‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một nhân viên cũ còn tố cáo Samsung Việt Nam đổ hóa chất xuống đường dẫn nước.
Cuối năm 2012, Kang, một nhân viên an toàn môi trường làm việc cho Samsung, đã đến Việt Nam thăm nhà máy của tập đoàn tại Bắc Ninh. Thời điểm này, nhà máy có 16.000 công nhân chuyên lắp ráp các thiết bị điện tử công nghệ cao, sản xuất ra hàng trăm triệu điện thoại thông minh mỗi năm. [1]
Nằm giữa những cánh đồng tươi xanh, Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng công nghiệp phía Bắc của Việt Nam, được xem như cứ điểm sản xuất chính của Samsung Việt Nam. Tại đây, hàng ngàn người lao động địa phương được tuyển để làm việc tại các nhà cung ứng của những gã khổng lồ công nghệ - từ Apple đến Microsoft, từ Samsung đến Google. Công đoạn có thể liên quan đến hóa chất độc hại là sơn, làm sạch, và làm mát các thiết bị trong môi trường kín.
Kang, vào thời điểm đó là một nhân viên Samsung có thâm niên 30 năm, ông đang đi thăm nhà máy định kỳ, để đánh giá kết quả sửa chữa sau một sự cố hỏa hoạn. (Kang đã nghỉ hưu cách đây hai năm, yêu cầu chỉ công khai họ của mình để tránh bị tập đoàn trả thù.) Thế nhưng khi ông bước vào khu vực phun sơn vỏ điện thoại, mùi hăng xộc thẳng vào mũi.
Kang kể với Rest of World rằng ông nhìn thấy xung quanh có rất nhiều công nhân vừa đi vừa bịt mũi. Vài người trong số họ đeo khẩu trang nhưng chúng trông quá mỏng manh để có thể ngăn mùi. Xưởng sản xuất ngột ngạt, hôi hám khiến Kang khó chịu. Ông nhớ lại suy nghĩ của mình khi ấy: “Nhà máy đang vi phạm pháp luật và cần phải đóng cửa.”
Kang chia sẻ thêm với Rest of World rằng đó không phải là chỉ dấu duy nhất cho ông thấy nhà máy đang được quản lý một cách lỏng lẻo. Ông cho biết nguyên nhân gây ra khí có mùi nằm ở hệ thống lọc không khí. Các túi than hoạt tính ở nhiều bộ phận trong hệ thống - dùng để hấp thụ chất độc hại đã nửa năm không được thay. Các công nhân đã cố gắng đẩy khí ra ngoài bằng cách tạo ra những khe trống trong xưởng, hậu quả là không khí chứa bụi bẩn và hóa chất đã thoát thẳng ra ngoài.
Khi điều tra thêm, Kang nhận ra nhà máy không hề có bể xử lý nước thải sản xuất, vốn là yếu tố quan trọng để cô lập và xử lý nước thải chứa hóa chất ở công đoạn làm sạch thiết bị và vết sơn. Thay vào đó, số nước này đã được xả trực tiếp vào ống dẫn nước mưa rồi chảy ra con sông gần đấy. Biết là vấn đề nghiêm trọng, Kang quay trở về Hàn Quốc và viết báo cáo gửi lên cấp trên.
Thêm hai lần đến Bắc Ninh sau đó, Kang nhận thấy mùi hôi ở nhà máy không hề giảm. Năm 2013, ông trở lại cùng một nhóm để khắc phục tình trạng này. Kết luận của họ, theo Kang, chi phí và những rắc rối để thay thế hệ thống thông gió là quá cao khiến mọi thứ bị gạt đi. Năm 2016, ông được điều sang Việt Nam, chuyên phụ trách ở Bắc Ninh, tại đây ông tiếp tục vận động cải tiến nhà máy.
Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo trong nhiều năm của Kang, môi trường làm việc vẫn không thay đổi. Những khiếu nại về điều kiện lao động của Samsung Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Năm 2016, một nữ công nhân 22 tuổi tại nhà máy Samsung Thái Nguyên đột tử làm dấy lên những lời xì xào bàn tán về tình trạng làm việc quá sức, nhiễm độc hóa chất ngay trong tập thể người lao động. [2] Một khảo sát năm 2017 được thực hiện với 45 công nhân Bắc Ninh và Thái Nguyên cho thấy họ thường xuyên bị ngất xỉu, tổn thương thị lực, chảy máu cam, thậm chí sảy thai. [3] Trong cả hai sự kiện, Samsung đều không thừa nhận có mối liên quan tới môi trường lao động. [4] Tập đoàn đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại các nhóm xã hội dân sự là tác giả của báo cáo, khiến một số thành viên là chuyên gia độc lập hoạt động theo diện “special procedures” (tạm dịch là cơ chế đặc biệt) trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng”. [5] [6]
Cuối năm ngoái, Kang đã lên tiếng tố cáo với Newstapa – một tờ báo trực tuyến trực thuộc Trung tâm Báo chí Điều tra Hàn Quốc (KCIJ) - nơi đã từng đăng câu chuyện của ông vào tháng Ba này. [7] Trong đó, Kang cáo buộc các quản lý của Samsung, ở cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc, thường xuyên phớt lờ các quy định về môi trường và an toàn lao động, và trong suốt 14 năm nhà máy hoạt động ở Bắc Ninh, ông không chắc rằng liệu các cơ quan chức năng Việt Nam đã từng điều tra những sai phạm này hay chưa. Samsung đã bác bỏ thông tin trên, tuyên bố công ty đang “tuân thủ nghiêm ngặt” pháp luật về an toàn môi trường tại các quốc gia nơi công ty hoạt động. Samsung đã không trả lời yêu cầu bình luận của Rest of World. [8]
Trong một cuộc phỏng vấn với Rest of World, Kang đã tiết lộ thêm thông tin trong thời gian ông làm việc tại Bắc Ninh. Rest of World cũng đã xem xét một báo cáo nội bộ do Kang viết, trong đó liệt kê các sản phẩm hóa học được sử dụng tại tỉnh này từ năm 2009 đến 2017. Phân tích báo cáo cho Newstapa, nhóm hoạt động Những người ủng hộ Sức khỏe và Quyền của người lao động trong ngành Công nghiệp Bán dẫn (SHARPS) và Mạng lưới Loại bỏ Chất gây ô nhiễm Quốc tế (IPEN) đã phát hiện ra 63% đến 70% sản phẩm được sử dụng trong nhà máy Bắc Ninh có chứa ít nhất một hóa chất gây độc cấp tính cho mắt, da và các bộ phận khác của người tiếp xúc phải. [9]
Toluene là một chất độc thần kinh nổi lên trong phân tích của SHARPS. Dù Samsung cho thấy họ đã hạn chế sử dụng toluene trong khâu vệ sinh kể từ năm 2006, nhưng trong báo cáo của Kang, các tài liệu chứng tỏ toluene được thoải mái sử dụng để làm sạch, gần đây nhất là vào năm 2016. [10] Hóa chất này có thể để lại những tác hại nghiêm trọng, bao gồm ngất xỉu, đau đầu, mất điều hòa và rối loạn chức năng vận động tiểu não (impaired coordination), dị tật bẩm sinh. Rest of World đã nói chuyện với bốn nhân viên cũ của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh, hai trong số đó chứng thực một số cáo buộc của Kang, trong khi hai người còn lại cho biết không nắm đủ thông tin. Tuy nhiên, tất cả đều khẳng định với Rest of World rằng, bất chấp những vấn đề mà Kang nêu ra, Samsung vẫn là nơi điều hành các nhà máy tốt nhất trong số những công ty công nghệ có tên tuổi lớn toàn cầu đang đóng ở miền Bắc.
Joe DiGangi, cố vấn đặc biệt của IPEN, cho rằng những lời tố giác của Kang tiêu biểu cho việc lần đầu tiên cách mà Samsung Việt Nam bị cáo buộc sử dụng một số hóa chất nguy hiểm đã được mô tả chi tiết. Các công ty như Samsung thường chặn tiết lộ thông tin này, với cái cớ cần được bảo mật.
Và mặc dù các hóa chất độc hại vẫn thường được sử dụng trong các nhà máy điện tử nhưng tác hại của chúng cần phải được điều chỉnh, ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác, bằng cách buộc người làm việc trong môi trường có những hóa chất này đeo khẩu trang có bộ lọc carbon, khu vực sản xuất phải có thiết bị xả khí hoạt động và kỹ thuật xử lý phù hợp.
DiGangi nói: “Nó giống như tấm rèm cửa sổ đã được vén lên. Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy bên trong có gì.”
Tập đoàn Samsung, hiện có trị giá hơn 320 tỷ đô la, là một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp. Ước tính tập đoàn này đóng góp hơn 15% GDP cho Hàn Quốc, tham gia vào mọi lĩnh vực, từ điện thoại thông minh đến nhà máy đóng tàu. Trên thị trường quốc tế, công ty định vị sức mạnh thương hiệu thông qua các sản phẩm điện tử: điện thoại màn hình gập, màn hình OLED tiên tiến và máy giặt nổi tiếng với nhạc hiệu vui nhộn.
Kang không phải là người đầu tiên tố giác Samsung, điều kiện an toàn lao động và môi trường của công ty đã từng bị soi xét. Tháng 6 năm ngoái, một cuộc điều tra cấp bang ở Austin, Texas, Hoa Kỳ đã phát hiện ra lỗi thiết bị tại nhà máy bán dẫn của Samsung tại quốc gia này, khiến gần 2,9 triệu lít chất thải axit sunfuric rò rỉ vào các đường nước ở địa phương. [11] [12] Tại Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông đã đưa tin hàng chục công nhân Samsung qua đời do các bệnh về máu, công ty cuối cùng đã bồi thường cho gia đình nạn nhân vào năm 2014. [13] [14] Tại Việt Nam, một tờ báo quốc nội nỗ lực cáo buộc Samsung lạm dụng lao động dẫn đến công nhân làm việc quá sức và phơi nhiễm với hóa chất đã nhanh chóng bị công ty bác bỏ. [15]
***
Quang có bốn năm làm việc tại Samsung Bắc Ninh, từ năm 2010 đến năm 2014, trong dây chuyền sơn vỏ điện thoại. Anh nói với Rest of World rằng mình không ngạc nhiên trước những cáo buộc của Kang. Hơn tám năm sau khi rời nhà máy, mùi hôi nồng nặc từ xưởng sơn vẫn ám ảnh anh. Quang, giống như tất cả các cựu công nhân Samsung trò chuyện với Rest of World, yêu cầu dùng một tên gọi khác, vì sợ chủ cũ trả thù.
“Nó có mùi hăng, chua. [Tôi có thể ngửi thấy nó] mặc dù lúc đó đang đeo khẩu trang,” anh nói. Sau hai năm làm việc tại Samsung, anh và đồng nghiệp phát hiện mình bị loãng máu trong một lần khám sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức.
“Trước khi thuê chúng tôi, Samsung đã kiểm tra sức khỏe. Kết quả sức khỏe của chúng tôi lúc đó rất tốt,” anh nhớ lại.
Quang cho biết anh thường được giao công việc cọ rửa đường ống bám đầy bụi sơn ở tháp lọc không khí. Đôi khi bụi sơn dày đến mức anh không thể nạo bỏ hết. Mỗi lần như vậy, quản lý sẽ yêu cầu anh tháo tấm lọc khí để không khí thoát ra ngoài.
Quang tin rằng các hóa chất độc hại đã được xả ra môi trường. “Những công nhân khác hầu như không biết điều này,” Quang nói thêm. “Lúc đó tôi chưa ý thức được tác hại của việc xả thải. Vì kế sinh nhai, tôi chỉ biết làm theo lệnh của quản lý.”
Quang cũng phụ trách giám sát vệ sinh bồn chứa hóa chất. Anh cáo buộc Samsung thuê công ty ngoài để xử lý công đoạn tiếp theo đổ chất thải xuống một con sông gần đó. Thời điểm ấy, anh đã không nghĩ hành động này có thể gây nguy hiểm.
Minh Anh, cựu nhân viên phụ trách kiểm tra an toàn tại nhà máy Bắc Ninh trong tám năm, nói với Rest of World rằng anh không nhớ đã từng ngửi thấy mùi hóa chất tại dây chuyền sản xuất màn hình điện thoại. Đây là một khu vực mà các yêu cầu về an toàn và vệ sinh được áp dụng nghiêm ngặt nhất trong nhà máy. Nhưng anh tin rằng những tiêu chuẩn sẽ bị gạt sang một bên khi nhà máy bước vào cao điểm sản xuất.
Minh Anh mới nghỉ việc gần đây và anh nhớ lại: “Khi đó, đội của chúng tôi không được giám đốc nhà máy cho phép kiểm tra, giám sát dây chuyền”. “Họ nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng tôi sẽ làm giảm năng suất, và họ đã nhận được lệnh từ cấp trên của họ ở Việt Nam để ngăn chúng tôi lại,” anh này lý giải.
Không phải mọi nhân viên của nhà máy Samsung Bắc Ninh mà Rest of World nói chuyện đều có trải nghiệm tiêu cực. Hai trong số bốn công nhân được phỏng vấn, những người đã nghỉ vào cuối năm 2022 sau lần lượt chín đến mười năm làm việc ở đây, cho biết họ không hề nghe công ty vi phạm bất cứ vấn đề nào về an toàn, môi trường và “hoàn toàn tin tưởng công ty”. Cả hai đều không làm ở dây chuyền phun sơn, mà ở xưởng cung cấp nước cho sản xuất và sản xuất vỏ điện thoại.
Cả bốn công nhân đều thống nhất một điều: So với các công ty khác ở Bắc Ninh, Samsung vẫn là công ty tốt nhất về lương bổng, an toàn lao động, tiêu chuẩn môi trường, chế độ đãi ngộ cho người lao động.
Vào năm 2021, dây chuyền sơn vỏ điện thoại thông minh, trọng tâm của các cáo buộc từ Kang, đã được chuyển đến nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên, cũng như được giao cho các nhà cung cấp bên ngoài.
Kang cũng tuyên bố rằng các vi phạm về môi trường và lao động tại các nhà cung cấp của Samsung ở Việt Nam - khoảng 80% trong số đó là các công ty Hàn Quốc - còn tồi tệ hơn. Trong cuộc phỏng vấn với Rest of World , ông đã trích dẫn báo cáo năm 2017 của mình, cáo buộc rằng một số công ty thậm chí đã sử dụng một cách bí mật và tràn lan methanol - hóa chất đã bị Samsung hạn chế. [16]
Đầu tháng Ba năm nay, báo chí trong nước đưa tin 37 công nhân công ty HSTECH Vina, nhà cung cấp cấp hai của Samsung Bắc Ninh, được chẩn đoán ngộ độc methanol. [17] Một phụ nữ 42 tuổi đã tử vong, hai thiếu niên 16 và 17 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch với tổn thương nặng ở mắt và não. Theo pháp luật lao động Việt Nam, bên sử dụng lao động không được phép để người lao động từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi làm bất kỳ công việc nào liên quan đến hóa chất. [18]
Vào ngày 29/3/2023, sáu tổ chức, bao gồm IPEN, đã tập trung tại trụ sở chính của Samsung ở Seoul kêu gọi công ty chịu trách nhiệm về vụ việc. Các tổ chức cũng yêu cầu Samsung cấm hoàn toàn sử dụng methanol trong các nhà máy và chuỗi cung ứng của mình.
DiGangi tin rằng công ty có đủ nguồn lực để tuân thủ các quy định về môi trường, nhưng lại có xu hướng vi phạm các quy định đó ở Việt Nam. Việc này bị ông cho là “sử dụng Việt Nam như một cái thùng rác”.
Ông còn nói: “Samsung phải chịu trách nhiệm về các tai nạn và ngừng rủi ro thuê ngoài.”
Vào tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất của mình. [19]Kang nói với Rest of World rằng anh ấy muốn điều tốt hơn cho những người vẫn còn đang làm việc trong các nhà máy.
“Samsung không còn là Samsung theo cách mà tập đoàn hứa sẽ trở thành. Tôi đã hoàn toàn đơn độc trong nhiều năm đấu tranh, yêu cầu họ tuân thủ các quy định,” ông nói.
1. Bộ trưởng Vương Đình Huệ đến thăm Nhà máy sản xuất điện thoại Samsung. (2012, August 11). Cổng Thông Tin Bộ Tài Chính. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=BTC344498
2. [Special report- Part I] Worked to death at the ripe age of 22. (n.d.). Hankyoreh, Inc. https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_international/898949.html
3. Stories of Women Workers in Vietnam’s Electronics Industry | IPEN. (n.d.). https://ipen.org/documents/electronics-workers-vietnamese-women-report
4. Samsung dismisses labor abuse claims in Vietnam. (2017, November 28). VnExpress International. https://e.vnexpress.net/news/business/samsung-dismisses-labor-abuse-claims-in-vietnam-3674727.html
5. Samsung Vietnam factory report: Is the debate getting worse? | IPEN. (n.d.). https://ipen.org/news/samsung-vietnam-factory-report-debate-getting-worse
6. OHCHR. (n.d.). Vietnam: UN experts concerned by threats against factory workers and labour activists. https://www.ohchr.org/en/press-releases/2018/03/vietnam-un-experts-concerned-threats-against-factory-workers-and-labour
7. 김새봄. (n.d.). 글로벌 삼성의 위험한 공장 ① 안전 관리자의 고백. https://www.newstapa.org/article/E-rbn
8. Xem [7]
9. Samsung Whistleblower Reveals Toxic Chemical Use and Violations at Samsung Vietnam | IPEN. (n.d.). https://ipen.org/documents/samsung-whistleblower-reveals-toxic-chemical-use-and-violations-samsung-vietnam
10. List of Regulated Substances. (n.d.). Samsung. https://images.samsung.com/is/content/samsung/assets/global/our-values/envrionment/5_environment-data/download/1-5_List_of_Regulated_Substances.pdf
11. Bloomberg, & Bloomberg. (2022, January 29). Samsung US factory spilled acid waste for months, probe shows. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/3165267/samsung-us-factory-spilled-acid-waste-months-probe
12. KVUE News Staff. (2022, June 13). Samsung facility waste spill had “direct, documented impact” on tributary, TCEQ finds. KVUE. https://www.kvue.com/article/news/local/samsung-waste-tceq-report/269-cde9355d-9b7a-4753-82c1-1182b6cb99e5
13. 56th Samsung factory worker dies of blood-related illness. (n.d.). Hankyoreh, Inc. https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_business/536185.html
14. Samsung promises to compensate factory workers who suffered cancer. (2017, May 13). The Guardian. https://www.theguardian.com/technology/2014/may/14/samsung-compensate-factory-workers-cancer
15. Xem [4]
16. Xem [10]
17. Liên Châu. (2023, March 13). 37 công nhân tại Bắc Ninh nhiễm độc methanol, ghi nhận ca tử vong, mù mắt. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/37-cong-nhan-tai-bac-ninh-nhiem-doc-methanol-ghi-nhan-ca-tu-vong-mu-mat-185230313184014213.htm
18. Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải đảm bảo những quy định như thế nào? (2022, November 16). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/su-dung-nguoi-lao-dong-tu-du-15-tuoi-den-duoi-18-tuoi-phai-dam-bao-nhung-quy-dinh-nhu-the-nao-883375-50853.html
19. Thủ tướng đề nghị Samsung coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu. (2022, December 23). Báo Chính Phủ. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-de-nghi-samsung-coi-viet-nam-la-cu-diem-quan-trong-nhat-chien-luoc-toan-cau-102221223102322618.htm