Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Chính quyền vừa công nhận vừa xử phạt người hành nghề vì mê tín dị đoan.
Năm 1973, một người đàn bà vừa mới chuyển đến Sài Gòn đã khiến thị dân hết sức thán phục nhờ năng lực tiên đoán thần kỳ của cô.
Người phụ nữ này tên là Trần Thị Kim, mới 23 tuổi, chuyên xem vận mệnh bằng những lá bài và những bông hoa. Cô tin rằng năng lực ngoại cảm của mình đến từ chiếc đầu lâu của một thầy bói người Lào mà cô đang thờ ở nhà. Nhiều người đã được tận mắt xem chiếc đầu lâu này vào những dịp Tết Nguyên Đán. [1]
Một linh mục từng thay đổi cách suy nghĩ của mình về cô Kim khi cô nói đúng số tiền mà ông ấy đang mang trong túi. Cô Kim cũng nói đúng về việc một người phụ nữ Tây đã suýt chết khi sinh đứa con thứ hai. Cô cũng dự đoán chính xác ngày rời khỏi Việt Nam của một người Tây khác.
Gần đây, một người phụ nữ ở Hải Dương vừa bổ cau vừa nói về gia thế của người đối diện cũng trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội. Mấy hôm sau thì cô bị chính quyền xử phạt hành chính. [2]
Không chỉ xuất hiện ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, những điều bí ẩn vừa kể thuộc về một nghề lâu đời nhất trên thế giới: nghề bói toán.
Thầy bói hay nhà ngoại cảm, tiếng Anh là psychic, là những người tự nhận có năng lực thấu thị những sự kiện quá khứ và tương lai của một người. Nhờ khả năng bí ẩn như vậy, nghề bói toán đủ sức trường tồn với thời gian. Dù đó là một giáo sư, một doanh nhân, một chính trị gia đầy hiểu biết cũng đều bị thu hút bởi năng lực kỳ bí này.
Tuy vậy, đây vẫn là một nghề đầy tranh cãi, thách thức các chuẩn mực về pháp lý, tự do ngôn luận ở nhiều quốc gia. Không ít thầy bói phải vào tù vì bị kết tội lừa đảo, và ngược lại, cũng có những nơi nghề bói toán được xem như một nghề nghiệp có giá trị. Việt Nam là đất nước chưa thể hiện cách ứng xử rõ ràng về nghề nghiệp này.
Trong lúc báo chí nhà nước luôn lên án nặng nề về các nghề nghiệp liên quan đến tâm linh huyền bí, chúng ta hãy thử nhìn nhận nó một cách toàn diện hơn thông qua bốn hướng tiếp cận sau đây.
Trước năm 1975, cô Hương là một trong những thầy bói nổi tiếng nhất ở Sài Gòn, hàng tháng cô được mời vào Phủ Tổng thống để xem bói cho Đệ nhất Phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh - vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và còn xem cho những bà vợ khác của các bộ trưởng. [3]
Các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng mê tín không kém. Các cố vấn quân sự Mỹ kể rằng có những cuộc tiến công phải hoãn lại vì chưa coi được ngày tốt. [4]
Trước đó, bói toán từng bị cấm dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, một tín đồ Công giáo nhiệt thành, nhưng lại trở nên phổ biến ở miền Nam sau khi ông bị ám sát.
Các thầy bói thường hành nghề ở những ngôi chùa, đền, hoặc tự lập am, và không gian tâm linh vốn là nơi lui đến của những người đang có những bất an, lo lắng, cần nghe một lời khuyên bảo, dự đoán về tương lai. Sau cuộc đảo chính năm 1963, hàng trăm văn phòng bói toán mở công khai tại Sài Gòn. [5]
Trong khi đó, từ sau năm 1954, miền Bắc bài trừ triệt để các hoạt động tâm linh, tất nhiên có cả nghề bói toán , xem nghề này là “mê tín, dị đoan”, một trong những tệ nạn của xã hội. [6] Cuộc di cư năm 1954 đã mang nhiều thầy bói tiếng tăm vào hành nghề ở miền Nam.
Sau năm 1975, nghề bói toán ở miền Nam bị chế độ mới ngăn cấm. Chính quyền xem nghề này là di chứng đô hộ của Trung Quốc lên Việt Nam, đồng thời được Mỹ sử dụng để làm rệu rã tinh thần kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Bói toán cũng như các hình thức tâm linh khác đã trở thành lối sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của người dân.
Trong thập niên 1980 và 1990, bất chấp việc chính quyền lên án, chỉ trích nặng nề, nghề bói toán cùng với các tín ngưỡng dân gian đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành một hình thức trợ giúp tinh thần đáng kể đối với người dân, nhất là khi chính quyền đưa cả nước đến bên bờ vực phá sản về kinh tế, khủng hoảng về tinh thần.
Từ những năm 1990, chính quyền bắt đầu chấp nhận văn hóa tâm linh truyền thống của người dân, xem nó như một bệ đỡ về tinh thần. Tuy nhiên, nghề bói toán vẫn không được thừa nhận công khai, bất chấp một thực tế là việc hành nghề kín đáo dưới nhiều hình thức bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ. Chính vì vậy, hoạt động này đối mặt với nhiều rủi ro, có thể bị chính quyền quy chụp tuyên truyền mê tín, dị đoan bất cứ lúc nào.
Năm 2008, Tổng cục Thống kê đã ban hành danh mục nghề nghiệp để phục vụ cho tổng điều tra dân số, trong đó “nhà chiêm tinh, thầy bói và những người có liên quan khác” được coi là một nghề. [7]
Cũng trong năm 2008, một thầy bói ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vừa được thả sau lần thứ hai thụ án tù vì tội hành nghề mê tín dị đoan, lại tiếp tục hành nghề. [8]
Đến năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg để ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, lại tiếp tục công nhận “nhà chiêm tinh, nhà tướng số và những người có liên quan đến tâm linh khác” là một nghề nghiệp. [9]
Quyết định này của thủ tướng mô tả cụ thể đặc trưng của nghề này là “nhắc lại quá khứ, dự đoán tương lai của cuộc đời con người qua tử vi, xem đặc điểm lòng bàn tay, rút thẻ hoặc các kỹ thuật khác”.
Quyết định cũng nói rõ về cách thực hành nghề này như viết lá số tử vi, xem chỉ tay, bói bài, bói bằng lá, bằng bã cà phê trong cốc hay bằng mẫu xương động vật chết, v.v.
Như vậy, nghề bói toán là một nghề đã được nhà nước công nhận một cách rõ ràng. Tuy nhiên, người phụ nữ coi bói bằng cách bổ những quả cau gần đây đã bị xử phạt hành chính vì phổ biến mê tín, dị đoan.
Hiện nay, có hai quy định thường được chính quyền áp dụng để xử phạt hành chính liên quan đến vấn đề trên. Một là sử dụng mạng xã hội để phổ biến mê tín, dị đoan (Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của chính phủ). [10] Hai là lợi dụng tổ chức lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan (Nghị định 38/2021/NĐ-CP của chính phủ). [11]
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng quy định phạt tiền và kết án tù đối với những người hành nghề mê tín, dị đoan đã từng bị xử phạt hành chính hoặc chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục làm nghề này. [12]
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay không hề có một quy định cụ thể để xác định như thế nào mới là hoạt động mê tín, dị đoan. Liệu coi bói bằng cách bổ một quả cau có khác gì xem bã trong cốc cà phê? Vì sao coi bói được công nhận là nghề như bao nghề nghiệp khác, nhưng lại phạt người coi bói sử dụng mạng xã hội để hành nghề?
Từ nhiều thập kỷ qua, các hoạt động coi bói, xem tướng số đã được nhà nước tuyên truyền là mê tín, dị đoan. Người dân lẫn các cán bộ nhà nước đã ngầm hiểu như vậy. Nhưng khi nghề nghiệp này được công nhận thì gần như không có thông tin nào cập nhật hoặc tranh luận lại những định kiến đã hình thành bấy lâu nay.
Với sự phổ biến, công khai hoạt động của những nhà ngoại cảm hay thậm chí là các thầy bói, chính quyền có lẽ không thể cấm đoán nghề này như trước kia. Mặt khác, việc công nhận nghề nghiệp liên quan đến tâm linh cũng là sự thừa nhận những giá trị của nghề này.
Tuy nhiên, việc duy trì những quy định mơ hồ về mê tín dị đoan cho thấy chính quyền lại không muốn loại hình dịch vụ này phát triển. Khuôn khổ pháp luật hiện nay mở đường cho cấp thừa hành có cơ sở diễn giải và công cụ trừng phạt những người làm nghề này.
Tin vào sự tồn tại và khả năng giao tiếp với các linh hồn. Tin vào kiếp trước và kiếp sau. Tin vào số mệnh. Những niềm tin này là một phần trong truyền thống tâm linh người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Bói toán là hình thức thực hành những niềm tin này.
Đài Loan được mệnh danh là “hòn đảo của bói toán”. [13] Academia Sinica, tổ chức học thuật hàng đầu của Đài Loan, thống kê có khoảng 1/3 người dân Đài Loan đi coi bói.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy người bói toán ở các chợ đêm, hay những nơi tập trung hàng loạt các văn phòng bói toán như trạm tàu điện chùa Long Sơn ở thủ đô Đài Bắc, với đủ các hình thức coi bói như bói bài, bói chim, bói lá, thậm chí là xuất hiện các hình thức bói toán điện tử, game coi bói.
Người Đài khi có trở ngại về tâm lý thường tìm đến các thầy bói trước khi quyết định làm trị liệu. Việc đi gặp thầy bói được cho là giúp họ thoải mái hơn vì không phải khó nhọc để tự diễn tả những cảm xúc tâm lý của mình cho các bác sĩ tâm lý. [14]
Ông Chiu Hei-yuan, nhà xã hội học nổi tiếng và giáo sư tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho rằng nghề bói toán bùng nổ tại Đài Loan theo sau các biến động về chính trị. Người dân Đài Loan từng sống dưới sự cai trị của Nhật Bản, rồi chịu không khí ngột ngạt trong hơn 40 năm dưới thời kỳ Thiết quân luật, và sau đó là bước đi trên con đường dân chủ hóa, vì vậy ai cũng lo sợ sự bất ổn và luôn có nhu cầu biết trước về tương lai. Việc này đã thúc đẩy nghề bói toán cực kỳ phát triển. [15]
Tại Việt Nam, dưới thời kỳ Pháp đô hộ, nhiều hoạt động tâm linh kỳ bí đã diễn ra, trong đó có hoạt động cầu cơ, tức là gọi hồn người chết, để hỏi về tương lai, xin tài lộc, xin bài thuốc chữa bệnh, v.v. Hình thức cầu cơ cũng đã làm nảy sinh ra một tôn giáo mới ở miền Nam vào năm 1926, đó là đạo Cao Đài. Phật giáo Hòa Hảo cũng ra đời từ một người được cho là có khả năng chữa bệnh kỳ diệu, xem thấu quá khứ, biết trước tương lai.
Ở Việt Nam, do thiếu các số liệu điều tra về nghề bói toán, khó có thể nói được chính xác tình trạng, nhu cầu của người dân hiện nay đối với dịch vụ liên quan đến tâm linh. Tuy nhiên, từ khía cạnh lịch sử, tín ngưỡng, có thể thấy bói toán là một phần của đời sống tâm linh, tinh thần của người Việt. Bói toán đã trở thành bệ đỡ quan trọng cho tâm lý của người dân giữa những hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn.
Những người không có cảm tình với bói toán thường đánh đồng nghề này với lừa đảo. Đây cũng là một trong những vấn đề thường gặp nhất đối với người làm nghề này.
Người coi bói gần như có toàn bộ thẩm quyền phán xét về những điều mà người nghe không đủ cơ sở tranh cãi. Nhiều thầy bói đã lợi dụng yếu tố này để thao túng tâm lý khách hàng, bịa ra những điều gây hoang mang, rồi ép họ phải trả số tiền quá đáng để hóa giải kiếp nạn.
Trên thực tế, lừa đảo không chỉ có ở bói toán. Dự đoán về tương lai không chỉ có bói toán. Các nhà kinh tế dự đoán về thị trường, báo chí dự đoán về thể thao, chính trị gia dự đoán về kết quả bầu cử. Bản chất của lừa đảo là sự gian dối nhằm chiếm đoạt được thứ mà họ mong muốn từ người khác. Do vậy, lừa đảo có ở tất cả các ngành nghề.
Cho đến nay, thế giới vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về nghề nghiệp liên quan đến tâm linh. Một bên cho rằng nghề này nên bị cấm để bảo vệ người dân khỏi bị lừa đảo. Bên còn lại cho rằng nghề này cũng như bao nghề khác, là một nhu cầu rất cần thiết.
Ngay nội bộ nước Mỹ, các bang cũng có quy định không giống nhau về nghề bói toán.
Năm 1985, Tòa án tối cao của California đã bãi bỏ một sắc lệnh cấm xem bói, với lý do là nó trái với quyền tự do ngôn luận. Tòa phán quyết rằng một thầy bói cũng có quyền tính phí cho dịch vụ của mình, giống như những người môi giới chứng khoán. [16]
Một thẩm phán kết luận việc một thầy bói đưa ra nhận định cho khách hàng thì chưa được xem là lừa đảo, mà đó nên được xem là hoạt động truyền đạt quan điểm đơn thuần, và dù những quan điểm này có đáng nghi ngờ đến đâu đi chăng nữa thì cũng đều được hiến pháp bảo vệ. [17]
Tuy nhiên, một số bang khác ở Mỹ vẫn duy trì quy định hạn chế nghề bói toán. Thầy bói hành nghề ở New York có thể bị phạt 500 đô-la cho đến 90 ngày tù giam. [18] Tuy nhiên, New York vẫn đầy rẫy các văn phòng bói toán và họ hiếm khi bị truy tố. Các thầy bói ở bang Pennsylvania cảnh báo từ chối trách nhiệm đối với khách hàng, rằng họ chỉ xem bói nhằm mục đích giải trí mà thôi, để thoát khỏi việc có thể bị phạt 2.500 đô-la hoặc kết án đến một năm tù. [19]
Nhìn chung, dù có được luật pháp chấp nhận hay không thì nghề bói toán vẫn tồn tại bằng cách này hay cách khác, có cung tất có cầu là một quy luật cơ bản của kinh tế thị trường. Bói toán nên được xem là một thực tế xã hội, thể hiện niềm tin của người dân trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần, cùng với đó là những mặt trái đòi hỏi người sử dụng dịch vụ phải thật sự tỉnh táo.
1. Women Soothsayers: The Vietnamese Want to Know Their Fate. (1973, August 3). The New York Times. https://www.nytimes.com/1973/08/03/archives/women-soothsayers-the-vietnamese-want-to-know-their-fate-customers.html
2. Đúng làm theo, sai hãy sửa. (2023, February 11). Sài Gòn Giải Phóng. https://www.sggp.org.vn/dung-lam-theo-sai-hay-sua-post678358.html
3. Xem [1].
4. Xem [1].
5. Khi chiêm tinh gia trở thành công cụ chính trị. (2014, March 5). Báo Công an Nhân Dân. https://cand.com.vn/Ho-so-mat/Khi-chiem-tinh-gia-tro-thanh-cong-cu-chinh-tri-i308673/
6. Cái cũ, cái mới trong văn hóa. (2023, February 26). Đà Nẵng Online. https://baodanang.vn/channel/5433/202302/ky-niem-80-nam-de-cuong-van-hoa-viet-nam-cai-cu-cai-moi-trong-van-hoa-3938542/
7. Quyết định 1019/QĐ-TCTK 2008 danh mục nghề nghiệp áp dụng cho điều tra dân số. (2008, November 12). Luật Việt Nam. https://luatvietnam.vn/dat-dai/quyet-dinh-1019-qd-tctk-2008-danh-muc-nghe-nghiep-ap-dung-cho-dieu-tra-dan-so-173575-d1.html
8. Cần sớm ngăn chặn hành vi lừa đảo của Lê Thanh Vọng. (2008, October 17). https://cand.com.vn/Xa-hoi/Can-som-ngan-chan-hanh-vi-lua-dao-cua-Le-Thanh-Vong-i68142/
9. Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam. (2020). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-34-2020-QD-TTg-Danh-muc-nghe-nghiep-Viet-Nam-su-dung-trong-thong-ke-ve-lao-dong-458436.aspx
10. Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. (2020, February 3). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-15-2020-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-linh-vuc-buu-chinh-vien-thong-tan-so-vo-tuyen-dien-350499.aspx
11. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. (2021). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-38-2021-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-van-hoa-quang-cao-469165.aspx
12. Bộ luật Hình sự hợp nhất. (2017). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-01-VBHN-VPQH-2017-Bo-luat-Hinh-su-363655.aspx
13. Writer, K. I. N. S. (2018, March 15). For the truth, go to a Taiwan fortunetelling booth. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Location/East-Asia/Japan/For-the-truth-go-to-a-Taiwan-fortunetelling-booth
14. In Taiwan, Fortunetellers Are the Preferred Form of Therapists. (2020). Vice. https://www.vice.com/en/article/3an8jb/taiwan-fortunetellers-therapists-mental-health
15. Xem [13]
16. When Is Fortune-Telling a Crime? (2014). The Atlantic. https://www.theatlantic.com/business/archive/2014/11/when-is-fortunetelling-a-crime/382738/
17. State High Court Rules Out Ban on Fortune-Tellers. (1985). Los Angeles Times. https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1985-08-16-mn-2995-story.html
18. Xem [16].
19. Obscure Crimes: Fortune Telling is Illegal in Pennsylvania. (2013). McClenahen Law Firm P.C. https://www.mattmlaw.com/blog/2013/10/obscure-crimes-fortune-telling-is-illegal-in-pennsylvania/