước bẩn hoặc không thể yêu cầu một mức bồi thường thỏa đáng.
Công viên là một ví dụ thú vị khác. Để xác định những người được hưởng lợi từ các công viên trong thành phố nhằm tính phí cho những lợi ích mà họ nhận được là vô cùng khó khăn. Nếu có một công viên, những ngôi nhà bốn bề xung quanh được hưởng lợi từ không gian thoáng đãng, những người đi bộ trong công viên hay tiện đường đi ngang đó cũng được hưởng lợi. Chỉ tính riêng việc duy trì trạm thu phí tại cửa hoặc áp đặt phí thu hàng năm tính trên mỗi cửa sổ nhìn ra công viên là rất tốn kém và khó khăn.
Tác giả cho rằng hiệu ứng lân cận là con dao hai lưỡi, nó khiến chính quyền vừa hạn chế lại vừa mở rộng các hoạt động can thiệp. Khi chính quyền xử lý hiệu ứng lân cận cũ thì một hiệu ứng lân cận mới được phát sinh. Ông kết luận mọi hành động can thiệp của chính quyền đều trực tiếp hạn chế tự do cá nhân và gián tiếp đe dọa tới sự bảo vệ tự do của thị trường. Do đó, chính quyền không cần nhúng tay vào một số hoạt động kinh tế, giống như cách mà chính quyền liên bang Mỹ hay chính quyền các nước phương Tây vẫn đang thực hiện.
Các chương sách còn lại tập trung luận bàn về các chính sách của nhà nước trong từng vấn đề cụ thể dựa trên các nguyên lý cơ bản được trình bày trước đó. Các vấn đề có thể kể tên như: kiểm soát tiền tệ, giáo dục, phân biệt đối xử, chứng chỉ hành nghề, an sinh xã hội, v.v. Có thể thấy, tác giả đưa ra vô số phản biện đối với các chính sách hiện hành của nhà nước về sự sai lệch, có khi dẫn đến hệ quả đi ngược lại với mục đích ban đầu của chính sách.
Chẳng hạn như chương nói về an sinh xã hội, tác giả cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội rốt cuộc lại khiến vấn đề đối với các đối tượng không được thụ hưởng chính sách trở nên tồi tệ hơn hay không giúp giảm tình trạng phạm pháp ở thanh thiếu niên. Hoặc như công đoàn lao động, vốn dĩ mục đích ban đầu là tổ chức đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng sau khi được nhiều quy định pháp luật ưu ái thì nó trở thành lực lượng hùng mạnh và gây ra tình trạng độc quyền lao động, khiến cho độc quyền doanh nghiệp trở nên trầm trọng hơn.
Độc giả sẽ tìm thấy một phản bác của tác giả đối với lý luận kinh điển của chủ nghĩa Marx về tư bản trong khái niệm “giá trị thặng dư”. Khi xem xét khái niệm giá trị thặng dư dựa trên khía cạnh hàng hóa, bạn sẽ thu được một tam đoạn luận rốt cuộc là thiếu logic và tối nghĩa. Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ thấy tác giả phản đối sự chuyên chế, độc quyền hay tính gia trưởng. Những sản phẩm này vốn được cho là thuộc về nhà nước xã hội chủ nghĩa hay do những người có thiện cảm với chủ nghĩa tập thể gián tiếp tạo ra.
Mặc khác, kết luận “chủ nghĩa tư bản dẫn tới ít bất bình đẳng hơn các hệ thống tổ chức khác, và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản làm giảm mạnh mức độ bất bình đẳng” của tác giả có thể khiến nhiều bạn đọc giật mình nhưng cách triển khai các lập luận và các dẫn chứng mà tác giả đưa ra có thể phần nào làm hài lòng bạn.
Cho đến ngày nay, tác phẩm này đã đi qua hơn một vòng lục thập hoa giáp nhưng vẫn chưa hề lỗi thời, nó sẽ còn giữ nguyên giá trị như một tài liệu tham khảo cho mọi chính trị gia hay người làm luật khi muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn dựa trên vai trò của nhà nước và đảm bảo quyền tự do của mỗi con người.
Bạn có thể mua quyển “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.