‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành nhiều hơn người Kinh.
Bạn có thể đã biết Công giáo và Phật giáo là hai tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với vùng đồng bằng mà thôi. Tại vùng núi, đạo Tin Lành là tôn giáo lớn nhất.
Đạo Tin Lành gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của những người dân tộc thiểu số, giúp họ cải thiện đời sống kinh tế, nhưng cũng có thể đưa họ đến những cuộc biểu tình và bị bắt vào trại giam.
Tôn giáo này là mối lo sợ lớn nhất của chính quyền trong vùng của người dân tộc thiểu số. Chỉ trong vài thập niên, số lượng tín đồ đã tăng lên đáng kinh ngạc.
Năm 1975, miền Nam có khoảng 200.000 tín đồ Tin Lành, 65% là người Kinh, 35% còn lại là người Thượng tại Tây Nguyên với khoảng 70.000 tín đồ. [1]
Ở miền Bắc, chính quyền đã hạn chế tối đa việc truyền giáo, đạo Tin Lành chưa được truyền đến khu vực miền núi.
Năm 2014, số tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số tương đương với người Kinh. Theo đó, một nghiên cứu cho biết gần 51% số tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số (770.000 người) trong tổng số 1,5 triệu tín đồ. [2]
Năm 2022, số tín đồ Tin Lành tại khu vực miền núi đã vượt mặt vùng đồng bằng.
Tạp chí Xây dựng Đảng cho biết trong 1,2 triệu tín đồ Tin Lành trên cả nước thì có đến 873.700 người là người dân tộc thiểu số, tương đương 73%. [3]
Từ sau năm 1975, đạo Tin Lành đã phát triển rất mạnh tại Tây Nguyên. Năm 2022, số lượng người bản địa Tây Nguyên theo đạo Tin Lành tăng gấp 8 lần, lên đến 575.940 tín đồ. Ở miền núi phía Bắc, đạo Tin Lành bùng nổ trong cộng đồng người dân tộc H'Mông. [4]
Vì sao đông đảo người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành?
Từ năm 1986, người H'Mông tại Việt Nam bắt đầu nghe các chương trình truyền giáo Tin Lành qua radio. Những chương trình này được phát bằng tiếng H'Mông từ Manila, Philippines, do cộng đồng người H'Mông ở nước ngoài thực hiện. [5]
Các chương trình phát thanh này đã mở đường cho các mục sư người Việt cũng như các nhà truyền giáo từ Mỹ, Úc, Canada, Đức, Hàn Quốc tìm cách đến với người H'Mông.
Năm 1986, chỉ có khoảng 1.000 người H'Mông theo đạo Tin Lành. Con số này đã thay đổi đáng kinh ngạc vào năm 2014 với 170.000 người H'Mông. [6] Chưa hết, con số này tiếp tục tăng 75% nữa vào năm 2022 với 297.760 người H'Mông theo đạo Tin Lành. [7]
Ảnh hưởng lớn nhất của đạo Tin Lành là giúp người H'Mông thay thế những phong tục cổ truyền vốn được cho là tốn kém, mất thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe do việc chè chén trong các bữa tiệc truyền thống.
Mặt khác, các mục sư truyền giáo có ảnh hưởng tích cực đến người H'Mông không những về đời sống tâm linh mà còn giúp tín đồ tổ chức lại kinh tế gia đình, giúp họ vay vốn, tổ chức dạy nghề, v.v. [8]
Bên cạnh đó, sự hiện diện của các tổ chức phi chính phủ có nguồn gốc Cơ Đốc giáo tại Việt Nam cũng có tác động đến việc người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành. [9]
Tại Tây Nguyên, từ sau năm 1975, chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan đã cấm đoán việc thực hành tín ngưỡng bản địa của người Thượng.
Tuy nhiên, tác động mạnh nhất làm xói mòn tín ngưỡng có thể đến từ việc đất đai của người Thượng bị chính quyền chiếm dụng. Đất đai của họ gắn chặt với tín ngưỡng bản địa, mất đất tức là mất đi sự linh thiêng trong tín ngưỡng. Từ sau năm 1975, hàng loạt các nông trường của nhà nước được dựng lên tại Tây Nguyên khiến người bản địa không còn đất đai.
Mặt khác, một số người dân tộc thiểu số có thể trở thành mục sư, tự điều hành các sinh hoạt tôn giáo của nhóm mình. Việc này giúp việc sinh hoạt tôn giáo trở nên thuận tiện hơn so với các tôn giáo khác. Thêm vào đó, việc sinh hoạt đạo Tin Lành không cần như cơ sở bề thế như một số tôn giáo khác.
Sau năm 1975, khi bị chính quyền đã lột sạch hết mọi thứ từ vật chất đến tinh thần của người Thượng, đạo Tin Lành đã giúp họ tìm lại đời sống tâm linh của mình, củng cố niềm tin của họ vào cuộc sống.
Chính quyền luôn muốn người dân tộc thiểu số tin tưởng vào chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, khi một chính quyền đã chiếm dụng đất đai, trù dập tín ngưỡng, phân biệt đối xử người dân tộc thiểu số thì rất khó để họ đặt niềm tin.
Đạo Tin Lành trở thành nơi đặt niềm tin của rất nhiều người dân tộc thiểu số. Tôn giáo này đã nhanh chóng trở thành sợi dây liên kết của những người dân tộc thiểu số cùng chia sẻ những bất công về sở hữu đất đai, tự do tôn giáo, nghèo đói, v.v.
Trong những năm 2001 và 2004, nhiều cuộc biểu tình của hàng nghìn người Thượng về quyền sở hữu đất, quyền tự do tôn giáo đã bùng lên tại Tây Nguyên.
Năm 2011, từ 5.000 đến 7.000 người H'Mông ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã tụ tập biểu tình trong nhiều ngày. Báo chí quốc tế cho biết việc biểu tình nhằm đòi quyền tự trị, quyền sở hữu đất đai và quyền tự do tôn giáo. [10] Nhà nước cho rằng người dân bị các giáo phái dụ dỗ về ngày tận thế. [11]
Nhưng điều quan trọng là hầu hết những người tham gia biểu tình đều là các tín đồ Tin Lành. Sau cuộc biểu tình tại Tây Nguyên, chính quyền đã đóng cửa hàng loạt các nhà thờ, săn lùng các tín đồ Tin Lành, ép buộc người dân tộc thiểu số bỏ đạo. [12]
Tổ chức Open Door, một tổ chức bảo vệ đạo Tin Lành tại Anh và Scotland, cho biết tín đồ Tin Lành dễ dàng chịu sự bức hại của chính quyền. Một người mới cải sang đạo Tin Lành có thể sẽ bị chính quyền dùng đủ biện pháp để buộc anh ta bỏ đạo, hoặc đuổi người ấy ra khỏi làng. [13]
Đạo Tin Lành trong vùng người dân tộc thiểu số có hoạt động rất đa dạng, trong đó có rất nhiều nhóm Tin Lành tự phát hay còn gọi là nhà thờ tư gia.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam không chấp nhận những nhóm này. Chính quyền cho rằng việc sinh hoạt độc lập như vậy sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ví dụ như xúi giục tín đồ tổ chức biểu tình.
Do đó, chính quyền thường ép người dân gia nhập các nhà thờ của các tổ chức Tin Lành đã được chính quyền công nhận.
Nếu người dân vẫn tiếp tục sinh hoạt trong các nhà thờ tư gia, chính quyền có thể dùng nhiều biện pháp như cắt trợ cấp xã hội, không cho con của họ đến trường, gây khó khăn trong các thủ tục hành chính, cho đến bắt giữ, thẩm vấn, đe dọa, tra tấn, không cho họ đi ra khỏi địa phương, phát loa nói xấu họ tại địa phương, v.v.
Liên kết với các tổ chức nước ngoài là một trong những đặc trưng của đạo Tin Lành, việc này thường làm chính quyền lo sợ. Các nhóm Tin Lành có liên kết với tổ chức nước ngoài thường bị giám sát chặt chẽ, không được cấp phép đăng ký, ép buộc phải giải tán hội thánh, v.v.
Trong khi những nước như Hàn Quốc cho phép đạo Tin Lành tự do phát triển, đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống tâm linh mà còn tạo ra sự liên kết về xã hội, xây dựng sự tin tưởng, tương trợ lẫn nhau dựa trên những giá trị cốt lõi của đạo Tin Lành, thì tại Việt Nam chính quyền vẫn e dè, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là kiềm chế tối đa sự phát triển của đạo trong vùng dân tộc thiểu số.
1. Evangelizing Post-Đổi Mới Vietnam: The Rise of Protestantism and the State’s Response. (2017). ISEAS. https://www.iseas.edu.sg/images/pdf/ISEAS_Perspective_2017_34.pdf
2. Xem [1].
3. Tạp chí xây dựng Đảng. (2022, July 28). Thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. https://web.archive.org/web/20220812172057/https:/www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thuc-day-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-17284
4. Xem [3].
5. Xem [1].
6. Xem [1].
7. Xem [3].
8. Xem [1].
9. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. (n.d.). Copyright morningstarcenter.net © 2010. https://morningstarcenter.net/cong-dong-chung-suc/hoat-dong-cua-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam.html
10. Nghĩa T. (2011b, May 6). Quân đội Việt Nam dùng võ lực giải tán người Hmong biểu tình tại Điện Biên. RFI. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20110505-quan-doi-viet-nam-dung-vo-luc-giai-tan-nguoi-hmong-bieu-tinh-tai-dien-bien
11. Nghĩa T. (2011c, May 10). Tạp chí Việt Nam - Giải mã cuộc biểu tình của người Hmong tại miền Tây Bắc Việt Nam. RFI. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20110509-giai-ma-cuoc-bieu-tinh-cua-nguoi-hmong-tai-mien-tay-bac-viet-nam
12. Thanh Nguyễn. (2023). Chính quyền đàn áp và cô lập người Thượng như thế nào? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2023/07/cac-to-chuc-quoc-te-nhieu-lan-bay-to-quan-ngai-ve-van-de-sac-toc-va-ton-giao-tai-tay-nguyen/
13. Vietnam. (n.d.-b). https://www.opendoorsuk.org/persecution/world-watch-list/vietnam/