“Thời của thánh thần” và những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử hiện đại Việt Nam

Cuốn sách cấm đáng đọc cho những ai đam mê lịch sử.

“Thời của thánh thần” và những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử hiện đại Việt Nam
Ảnh bìa sách: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Đồ họa: Luật Khoa.

Ngay sau khi viết xong bài điểm sách về “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương tuần trước, tôi biết cần phải điểm cuốn gì tiếp theo.

“Thời của thánh thần” ra đời vào tháng 8/2008, trước “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương vài tháng. Nếu như “Đỉnh cao chói lọi” được xuất bản đàng hoàng ở nước ngoài thì “Thời của thánh thần” được nhà văn Hoàng Minh Tường viết ở trong nước, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

Và chỉ vài ngày sau khi lên kệ, chính tác giả của nó phải đi từng hiệu sách ở Hà Nội để thu hồi vì có lệnh của Cục Xuất bản. [1]

Từ đó đến nay, cuốn sách chưa từng được xuất bản trở lại. Cái tên Hoàng Minh Tường kể từ đó cũng biến mất khỏi các kênh chính thống, nhưng về sau ông trở lại với tư cách là một trong những người đầu tiên ghi danh thành lập Văn đoàn Độc lập vào năm 2014 và tiếp tục xuất hiện trên văn đàn với những tiểu thuyết xuất bản ở nước ngoài.

“Thời của thánh thần” - cũng giống như “Những thiên đường mù” và “The Mountains Sing” của Nguyễn Phan Quế Mai - đều là những tiểu thuyết lịch sử kể về bi kịch của những gia đình miền Bắc ly tán và đoàn tụ sau những cơn tao loạn của lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. “Thời của thánh thần” đồ sộ hơn hai cuốn còn lại, lên tới hơn 600 trang, và cũng không theo đuổi cấu trúc đan cài quá khứ và hiện tại. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết này là một mạch truyện cực kỳ lôi cuốn được kể theo tuyến tính thời gian từ trước Cách mạng tháng Tám cho tới đầu thập niên 2000.

Không giống với hai cuốn tiểu thuyết kia, các nhân vật của “Thời của thánh thần” có nguyên mẫu, hay lấy chất liệu từ những nhân vật rất quen thuộc trong lịch sử lẫn thời hiện đại ngày nay.

Ngoại trừ mối liên hệ giữa gia đình họ Nguyễn Kỳ - trung tâm của câu chuyện - với những nhân vật có thật như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, hay một vài nhân vật khác được nhắc đến như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Văn Linh, các nhân vật chính đều cho ta nhiều mối liên tưởng tới nguyên mẫu của họ. Chính tác giả cũng phải có lời bạt rằng ông “không ám chỉ một ai, một nơi nào trong đời thực” và xin bạn đọc “thể tất mọi điều”.

Gia đình họ Nguyễn Kỳ là một gia đình đứng giữa ngã năm ngã bảy của lịch sử. Chính ngôi làng Động ở vùng châu thổ sông Hồng của họ cũng vậy. Nó là nơi hành quân của các binh đoàn trong hàng trăm năm lịch sử, đến thời chiến tranh chống Pháp nó lại là nơi Việt Minh và Pháp giành giật nhau, rồi đến thời chống Mỹ thì là nơi B52 ném bom rải thảm.

Kết quả, gia đình Nguyễn Kỳ người thì bị Việt Minh đấu tố trong Cải cách Ruộng đất, người thì bị Việt Minh ép phải đấu tố bố mình, người thì trở thành lãnh đạo cấp cao của đảng, người thì bị quăng quật trong vụ Nhân văn Giai phẩm và vụ án xét lại chống đảng, người thì lang bạt vào Nam rồi cuối cùng đi vượt biên và trở thành Việt kiều.

Những bi kịch của gia đình Nguyễn Kỳ còn được Hoàng Minh Tường tài tình đan xen vào bi kịch của nữ cán bộ cách mạng Đào Thị Cam và chuẩn tướng Trương Phiên, cùng với hàng loạt cuộc đời của giới văn nghệ sĩ, tiểu tư sản ở Hà Nội cũng như nhiều nhân vật ở miền Nam từng sống dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Người phải chịu đựng đủ các hậu quả của đủ các loại “công cuộc” do đảng lãnh đạo dường như là nhà thơ, nhà văn tài năng Nguyễn Kỳ Vỹ, người con trai thứ hai của ông bà Cử Phúc. Từ Cải cách Ruộng đất, cho tới vụ Nhân văn Giai Phẩm, cho tới cuộc cải tạo công thương nghiệp, rồi cho tới cả vụ án xét lại chống đảng. Nhưng chi tiết có lẽ là thú vị bậc nhất trong tiểu thuyết này - dĩ nhiên là dưới góc nhìn của tôi - là ánh mắt của nhà tuyên huấn lỗi lạc Nguyễn Kỳ Khôi trước số vàng bạc của nả mà bà vợ ông đã âm thầm tích cóp suốt những tháng năm ông đi rao giảng về cơn giãy chết của chủ nghĩa tư bản, và rồi sau này chính bà biến thành một cơ ngơi đồ sộ giữa thời buổi kinh tế thị trường.

Đứa con ngoài giá thú của nhà tuyên huấn Nguyễn Kỳ Khôi sẽ khiến độc giả ngỡ ngàng, không những bởi vì ta sẽ dễ dàng nhận ra nguyên mẫu ngoài đời thực của anh ta là ai, mà còn vì anh là biểu tượng không thể hoàn hảo hơn cho cái chết của thứ tư tưởng mà cả đời ông Khôi tin tưởng.

“Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương
Lịch sử Việt Nam qua câu chuyện của một gia đình.
“From development to democracy”: Một lý thuyết về tương lai dân chủ cho Việt Nam
Bài học từ những nhà nước kiến tạo phát triển ở Á châu.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


Chú thích

1. BBCVietnamese.com | Việt Nam | Thu hồi “Thời của thánh thần.” (2023). Bbc.com. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2008/09/printable/080903_viet_novel_recalled

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.