Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Những thiệt hại không thể phục hồi, kéo lùi nền tri thức của đất nước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, không xa dinh Độc Lập, ngay cạnh nhà thờ Đức Bà, bên trong đường sách Nguyễn Văn Bình, bạn sẽ tìm thấy những cuốn sách rất đắt tiền. Chúng đắt tiền không phải do chúng dày dặn, đẹp đẽ, mà vì một lẽ khác, bởi đó là những cuốn sách đã may mắn sống sót khỏi chảo lửa đốt sách điên cuồng tại miền Nam.
Năm 1977, một cán bộ tại TP. Hồ Chí Minh khoe với báo chí quốc tế rằng khoảng 700 tấn sách của miền Nam đã bị tịch thu và nghiền nát sau hai năm “giải phóng”. [1]
Trong cùng năm, một cán bộ ở Huế cho biết hàng chục nghìn cuốn sách và tranh ảnh “lạc hậu” về “tình yêu ủy mị” và “tìm kiếm niềm vui thể xác” đã bị đốt bỏ. [2]
Một cuốn sách xuất bản vào năm 1976 của một nhà báo ngoại quốc đã kể lại chuyện một nhóm học sinh, sinh viên ở Sài Gòn chủ động tổ chức đốt sách nhằm xóa bỏ “văn chương né tránh hiện thực”. [3]
Linh mục André Gelinas cho biết một số lượng lớn trong khoảng 80.000 cuốn sách của thư viện Trung tâm Giáo dục Alexandre de Rhodes tại Sài Gòn đã bị đốt bỏ theo chính sách tiêu diệt “văn hóa tư sản”. [4]
Nhà báo Richard Dudman, phóng viên kỳ cựu của báo St. Louis Post-Dispatch, cho rằng chính quyền miền Bắc có lẽ đã không ngờ chiến thắng tại miền Nam lại đến nhanh như vậy, và họ đã không chuẩn bị kế hoạch tiếp quản phù hợp. [5]
Một số hành động hấp tấp trên quy mô lớn để lại di chứng đời đời. Trong đó, sự kiện đốt sách đã mở đầu chiến dịch hủy diệt ngành xuất bản tư nhân đang phát triển ở miền Nam với kỹ thuật xuất bản hiện đại. Đau khổ hơn là những người cầm bút cũng có chung số phận với những cuốn sách.
Cho đến nay, sau 48 năm, Việt Nam vẫn chưa lấy lại được khí thế sôi động của ngành xuất bản tư nhân thời Việt Nam Cộng hòa.
Trước năm 1975, miền Nam có 44 tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh An Xuyên (địa phận Cà Mau hiện nay) với Sài Gòn là thủ đô. Tổng dân số năm 1971 là khoảng 18,7 triệu người. [6]
Vào năm 1974, ông Lê Bá Kông, Chủ tịch Hội Các Nhà in và Xuất bản thời Việt Nam Cộng hòa cho biết miền Nam có khoảng 180 nhà xuất bản lớn nhỏ. [7] Trong khi đó, miền Bắc chỉ có 21 nhà xuất bản. [8]
Từ năm 1954 cho đến giữa năm 1972, trung bình mỗi năm miền Nam xuất bản hơn một nghìn tựa sách, tổng cộng 21.279 tựa sách đã được xuất bản. Một số tác giả dẫn số liệu năm 1972 của Ủy hội Quốc gia UNESCO Việt Nam thì có khoảng ba nghìn đầu sách được cấp phép xuất bản hàng năm. [9]
Năm 1963, Đoàn Thêm cho biết chỉ trong ba năm (từ 1961 đến 1963) đã thấy 2.624 nhan đề sách, nhiều nhất là tiểu thuyết và thơ. Ông nhận định, sau năm 1954, văn nghệ miền Nam đã sống động hơn rất nhiều, nhờ sự đóng góp của các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ di cư từ miền Bắc. [10]
Trong ba năm 1965, 1970 và 1973, miền Nam đã nhập về tổng cộng 96.392 tấn giấy. Giấy được dùng để in nhiều ấn phẩm khác nhau, trong đó có sách. [11]