Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Không có bên thua cuộc hay bên thắng cuộc.
Hàng năm, đến dịp kỷ niệm 30/4/1975, tôi thường được theo dõi các cuộc tranh luận nảy lửa của người Việt Nam thuộc cả hai bên thắng cuộc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và bên thua cuộc (Việt Nam Cộng hòa) về bản chất của các vấn đề xung quanh cuộc chiến năm 1975.
Việc sử dụng thuật ngữ “bên thắng cuộc”, “bên thua cuộc” chỉ để dễ dàng phân chia hai phe trong cuộc chiến, chứ thực sự người viết nghĩ rằng khi chiến tranh diễn ra, cả hai bên đều là những người thua cuộc. Mẹ Việt Nam luôn cảm thấy buồn khi những đứa con của mình đánh nhau và bị chết trong chiến tranh.
Nếu so sánh với cuộc chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thì cuộc chiến kết thúc vào năm 1975 dưới cái tên “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra hay tên gọi Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) được các nhà sử học quốc tế sử dụng, đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa người Việt với người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường tranh luận trở nên cởi mở hơn nhờ sự xuất hiện của mạng xã hội và khả năng sử dụng các công cụ tìm kiếm dễ dàng để tra cứu thông tin đa chiều.
Trong kinh điển Phật giáo, có một câu chuyện người mù sờ voi, nói về việc những người mù chỉ mới tiếp cận từng bộ phận riêng lẻ của con voi đã vội vã kết luận về hình thù tổng thể, đã vậy còn không ai chịu ai, tranh cãi dữ dội để bảo vệ thiên kiến của mình. [1]
Câu chuyện trên hàm ý rằng chúng ta giống như những người mù đang sờ voi và vì mỗi người chỉ “sờ” được một bộ phận nên nghĩ rằng những gì mình “sờ” được là toàn bộ sự thật và những gì người khác “sờ” thấy không đúng với “sự thật” mình tiếp nhận. Để biết được một con voi hay bản chất sự thật như thế nào, chúng ta cần nhìn thấy được cái toàn thể chứ không nên dừng lại ở trải nghiệm một chiều hay nhận định chủ quan về cái bộ phận.
Trong cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam năm 1975, vì cả hai bên đều có niềm tin rằng hành động của bên mình là đúng còn của đối phương là sai, nên khi đối mặt nhau trong một cuộc tranh luận có liên quan đến cuộc chiến này, cả hai bên đều cố gắng bảo vệ sự chính nghĩa của phe mình và cho rằng phi nghĩa thuộc về phe bên kia.