Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một ngoại lệ khác thường.
Từ cuối tháng 3/2023, khách du lịch đến huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt hơn 40 cây số, sẽ thấy một quần thể kiến trúc mang màu sắc tâm linh rất khác thường.
Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo đó có tên là Samten Hills Dalat, chiếm trọn ba quả đồi với khoảng 500ha đất. [1]
Một kỷ lục thế giới đã được cấp cho quần thể này, cụ thể là công nhận đại bảo tháp Kinh Luân lớn nhất thế giới, được dát vàng, nặng khoảng 200 tấn. [2] Đây vốn là một pháp khí trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Phật giáo Tây Tạng hay Mật tông vốn là một nhánh Phật giáo không phổ biến tại Việt Nam nhưng giờ đây lại xuất hiện một cơ sở tâm linh khổng lồ tại tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, chính quyền vẫn chưa cho phép Làng Mai - một pháp môn Phật giáo nổi tiếng thế giới của Việt Nam - chính thức hoạt động. Những người Việt theo truyền thống Làng Mai phải sang các nước như Mỹ, Pháp, Thái Lan để tu tập.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng không công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vốn được thành lập và hoạt động từ trước năm 1975. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981, các nhà sư kiên trì theo GHPGVNTN đã bị chính quyền bỏ tù, đàn áp, giới hạn hoạt động.
Vì sao Samten Hills, một quần thể mang dấu ấn của các giá trị Phật giáo bên ngoài lãnh thổ, lại được ưu ái như vậy?
Theo Phật giáo Tây Tạng, “samten” có nghĩa là trạng thái thân tâm nhất như trong thiền định. Samten Hills còn có tên gọi khác là Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim cương thừa.
Một trong những người sáng lập, điều hành Samten Hills Dalat là bà Nguyễn Thu Ngọc, đại diện của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Kim Phát. Bà Ngọc cũng là đại diện của văn phòng công ty sữa VP Milk với nhà máy sản xuất sữa chỉ cách Samten Hills chừng hai cây số. [3]
Gần đây, bà Ngọc đã khẳng định với báo chí rằng dư luận không nên gọi Samten Hills là chùa, vì đây không phải là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà chỉ là “khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh”. [4]
Website của Samten Hills giới thiệu sẽ có khu nhà hàng, nhà bán cà phê, khu nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm các nhà riêng, villa để du khách trải nghiệm tâm linh trên những quả đồi tuyệt đẹp. Nơi đây cũng có các công trình Phật giáo không khác gì các quần thể kiến trúc của Phật giáo Tây Tạng như nhà đèn bơ, nhà hộ pháp, nhà trưng bày di sản Phật giáo Tây Tạng, v.v. [5]
Tất nhiên, Samten Hills không muốn tự nhận mình là chùa Phật giáo giống các khu du lịch tâm linh khác như Bái Đính, Tam Chúc. Điều đó giúp Samten Hills không phải lệ thuộc vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì hiện nay không một nhánh Phật giáo nào dám công khai hoạt động mà không gia nhập giáo hội này.
Đồng thời, khi khẳng định mình chỉ là khu tham quan tâm linh, Samten Hills dễ thoát khỏi các quy định kiểm soát tôn giáo khắc nghiệt của nhà nước.
Tuy nhiên, có thật sự Samten Hills chỉ đơn thuần là một khu tham quan tâm linh đơn thuần?
Dù không có nhà sư nào điều hành Samten Hills nhưng tính linh thiêng của nơi đây đã được đơn vị điều hành khôn khéo lồng ghép vào chuỗi hoạt động khai trương.
Trong ngày khai trương chính thức, rất nhiều nhà sư Tây Tạng xuất hiện, họ gần như đóng vai trò chủ trì nghi thức tôn giáo của buổi lễ khai trương.
Báo Lao Động cho biết việc xây dựng Samten Hills chính là tâm nguyện của Đại lão Hòa thượng Drubwang Sonam Jofel, người đứng đầu dòng truyền thừa Drigung Kagyu, nhằm “khơi thông dòng chảy Phật giáo Kim cương thừa tại Việt Nam”. [6]
Trong chuỗi hoạt động khai trương, Samten Hills đã tổ chức hàng loạt các hoạt động tôn giáo: Lễ Puja cầu nguyện, Đàn lễ Thượng lạc Kim cang Chakrasamvara, Lễ trao truyền Pháp tu Drigung Phowa và Quán đảnh vô lượng thọ Phật, Lễ quán đảnh Dzambala, Lễ quán đảnh Lục Độ Mẫu, v.v. Tất cả đều do các nhà sư Tây Tạng chủ trì. [7]
Dòng truyền thừa Drigung Kagyu là một trong tám nhánh nhỏ của giáo phái Kagyu. Giáo phái Kagyu lại là một trong bốn giáo phái thuộc Phật giáo Tây Tạng. Giáo phái Kagyu khác với giáo phái Gelug của Dalai Lama. [8]
Những năm gần đây, Mật tông được một số người cố gắng truyền bá tại Việt Nam, nhóm này bao gồm những cá nhân thuộc tầng lớp có tiềm lực tài chính hoặc ảnh hưởng chính trị. Ngày cả nhà sáng lập, điều hành của Samten Hills, bà Nguyễn Thu Ngọc, cũng là một tín đồ nhiệt thành của Mật tông.
Năm 2020, một trung tâm thiền của dòng Drigung Kagyu đã được thành lập ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh với cùng tên gọi Samten. Cho đến nay, nơi đây luôn diễn ra các hoạt động tu tập, thường xuyên cử hành các nghi lễ Mật tông do các nhà sư theo truyền thống này hướng dẫn. [9]
Theo quy định pháp luật về quản lý tôn giáo hiện nay, tất cả các hoạt động tôn giáo phải diễn ra tại các cơ sở tôn giáo đã được nhà nước cấp phép hoạt động. Trung tâm thiền đương nhiên không được xem là một cơ sở tôn giáo.
Trong một tờ thông báo, cơ quan điều hành của dòng tu này là Drigung Kagyud Rinchen Palri Society, có trụ sở ở Nepal, đã giới thiệu về trung tâm thiền như một cơ sở độc lập do cơ quan này thành lập tại Việt Nam, không hề nhắc gì đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [10]
Theo website chính thức của dòng truyền thừa nói trên, Việt Nam có đến 8 trung tâm thiền tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng. Việt Nam hiện là nước có số trung tâm thiền trực thuộc nhiều thứ nhì tại châu Á. Samten Hills Dalat là trung tâm thứ chín của dòng truyền thừa này. [11]
Samten Hills không đơn thuần chỉ là một khu du lịch nhằm mục đích kinh doanh thông thường. Không gian nơi đây phản ánh rõ nét những nỗ lực nhằm truyền bá truyền thống Mật tông tại Việt Nam.
Trong khi đó, vào 14 năm trước tại tỉnh Lâm Đồng, tăng đoàn Làng Mai đang tu tập thì bị đuổi khỏi một ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các tu sinh phải sinh hoạt màn trời chiếu đất. Cuối cùng, Làng Mai chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Sự việc này được cho là có bàn tay can thiệp của chính quyền Việt Nam. Từ đó đến nay, ngay cả sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời, Làng Mai vẫn chưa được phép hoạt động công khai. [12]
Sau lễ khánh thành khoảng một tháng, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng giải trình về việc cấp phép cho khu du lịch tâm linh này. [13]
Động thái của Bộ Nội vụ cho thấy mối quan tâm đặc biệt của nhà nước khi hoạt động của trung tâm này thu hút nhiều luồng dư luận. Việc xây dựng Samten Hills có lẽ là một diễn biến trái ngược với bức tranh kiểm soát tôn giáo gắt gao hiện nay.
Chính quyền vẫn tiếp tục duy trì quan điểm giữ ổn định các hoạt động tôn giáo. Nhà nước Việt Nam không muốn tình hình tôn giáo trở nên phức tạp.
Các nhóm tôn giáo có yếu tố nước ngoài càng bị hạn chế tối đa tại Việt Nam. Điển hình như trường hợp của Hội thánh Đức Chúa Trời của Hàn Quốc, mặc dù chỉ sinh hoạt kín đáo ở một số địa phương nhưng vẫn bị chính quyền trấn áp.
Vì vậy, việc hình thành Samten Hills có nhiều khả năng tạo ra một tiền lệ mới thách thức trật tự quản lý nhà nước về tôn giáo (cụ thể là Phật giáo). Từ bấy lâu nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước giao quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động Phật giáo. Các pháp môn Phật giáo khác nhau phải gia nhập giáo hội này để hoạt động.
Trong khi đó, các nhà sư Tây Tạng, vốn không phải là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lại có thể công khai tham gia hoạt động ở một cơ sở tâm linh bề thế, cử hành các nghi lễ tôn giáo cho hàng nghìn người tại Việt Nam, thì quả là một chuyện hiếm thấy.
Samten Hills do Công ty TNHH Kim Phát đầu tư. Ban đầu, công ty này xin chính quyền cấp đất để trồng rừng, bảo vệ rừng; chăn nuôi bò sữa, xây dựng nhà máy chế biến sữa; tham quan du lịch về mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”. Họ hoàn toàn không đề cập đến mục tiêu xây dựng khu du lịch tâm linh. Tuy nhiên, sau đó, công ty này đã bổ sung mục tiêu xây dựng khu du lịch tâm linh vào dự án. [14]
Việc xây dựng Samten Hills và các hoạt động truyền bá Mật tông của dòng truyền thừa Drigung Kagyu là ngoại lệ khác thường, nếu không muốn nói rằng quá trình này đang được một thế lực rất lớn từ trong nước hậu thuẫn.
Xét về khía cạnh tôn giáo, mô hình Samten Hills hay các hoạt động truyền bá Mật tông là không có gì sai trái. Thậm chí, quy trình cấp phép cho Samten Hills có thể đúng quy định của pháp luật như các bên công bố.
Tuy nhiên, cách thức mà dòng truyền thừa Drigung Kagyu đang phát triển ở Việt Nam sẽ khoét sâu thêm tình trạng phân biệt đối xử giữa các tôn giáo trong nước.
Hiện nay, người dân chỉ cần tự xây dựng một ngôi chùa cũng sẽ bị chính quyền xử phạt vì trước hết các ngôi chùa này phải trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và sau đó nó phải phù hợp với các quy định pháp luật khác liên quan đến xây dựng và cấp phép hoạt động cho các cơ sở tôn giáo.
Hiện nay, có một số ngôi chùa thực tập theo pháp môn của Làng Mai nhưng vẫn hoạt động hết sức kín đáo, không thể công khai trực thuộc Làng Mai. GHPGVNTN cũng vô cùng khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tôn giáo, các nhà lãnh đạo của giáo hội này gần như bị theo dõi liên tục.
Trong khi đó, các nhà sư Tây Tạng lại được thoải mái vào nước ta và công khai tổ chức các hoạt động Phật giáo một cách độc lập. Ngoại lệ nói trên không khỏi khiến dư luận thắc mắc về sự yểm trợ đằng sau những hoạt động này.
1. Trao chứng nhận “Không gian văn hóa tâm linh” tại Samten Hills Dalat. (2023, March 7). Báo Tuổi Trẻ. https://web.archive.org/web/20230423031850/https://tuoitre.vn/trao-chung-nhan-khong-gian-van-hoa-tam-linh-tai-samten-hills-dalat-20230307155108706.htm
2. P.Q. (2023, March 16). Những điều chưa biết về Đại Bảo tháp Kinh Luân tại Samten Hills Dalat. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-dai-bao-thap-kinh-luan-tai-samten-hills-dalat-20230316164036476.htm
3. 0303539369 - CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT-THƯƠNG MẠI KIM PHÁT. (n.d.). Ma so Thue. https://masothue.com/0303539369-cong-ty-tnhh-san-xuat-thuong-mai-kim-phat
4. Chủ đầu tư Samten Hills Dalat lên tiếng trước những ồn ào dư luận. (2023, April 20). Báo Pháp Luật. https://web.archive.org/web/20230421071358/https://baophapluat.vn/chu-dau-tu-samten-hills-dalat-len-tieng-truoc-nhung-on-ao-du-luan-post473055.html
5. TRUNG TÂM THIỀN DRIGUNG KAGYU SAMTEN LING VIETNAM, TRÁI TIM CỦA SAMTEN HILLS DALAT. (n.d.). Samten Hills. https://web.archive.org/web/20230424154443/https://samtenhills.vn/en/
6. Khánh thành Không gian văn hóa Tâm Linh Phật giáo Kim Cương thừa ở Lâm Đồng. (2023, March 7). Báo Lao Động. https://dulich.laodong.vn/tin-tuc/khanh-thanh-khong-gian-van-hoa-tam-linh-phat-giao-kim-cuong-thua-o-lam-dong-1155082.html
7. Chuỗi sự kiện Khánh thành Không gian văn hóa tâm linh - trái tim của Samten Hills Dalat. (2023, March 13). Drigung Kagyu Samten Ling Vietnam. https://www.facebook.com/DrigungKagyuSamtenLingVietnam/posts/pfbid02dvXiXdhx7DmA7VQqn1VsAEztQyMMdmN1ArpQ3qza212Y2LKxRu6ZB4whgGfEFkQUl
8. The Kagyu Lineage. (n.d.). Kagyu. https://kagyuoffice.org/kagyu-lineage/
9. Khai trương trung tâm thiền định Drigung Kagyud Ling. (2020, September 8). https://drive.google.com/file/d/1p7BHK8zmSRj87dUCRz1Qb_nsxS371ib-/view?usp=sharing
10. Xem [8].
11. World Wide Center. (n.d.). Drigung Kagyu. https://www.drikung.org/asia/
12. Cuộc đời thiền sư Thích Nhất Hạnh. (2022, January 22). Luật Khoa. https://www.luatkhoa.com/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/
13. Làm rõ hoạt động dự án Samten Hills Dalat có bảo tháp dát vàng lớn nhất thế giới. (2023, March 31). Báo Người Lao Động. https://web.archive.org/web/20230421070633/https://nld.com.vn/thoi-su/lam-ro-hoat-dong-du-an-samten-hills-dalat-co-bao-thap-dat-vang-lon-nhat-the-gioi-20230331101947229.htm
14. Thêm thông tin về hoạt động của dự án Samten Hills Dalat. (2023, April 7). Đời Sống Pháp Luật. https://web.archive.org/web/20230424145253/https://www.doisongphapluat.com/them-thong-tin-ve-hoat-dong-cua-du-an-samten-hills-dalat-a571522.html