‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Cuộc hành quân gấp rút thay đổi cục diện lịch sử.
Sau khi Tăng Cách Lâm Thấm bại trận, liên quân Anh - Pháp tràn vào Bắc Kinh đốt phá, vua Hàm Phong đào thoát về Nhiệt Hà và ủy thác cho Cung Thân Vương hòa đàm với Tây dương. Triều đình nhà Thanh phải ký vào bản Hiệp ước Bắc Kinh năm 1860. Tuy điều này giúp chấm dứt cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai nhưng lại khiến Trung Quốc tiếp tục trượt dài trong thời kỳ “bách niên quốc sỉ”.
“Tình hình căng thẳng đã được tháo gỡ, quân đội của hai cường quốc Anh - Pháp được rút lui. Lực lượng hải quân và một phần quân viễn chinh trở thành lính trừ bị” - sĩ quan người Pháp Léopold Pallu ghi như vậy trong bút ký của mình. Sự kiện liên quân Tây dương thắng lợi nhanh chóng trước thiên triều là một mối nguy cấp cận kề đối với tình thế của nước chư hầu như An Nam.
Quả nhiên, quân viễn chinh Pháp nhàn rỗi chưa lâu thì Hoàng đế Napoléon III (1808 -1873) đã giao cho Phó Đô đốc Charner cắt đặt quân bị cố thủ vùng hiện chiếm (ở Trung Quốc) và chỉnh đốn hải quân viễn chinh phương Nam.
Nhắc lại một chút về chiến sự nước Nam. Sau phát súng xâm lược bắn vào cửa biển Đà Nẵng hồi năm 1858, thấy tình hình chiến dịch không thuận lợi và quân dân An Nam chống trả oanh liệt, quân Pháp đành chuyển hướng tiến công Nam Kỳ, rồi bị sa lầy tại đây, cầm cự chờ ngày Charner đến ứng chiến và công phá Đại đồn Chí Hòa.
Trong hành trình điều quân của Charner vào năm 1860 có Léopold Pallu góp mặt. Với góc nhìn của một sĩ quan thực dân, ông đã ghi nhận đầy đủ và chi tiết hoạt động quân sự quy mô lớn kế tiếp của người Pháp ở Nam Kỳ trong quyển sách “Nam Kỳ viễn chinh ký 1861”, gồm 10 chương.
Chính vì đây là cơ hội để “chinh phạt gọn ghẽ Nam Kỳ, từ đó củng cố ách đô hộ của Pháp quốc ở vùng đất châu Á này”, nên kế hoạch được Charner chuẩn bị khá gấp rút. Dù cân nhắc các yếu tố công - thủ, lợi - hại nhưng tác giả phải thừa nhận rằng cuộc hành quân thật sự rất khắc nghiệt, “bất chấp băng giá, xa xôi và gió bão” từ Bắc Kinh đi đến tận Nam Kỳ theo hải lộ.
Suốt hành trình mấy ngàn hải lý lênh đênh, Léopold Pallu không ngừng ghi chép tỉ mỉ về hệ thống tiếp vận, tên tàu, cấu trúc và chức năng chiến đấu, cách tổ chức đội hình, thậm chí là sự cố của 68 chiến hạm do Charner chỉ huy.
Trước ngày giao tranh, quân đội Tây dương được Léopold Pallu mô tả rất thiện chiến, ít nhất là trong lĩnh vực tình báo. Họ không quá kiêu ngạo, tự phụ và chủ quan ỷ mạnh khi chỉ biết dựa vào khí giới tối tân như những gì phim ảnh tuyên truyền hiện thời tái dựng.
Ngược lại, người Pháp luôn thận trọng đánh giá yếu tố thời tiết, địa lý, phong tục, và bản tính những người An Nam xa lạ. Các chướng ngại trong kỹ thuật xây dựng thành lũy, pháo đài, sắp đặt bẫy chiến đấu của người nước ta được tác giả cho là lợi hại.
Ông viết khá kỹ càng: “[...] đường hầm của quân địch (tác giả chỉ quân An Nam) tỏa ra như những cánh tay, từ thành Chí Hòa, chúng bóp nghẹt lấy đội quân đồn trú nhỏ ở Sài Gòn, và vô hiệu hóa đội quân này bất chấp đối phương đã gần như án binh [...].”
Tác phẩm còn cố công khắc họa Phó Đô đốc kiêm Tổng tư lệnh viễn chinh Charner cùng bộ sậu tham mưu ở hai phương diện: một mặt vẫn dè chừng “kẻ địch”; mặt khác vẫn tổ chức đội hình chiến đấu của quân viễn chinh theo lề lối hiện đại, đảm bảo sự yểm trợ thủy bộ xuyên suốt cho cuộc công phá Đại đồn Chí Hòa, triệt tiêu hoàn toàn đường phản kích lẫn triệt thoái của quân An Nam.
Vì tác phẩm là ký sự chiến trường của một sĩ quan lão luyện trận mạc nên độc giả có thể cảm nhận được mức độ dồn dập, nghẹt thở của những cuộc chuyển quân, của sự sắp đặt binh bị - hỏa lực trên một chiến địa rộng lớn.
Mặc dù đương lúc binh lửa, Léopold Pallu cũng không quên ghi lại những nét phác thảo về diện mạo sơ khai của vùng cảng thị Chợ Lớn và đời sống văn hóa quần cư của người Hoa, người Việt lẫn dân tình tứ xứ ở khu vực đồng bằng mới được mở mang, khai phá khoảng một thế kỷ.
Thế nhưng, cảnh thanh bình nên thơ đó chấm dứt vào rạng sáng ngày 24/2/1861 khi “những khẩu pháo 12 ly bắn thẳng vào Đại đồn”.
Tiền pháo, hậu xung. Tác giả mô tả liên quân Pháp - Tây Ban Nha với đủ loại binh chủng hàng hàng lớp lớp xông lên sau tiếng nổ rung chuyển đồng bằng.
Quân viễn chinh Tây dương không dễ dàng thắng được quân An Nam như những lời đồn thổi “thần thánh hóa” hay lối ám thị thiên lệch, một chiều cốt để gây liên tưởng đến sự chỉ trích triều Nguyễn bạc nhược, vua quan yếu hèn. Chiến sự đem đến nhiều điều bất ngờ, ngỡ ngàng cho những người trước nay chỉ hời hợt lướt qua mấy dòng chữ nhỏ ngắn ngủi trong cuốn giáo khoa lịch sử “đúng lề”.
“Ở khoảng cách 500 mét, quân địch (cách tác giả gọi quân triều Nguyễn) nã đạn tới tấp vào hàng ngũ Pháp và Tây Ban Nha,” tác giả viết. Ông còn khen thêm: “Quân An Nam bắn khá tốt từ trên cao và thuận chiều gió [...] Hỏa lực địch tập trung dữ dội và trở nên ráo riết ở bất cứ chỗ nào mà toán quân do Phó Đô đốc chỉ huy, Bộ tham mưu và đoàn tùy tùng của ông có mặt [...].”
Rõ ràng, quân đội viễn chinh thiện chiến, tướng lĩnh của họ quả cảm. Về phía ta, quân Nam cũng oai hùng không kém và còn biết khôn ngoan “đánh rắn dập đầu”.
Tác giả không ngại ngần thừa nhận tổn thất của liên quân trong thời gian giao tranh, từ hạ sĩ quan đến sĩ quan cao cấp đều ghi nhận thương vong.
Tuy nhiên, sức mạnh áp đảo của một đội quân thực dân hiện đại là điều không thể bàn cãi. Sau loạt đụng độ đầu tiên vào ngày 24/2/1861, Léopold Pallu tổng kết: “ [...] nhiều xác người phơi dọc tường thành chứng tỏ hiệu quả của pháo nòng rãnh của ta [...]”. Theo ông, phía quân viễn chinh thương vong không đáng kể, thậm chí là không cần đánh giáp lá cà.
Chiến sự kéo dài đến hết ngày hôm sau thì quân viễn chinh mới hoàn toàn kiểm soát tình hình. Tác giả thống kê sơ bộ phía quân An Nam có đến 21.000 quân đồn trú trấn thủ Đại đồn, 15.000 quân bảo vệ hệ thống thành lũy ở thượng nguồn sông Đồng Nai; phía Pháp - Tây Ban Nha có 8.000 binh sĩ tham chiến.
Từ đó cho thấy, để dành được thắng lợi quân sự đầu tiên ở Nam Kỳ, người Tây dương đã phải huy động một lực lượng hùng hậu không thua kém gì cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai.
Thắng lợi quân sự này có ý nghĩa chính trị quan trọng với người Pháp, tạo bàn đạp giúp họ mở rộng quy mô chiến dịch cưỡng chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ - điều được nhắc đến ở ba chương cuối tác phẩm.
Nhờ thế quân sự áp đảo và việc nhanh chóng đưa các khu vực chiếm đóng vào khuôn khổ cai trị đã rồi, thực dân Pháp lần lượt gây sức ép buộc nhà Nguyễn ký bốn bản hiệp ước bất lợi, từ bỏ dần chủ quyền, chấm dứt sự thống thuộc thiên triều Mãn Thanh và công nhận nền bảo hộ toàn diện của Pháp.
Trong những chương cuối của tác phẩm, khi đợt binh lửa vừa dứt, tác giả - bằng giọng văn của kẻ đi khai hóa - bắt đầu nói về cách nhận diện người An Nam ở đặc tính tinh thần, chế độ phụ quyền, thói man di tiểu nhược, và không ngừng đề cao việc mở rộng, củng cố cơ sở cai trị bước đầu của mẫu quốc.
Sau phát súng công đồn là trăm năm thuộc địa diễn ra chóng vánh như thế.
Bạn có thể mua quyển “Nam Kỳ viễn chinh ký 1861” tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.