Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Không gian sinh tồn bị tước đoạt bởi những người mang tâm thế đi khai sáng.
Ta vẫn thường nghe nói người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sống thuận tự nhiên, sinh tồn nương vào núi rừng, xem thiên nhiên là người mẹ vĩ đại và chúng ta là những đứa con nhỏ. Nhưng không có mấy ai thật sự tìm hiểu để biết được lối sống này là như thế nào, cuộc sống giữa đại ngàn trông ra làm sao.
Người Kinh từ đồng bằng khi tìm đến Tây Nguyên - dù với mục đích di cư, khai thác tài nguyên để kinh doanh, hay làm thiện nguyện - đều mang tâm thế khai sáng, áp đặt văn hóa của mình lên một nền văn hóa xa lạ mà họ chưa từng biết tới trước đây. Lối suy nghĩ và cách hành động “thực dân” như vậy khiến “người đồng bằng” khó lòng thấu hiểu được “người miền núi”, thậm chí không cho họ cất tiếng nói trước những nhu cầu cơ bản của mình.
Nguyên Ngọc được mệnh danh là nhà văn của Tây Nguyên, ông có thời gian gắn bó rất lâu dài với vùng đất này, không chỉ sinh sống mà còn tìm hiểu sâu sắc về nó. Ông nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm viết về vùng đất đại ngàn huyền bí. Trong cuốn sách “Các bạn tôi ở trên ấy”, chỉ với 24 bút ký, ông đã vẽ nên bức tranh rất rõ ràng về tính cách và văn hóa của con người ở Tây Nguyên, cũng như một tương lai bất định vạch ra cho họ.
Không giống với người Kinh khi công cuộc văn minh hóa, hiện đại hóa khiến họ sống rời xa núi rừng, người bản địa Tây Nguyên xem rừng như một thực thể độc lập đầy bí ẩn, hoang dã, và chưa được khám phá; người ở Tây Nguyên xuyên suốt nền văn minh của mình luôn níu giữ rừng làm gốc cho mọi sự, họ gìn giữ ý niệm “người là của rừng” và luôn sống dựa theo đó.
Nguyên Ngọc thông qua tác phẩm cho độc giả biết được hình ảnh “tình mẫu tử” vốn là tình cảm giữa mẹ thiên nhiên và con cái là con người, xuất phát từ lối nghĩ của những tộc người ở xứ sở này. Ông viết: “Từ cánh rừng vô tận, một hôm nào đấy con người mon men quả quyết đi ra, xin lấy của rừng, như con xin của mẹ, một khoảnh nhỏ, nhọc nhằn thuần hóa nó đi để cái khoảnh ấy thành làng, thành xã hội, thành văn hóa.”
Hình ảnh gắn kết với thiên nhiên còn được thể hiện qua những câu hát như “yêu rừng, yêu con suối đầu làng, yêu trái núi muôn đời cô quạnh, yêu con nai tơ ra ăn chồi tranh buổi sớm mờ sương”; hoặc “biết tính nết từng con thú, thân tình đến độ là bạn của từng con, lâu lâu không thấy nó về rừng của mình thì nhớ ngẩn ngơ”; hay phong tục của người Bana khi sinh con sẽ đặt đứa trẻ tại chân nhà sàn, để trẻ nhỏ cảm nhận được tự nhiên rộng lớn xung quanh; v.v.
Những tục lệ của người Tây Nguyên trông rất lạ lẫm với người đồng bằng, song họ vẫn hết lòng gìn giữ qua bao thế hệ. Người Kinh khó mà hiểu được tại sao người Êđê, Jrai, Bana lại tổ chức lễ bỏ mả rất linh đình, dày công chuẩn bị. Lễ bỏ mả là một lễ hội văn hóa, nghệ thuật rất lớn để bày tỏ niềm hạnh phúc khi một người đã chết đi và được trở về với rừng núi muôn đời, vì con người từ rừng mà ra thì sẽ được trở lại với rừng thiêng vĩnh cửu.
Cũng khác với người Kinh, người Tây Nguyên duy trì chế độ mẫu hệ. Nguyên Ngọc viết trong tập bút ký: “Người mẹ đứng bên trong sự truyền nối giống nòi, trong dòng chảy liên tục và bền chặt của sinh tồn”. Ông nói như vậy để độc giả thấy rằng vai trò của người phụ nữ là không thể thiếu trong xã hội của những người dân tộc nơi đây. Họ nuôi dạy con cái, tham gia các nghi thức quan trọng. Phụ nữ cũng là những người sản xuất rượu cần, loại rượu có giá trị cao chỉ được dùng để tế thần, đãi hội lớn trong làng, hay mời khách quý.
Những dòng bút ký của Nguyên Ngọc viết về Tây Nguyên như thể ông đang viết về chính mình, ông cho độc giả thấy sự thấu hiểu tường tận của mình với vùng đất, không áp đặt lối nghĩ người miền xuôi lên văn hóa người Thượng, không phê phán những phong tục của họ là lạc hậu hay mê tín, chỉ ngợi ca những nét độc đáo trong đời sống mà người Kinh sẽ khó lòng hiểu được.
Văn hóa, phong tục, lối sống của người Tây Nguyên trông rất dồi dào, trù phú, song nó không phải là vô tận. Thực tế, những nét đẹp riêng có của Tây Nguyên đã mai một dần trước những biến động của xã hội và thời cuộc. Nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều trí thức khác không ít lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ một Tây Nguyên không còn nguyên nữa. Rừng mất dần đi trước nạn chặt phá gỗ bừa bãi, các thế hệ người dân tộc không được thừa hưởng và tiếp nối truyền thống, v.v.
“Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngầu đất trơ khô cháy,” ông viết. Mất rừng là mất tất cả, người dân ở đây không thể tắm rừng hàng năm, tục Ninh Nông - tục lệ diễn ra thường niên khi người Tây Nguyên bỏ lại quần áo, nông cụ, đồ đạc của thế giới văn minh rồi đắm mình vào nguyên thủy - cũng đã biến mất.
Những lễ hội truyền thống không chỉ khiến người Kinh cảm thấy khó hiểu, mà chính người trong các bản, làng cũng không nắm rõ, không thể thực hành đầy đủ như tiền nhân đã làm. Người Tây Nguyên dần bị buộc chọn cuộc sống văn minh, tức là không thể chọn rừng, mà phải để tự nhiên lại phía sau, tách bạch bản thân mình như là một con người độc lập khỏi đại ngàn.
Tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” không quá dày, đủ để bạn ngấu nghiến trong một đêm thức trắng. Độc giả đọc những dòng bút ký của Nguyên Ngọc sẽ thấy được tình yêu to lớn của nhà văn dành cho vùng đất này, cũng như nỗi trăn trở của ông khi những gì từng thuộc về nó cứ dần biến mất và trở nên xa lạ. Những tập tục được duy trì hàng thế hệ, những vùng đất được vạch ranh giới bằng sông và suối, những con người chỉ biết tắm rừng và nương vào rừng mà sống, giờ bị tấn công từ mọi phía - kể cả từ ngay bên trong họ.
Bạn có thể mua quyển “Các bạn tôi ở trên ấy” tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.