‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Quyền tự do lựa chọn thái độ sống là điều không ai có thể chiếm đoạt được.
Con người không sống chỉ để đi tìm sự giàu có và cuộc đời yên bình cho chính bản thân mình, đó là quan điểm của Viktor E. Frankl, nhà tâm lý học và một triết gia người Áo gốc Do Thái. Ông đã viết về việc con người cần gì trên đời trong một cuốn sách được phát hành năm 1946 với tên gọi “Man’s Search for Meaning” (Tạm dịch: Con người tìm kiếm mục đích). Theo tác giả, con người cần phải tìm cho mình mục đích trong cuộc sống, và khi tìm ra được điều đó thì bản thân sẽ vượt qua được tất cả những khổ nạn và tìm thấy giá trị cũng như lý tưởng đích thực của đời mình.
Cuốn sách này có thể được gọi là chương mở đầu cho học thuyết mà Viktor E. Frankl đã dành cả đời để cổ xúy: logotherapy (liệu pháp ý nghĩa). [1] Và đây còn là một trong những quyển sách được xếp vào hạng ăn khách nhất trên toàn thế giới (international best-selling book). Nhiều người nổi tiếng từng chọn nó làm “sách gối đầu giường”.
Học thuyết mà Frankl đề xướng - logotherapy - cho rằng con người khi biết tìm cho mình mục đích và lý tưởng trong cuộc sống, thì họ sẽ vượt qua được tất cả những khổ đau mà đời họ có thể gặp. Frankl không nói suông, vì ông là một người Do Thái đã sống sót trong những nhà tù tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai. Trong đó, có cả trại giam khủng khiếp Auschwitz. Ông dùng những kinh nghiệm từ cuộc khổ nạn đời mình để viết về điều bản thân nghiệm ra được.
Ông viết: “Người ta có thể chiếm đoạt tất cả mọi thứ từ chúng ta, nhưng họ không thể nào lấy được điều này: điều cuối cùng của những sự tự do mà một người có được - đó là quyền được chọn cho mình thái độ sống trong mọi hoàn cảnh, quyền được tự quyết”. (Nguyên văn: Everything can be taken from a man but one thing: the last of the human freedoms - to choose one's attitude in any given set of circumstances, to choose one's one way.)
Câu chuyện do Viktor Frankl kể tái hiện những kinh nghiệm đau đớn của một người tù Do Thái trong Thế chiến thứ Hai. Trong trại tù tập trung, cha mẹ và vợ của Frankl đã chết, nhưng Frankl vẫn vượt qua được những thời điểm cùng cực nhất của đời mình. Vươn lên từ đáy vực sâu, ông cho rằng ông đã tìm ra mục đích và lý tưởng cuộc đời, để rồi dùng nó thắp sáng ngọn đuốc trong lòng và cố gắng vượt qua những khổ cực mà thể xác lẫn tinh thần phải gánh chịu.
Theo cuốn sách của Frankl, con người giữa những lúc đau khổ và cùng cực nhất vẫn còn quyền quyết định chọn lựa thái độ sống trong nghịch cảnh và chính sự tự do lựa chọn đó sẽ tạo ra sức mạnh và khả năng phục hồi giúp mỗi người có động lực vượt qua.
Cách viết của Frankl vừa rõ ràng vừa mạnh mẽ. Ông truyền tải thông điệp và minh chứng bằng chính những câu chuyện nhỏ của bản thân mình trong trại tập trung. Khi đọc những câu chuyện này, người đọc có thể tự vấn về cuộc đời và lý tưởng, nhằm tìm ra mục đích cao đẹp cho hành trình tiếp nối của đời người.
Mặc dù những câu chuyện mà Frankl kể lại là các kinh nghiệm cá nhân của ông về cách mà ông tự đi tìm hạnh phúc bên cạnh những đau khổ mà bản thân ông từng nếm trải, nhưng nó vẫn chứa đựng những suy tư triết lý cho người đọc, hướng về một cuộc sống trọn vẹn nhất.
Vậy điều mà Frankl tâm niệm có phải là giá trị phổ quát cho tất cả mọi người hay không? Có một số nhà phê bình cho rằng mỗi người thì mỗi khác, nên kinh nghiệm của Frankl có thể không áp dụng được với mọi người.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, khi người dân còn phải sống trong những chế độ độc tài/ toàn trị và có những tù nhân lương tâm phải chịu cảnh tù đày vì họ là người bảo vệ nhân quyền hay lựa chọn trở thành nhà báo tự do, thì lập luận của Frankl có thể là cách hiểu vì sao những người tù nhân lương tâm lại chọn con đường mà họ đã và đang đi. Đó là vì họ tìm ra mục đích và lý tưởng cho cuộc đời của họ, và họ bình thản đón nhận những án tù có khi phải tính bằng thập kỷ.
Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, có một người đã trải qua 13 năm tù giam ở những trại học tập cải tạo, để rồi sáng tác nên một bài thơ đồng điệu với Frankl. Đó là nhà thơ Tô Thùy Yên và bài thơ “Ta về” sáng tác sau khi ông được trả tự do. [2] Chúng ta có thể cùng đọc lại một đoạn thơ ngắn để thấy phảng phất đây đó quan điểm của Frankl:
“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi”
Kết thúc bài điểm sách hôm nay bằng ý thơ của tác giả Tô Thùy Yên, một người tù cải tạo sau năm 1975, làm chúng ta không khỏi nhớ về Phạm Đoan Trang, vì cô ấy là lý do mà chúng ta có chuyên mục Đọc sách.
Có lẽ lúc này, Đoan Trang cũng giống như ông Viktor Frankl và ông Tô Thùy Yên, cô cũng tìm được mục đích và lý tưởng cho bản thân trong cuộc đời này. Từ ngày dấn thân vào con đường tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và một nền báo chí độc lập tại Việt Nam, cô đã sẵn sàng chấp nhận tất cả những khổ ải trong chốn ngục tù. Để tiếp nối tinh thần của Đoan Trang, chúng ta hãy cùng nhau viết để khơi dậy những thảo luận tự do, để một ngày không xa hạt mầm tự do sẽ nảy nở.
Bạn có thể mua quyển “Man’s Search for Meaning” tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Liệu pháp ý nghĩa là liệu pháp tâm lý dựa trên phân tích về hiện sinh, thay vì tập trung vào ý muốn đi tìm quyền lực hay khoái lạc thì chúng ta đi tìm ý nghĩa sống.
2. nguyenvantuan.info. (2021, July 28). Ta về một bóng trên đường lớn: Tô Thùy Yên (1938 – 2019). Tuan V. Nguyen AM. https://nguyenvantuan.info/2019/05/22/ta-ve-mot-bong-tren-duong-lon-to-thuy-yen-1938-2019-2/