‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Duy trì một bức tranh tôn giáo dễ kiểm soát, giữ ổn định chế độ.
Dù có liên quan hay không liên quan đến chính trị, các nhóm tôn giáo vẫn bị đàn áp.
Cuối tháng 12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List) của Mỹ về tự do tôn giáo. [1]
Đến tháng 3/2023, Ban Tôn giáo Chính phủ phải ra Sách trắng để thanh minh về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. [2]
Tuy nhiên, vào tháng 4/2023, chính quyền tại Cao Bằng đã cưỡng bức nhiều người H'mong lăn tay vào giấy cam kết từ bỏ đạo Dương Văn Mình. [3]
Cũng trong tháng Tư, 70 tổ chức quốc tế, chuyên gia về tự do tôn giáo đã cùng gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhóm tôn giáo. [4]
Tới đầu tháng 5/2023, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ báo cáo rằng tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn. [5]
Từ năm 2004, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần theo dõi đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo trong hai năm liên tiếp. Sau đó, Việt Nam đã cải thiện tương đối trong việc đối xử với các tôn giáo. Nhưng hiện nay, chính quyền xuống tay ngày càng nặng nề hơn.
Vì sao chính quyền Việt Nam lại khắc nghiệt với tôn giáo?
Nếu bạn từng đến khu vực Tây Nguyên, bạn sẽ thấy camera xếp dày đặc trên các con đường, chỉ cần bạn có một hoạt động nào đó bất thường, cán bộ công an sẽ xuất hiện ngay lập tức.
Những vùng càng xa, càng hẻo lánh, nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là những vùng bị kiểm soát khắc nghiệt nhất. Đây cũng chính là những nơi mà quyền tự do tôn giáo bị chính quyền đàn áp nặng nề.
Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục muốn duy trì tình trạng hiện tại của tôn giáo, không muốn có thêm các nhóm tôn giáo mới nào trong 16 tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận.
Các tổ chức tôn giáo được công nhận này hầu hết chịu sự kiểm soát của nhà nước. Chính quyền can thiệp toàn diện vào quá trình bổ nhiệm chức sắc lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo. Các chức sắc này sẵn sàng thỏa hiệp hoặc tuân theo sự sắp đặt của chính quyền, giúp duy trì một bức tranh tôn giáo dễ kiểm soát.
Bộ máy công an liên tục rà soát, không để các nhóm tôn giáo nào phát sinh, dù là các nhóm tôn giáo chỉ tụ họp kín đáo trong nhà của họ. Chính quyền quy định rằng hoạt động tôn giáo chỉ được tổ chức tại những nơi do chính quyền cấp phép.
Trong khi đó, nhu cầu tham gia các tôn giáo đa dạng, nằm ngoài các tổ chức tôn giáo được công nhận ngày càng cao. Đây là nhu cầu phát triển rất bình thường. Tuy nhiên, bất kỳ nhóm tôn giáo nào chưa được cấp phép mà hoạt động đều bị chính quyền ngăn cản, phạt hành chính, cưỡng bức họ từ bỏ tôn giáo.
Ngoài thẩm quyền quản lý các cơ quan nhà nước thì hầu hết các tổ chức chính trị - xã hội như Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, v.v. đều được giao nhiệm vụ theo dõi, báo cáo các hoạt động tôn giáo tại địa phương. [6]
Mặt khác, hoạt động truyền thông của các tôn giáo bị kiểm soát toàn diện. Chỉ những tổ chức tôn giáo có đăng ký mới được cấp phép để vận hành những cơ sở truyền thông trong điều kiện rất hạn chế.
Tôn giáo là một thành phần nằm ngoài nhà nước, tuy nhiên, chính quyền không cho các tổ chức tôn giáo trực tiếp mua bán quyền sử dụng đất đai, mà phải thông qua xét duyệt, cấp phát. Chính quyền dùng quyền cấp phát đất đai để kiểm soát tôn giáo.
Tháng 4/2023, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã đề cập hàng loạt vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam với Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký hoạt động tôn giáo, xử lý các cản trở của chính quyền địa phương đối với các nhóm tôn giáo. [7]
Thành viên của các nhóm tôn giáo là một trong những người thực hành quyền tự do nhiều nhất. Có thể coi họ là một trong những người đi đầu, thúc đẩy quyền tự do của người dân.
Các tín đồ tôn giáo thực hiện quyền tự do tư tưởng khi họ tự nguyện lựa chọn đặt niềm tin vào một tôn giáo nào đó. Họ thực hành quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt khi diễn giải, thảo luận, truyền bá giáo lý tôn giáo qua các phương tiện thông tin. Họ sử dụng quyền tự do hiệp hội để tụ họp các thành viên, hình thành nên các hội nhóm. Họ thực hành quyền tự do tôn giáo khi biểu dương tôn giáo của mình. Họ có thể đại diện nhóm tôn giáo của mình để đề xuất các ý kiến với nhà nước, tham gia vào hệ thống chính trị.
Những quyền này thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, đã được nêu ra trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. [8]
Điều 30 trong bản tuyên ngôn này nói rằng: “Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.”
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn tìm cách hạn chế, kiểm soát gắt gao việc tự do thực hành toàn bộ những quyền vừa nêu, vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, sự ổn định của chế độ. Do vậy, các tín đồ tôn giáo hiển nhiên trở thành mục tiêu đầu tiên của chính quyền.
Trên thực tế, chính quyền Việt Nam chỉ đảm bảo những quyền này trong khuôn khổ giới hạn và chỉ dành cho những tổ chức tôn giáo được chính quyền cấp phép hoạt động. Có nghĩa là họ đã trải qua sự thanh lọc, không có hành động nào làm ảnh hưởng đến chính trị.
Ở chiều ngược lại, chính quyền có thể lấy lý do hoạt động tôn giáo của một nhóm nào đó làm phức tạp tình hình an ninh trật tự để trấn áp, xóa bỏ nhóm tôn giáo, ngày cả khi nhóm tôn giáo đó chỉ sinh hoạt kín đáo trong nhà.
Đài Loan dưới thời kỳ Thiết quân luật kéo dài trong 40 năm đã duy trì mô hình kiểm soát Phật giáo tương tự như Việt Nam hiện nay.
Các nhóm Phật giáo đều phải lệ thuộc vào Hiệp hội Phật giáo Trung Hoa Dân Quốc, vốn là hiệp hội Phật giáo duy nhất được chính quyền Quốc dân đảng công nhận, tương tự như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Mô hình này đã bó buộc các nhóm Phật giáo tại Đài Loan, không cho họ có cơ hội được hoạt động tự do vì đội ngũ lãnh đạo do chính quyền Quốc dân đảng lựa chọn. Các nhóm Phật giáo đã gây áp lực lên chính quyền đòi cải thiện quyền tự do hiệp hội.
Năm 1989, Đài Loan bước vào thời kỳ chuyển đổi dân chủ. Bộ Luật sửa đổi về Tổ chức các nhóm dân sự ra đời đã cho phép người dân có quyền tự do hiệp hội. [9] Hàng loạt các tổ chức Phật giáo tại Đài Loan được thành lập, và trở thành những tổ chức Phật giáo nổi tiếng trên thế giới.
Việc mở rộng quyền tự do hiệp hội này tại Đài Loan cũng kéo theo sự ra đời chính thức của hàng loạt tổ chức chính trị, bao gồm nhiều đảng phái, trong đó có Đảng Dân chủ Tiến bộ là đảng cầm quyền hiện nay của Đài Loan.
Có thể thấy rằng việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo cũng sẽ giúp người dân thực hiện các quyền tự do chính trị của mình, bao gồm quyền lập đảng. Về cơ bản, việc hình thành và vận hành tổ chức tôn giáo có nhiều điểm tương đồng so với một tổ chức chính trị. Các tổ chức tôn giáo xiển dương giáo pháp thì các tổ chức chính trị hình thành để thu hút người có cùng quan điểm chính trị.
Những quyền giúp người dân tự do thực hành tôn giáo cũng sẽ giúp cho họ có được quyền tự do chính trị. Do đó, một nơi mà người dân không có quyền tự do chính trị cũng đồng nghĩa quyền tự do tôn giáo không được đảm bảo. Dù có tồn tại sự tự do tôn giáo trên danh nghĩa đi nữa thì đó cũng chỉ là sự che đậy một cách cồng kềnh, đối phó. Việt Nam chính là một nơi như thế.
Tại Việt Nam, người thực hành quyền tự do chính trị rất hạn chế do các nền tảng để thực hành quyền này gần như là không có như tự do báo chí, tự do bầu cử, tự do ngôn luận. Tuy nhiên, quyền tự do tôn giáo dù có bị đàn áp khắc nghiệt đến đâu cũng vẫn là một nhu cầu ngày càng phát triển của đông đảo người dân. Chính các tín đồ tôn giáo sẽ là những người đi đầu trong việc mở rộng quyền tự do của người dân Việt Nam.
1. Văn Tâm. (2022a). Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. Luật Khoa Tạp Chí. In press. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/
2. Quỳnh Trang. (2023, March 9). Ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.” VOV.VN. https://vov.vn/chinh-tri/ra-mat-sach-trang-ton-giao-va-chinh-sach-ton-giao-o-viet-nam-post1006330.vov
3. Hồ Đan. (2023). Tôn giáo tháng 4/2023: Bắt giữ tín đồ Tin Lành, cưỡng bức người H'mong ký cam kết bỏ đạo Dương Văn Mình. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2023/05/ton-giao-thang-4-2023-bat-giu-tin-do-tin-lanh-cuong-buc-nguoi-hmong-ky-cam-ket-bo-dao-duong-van-minh/
4. Meador, M. (2023). ADF International urges Biden Administration to address religious persecution in Vietnam. ADF International. https://adfinternational.org/religious-persecution-vietnam/
5. Hồ Đan. (2023b). Tôn giáo tháng 4/2023: Bắt giữ tín đồ Tin Lành, cưỡng bức người H'mong ký cam kết bỏ đạo Dương Văn Mình. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2023/05/ton-giao-thang-4-2023-bat-giu-tin-do-tin-lanh-cuong-buc-nguoi-hmong-ky-cam-ket-bo-dao-duong-van-minh/
6. Thái Thanh. (2021a). 7 bí mật nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo có thể làm bạn bất ngờ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2021/01/7-bi-mat-nha-nuoc-trong-linh-vuc-ton-giao-co-the-lam-ban-bat-ngo/
7. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tiếp xã giao Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. (2013, April). Ban Tôn Giáo Chính Phủ. https://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/thu-truong-bo-noi-vu-vu-chien-thang-tiep-xa-giao-dai-su-hoa-ky-tai-viet-nam-postM2qKAg0Rg6.html
8. United Nations. (n.d.). Universal Declaration of Human Rights | United Nations. https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights
9. Ngo Tak-wing. (n.d.). Civil society and political liberalization in Taiwan. Bulletin of Concerned Asian Scholars. https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/14672715.1993.10408342