‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ở ngã rẽ lịch sử, Trung Quốc phải giải quyết câu chuyện giữ gìn hay vứt bỏ truyền thống.
Nếu ở thời trung đại, các học giả Trung Quốc truyền thống gần như độc quyền thống trị không gian và tư liệu học thuật thì bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1980, các học giả Âu - Mỹ - Nhật bắt đầu nổi lên với cách tiếp cận mới, tư duy quan sát mới, đặt Hán học vào vị thế một “tha thể” (the Other - cái khác mình). Họ dần chiếm giữ vị trí học thuật tiên phong, xác lập những trường phái Hán học phương Tây, thậm chí tạo nên khuôn mẫu tham khảo cho nền Hán học đại lục, vốn chịu khủng hoảng dưới thời Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976).
Đặc biệt, quá trình này chứng kiến sự xuất hiện của các nhà Hán học gốc Hoa nhưng sinh trưởng hoàn toàn trong môi trường xã hội và học thuật Âu - Mỹ. Họ mang cả lợi thế về xuất thân (ít nhiều liên quan đến Trung Quốc) lẫn nền tảng tư duy khoa học phương Tây.
Một trong số đó có thể kể đến Anne Cheng (Trình Ngải Lam). Bà là giáo sư Hán học giảng dạy tại Collège de France, đồng thời cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực lịch sử, triết học và tư tưởng Trung Quốc.
Bà từng chia sẻ rằng: “Được sinh thành và giáo dưỡng ở Pháp, nhưng có tổ tiên người Trung Quốc, cá nhân tôi muốn nêu vấn đề từ cả hai quan điểm châu Âu và Trung Quốc.”
Tác phẩm tiêu biểu Lịch sử tư tưởng Trung Quốc (tên tiếng Pháp là Histoire de la pensée chinoise) được bà viết năm 1997, theo hướng tiếp cận từ cách nhìn chỉnh thể hay còn gọi là “thông sử” (lịch sử xuyên suốt từ xưa đến nay).
Cuốn sách có sáu phần, 22 chương, đi từ nền tảng cổ đại của tư tưởng Trung Quốc đến sự hình thành của tư tưởng cận hiện đại sau thời Mãn Thanh. Thông qua đó, tác giả nêu bật những trăn trở khi chứng kiến tư tưởng Trung Quốc va chạm với văn minh phương Tây, dẫn đến những đổ vỡ, hụt hẫng. Trong quá trình định hình một nền tảng tư tưởng hiện đại, Trung Quốc vẫn đang đứng ở ngã ba đường.
Cách phân chia tác phẩm có tính khái quát hóa cao, tránh cho độc giả bị phân tán vào các thông tin thuộc về niên đại hoặc sự kiện lịch sử thuần túy. Ngoài ra, các chân dung nhà tư tưởng, chủ đề tư tưởng, khái niệm, trào lưu, trước tác quan trọng, v.v. có cơ hội được nhấn mạnh, tái hiện rõ nét, phản ánh mối quan hệ biện chứng và tuyến tính với nhau nhờ lợi thế trình bày theo dòng chảy lịch sử của các triều đại.
Tác phẩm không quá đồ sộ nhưng là một công trình nghiên cứu chứa đựng những đóng góp giá trị từ bên ngoài Trung Quốc về lịch sử tư tưởng của quốc gia này, trong khi nền văn minh Trung Hoa vốn có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước ở khu vực châu Á và các diễn ngôn về tư tưởng hiện đại tại Trung Quốc chịu sự chi phối bởi một chế độ chuyên chế.
Trung Quốc là nền văn minh thư tịch lớn nhưng chưa được thế giới phương Tây quan tâm và khảo cứu đúng mực. Mặc dù vậy, nó vẫn không ngừng khơi gợi trí tò mò, óc khám phá ngay từ thời điểm các nhà truyền giáo đặt chân đến đây vào thế kỷ XVI cho đến tận ngày nay.
Chính vì vậy, tác giả mong muốn “xây dựng một nền tảng nhận thức chân chính dựa trên sự tôn trọng cái công bằng, chính trực về tư tưởng chứ không phải dựa vào một hình tượng Trung Quốc biến dạng [...]”. Có thể nói, cảm hứng viết nên quyển sách bắt nguồn từ “tinh thần phê phán lẫn thấu cảm”, dưới góc độ quan sát của người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.
Xuyên suốt nội dung tác phẩm, tác giả luôn để ngỏ một khả năng tranh luận về việc tư tưởng Trung Quốc liệu có tồn tại như một dạng “tiền triết học”? Bởi lẽ, trước tác của các nhà tư tưởng vốn không đồng nhất, rất khó tách bạch văn - sử - triết - tôn giáo - khoa học.
Theo tác giả, tư tưởng Trung Quốc xưa nay không cảm thấy việc giải thích vấn đề, tôn chỉ, đối tượng là quan trọng, vì nó không hứng thú với việc khám phá chân lý theo nghĩa lý thuyết. Điều này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức giáo dục.
Để lý giải đặc trưng nói trên, có thể viện dẫn sự khác biệt giữa chữ Hán và ngữ hệ biểu âm châu Âu. Bản thân các ký tự tượng hình chữ Hán đã hàm chứa thứ “sức mạnh thần bí”. Cho nên, không giống như truyền thống thiết lập khái niệm của triết học Hy Lạp, các nhà tư tưởng Trung Quốc theo đuổi lối chiết tự, lấy văn tự làm gốc. Ví dụ, chữ Tính được ghép bởi hai bộ thủ là Tâm và Sinh. Chữ - vật dung hòa với nhau tựa như tri - hành hợp nhất là nền tảng của Đạo. Tư tưởng Trung Quốc, vì thế, hoàn toàn đắm mình vào thực tế, lý (lý thuyết) không hề tách rời thế (đời sống).
Từ thời thượng cổ Trung Hoa được đánh dấu bởi ba triều đại Hạ - Thương - Chu, người Trung Quốc đã viết văn tự chiêm bốc (hình thức bói toán sơ khai hợp thành Kinh Dịch sau này) lên xương thú và mai rùa. Chiêm bốc gắn kết chặt chẽ với nghi lễ tế tổ cuối đời Thương.
Bước sang triều Chu, yếu tố “đế” (thần linh tối cao) dần được thay thế bằng “thiên” (trời). Trật tự mới này do tân triều thiết lập mang ý đồ đồng nhất “thiên” với bậc quân vương (bất luận quan hệ huyết thống), và “đế ý” dần chuyển thành “thiên mệnh”, biểu đạt cho việc nhà Chu lật đổ nhà Thương vì vua Thương không còn xứng đáng nắm giữ “thiên mệnh”. Từ đây, quan niệm “thiên mệnh” chi phối mọi lý luận chính trị của Trung Quốc.
Đến thế kỷ VIII TCN, nhà Chu suy yếu, các chư hầu chia năm xẻ bảy, mở ra cục diện loạn lạc Xuân Thu - Chiến Quốc. Lúc này, Khổng Tử và tư tưởng mới của ông nổi lên như một bước “nhảy vọt về chất”, đánh dấu sự đột phá của triết học Trung Quốc và tạo ra một nền văn hóa kinh viện. Việc chủ thuyết về cách giữ gìn rường mối thiên hạ, đề cao các phẩm chất của quân vương, của người quân tử, của một trật tự chính danh, v.v. đã đưa Khổng Tử sánh ngang với Phật Thích Ca, Socrate, Chúa Jesus.
Thời này không chỉ có riêng Khổng Tử đề thuyết, “bách gia” (Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia, v.v.) cũng đua nhau xuất hiện và đều hy vọng xác lập nên học thuyết lẫn kinh điển cho trường phái của mình, tạo thành hiện tượng “bách gia tranh minh”. Trong đó, có người tiếp tục truyền thừa và phát triển tư tưởng Khổng Tử (Mạnh Tử, Tuân Tử), có người phản bác lại Nho gia (Mặc Tử), lại có người đề xướng hệ tư tưởng mới (Lão Trang).
Tựu trung, thời Chiến Quốc (từ thế kỷ IV TCN đến thế kỷ III TCN) chứng kiến nhiều khái niệm căn bản của tư tưởng Trung Quốc ra đời như “Đạo”, “Khí”, “Âm/ Dương”, v.v. Đặc biệt, những trào lưu tư tưởng - triết học đầu tiên của Trung Quốc cổ đại bất luận là Nho, Mặc, v.v. đều có khuynh hướng đem phương pháp giải thích của con người áp đặt lên giới tự nhiên nhằm xác lập giá trị. Tuy vậy, phái Pháp gia lại được nhà Tần trọng dụng trong công cuộc gồm thâu lục quốc và suốt giai đoạn ngắn ngủi cai trị thiên hạ.
Sau khi diệt Tần và thống nhất Trung Hoa, nhà Hán (206 TCN - 220) thiết lập chế độ quân chủ kéo dài hơn 400 năm, tạo nền móng chính trị mang tính quyết định cho lịch sử hơn 2000 năm tiếp nối.
Tư tưởng Hán triều rất ít sáng tân, phần lớn tiến hành chỉnh lý và thể chế hóa các tư tưởng trước đó. Đổng Trọng Thư là nhân vật quan trọng góp phần xây dựng lại hình thái ý thức hệ của chế độ quân chủ tập quyền, lấy vũ trụ luận làm nền tảng, coi “trời” là “tổ của muôn vật”, đại diện cho vận hành tự nhiên, đạo đức và trật tự chính trị. Đổng Trọng Thư đem quy tắc vũ trụ tăng cường cho trật tự chính trị - xã hội theo chế độ đẳng cấp, “người thì theo vua, vua thì theo trời”. Quyền lực chính trị vì vậy không chỉ mang tính thế tục hợp pháp mà còn gắn kết với trật tự ngũ hành, phản ánh trong năm quan hệ nhân luân cơ bản (cha - con, vua - tôi, vợ - chồng, anh - em, bạn bè). Tới thời Hán Vũ Đế, kinh điển Nho gia được độc tôn, sách Lão Tử và Trang Tử bị loại khỏi chương trình giáo dục.
Đến thời Hán mạt, Phật giáo bắt đầu truyền bá mạnh mẽ vào Trung Hoa, tạo nên “đại chấn động”. Giáo lý Phật môn khác xa so với những thảo luận về “tính người” và sự phân chia đẳng cấp của Nho gia. Sự giáo hóa độc đáo của Phật giáo nằm ở chủ trương giải thoát khổ đau, đây vừa là phương pháp trị liệu, vừa là trí tụê.
Tác giả đặc biệt coi trọng vai trò của Phật giáo đối với lịch sử tư tưởng Trung Quốc khi dành hẳn hai phần để viết về vấn đề này. Phật giáo nói chung lẫn Phật giáo Nam truyền nói riêng đạt bước phát triển cực thịnh từ thời vua Lương Vũ Đế (thế kỳ V) đến thời Tùy - Đường, với nhiều thành tựu về phát triển học phái và lý luận, phiên dịch và truyền bá kinh điển, giao lưu văn hóa - tri thức. Song song đó, Phật giáo từng bước trở nên Hán hóa.
Sang thời Tống (960 - 1279), tầng lớp quan lại mới xuất hiện mà số mệnh của họ gắn liền với vận mệnh vương triều. Tầng lớp này lấy phẩm chất đạo đức Nho gia làm nền tảng, dựa vào hệ thống khoa cử để tiến thân. Do vậy, Nho giáo bắt đầu được phục hưng và phát triển thành các hình thái tư tưởng mới dưới sức ảnh hưởng và biến tấu của các sĩ phu Tống Nho. Thêm vào đó, cuộc đối kháng học thuyết kéo dài suốt đời Tống, gián đoạn ở thời Nguyên và tiếp diễn ở triều Minh đã không ngừng tạo ra những giá trị tư tưởng triết học quan trọng. Ví dụ, phái Lý học của Trình Di, phái Tâm học của Chu Hy và sự chỉnh lý của Vương Dương Minh.
Khi sự giao lưu với Âu Mỹ ngày một sâu sắc dưới thời nhà Thanh (1644 - 1912), niềm tin của người Trung Quốc vào quyền lực vô hạn của vương triều dần lung lay, bên cạnh sự tự ý thức rằng quốc gia của họ không phải trung tâm của thế giới. Điều này dẫn đến làn sóng tư tưởng canh tân diễn ra mạnh mẽ, đòi đổi mới nhận thức về Kinh học Nho gia kết hợp với thực tiễn Pháp gia. Điển hình như phong trào “tự cường” những năm 1860 trở đi (“tự cường” vốn xuất phát từ trong Kinh Dịch), do các đại thần triều đình dẫn dắt, mong muốn tiếp thu rộng rãi kỹ thuật Tây phương nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế. Tiếc thay, đây là nhận thức muộn màng, Trung Quốc không còn là trung tâm văn minh hay chiếm ưu thế về văn hóa - chính trị để đối lập với “Di” nữa. (“Di” là từ miệt thị phương Tây hay dân tộc ngoại bang khác không phải Hán tộc)
Năm 1905, khoa cử ở Trung Quốc bị bãi bỏ, thế hệ trẻ tiếp thu nền giáo dục hoàn toàn khác.
Sau khi lật đổ Mãn Thanh và chế độ hoàng triều, những người cộng sản đã đánh bại Quốc Dân Đảng để phổ biến tư tưởng chính trị Mao Trạch Đông trên toàn cõi Hoa lục. Trước sự kiện này, tác giả nhận xét rằng đây là “sự vay mượn hoàn toàn từ mô hình Tây phương”. Bà giải thích thêm: “[...] mặc dù người ta vẫn nhấn mạnh tinh thần Hán hóa trong tư tưởng Mao Trạch Đông (1893 - 1976) nhưng đó vẫn là một thái độ quay lưng, thậm chí là vứt bỏ hoàn toàn truyền thống [...]”
Ở ngã rẽ lịch sử này, rõ ràng, Trung Quốc cần phải giải quyết câu chuyện giữ gìn hay vứt bỏ truyền thống.
Trong lúc phương Tây dần thoát khỏi sự tự mãn về di sản Hy Lạp cổ đại và Trung Quốc cũng cần nhìn nhận thế giới theo một cách khác thì đâu là điểm đối thoại giữa hai bên?
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.