‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Dù bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt, chính quyền vẫn đàn áp tôn giáo dữ dội.
Vào ngày 22/2/2023, chính quyền huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã ngăn cản phái đoàn Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ gặp gỡ các tín đồ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ. [1]
Một đoạn phim đã cho thấy nhiều người mặc thường phục ngăn cản không cho phái đoàn vào nhà ông Y Kreec Bya, một chức sắc của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ tại xã Ea Bar.
Ông Y Kreec Bya nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng công an đã cử người canh gác nhà ông từ ngày hôm trước. [2]
Trong cùng ngày, chính quyền xã Cư Suê, huyện Cư Mgar cũng đã ngăn cản phái đoàn của ông Rustum Nyquist, tùy viên chính trị của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ đến gặp một số tín đồ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ. [3]
Cho đến nay, Hội thánh Tin Lành Đấng Christ vẫn chưa được chính quyền thừa nhận mặc dù họ đã nỗ lực đăng ký hoạt động tôn giáo với chính quyền. Họ thường xuyên bị cáo buộc là hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá nhà nước.
Hoa Kỳ là một trong những nước rất quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Cuối năm 2022, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt của Mỹ về tự do tôn giáo.
Ngày 9/2/2023, Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với hành vi xem bói của một người phụ nữ tên Hương. [4]
Công an cho biết người phụ nữ này vi phạm quy định hành chính về việc cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Gần đây, bà Hương nổi tiếng trên mạng xã hội với các video xem bói trực tuyến cho những người có nhu cầu.
Việc xử phạt của Công an thị xã Kinh Môn đang cho thấy quan điểm áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các hoạt động tương tự vụ “đúng nhận, sai cãi” hiện nay mâu thuẫn với quy định công nhận chính thức nghề “nhà chiêm tinh, thầy bói và những người có liên quan đến tâm linh khác” là một nghề hợp pháp theo Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành “Danh mục nghề nghiệp Việt Nam”. [5]
Theo đó, nghề này bao gồm những người nhắc lại quá khứ, dự đoán tương lai con người qua tử vi, xem lòng bàn tay, rút thẻ, xem vị trí lá trầu, bã cà phê trong cốc, v.v.
Đài RFA cho biết một người phụ nữ dân tộc H’Mông theo đạo Tin Lành ở Nghệ An đã đến Thái Lan tị nạn. Cô nói lý do vượt biên là do chính quyền huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tổ chức hàng loạt các hoạt động kỳ thị, không cho cô theo đạo Tin Lành. [6]
Người phụ nữ này tên là Lầu Y Tòng, 36 tuổi, cư trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Cô cho biết sau khi nhận được một quyển kinh thánh từ một mục sư thì liền bị chính quyền liên tục sách nhiễu, không cho cô theo đạo Tin Lành. Các cán bộ đã nói với cô rằng: “[...] ở Kỳ Sơn, Nghệ An là họ không cho ai tin theo Chúa cả.”
Một mục sư biết được hoàn cảnh của cô đã viết một bức thư xác nhận với chính quyền rằng cô là tín đồ Tin Lành thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam, tổng hội miền Bắc, là tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền vẫn tiếp tục ép buộc cô từ bỏ đạo Tin Lành.
Có rất nhiều người Việt Nam thuộc các sắc tộc khác nhau đã đến Thái Lan tị nạn vì bị chính quyền Việt Nam đàn áp về tôn giáo. Những người này đa số thuộc các nhóm Tin Lành độc lập.
Đầu năm 2023, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, tính từ năm 2012, đã có 70 người Mông sang Thái Lan tị nạn. [7]
Chính quyền khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc kiểm soát rất khắc nghiệt các hoạt động tôn giáo của người dân tộc thiểu số. Chính quyền hoàn toàn không chấp nhận việc hoạt động tôn giáo không được cấp phép, và sẵn sàng đàn áp bằng bạo lực đối với người dân.
Ngày 9/2/2023, theo thông tin từ Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, một người phụ nữ được cho là theo Pháp Luân Công đã bị tạm giữ tại Đồn biên phòng Lộc Tấn thuộc địa phương này. [8]
Người phụ nữ nói trên cư trú tại tỉnh Ninh Thuận, đã di chuyển bằng xe máy đến tỉnh Bình Phước để sang Campuchia gặp các tín đồ khác, trong đó có một người mà cô gọi là “sư phụ”.
Sau khi bị tạm giữ, công an không cho cô ta xuất cảnh sang Campuchia, và liên hệ với gia đình của cô để đưa cô về nhà.
Hiện nay, Pháp Luân Công là một trong các tôn giáo mới mà chính quyền không cho phép có cơ hội phổ biến công khai tại Việt Nam. Những người tham gia nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính, tịch thu các tài liệu và giáo dục tại nơi cư trú.
Ngày 28/2/2023, Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết đã “vận động thành công” 562 người dân từ bỏ đạo Dương Văn Mình trong chiến dịch đấu tranh lần thứ hai của chính quyền. [9] Theo đó, có thêm 10 xóm đã bỏ đạo Dương Văn Mình.
Ngoài ra, sau chiến dịch lần thứ hai, chính quyền khẳng định “trên địa bàn toàn tỉnh không còn ‘nhà đòn’ và ‘tấm phông trắng’. 100% các điểm nhóm không tổ chức ‘tết chung’ trong dịp Tết Nguyên Đán 2023.”
Riêng huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, chính quyền cũng vận động 162 người “cam kết từ bỏ, không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Huyện này còn cho biết một số hộ ký cam kết từ bỏ đạo Dương Văn Mình đã được chính quyền tặng quà. [10]
Hiện nay, theo thông tin từ chính quyền, huyện Hà Quảng có 184 người chưa ký cam kết từ bỏ đạo Dương Văn Mình.
Chính quyền tỉnh Cao Bằng dự kiến rằng đến năm 2024 sẽ buộc tất cả người dân trong tỉnh từ bỏ đạo Dương Văn Mình. [11]
Đạo Dương Văn Mình là một tôn giáo tôn thờ chúa Giê-su của người H’Mông do ông Dương Văn Mình sáng lập vào năm 1989. Tôn giáo này có xu hướng cải cách các nghi lễ lạc hậu, tốn kém của người H’Mông. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, đạo Dương Văn Mình không được chính quyền chấp nhận và liên tục bị trấn áp.
Đọc thêm: Đàn áp đạo Dương Văn Mình: 3 vấn đề chính quyền phải làm rõ
Ngày 11/2/2023, Công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã ngăn chặn năm tín đồ Hội thánh Đức Chúa Trời khi cả nhóm đang sinh hoạt tôn giáo ở xã Diễn Tân. [12]
Cả năm tín đồ đều là người cư trú tại huyện Diễn Châu. Công an cho biết đã thu giữ ba khăn màu trắng, hai sổ ghi chép nội dung liên quan đến hội thánh này.
Sau đó, công an buộc họ cam kết không thực hiện các hoạt động tôn giáo và thông báo chính quyền địa phương tại nơi cư trú để quản lý và giáo dục.Việt Nam hiện nay có 85 “đạo lạ”, theo thống kê của nhà nước tính đến tháng 4/2021. [13] Vào tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết thời gian tới Việt Nam sẽ chào đón các “đạo lạ”. [14] Tuy nhiên, các tôn giáo mới như Hội thánh Đức Chúa Trời hiện nay vẫn bị chính quyền cấm cản hoạt động.
1. Người Thượng vì Công lý. (2023, February 22). https://fb.watch/j4q3jAus7l/
2. RFA. (2023, February 22). Chính quyền ngăn cản phái đoàn Mỹ gặp tín đồ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-diplomats-barred-from-meeting-with-protestant-followers-in-central-highlands-02222023070724.html
3. Người Thượng vì Công lý. (2023, February 22). https://fb.watch/j4rjRldu1T/
4. Đúng làm theo, sai hãy sửa. (2023, February 11). Sài Gòn Giải Phóng. https://www.sggp.org.vn/dung-lam-theo-sai-hay-sua-post678358.html
5. Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam. (n.d.). Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ. https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=201721
6. RFA. (2023, February 28). Bị chính quyền đàn áp, thêm một tín đồ Tin Lành phải bỏ xứ, xa quê!. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hmong-protestant-follower-forced-to-flee-to-thailand-due-to-persecution-02282023075912.html
7. Bám sát cơ sở, vận động nhân dân không di cư tự do. (2023, January 29). Công an Tỉnh Lai Châu. https://web.archive.org/web/20230214042143/https://congan.laichau.gov.vn/an-ninh-trat-tu/bam-sat-co-so-van-dong-nhan-dan-khong-di-cu-tu-do-54.html
8. Nguyễn Cảnh. (2023, February 9). Nữ 9x tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia đi tìm "sư phụ". Báo Công an Nhân dân. https://web.archive.org/web/20230209125131/https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nu-9x-tim-cach-xuat-canh-trai-phep-sang-campuchia-di-tim-su-phu-i683003/
9. Kim Dung, Thành Luân. (2023, February 28). Đài phát thanh và truyền hình Cao Bằng. Hội nghị tổng kết cao điểm 100 ngày (đợt 2) đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. https://web.archive.org/save/http://caobangtv.vn/tin-tuc-n58999/hoi-nghi-tong-ket-cao-diem-100-ngay-dot-2-dau-tranh-xoa-bo-to-chuc-bat-hop-phap-duong-van-minh.html
10. Thu Hương - Đinh Dừa. (2023, February 16). Tổng kết cao điểm 100 ngày tuyên truyền, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình - Đài truyền thanh - Truyền hình Hà Quảng. Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Hà Quảng. http://haquangtv.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Thoi-su/Tong-ket-cao-diem-100-ngay-tuyen-truyen-dau-tranh-voi-to-chuc-bat-hop-phap-Duong-Van-Minh-4159.html
11. Quyết tâm xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn huyện Hà Quảng trước năm 2024. (2022, July 7). Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Cao Bằng. https://congan.caobang.gov.vn/1345/33828/81785/877660/chong-dien-bien-hoa-binh-khoa-hoc-quan-su/quyet-tam-xoa-bo-to-chuc-bat-hop-phap-duong-van-minh-tren-dia-ban-huyen-ha-quang-truoc-nam-2024
12. Báo Nghệ An. (2023, February 14). Phát hiện điểm sinh hoạt Hội thánh Đức Chúa Trời trái phép ở Diễn Châu. https://baonghean.vn/phat-hien-diem-sinh-hoat-hoi-thanh-duc-chua-troi-trai-phep-o-dien-chau-post265325.html
13. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. (2022 January 20). Nhận diện hoạt động của “đạo lạ”, “tà đạo” ở nước ta hiện nay. https://web.archive.org/web/20221208182608/https://bocongan.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Cat=22&ItemID=31207
14. Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ. (2021 June 3) Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. https://web.archive.org/web/20221208182704/https://moha.gov.vn/kstthc/baocao/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-46247.html