‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ba sự tự do nền tảng đem lại cơ hội phát triển bình đẳng cho phụ nữ.
A Room of One’s Own (1929) của nhà văn Virginia Woolf, tựa tiếng Việt là Căn phòng riêng (Trịnh Y Thư dịch)/ Căn phòng của riêng ta (Nguyễn Vân Hà dịch), là tập tiểu luận xoay quanh chủ đề phụ nữ và văn học. Đây được xem như cuốn sách đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận, là tác phẩm quan trọng khơi nguồn phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng giới. Nhờ đó, vai trò chính trị của nữ giới trong xã hội phương Tây đã có sự thay đổi đáng kể từ thế kỷ 20 cho đến ngày nay.
Virginia Woolf được coi là một trong những tên tuổi lớn của lịch sử văn chương Anh ngữ và đồng thời cũng là đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa văn học hiện đại, bên cạnh Marcel Proust, James Joyce, Franz Kafka, William Faulkner, v.v. [1] Ngoài ra, sáng tác của bà còn mở ra một chặng đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết với bút pháp trần thuật dòng ý thức. Ngoài các tác phẩm văn chương đặc sắc khác, Mrs Dalloway (1925) của bà luôn nằm trong danh sách những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. [2]
Ở tác phẩm A Room of One’s Own, Woof đưa người đọc dấn thân vào một hành trình khám phá thông qua các tác phẩm văn học và sử học viết về phụ nữ và viết bởi phụ nữ, từ đó tìm kiếm câu trả lời cho một thắc mắc lớn:
“Bởi câu hỏi không có lời đáp vẫn đeo đẳng hết thời này sang thời khác là tại sao không có người phụ nữ nào đóng góp một chữ vào cái kho tàng văn chương hoành tráng kia, trong khi cứ hai người đàn ông thì có một người biết sáng tác ca khúc hoặc làm thơ.”
Với mong muốn biết thêm về thực tế cuộc sống của nữ giới và thái độ của nam giới với nữ giới trong lịch sử, tác giả đã tìm đến nghiên cứu của các nhà sử học. Bên cạnh đó, bà cũng đọc được rất nhiều nhận định mang thiên kiến lệch lạc và tính thù ghét sâu sắc hướng về phái nữ của các mục sư, nhà văn, triết gia, khoa học gia, v.v. Theo đó, phụ nữ được mặc định là giống loài thấp kém hơn. Do vậy, phụ nữ đương nhiên bị đặt ra ngoài không gian sinh hoạt văn hóa - chính trị; họ được cho là không thể vận hành máy móc, quản lý kinh doanh, làm bác sĩ hay chủ trì phiên tòa, v.v.
Đối diện với sự lăng mạ này, bà cho rằng vấn đề quan trọng nằm ở nguồn lực tài chính. Bà đặt câu hỏi:
“Tại sao đàn ông uống rượu còn đàn bà uống nước? Tại sao một giới phái giàu sang trong khi giới phái kia nghèo túng? Cái nghèo tác động gì đến sáng tác văn học? Những điều kiện nào cần thiết cho việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật?”
Trước năm 1918, những công việc lặt vặt như đưa tin buổi diễn hay đám cưới, gửi thư quảng cáo, đọc truyện cho các bà già, làm hoa giả, dạy chữ cái cho trẻ em mẫu giáo, v.v. là phương tiện kiếm tiền chính yếu của phái nữ.
Theo Woolf, sự giới hạn lựa chọn nghề nghiệp khiến phụ nữ phải đối mặt với lòng tự trọng bị tổn thương, sự sợ hãi và nỗi cay đắng khi làm những công việc mà mình không thích, khi nịnh bợ và luồn cúi như nô lệ – điều không phải lúc nào cũng có nhưng cần thiết vì rủi ro rất dễ xảy ra cho người ngay thẳng.
Tuy nhiên, sự kiện được thừa kế món tiền năm trăm bảng một năm từ người dì Mary Beton đã giúp bà nhận ra vài điều.
Với sự tự do về tài chính, bà thấy mình được giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực khi nghĩ về đàn ông, giúp bà không rơi vào vòng lặp luẩn quẩn của sự tự ti, thù ghét và ham muốn tranh giành quyền lực giữa hai phái. Được giải thoát khỏi những vướng mắc tiêu cực về cảm xúc, cũng có nghĩa là tinh thần được tự do.
Trong tác phẩm, Woolf đã mô tả về chuyến thăm của mình đến trường đại học vào một ngày tháng Mười. Tại đó, bà phải đối mặt với tình huống bị giám thị trường chặn đứng bằng vẻ mặt “hoảng hốt và tức giận ghê gớm” vì “giảng viên và học giả mới được phép giẫm chân lên thảm cỏ”, còn bà bị mời đi trên lối đi trải sỏi. Đến khi chuẩn bị bước chân vào thư viện, bà tiếp tục bị một người đàn ông vẫy lại và thông báo rằng “phụ nữ chỉ được phép đặt chân vào thư viện nếu có giảng viên đại học đi kèm hoặc trong tay có thư giới thiệu”.
Không giống nhiều người khác, thay vì chấp nhận cách đối xử đầy xúc phạm đó như một phần của cấu trúc chính trị – xã hội không thể phá vỡ đối với phụ nữ (cũng như với người đồng tính, người da màu, người nghèo, dân nhập cư, người dân tộc thiểu số, v.v.), tác giả bắt đầu chất vấn về quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục và quyền tự do học thuật của nữ giới.
Tác giả cũng chỉ ra rằng, bước sang thế kỷ 18, nhiều phụ nữ tầng lớp trung lưu bắt đầu xoay xở kiếm thêm tiền bỏ túi hoặc cứu giúp gia đình bằng công việc viết hay dịch tiểu thuyết. Trong điều kiện hạn chế, các tác phẩm của họ không được đánh giá cao về mặt chuyên môn, bị cười nhạo, châm biếm, và đương nhiên không được đưa vào sách giáo khoa hay được lịch sử ghi dấu.
Tuy nhiên, nếu xét theo nghĩa mọi thành tựu học thuật đều cần xây dựng dựa trên di sản của tiền nhân, và một kiệt tác không thể sinh ra từ một cá thể lẻ loi mà phải là kết quả của nhiều năm tháng suy nghiệm của cả một tập thể người cộng lại, thì khó có thể phủ nhận rằng:
“Không có những người đi trước này thì không có Jane Austen, không có chị em nhà Brontë, không có George Eliot; tương tự, không có Shakespeare nếu không có Marlowe, không có Marlowe nếu không có Chaucer, và không có Chaucer nếu không có biết bao thi sĩ bị lãng quên đã mở đường, thuần hóa cái hoang dại tự nhiên của ngôn ngữ và biến nó thành nghệ thuật.”
Nhưng ngay cả khi Kiêu hãnh và định kiến đã là một tác phẩm hay, thì liệu Jane Austen còn có thể viết hay hơn được nữa không? Charlotte Brontë có thể viết Jane Eyre hay hơn được nữa không?
Sự thật hiện lên trong tập hồi ký của cháu trai Jane Austen cho thấy lúc sinh thời, Jane Austen chưa từng có một không gian riêng tư để viết. Bà giấu kín bản thảo trong khi âm thầm viết ở căn phòng chung của gia đình, nơi bất cứ thành viên nào, hay kẻ hầu người hạ, hay khách khứa, đều có thể làm bà bị gián đoạn. Những người phụ nữ khác cũng sống trong tình cảnh tương tự.
Đó có thể coi là tiền đề cho nhận định mang tính biểu tượng: để nữ giới phát huy hết năng lực sáng tạo văn học, bên cạnh năm trăm bảng mỗi năm, còn cần có một căn phòng riêng.
Trong cuốn Le deuxième sexe (The Second Sex, tạm dịch: Đệ nhị giới) phát hành năm 1949, Simone de Beauvoir (1908 - 1986) phê phán nền văn hóa phụ hệ đã đẩy phụ nữ ra ngoài lề đời sống xã hội cũng như văn học nghệ thuật. Trong xã hội ấy, nam giới đồng nghĩa với nhân loại, đồng nhất với lịch sử; còn phụ nữ là kẻ khác (l’aure/ the other), phải dựa vào nam giới để định nghĩa bản thân. [3]
Beauvoir cũng đưa ra một luận điểm quan trọng có thể dùng làm nền tảng để phân tích cấu trúc xã hội của giới tính và bản chất bị áp đặt của các chủ thể mang giới tính: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ.” (“On ne naît pas femme: on le devient.”/ “One is not born, but rather becomes, woman.”) [4]
Hay nói cách khác, việc một bé gái được sinh ra và nuôi dạy trong xã hội phụ hệ sẽ dẫn đến hệ quả gần như tất yếu là một cá thể trưởng thành có tư tưởng tự giới hạn năng lực và quyền lợi của chính mình.
Theo Woolf, phụ nữ viết văn cho dù đang đối diện với chính mình, không có ai kề bên, cũng vẫn nín thở khi tìm cách ghi xuống mặt giấy những cử chỉ, những hành vi, những từ ngữ chưa bao giờ thốt ra hoặc chỉ thốt ra nửa vời; bởi với họ mọi sự quan tâm không đi kèm với ý đồ đều đáng ngờ, bởi họ đã quá quen với cảnh che đậy, nhẫn nhục.
Có lẽ tự do trong tư tưởng là điều khó đạt được nhất trên con đường tìm kiếm sự bình đẳng của nữ giới. Bởi khác với tự do tài chính hay tự do học thuật, tự do tư tưởng không chỉ đòi hỏi loại bỏ các trở lực bên ngoài mà còn cần đến năng lực tự nhận thức và vượt qua rào cản bên trong mỗi người phụ nữ.
*
Phải nói rằng A Room of One’s Own được biết đến như một cuốn sách ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền nhờ hàng loạt quan điểm sắc sảo đã được tác giả tóm lược thành một mệnh đề nổi tiếng, thẳng thắn và giàu sức gợi: Phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền (năm trăm bảng một năm) và một căn phòng riêng cho mình.
Tuy nhiên, điều thú vị là vào thời điểm Virginia Woolf viết cuốn sách này, quan điểm trên của bà còn có thể coi là một lập luận ủng hộ giới nghệ sĩ nói chung, không chỉ riêng phái nữ. Và cho đến ngày nay, câu nói ấy dường như chưa lỗi thời bởi ở nhiều nơi trên thế giới cũng như trong nhiều nhánh văn nghệ - học thuật, điều kiện vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu để mưu sinh vẫn là một chướng ngại lớn cản trở con đường làm nghề của nhiều học giả, văn nghệ sĩ. Còn tự do học thuật và tự do tư tưởng thì sao? Liệu chúng ta có đủ tỉnh táo và can đảm như Woolf để dám chất vấn những nguyên lý xã hội tưởng chừng không thể thay đổi trong thời đại của mình?
Đọc A Room of One’s Own có lẽ là một cách gợi mở cho ta thêm nhiều ý tưởng về các vấn đề thảo luận còn đang bỏ ngỏ ấy.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Virginia Woolf | The Core Curriculum. (n.d.). https://www.college.columbia.edu/core/content/virginia-woolf
2. McCrum, R. (2003, October 12). The 100 greatest novels of all time: The list. The Guardian. https://www.theguardian.com/books/2003/oct/12/features.fiction
3. Simone de Beauvoir, The Second Sex, 1949, translated by H. M. Parshley, 1972. Trang 60.
4. Xem [3], trang 237.