Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Các sắc tộc bản địa không chấp nhận sự kiểm soát của người Kinh đối với Tây Nguyên.
Lưu ý: Bài viết này được đăng trong lúc diễn ra sự kiện các trụ sở công quyền xã tại tỉnh Đắk Lắk bị tấn công. Tuy nhiên, nội dung của bài viết có thể sẽ không liên quan đến nguyên nhân thực sự của vụ việc. Bài viết chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin về khu vực Tây Nguyên.
Đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, khu vực này là vùng đất linh thiêng. Vùng đất ấy vốn thuộc về tổ tiên của họ, từng con suối, từng gốc cây, từng hòn đá đều có dấu ấn của ông cha.
Đối với người Kinh, Tây Nguyên là một kho báu vô tận, đất đai màu mỡ, khí hậu hài hòa, người dân tộc thiểu số lười biếng, kém lanh lợi, dễ bề lợi dụng.
Kể từ khi người Pháp khám phá ra vùng Tây Nguyên và đặt những bước chân xâm lược đầu tiên của mình thì cho đến nay, Tây Nguyên vẫn là vùng đất chưa bao giờ yên ả.
Những cuộc xung đột vũ trang ở Tây Nguyên đã nổ ra rất lớn từ thời Việt Nam Cộng hòa, xoay quanh các vấn đề như xóa bỏ quyền tự trị, đồng hóa văn hóa, xâm chiếm đất đai, cắt giảm thành phần dân tộc trong bộ máy chính quyền, v.v.
Tuy nhiên, tôn giáo là vấn đề dai dẳng, căng thẳng, phức tạp nhất ở khu vực Tây Nguyên. Tôn giáo ở Tây Nguyên luôn song hành cùng hàng loạt vấn đề phức tạp khác.
Theo tiếng Ê-đê, “Đề-ga” là từ dùng để chỉ các sắc dân thiểu số sống ở vùng núi cao. Đề-ga từng được một số nhà hoạt động vũ trang ở Tây Nguyên sử dụng để đặt tên cho một mặt trận dân tộc khi chống lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong những năm 1960.
Cụm từ “Tin Lành Đề-ga” được chính quyền cộng sản Việt Nam sử dụng rộng rãi từ những năm 2000 để cáo buộc các cuộc biểu tình tại Tây Nguyên. [1]
Chính quyền cho rằng các cuộc biểu tình đòi quyền sở hữu đất đai, quyền tự do tôn giáo ở Tây Nguyên bị các thành viên từng tham gia Mặt trận FULRO đang sống ở nước ngoài “giật dây”. Họ đã thành lập các nhóm Tin Lành, và sử dụng các nhóm tôn giáo này để chống đối chính quyền Việt Nam.
FULRO (tiếng Pháp: Front unifié de lutte des races opprimées, tiếng Anh: United Front for the Liberation of Oppressed Races, tạm dịch là Mặt trận thống nhất Giải phóng các sắc tộc bị áp bức) là một mặt trận dân tộc thành lập năm 1964 và có diễn biến lịch sử rất phức tạp.
Mặt trận này là sự tiếp nối tranh đấu của các mặt trận dân tộc Tây Nguyên trước đó khi Tổng thống Ngô Đình Diệm can thiệp quá mạnh tay vào Tây Nguyên. Chính quyền Sài Gòn bấy giờ đã quyết định xóa bỏ chế độ tự trị Hoàng triều cương thổ, tái định cư cho hàng trăm nghìn người Bắc di cư ở vùng Tây Nguyên, ép buộc người dân nơi đây từ bỏ văn hóa bản địa, không cho phép học thổ ngữ, v.v.
FULRO đã không ngần ngại tổ chức các cuộc tấn công vũ trang. Ví dụ như năm 1965, lực lượng này giết chín hành khách người Kinh trên một chuyến xe khách. Trong một vụ khủng bố khác, FULRO đã giết chết 12 người Kinh, trong đó có bốn công chức và hai cảnh sát cũng trên một chuyến xe khách. [2]
Việc FULRO tiến hành bạo lực vũ trang nhằm gây áp lực buộc chính quyền Sài Gòn đáp ứng các yêu sách như đuổi người Kinh ra khỏi Tây Nguyên, khôi phục văn hóa, tín ngưỡng bản địa, cho phép thành lập quân đội riêng, có lá cờ riêng, cải thiện chính sách giáo dục, công nhận quyền sở hữu đất đai cho người dân bản địa, tái lập tòa án phong tục, v.v. [3]
Sau năm 1975, mặt trận này vẫn còn tổ chức tấn công chế độ mới nhưng đã rút sang Campuchia trú ẩn vào năm 1979. Tới năm 1992, hơn 400 thành viên cuối cùng của mặt trận này và gia đình họ được tái định cư ở Mỹ và các nước khác. [4]
Mặc dù vậy, các cuộc nổi dậy lớn ở Tây Nguyên vẫn kéo dài từ năm 2001 đến tận năm 2008 và còn liên tục âm ỉ cho đến nay.
Sau năm 1975, Việt Nam gần như tự cô lập mình với thế giới. Tây Nguyên là khu vực mà chính quyền đã can thiệp rất nặng nề do những chính sách duy ý chí.
Cuộc di cư kinh tế mới sau năm 1975, các cuộc di cư tự do từ miền Bắc kéo dài cho đến cuối thập niên 1990, sự bành trướng của các nông trường quốc doanh đã khoét sâu thêm sự phân biệt đối xử với người bản địa về vấn đề đất đai.
Vấn đề kỳ thị tôn giáo cũng trở nên sâu sắc hơn khi chính quyền mới cho rằng đạo Tin Lành và Công giáo là tôn giáo liên quan đến thực dân, đế quốc nên cấm người dân cầu nguyện.
Dù bị đàn áp nhưng đạo Tin Lành vẫn phát triển nhanh chóng ở Tây Nguyên. Số tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên đã tăng hơn bốn lần từ năm 1975 đến năm 1999 với tổng số 228.618 tín đồ. Đến đầu năm 2002, tỉnh Gia Lai chỉ công nhận hai mục sư, trong khi số tín đồ theo đạo Tin Lành của tỉnh là khoảng 100.000 người. [5]
Bất chấp thực tế đó, chính quyền luôn cho rằng sự phát triển quá nhanh của đạo Tin Lành sẽ là cầu nối để người dân tộc liên kết nhau chống chính quyền. Do vậy, chính quyền đã tổ chức chiến dịch trấn áp những người theo đạo Tin Lành tự phát như bắt giam, tra tấn, đốt nhà thờ, triệt tiêu đường sinh sống của họ, v.v. [6]
Vấn đề ở Tây Nguyên bắt đầu phức tạp dần, không chỉ liên quan đến tôn giáo mà còn là đất đai bị cưỡng chiếm, phong tục bị xói mòn, nghèo đói bao phủ, v.v.
Năm 1998, ba nhà nghiên cứu Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc, A. Terry Rambo đã dự đoán rằng ngòi nổ sẽ được kích hoạt bất cứ lúc nào khi một cộng đồng người dân tộc bị bần cùng hóa từ vật chất đến tinh thần. [7]
Không lâu sau, từ năm 2001 đến năm 2008, Tây Nguyên chứng kiến hàng loạt các cuộc nổi dậy lớn nhỏ của người dân tộc thiểu số. Chính quyền đã trấn áp bằng bạo lực nhưng chưa bao giờ công bố số người chết, bị bắt giam hay thừa nhận nguồn gốc xung đột thực sự ở Tây Nguyên.
Năm 2004, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt về tự do tôn giáo. Mỹ cho rằng Việt Nam giam giữ nhiều tù nhân tôn giáo, đóng cửa các nhà nguyện, cưỡng bức từ bỏ đức tin tôn giáo, đánh đập và giết hại các tín đồ tôn giáo, trong đó có khu vực Tây Nguyên. [8]
Dù chính quyền đã nỗ lực cải thiện nhiều phương diện về đời sống ở Tây Nguyên, bao gồm cả vấn đề tôn giáo, nhưng nỗ lực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân bản địa.
Tại Thái Lan, có một khu tị nạn của hàng trăm người Tây Nguyên ở Bangkok. Những người này vượt biên từ các tỉnh thuộc Tây Nguyên qua biên giới Campuchia, Lào đến Thái Lan xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc.
Hầu hết họ đều cho rằng bị chính quyền Việt Nam ngăn cấm tự do sinh hoạt đạo Tin Lành, sách nhiễu, bắt giam vô cớ và tra tấn họ cùng người thân trong gia đình, cưỡng chiếm đất đai của họ, v.v.
Việc tự tổ chức sinh hoạt đạo Tin Lành là nhu cầu thực tế của người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, chính quyền không chấp nhận hình thức này. Các nhóm Tin Lành tự phát nếu bị phát hiện thì đều bị công an trấn áp. Người dân muốn theo đạo phải tham gia vào các nhóm Tin Lành được nhà nước cấp phép.
Có lẽ chính quyền không chấp nhận một mầm mống nào của sự liên kết giữa các sắc tộc thiểu số, nhất là tập hợp của những nhóm sắc tộc có cùng hoàn cảnh bị cưỡng chiếm đất đai, bị đàn áp tôn giáo.
Can thiệp sớm, can thiệp mạnh là chiến thuật được sử dụng tại Tây Nguyên. Theo đó, chính quyền không ngần ngại bắt bớ sai, tra tấn nhầm bất cứ ai có liên quan đến tôn giáo hay tụ tập người dân nói về các vấn đề xã hội.
Chiến thuật này có lẽ đã gây hoang mang rất lớn đối với người dân bản địa, và thúc đẩy một số người dân tìm cách vượt biên, xin tị nạn ở nước thứ ba.
Tây Nguyên không chỉ có Tin Lành Đề-ga mà còn có các nhóm tôn giáo mới như đạo Hà Mòn, Hội thánh Tin Lành Đấng Christ, v.v.
Vào tháng 3/2020, ba người dân tộc lẩn trốn đến chín năm trong rừng đã bị công an tỉnh Gia Lai bắt giữ. Lúc đầu, chính quyền cho rằng đây là ba đối tượng cốt cán của đạo Hà Mòn chuyên tổ chức chống phá chính quyền. [9] Ba tháng sau đó, ba người này được thả về nhà. Sự thật là cả ba người đều không liên quan đến bất kỳ hoạt động chống chính quyền hay dính líu đến tổ chức nước ngoài nào. Họ lẩn trốn vì họ khiếp sợ sự trấn áp của chính quyền do họ theo đạo Hà Mòn. [10]
Niềm tin tôn giáo của người dân bản địa Tây Nguyên không gì có thể lay chuyển được. Tôn giáo là vấn đề sống còn của người dân Tây Nguyên.
Tuy nhiên, chính quyền không chấp nhận việc hình thành các nhóm tôn giáo mới do lo ngại về vấn đề an ninh, lợi dụng tôn giáo để liên kết người dân. Bất kỳ các nhóm tôn giáo nào được thành lập sẽ bị trấn áp ngay lập tức.
Trong khi đó, bản chất của người Tây Nguyên là không dễ bị đồng hóa. Họ có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Họ không bao giờ xem mình là người Việt, không chấp nhận sự kiểm soát của người Kinh đối với vùng đất linh thiêng này.
1. Thái Thanh. (2022). Bản tin Tôn giáo tháng 3/2020: Triệt hại FULRO và tự do tôn giáo | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/07/ban-tin-ton-giao-thang-3-2020-triet-hai-fulro-va-tu-do-ton-giao/
2. Từ FLM đến FULRO - Cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số miền Nam Đông Dương, trang 74. (2007). Champaka. https://champaka.info/images/stories/CHAMPAKA/TAPSAN/Champaka7/05%201964-1969.pdf
3. Xem [2].
4. (2019, September 8). Khi Tây Nguyên không còn là nhà. Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.org/2019/09/khi-tay-nguyen-khong-con-la-nha/
5. Xem [4[.
6. Xem [4].
7. Xem [4].
8. Văn Tâm. (2022). Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/
9. Thái Thanh. (2022b). Bản tin Tôn giáo tháng 3/2020: Triệt hại FULRO và tự do tôn giáo | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/07/ban-tin-ton-giao-thang-3-2020-triet-hai-fulro-va-tu-do-ton-giao/
10. Thái Thanh. (2020, November 13). Tôn giáo tháng 6: Tín đồ về từ rừng, tranh chấp đất đai, VN phản đối báo cáo của Mỹ… Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.org/2020/07/ton-giao-thang-6-tin-do-ve-tu-rung-tranh-chap-dat-dai-vn-phan-doi-bao-cao-cua-my/