Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bị cấm vì vượt quá giới hạn cho phép, chứ không hẳn do xuyên tạc giáo lý.
Mặc dù có hơn ba triệu tín đồ tại 175 quốc gia nhưng Hội thánh Đức Chúa Trời vẫn bị chính quyền Việt Nam cấm hoạt động.
Sáu tháng đầu năm 2023, công an Việt Nam cho biết “đã xử lý 85 người hoạt động và sinh hoạt” trong hội thánh này. [1]
Chính quyền gần đây đã cho báo chí nhà nước đăng hàng loạt các bài viết kêu gọi người dân không được tham gia hội thánh.
Hội thánh Đức Chúa Trời có thật sự nguy hiểm đến như vậy?
Hội thánh Đức Chúa Trời xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2000.
Đến năm 2018, hội thánh này có một điểm sinh hoạt được chính quyền cấp phép tại TP. Hồ Chí Minh, và còn được tặng cả giấy khen cho thành tích hoạt động. [2]
Cũng trong năm 2018, báo điện tử VTC đăng loạt bài lên án nhiều điểm sinh hoạt không phép của hội thánh, các tín đồ có hành tung mờ ám, việc tham gia hội thánh gây xáo trộn gia đình các tín đồ. [3]
Từ đó đến nay, chính quyền thực hiện truy cùng đuổi tận các nhóm sinh hoạt của hội thánh này trên khắp cả nước. Báo chí nhà nước gọi hội thánh là “tà đạo”.
Một trong những lý do chính quyền lên án Hội thánh Đức Chúa Trời là do hội thánh này không chính thống, có giáo lý mâu thuẫn với các hệ phái Tin Lành. [4]
Tuy nhiên, chính quyền vẫn không thống nhất khi áp dụng quan điểm này.
Năm 2018, bà Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết có những hội thánh không được các chức sắc Tin Lành công nhận là Tin Lành chính thống nhưng chính quyền vẫn cấp phép hoạt động, bao gồm: Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus Kitô Việt Nam (Mặc Môn), Hội thánh Nhân chứng Jehovah Việt Nam, v.v. [5]
Các giáo hội vừa kể này đều là các tôn giáo mới, bị các Cơ Đốc nhân trên thế giới lên án, gọi là “tà đạo”. Các tôn giáo mới này bị chỉ trích vì các dự đoán về ngày tận thế, ngày chúa tái lâm, giáo lý cũng bị cho là lệch lạc với đạo Tin Lành.
Mặc Môn trong quá khứ còn được biết đến với thực hành đa thê.
Năm 2017, Tòa án Tối cao Liên Bang Nga cấm Hội thánh Nhân chứng Jehovah hoạt động vì bị cho là tổ chức cực đoan. [6] Tuy nhiên, năm 2018, các tín đồ của hội thánh cho biết chính quyền Việt Nam đã cấp chứng nhận đăng ký, công nhận nhiều điểm sinh hoạt tại địa phương. [7]
Hội thánh Đức Chúa Trời có nguồn gốc từ Hàn Quốc, một đất nước chứng kiến đạo Tin Lành bùng nổ từ những năm 1960.
Sự bùng nổ của đạo Tin Lành đã làm phát sinh các hội thánh mới. Họ tự xây dựng cho mình những niềm tin bị cho là không chính thống với tôn giáo này.
Đương nhiên, các mục sư Tin Lành chính thống Hàn Quốc đã chỉ trích những hội thánh này, nhất là những hội thánh có sức ảnh hưởng như Hội thánh Đức Chúa Trời.
Năm 2011, các nhà chống tà giáo dựa trên đạo Cơ Đốc của Hàn Quốc còn thành lập một hiệp hội để tấn công các hội thánh bị cho là “tà đạo” này. [8]
Những nhà hoạt động chống tà giáo Hàn Quốc được biết là rất thân thiết với chính quyền Bắc Kinh, nhằm hợp thức hóa việc trấn áp các giáo phái mới tại Trung Quốc.
Massimo Introvigne, nhà nghiên cứu xã hội học tôn giáo, từng làm chủ tịch của một tổ chức do chính phủ Ý thành lập để giám sát tự do tôn giáo trên thế giới, cho rằng những người theo các tôn giáo mới, hay bị gọi là các “tà đạo”, “dị giáo”, dễ bị cho là vô luân, lừa đảo, thậm chí là giết người, tuy nhiên gốc rễ của việc chỉ trích này đến từ việc người đó đã tuyên bố một giáo lý lệch lạc với chính thống. [9]
Hội thánh Đức Chúa Trời là tôn giáo dựa trên giáo lý Cơ Đốc, chỉ sử dụng Kinh Thánh. Hội thánh đã tạo ra nhiều ngoại lệ và tuyên bố làm nóng mặt các mục sư Tin Lành chính thống.
Theo đó, hội thánh này xem nhà sáng lập Ahn Sahng-hong (đã qua đời) chính là sự tái lâm lần thứ hai của Chúa Giê-su, xem bà Zahng Gil-jah - một phụ nữ Hàn Quốc vẫn còn sống - là Thiên Chúa Mẹ (God the Mother). Các nhà Tin Lành cho rằng thuyết Thiên Chúa Mẹ của hội thánh này đã xuyên tạc Kinh Thánh.
Tuy nhiên, việc hội thánh bị cấm tại Việt Nam chưa hẳn liên quan đến giáo lý, mà nằm ở một vấn đề khác.
Chính quyền Việt Nam rất nhạy cảm với các hoạt động tôn giáo, do hoạt động tôn giáo rất gần với hoạt động chính trị. Vì vậy, chính quyền kiểm soát chặt chẽ các nhóm tôn giáo, muốn tụ họp các tín đồ phải xin phép chính quyền và việc sinh hoạt phải được nhà nước giám sát.
Do đó, các tôn giáo mới muốn hoạt động hợp pháp ở Việt Nam phải chấp nhận vòng kiềm tỏa này. Chính quyền sẽ kiểm soát các nhóm tôn giáo từng chút một trong không gian hoạt động giới hạn.
Hội thánh Đức Chúa Trời đã vượt quá khuôn khổ này. Đến thời điểm chính quyền quyết định trấn áp vào năm 2018, hội thánh đã có khoảng 100 điểm sinh hoạt không đăng ký với khoảng 4.500 người tham gia ở 37 tỉnh, thành. Đây chỉ là con số chính quyền thống kê được. [10]
Mặt khác, chính quyền muốn kiểm soát các nhóm Tin Lành xoay quanh một hội thánh trung tâm. Điển hình như các nhóm Tin Lành tại gia ở Tây Nguyên đã bị chính quyền kiên quyết xóa bỏ, buộc phải gia nhập nhà thờ của các giáo hội đã đăng ký với chính quyền. Trong khi đó, các nhóm của Hội thánh Đức Chúa Trời vừa phát triển rất nhanh, vừa hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau khiến chính quyền không dễ dàng kiểm soát.
Một vấn đề nữa cũng liên quan đến việc hội thánh bị cấm là sự sùng bái cá nhân của hội thánh này.
Các tôn giáo mới thường có hiện tượng các tín đồ tập hợp xung quanh người sáng lập và nghe theo bất cứ lời chỉ dạy nào của họ.
Điển hình của hiện tượng này tại Việt Nam là Thanh Hải Vô Thượng Sư tôn thờ một người phụ nữ gốc Việt sống ở Đài Loan, đạo Dương Văn Mình xem ông Dương Văn Mình là hiện thân của con trai út Thiên Chúa, đạo Bà Cô Dợ xem nhà sáng lập là người được chọn để tái sinh ra Thiên Chúa. [11] [12]
Các nhóm tôn giáo vừa nêu đều bị chính quyền Việt Nam cấm hoạt động. Chính quyền có lẽ cho đây là một mối nguy hiểm chính trị khi một số lượng lớn các tín đồ dễ dàng bị một cá nhân thao túng.
Hội thánh Đức Chúa Trời cũng tương tự vậy, các tín đồ gọi nhà sáng lập Ahn Sahng-hong là Đấng Christ, tôn thờ một người phụ nữ vẫn còn sống làm Thiên Chúa Mẹ có toàn quyền diễn giải Kinh Thánh.
Cho đến nay, chưa có tôn giáo mới nào liên quan trực tiếp đến các tội hình sự bị tòa án Việt Nam xét xử.
Chính quyền Việt Nam chỉ sử dụng báo chí để đưa ra các cáo buộc một chiều, không đối chứng về các tôn giáo mới. Thông tin cáo buộc chủ yếu đến từ tường thuật của những người từng tham gia. Việc kiểm soát toàn bộ truyền thông là một lợi thế của nhà nước nhằm loại bỏ các tôn giáo mới.
Không chỉ mỗi Việt Nam chống các tôn giáo mới. Những nước phương Tây lẫn phương Đông đã có những phong trào chống tôn giáo mới từ rất lâu.
Vấn đề là các phong trào chống tôn giáo mới này chủ yếu đến từ các nhóm thuộc khu vực tư, chứ không đến từ phía chính quyền như Việt Nam, ngoại trừ các trường hợp được tòa án yêu cầu chính quyền can thiệp.
Lý do đầu tiên chống lại các tôn giáo mới này là sự xuyên tạc giáo lý, làm lung lay niềm tin của các tôn giáo chính thống. Lý do còn lại dựa trên sự hoài nghi các hình thức thực hành kỳ lạ, dấu hiệu cực đoan, thậm chí là hoạt động khủng bố, thảm sát của các tín đồ. Điều này khiến chính quyền rất dễ dàng thuyết phục dư luận chống các tôn giáo mới.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, các tôn giáo mới như Hội thánh Đức Chúa Trời vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Những thực hành khác lạ chính là điểm cốt lõi của các tôn giáo mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
1. Phạm M. Đ. N. (2023, June 30). Xử lý 12 vụ, 85 đối tượng hoạt động theo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Báo Điện Tử Tiền Phong. https://web.archive.org/web/20230705023035/https://tienphong.vn/xu-ly-12-vu-85-doi-tuong-hoat-dong-theo-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-post1547466.tpo
2. Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ du nhập vào Việt Nam như thế nào? (2018, May 7). Vietnam+. https://web.archive.org/web/20230705025900/https://www.vietnamplus.vn/hoi-thanh-duc-chua-troi-me-du-nhap-vao-viet-nam-nhu-the-nao/501214.vnp
3. Cường T. (2019, June 22). Loạt bài vạch trần “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” của VTC News đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia 2018. Báo Điện Tử VTC News. https://vtc.vn/loat-bai-vach-tran-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-cua-vtc-news-doat-giai-b-giai-bao-chi-quoc-gia-2018-ar482172.html
4. Tum T. T. T. Đ. T. C. a. T. K. (2022, April 15). Vạch trần bản chất “Hội thánh Đức chúa trời mẹ.” congan.kontum.gov.vn. https://web.archive.org/web/20230705145036/https://congan.kontum.gov.vn/an-ninh-trat-tu/chong-dien-bien-hoa-binh-/vach-tran-ban-chat-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-.html
5. Xem [2].
6. Shellnutt, K. (2017, April 20). Russia Bans Jehovah’s Witnesses as Extremists. News & Reporting. https://www.christianitytoday.com/news/2017/april/russia-bans-jehovahs-witnesses.html
7. USCIRF-RECOMMENDED COUNTRY OF PARTICULAR CONCERN (CPC), Vietnam. (2018). USCIRF. https://www.uscirf.gov/sites/default/files/Vietnam%202018_Vietnamese.pdf
8. Wangli, C. (2021b, June 17). China Moves Against the Christian Darakbang Movement. Bitter Winter. https://bitterwinter.org/china-moves-against-the-christian-darakbang-movement/
9. Introvigne, M. (2022, February 4). The Anti-Cult Movement. 2. Counter-Cult vs. Anti-Cult. Bitter Winter. https://bitterwinter.org/the-anti-cult-movement-2-counter-cult-vs-anti-cult/
10. Chiến M. (2018, June 27). Ban Tôn giáo Chính phủ nói về “nước thánh” của “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.” https://nld.com.vn. https://web.archive.org/web/20230705150925/https://nld.com.vn/thoi-su/ban-ton-giao-chinh-phu-noi-ve-nuoc-thanh-cua-hoi-thanh-duc-chua-troi-me-20180627161349677.htm
11. Thanh, T. (2021, October 13). Ai đang nói dối bạn về đạo Dương Văn Mình: Bộ đội hay công an? Luật Khoa tạp chí. https://luatkhoa.org/2021/10/ai-dang-noi-doi-ban-ve-dao-duong-van-minh-bo-doi-hay-cong-an/
12. La, B. S. (n.d.). Sự thật về đạo “Bà cô Dợ”: Kỳ 1: Những hệ lụy khi mê muội -. Copyright (C) by Báo Sơn La. https://baosonla.org.vn/phong-su/su-that-ve-dao-ba-co-do-ky-1-nhung-he-luy-khi-me-muoi-e5zwp054R.html