Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nhập thế có thể thay đổi tùy theo bối cảnh xã hội.
Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) là tôn giáo dựa trên nền tảng đạo Phật, chủ yếu khuyến khích tu tại gia, song song với việc nhập thế. PGHH xuất hiện ở miền Nam Việt Nam vào cuối những năm 1930, được phát triển và phổ biến bởi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.
Sau nhiều thăng trầm, đến khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, cộng đồng Phật giáo tự trị này nỗ lực biến mình thành một tôn giáo được công nhận hợp pháp trong lúc Đảng Cộng sản Việt Nam đang khẩn trương thành lập một nhà nước hợp nhất mang tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào năm 1976.
Quá trình chuyển đổi chế độ làm thay đổi hoàn toàn bản chất của mối quan hệ nhà nước – giáo hội trước đó. Và khá dễ hiểu khi miền Nam Việt Nam trải qua một giai đoạn dài bị kiểm soát và giới hạn hoạt động tôn giáo cơ bản.
Mãi đến năm 1991, chính sách tôn giáo mới được định hướng lại, nhà nước chính thức thừa nhận một số lợi ích xã hội của các nhóm tôn giáo.
Những cuộc tranh luận cũng từ đó bắt đầu nổ ra. Các hoạt động xã hội của các nhóm tôn giáo mà cụ thể là PGHH phục vụ mục tiêu gì? Liệu các tổ chức tôn giáo còn vị trí pháp lý như xưa?
Trong nghiên cứu có tên “Being engaged in the World (“Nhập thế”) and the secular state in 20th century Vietnam. Approaching two notions through Hòa Hảo Buddhism history” công bố trên tạp chí Theory and Society ngày 30/06/2022, tác giả Pascal Bourdeaux cũng đặt ra câu hỏi về sự tương tác giữa quan điểm nhập thế của các nhóm tôn giáo hiện đại và quan điểm nhà nước trung lập thế tục trong những thập kỷ qua tại Việt Nam. [1]
Tác giả tập trung nghiên cứu việc thực thi hoạt động xã hội của PGHH từ những năm 1940 đến nay để nhấn mạnh sự phát triển của các hoạt động xã hội này dưới các chế độ chính trị khác nhau. Thông qua đó, chúng ta có thể tìm hiểu khái niệm “văn hóa phụng sự xã hội kiểu mới” (a new culture of social service) đã được phát huy và đem lại những thành tựu như thế nào kể từ khi thánh địa chính thức của PGHH được công nhận vào năm 1999.
***
Chính sách tôn giáo và khuôn khổ pháp lý đối với tôn giáo thay đổi liên tục sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời năm 2004. Văn bản này sau đó được thay thế bằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, chứng tỏ sức sống bền bỉ của hầu hết các tôn giáo tại Việt Nam, dù chịu nhiều thiệt hại hoặc bị ngăn cấm sau năm 1975.
Cho đến những năm 1990, nhận thấy sự thay đổi lớn về bối cảnh chính trị trong nước lẫn quốc tế, các học giả Việt Nam đã cố gắng định nghĩa lại tính thế tục của tôn giáo bản địa dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, chính trị của chính mình, thay vì dựa vào các hệ tư tưởng phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa Marx. Chính quyền dần phải điều chỉnh các chuẩn mực mang tính quốc gia cho phù hợp với bối cảnh tôn giáo, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chính thức thể hiện mình muốn xây dựng và trở thành một quốc gia đa tôn giáo.
Nói cách khác, sự đa dạng hóa tôn giáo ở Việt Nam đã buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nâng cao hiểu biết của họ khi tiếp cận hiện thực tôn giáo, định nghĩa lại về tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là cách tốt nhất để quản lý nhà nước về tôn giáo.
Các cuộc tranh luận không còn tập trung vào việc phi thế tục hóa, dẹp bỏ tôn giáo như ngày xưa nữa. Thay vì vậy, nhà nước từng bước thừa nhận, cho phép tôn giáo hoạt động và phổ biến ở không gian công cộng. Nhưng đồng thời, họ cũng tăng cường năng lực và công cụ quản lý tôn giáo.
Ví dụ, nhà nước thế tục Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận sự hiện diện của tôn giáo trong không gian công cộng trong các kỳ lễ hội, buổi đăng đàn thuyết pháp v.v. với điều kiện nghiêm ngặt là phải thông báo trước và được phê duyệt về tất cả nội dung liên quan.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể nhận thấy một sự thay đổi ở Việt Nam: từ một nhà nước theo chủ nghĩa thế tục độc đoán thời hậu chiến đã trở nên dễ đối thoại và thực tế hơn.
***
Đối với PGHH, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ cho rằng toàn thể tín đồ của ông thuộc hạng tại gia cư sĩ. Theo ông, ngay cả các bậc chân tu theo đạo vẫn có thể thực hành Phật giáo mà không làm gián đoạn các hoạt động cá nhân và cộng đồng thường ngày của họ.
Với mục tiêu này, Huỳnh Phú Sổ đã đưa ra phương pháp tự tu tập, đảm bảo cho các tín đồ thực hành điều thiện với cả hai tư cách: thực thể tôn giáo và thực thể xã hội.
Tuy nhiên, đáng tiếc là bối cảnh chiến tranh chống thực dân, rồi sau đó là quá trình chuyển đổi từ chiến tranh phi thực dân hóa sang Chiến tranh Lạnh, đã khiến cho các quan điểm yêu nước trở nên cực đoan hơn và cũng làm thay đổi các cam kết về tôn giáo trước đó.
Sự biến mất bí ẩn của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ và các xung đột xảy ra sau đó giữa phe phái quân sự và các nhà lãnh đạo tôn giáo vốn đều có thể đe dọa sự tồn tại của các phong trào tôn giáo giai đoạn này. Tuy nhiên, viễn cảnh trên không xảy ra với PGHH nhờ vào niềm tin tôn giáo của các tín đồ cùng với sự lãnh đạo thiêng liêng và tối cao của Huỳnh Phú Sổ.
Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, giới chức sắc PGHH bị lấn át bởi tư duy “nhập thế”, công khai không ủng hộ và thậm chí là tuyên truyền đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền Đệ nhất Cộng hòa. Thế là vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa tiến hành cuộc chiến chống lại các nhà lãnh đạo quân sự Hòa Hảo. Hệ quả sau đó là tất cả các tổ chức dân sự của Hòa Hảo bị giải tán, các tín đồ cũng không còn được tự do bày tỏ đức tin của mình một cách công khai.
Cho đến sau cuộc khủng hoảng Phật giáo và sự thay đổi chính phủ vào năm 1963, quan hệ tôn giáo giữa PGHH và nhà nước đương thời mới tiến triển tốt đẹp hơn.
PGHH được chính thức công nhận là một tôn giáo có tư cách pháp lý vào năm 1964. Ngoài ra, tôn giáo này cũng được phép phát triển hợp pháp các hoạt động xã hội một cách đa dạng hơn ở giai đoạn này.
Điều bất ngờ là dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, từ năm 1964 đến năm 1975, PGHH lại được hưởng tự do tôn giáo hợp pháp, ổn định, và đầy đủ nhất trong suốt lịch sử phát triển của họ cho đến tận ngày nay.
Về mặt nhập thế và hoạt động xã hội, PGHH cố gắng hỗ trợ các hoạt động nhân đạo trong phạm vi rộng nhất có thể, tuy chúng chỉ mang tính tự phát và tồn tại ở cấp độ địa phương. Cho đến khi PGHH được công nhận chính thức vào năm 1964, họ mới tập trung một cách hợp pháp vào việc thế tục và mở rộng sức ảnh hưởng tại các không gian công cộng ở tất cả các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.
Ban Xã hội Trung ương Giáo hội PGHH, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, trung tâm chăm sóc trẻ em, các trường tiểu học, trung học, và đặc biệt là Viện đại học Hòa Hảo cũng được thành lập. Các công trình công cộng quy mô nhỏ, nhà ở cho dân nghèo đều được khuyến khích. Việc cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế, cấp thuốc miễn phí, tổ chức đoàn y tế lưu động hay thậm chí là xây dựng riêng bệnh viện Hòa Hảo đều được Giáo hội này chú trọng.
Tháng 4/1975, khi chính quyền mới có thái độ thù địch với tôn giáo nói chung thì đời sống tôn giáo của PGHH một lần nữa gặp biến động nghiêm trọng. Tất cả các tổ chức của nó đều bị giải tán. Đáng buồn hơn, tất cả các tài sản tôn giáo cũng bị tập thể hóa.
Trong bối cảnh nhà cầm quyền cộng sản cố gắng thu hẹp phạm vi của giáo phái thành một tập quán địa phương, các cộng đồng PGHH ở nước ngoài được tái cấu trúc, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ. PGHH đã phát triển mạnh mẽ xuyên quốc gia và theo đuổi các hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ nguồn lực cho cộng đồng tại Việt Nam thông qua các kênh tư nhân.
PGHH cuối cùng cũng được công nhận trở lại vào tháng 5/1999. Có hai sự kiện đáng lưu ý sau đó. Một là cuộc hành hương hợp pháp đầu tiên đến thánh đường PGHH trong năm 1999 đã thu hút hàng trăm nghìn người và gây quan ngại cho các quan chức nhà nước. Kế đến, trận lũ lụt nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2000 góp phần minh chứng cho sức mạnh cộng đồng của tôn giáo này.
Chính quyền địa phương và các tổ chức thuộc nhà nước nhận ra sự hạn chế của mình so với khả năng huy động mạnh mẽ của người theo đạo Hòa Hảo về nhân lực, tài chính. Và trong giai đoạn kinh tế còn chưa phát triển, nhà nước rất cần chia sẻ các gánh nặng công cộng cho các tổ chức tôn giáo đủ khả năng.
Vài năm sau, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH cuối cùng đã được thành lập, được phép phổ biến giáo lý tôn giáo và mở rộng các hoạt động xã hội.
Từ năm 2005 trở đi, Giáo hội PGHH đã thúc đẩy một loạt các hoạt động từ thiện với sự hợp tác của chính quyền trung ương. Các hoạt động xã hội cũng rất đa dạng, mở rộng sang các vấn đề thời sự như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Những nội dung trên đều cho thấy năng lực đóng góp của cộng đồng PGHH cho sự thịnh vượng của quốc dân hay nói cách khác đó là quá trình kiến tạo “văn hóa phụng sự xã hội kiểu mới”. Đối với xã hội, sự thành công của PGHH qua nhiều giai đoạn thăng trầm là một cách để duy trì hy vọng mở rộng quyền tự quản và tự chủ ở địa phương, từ đó xây dựng không gian dân chủ.
***
PGHH được xem như ví dụ nghiên cứu điển hình để nêu bật tính đa nguyên tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo của khu vực phía Nam, góp phần làm sáng tỏ sự tương tác phức tạp giữa phong trào tôn giáo mới và chính quyền trung ương bất kể bản chất chính trị của nó.
Nghiên cứu PGHH cho thấy ý nghĩa của việc nhập thế có thể thay đổi tùy theo bối cảnh xã hội. PGHH đã phải điều chỉnh các hoạt động xã hội thích ứng với hoàn cảnh lịch sử từ các cuộc nổi dậy hay các tình huống khẩn cấp. PGHH cũng phải chứng minh những giá trị Phật giáo và cam kết yêu nước của mình là phù hợp, thích đáng từ thời kỳ thuộc địa cho đến ngày nay. Do đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về PGHH không chỉ như một hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn như một phong trào xã hội.
1. Bourdeaux, P. (2022). Being engaged in the World (nhập thế) and the secular state in 20th century Vietnam. Approaching two notions through Hòa Hảo Buddhism history. Theory and Society, 51(5), 871–892. https://doi.org/10.1007/s11186-022-09488-y