‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Quốc gia tiến bộ phụ thuộc vào chí nguyện và sự cố gắng của quốc dân.
Trần Trọng Kim được biết đến với tư cách thủ tướng của chính phủ Đế quốc Việt Nam năm 1945. Đánh giá về khoảng thời gian tại vị ngắn ngủi của ông, giới trí thức - cộng sản lẫn không cộng sản - chẳng tiếc lời thóa mạ như bù nhìn, Việt gian, theo Nhật, v.v.
Thật ra, người trí thức đương thời vốn dĩ có niềm tin không giống chính trị gia hay tầng lớp công nông. Do đó, lúc thế cuộc nhiễu nhương, sự lựa chọn chính trị của họ có thể dẫn đến những phán duyệt lịch sử. Tuy nhiên, nếu nhìn về cách thức đóng góp và ý tưởng dựng xây xã hội, xét ở bối cảnh “thời thế thế thời phải thế”, thì bậc thức giả như Trần Trọng Kim vẫn còn nhiều điều đáng được trân trọng.
Năm 1884, một năm sau thời điểm học giả Trần Trọng Kim chào đời, người Pháp và triều đình Huế ký hòa ước cuối cùng. Từ đây, nền bảo hộ chính thức xác lập, “cái ấn của Tàu phong cho vua Việt Nam” bị hủy đi, mối quan hệ lệ thuộc vào thiên triều Trung Hoa chấm dứt, khối thống nhất quốc gia bị phân rã, lịch sử phải sang trang. Mặc dù vậy, học vấn và cảm tình của người nước ta vẫn theo lề thói của một nước triều cống, vẫn phụ thuộc “lối biên niên của Tàu”. Mãi duy trì tình trạng như thế, theo học giả Trần Trọng Kim, thì làm sao mới “hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước”?
Vả lại, sử Nam xưa nay viết bằng chữ Nho, mà chữ Nho ngày một kém đi, chữ quốc ngữ đang dần phổ biến, vì vậy yêu cầu cải cách nền sử học nước nhà đã trở nên cấp thiết, giúp cho việc học sử tiện lợi hơn trước, thúc đẩy sự tiến bộ của quốc dân, chứ không chỉ suốt ngày bàn chuyện vua quan triều đình. Hưởng ứng xu thế này, Trần Trọng Kim là một tri thức góp sức tiên phong.
Mang trong mình dòng máu Nho học gặp buổi suy tàn, lớn lên hiển đạt dưới nền Tây học mẫu quốc và trở thành một giới chức sư phạm nổi danh thời Pháp thuộc, Trần Trọng Kim - với ý thức cao độ về phận sự của một trí thức dấn thân vào sự nghiệp khai trí tiến đức - đã chấp bút cho những trước tác điển hình như “Việt Nam sử lược” (1920).
Tác phẩm là bộ thông sử chi tiết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ, chứng minh nỗ lực của một trí thức buổi giao thời mong muốn đem sử học đến gần hơn với đại chúng. Lựa chọn lấy tiếng nước nhà kể sử ta, Trần Trọng Kim đã dệt nên “tấm Nam sử” bằng diễn ngôn và tư duy thời đại mới, đoạn tuyệt cách học tập làm cho người mình chỉ biết dẫn chiếu… sử Tàu. Và quan trọng hơn, khả năng tỏ tường sử Việt giúp người nước Nam soi “gương chung cổ” để biết cha ông phải lao tâm khổ tứ thế nào mới chiếm giữ được “cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”.
Tác phẩm tập trung trình bày những chuyện trọng yếu rất khúc chiết, chia thành năm phần: Thượng cổ thời đại, Bắc thuộc thời đại, Tự chủ thời đại (thời kỳ thống nhất), Tự chủ thời đại (thời kỳ Nam - Bắc phân tranh) và Cận kim thời đại. Khoảng thời gian lịch sử mà tác giả phản ánh trải dài từ thuở Hồng Bàng đến năm 1902.
Trong suốt quá trình biên soạn, Trần Trọng Kim cố gắng tìm cách giải ảo yếu tố huyền sử khi cho rằng xã hội nước Tàu trước đời Tần phần nhiều lưu truyền chuyện hoang đường, huyền hoặc, nhà chép sử nước ta theo tục truyền chép lại, không có cơ sở xác đáng. Tuy tác giả giữ đúng nguyên bản nhưng phải phê bình đôi câu, giúp độc giả không cả tin.
Ví dụ, câu chuyện Cao Biền ra tay trấn yểm long mạch, phá hoại sơn thủy nước Nam đều bị tác giả kết luận “ngoa ngôn”. Hoặc cách mượn thiên lôi phá thác ghềnh, cũng bị hoài nghi là dùng thuốc súng. Mặc dù các kết luận của Trần Trọng Kim chứa tính phủ định chủ quan cao độ nhưng nó mở ra một lối tiếp cận sử học đáng ghi nhận, đề cao sự thật lịch sử, năng lực kiểm chứng thông tin và hạn chế thái độ không đúng mực khi liên hệ đến gốc gác hay căn tính dân tộc.
Ngoài ra, tác giả cũng dũng cảm thừa nhận rằng vì chịu sự Bắc thuộc dai dẳng hơn 1.000 năm nên “người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa”. Thậm chí, tác giả còn tiên liệu dù thoát khỏi vòng phụ thuộc ấy nhưng sức ảnh hưởng lâu ngày đã thành ra “quốc túy”, không dễ gì một mai tẩy gột cho sạch được.
Trong nhiều đoạn bình luận, tác giả còn chỉ rõ: “[...] người An Nam hay có tính ỷ lại, có việc gì thì chỉ muốn nhờ người […] Một ngày gì nữa mà còn lạ cái lòng hùm beo của người Tàu, thế mà hễ khi nào trong nước có biến loạn, lại chạy sang van lạy để rước chúng sang. Khác nào đi rước voi về giày mồ vậy.”
Dưới góc nhìn của một sử gia, Trần Trọng Kim khuyên những nhà chính trị “toan sự đổi cũ thay mới” phải lưu tâm việc này mới biến cải xã hội có công hiệu. Lời khuyên từ hơn trăm năm trước vẫn còn giá trị tham khảo lâu bền, nhất là cho những ý tưởng đương đại muốn “thoát Trung” về mặt kinh tế; muốn “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với người hàng xóm 16 chữ vàng trên phương diện chính trị - ngoại giao.
Ngay bản thân tác giả, một trí thức chịu ảnh hưởng nhất định từ Nho học, khi lược sử nước mình cũng phải dựa trên bối cảnh biến động chính trị - xã hội bên Tàu. Đơn cử, nói về nền thịnh trị nhà Lý, Trần Trọng Kim cũng “linh hoạt” nhắc đến cơ sở tham chiếu là việc nhà Tống đổi Giao Chỉ quận thành An Nam quốc, phong cho vua Lý làm An Nam quốc vương. Hoặc lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh thì bên Tàu nhà Minh mất nước, trong lúc tông thất nhà Minh trốn chạy người Mãn về phía Nam đã phát sinh động thái ngoại giao với vua Lê - chúa Trịnh. Đến đoạn phẩm bình sự nghiệp vua Lê Thái Tổ, tác giả có hàm ý so sánh cách hành xử của hoàng đế sáng lập triều Lê sơ với tính cách Hán Cao Tổ, và tầm chương trích điển hết sức tự nhiên về đạo giữ mình của công thần: chỉ có ông Trương Tử Phòng (tức Trương Lương) nhà Hán là người kiến cơ hơn cả!
Mang danh là sử lược nhưng tác phẩm này không phải một thống kê lịch sử vô hồn và ồn ào như sử đảng. Tóm tắt cuộc đại chiến giữa nhà Trần và giặc Nguyên - Mông, Trần Trọng Kim không chỉ mô tả chuyện vó ngựa chinh chiến, mà còn khắc họa tình huống tranh đấu ngoại giao một bước không lùi, để tỏ rõ khí tiết của cha ông. Các câu chuyện cụ thể gắn liền với từng nhân vật lịch sử cứ thế đan xen trong dòng chảy đại sử đương thời.
Dù vậy, thể loại và cách phản ánh lịch sử của Trần Trọng Kim cũng làm độc giả gặp nhiều khó khăn, nhất là độc giả lần đầu tiếp cận lối viết sử nằm ngoài khuôn khổ sách giáo khoa. Tác phẩm có đôi chỗ đi đến kết luận vội vã, thậm chí sẽ để lại nhiều tranh cãi, làm người hứng khởi dễ dàng chán nản vì phải lội theo dòng sự kiện quá nhanh, với lượng thông tin dồn nén.
Phần lịch sử từ giai đoạn khởi đầu nhà Nguyễn (1802) đến thời thuộc Pháp tạm kết thúc vào năm 1902 chỉ đúng 100 năm nhưng chiếm dung lượng hết 1/3 tác phẩm, lại thêm việc tác giả quá nhấn mạnh vào các chi tiết thuần túy liệt kê như quan chế, phẩm trật (vốn là tri thức thuộc về thời đại ông sống), hay các sự kiện chứng tỏ lòng yêu nước của người Việt, v.v. Điều này vừa làm phân tán sự tập trung thông tin vừa khép lại rất chóng vánh các biến cố quan trọng.
Nhìn chung, nếu đặt vào bối cảnh thời đại thì “Việt Nam sử lược” vẫn là một tác phẩm có giá trị. Nó không chỉ dừng lại ở công sức kết tập mà còn cho thấy thái độ khiêm cung, cầu thị của tác giả. Ví chuyện viết sử như chuyện dệt vải để thấy rằng sự tiến bộ của một quốc gia phụ thuộc vào “chí nguyện, sự nhẫn nại và sự cố gắng của người trong nước”, chứ không phải đơn thuần là một tập đại thành, một công nghiệp to tát của bất kỳ ai. Suốt quá trình đó, mỗi cá nhân tận tụy góp sức trong khả năng và phận sự, chẳng nề hà đón nhận lời khen tiếng chê từ mai hậu.
Bạn có thể mua quyển “Việt Nam sử lược” tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.