‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Thời gian chờ thi hành án tử kéo dài như một cách tra tấn về thể chất lẫn tinh thần.
Trong các thảo luận liên quan đến án tử hình của tù nhân Nguyễn Văn Chưởng, vấn đề bãi bỏ án tử hình nói chung của hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam được nhấn mạnh như một định hướng đương nhiên trong tiến trình phát triển của công lý thế giới.
Có nhiều lý do được viện dẫn để kiến nghị bỏ hoàn toàn hình thức trừng phạt này, và không phải mọi biện giải đều thuyết phục người viết. Bản thân người viết vốn chịu ảnh hưởng từ các lý thuyết công lợi cổ điển (classical utilitarianism) hay kể cả các lý thuyết đạo đức của Kant (Kantian ethical philosophy), chưa bao giờ hoàn toàn đồng tình với việc loại bỏ án tử hình ra khỏi hệ thống tư pháp hình sự quốc gia.
Đến cuối cùng, nếu cho rằng mục tiêu tối thượng của một quốc gia là sự ổn định và an toàn cho người dân, tấm gương của Singapore và Nhật Bản (hai quốc gia châu Á nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu bảng xếp hạng an toàn thế giới, theo số liệu của Global Peace Index) cho thấy một tương lai khả dĩ trong việc áp dụng án tử hình để trừng phạt tội ác đặc biệt nghiêm trọng, việc này như là một phần trong các cam kết an sinh của các quốc gia mới nổi tại châu Á.
Tuy nhiên, bài viết này không nhằm ủng hộ việc duy trì án tử hình. Ngược lại, bài viết muốn giới thiệu đến bạn đọc một vấn đề đã buộc một người ủng hộ duy trì án tử hình như người viết cân nhắc lại quan điểm của mình, đó là vấn đề liên quan đến Death row phenomenon (tạm dịch: cực hình tâm lý đối với tử tù).
***
Death row phenomenon được giới thiệu lần đầu tiên với giới nghiên cứu quốc tế bởi David P. Blank như là một học thuyết pháp lý vào năm 1995 (thông qua việc bình luận quyển sách Live on the Death Row của Mumia Abu-Jamal). [1] Khái niệm này từ đó dần được phát triển và trở thành một lý thuyết được chấp thuận bởi các tòa án quốc gia, khu vực, lẫn quốc tế, v.v. như mô tả của Patrick Hudson vào năm 2000. [2]
Diễn giải chủ yếu của cực hình tâm lý của tử tù trước tiên mô tả rằng bản thân hầu hết các chính phủ hiện nay đều không quá tự tin với các bản án tử hình mà họ đưa ra.
Lo ngại oan sai gây ra bởi các cán bộ, viên chức ngành tư pháp; quy trình tố tụng dài hơi; chi phí tử hình tốn kém; lẫn quá trình quản lý án tử (death sentence administration) ngày càng trở nên phức tạp; v.v. là một vài trong rất nhiều các lý do khiến cho án tử hình chưa bao giờ được thi hành nhanh chóng và ổn định như các hình phạt hình sự khác như án tù.
Điều này khiến cho quy trình thi hành án tử hình càng ngày càng kéo dài.
Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, nếu thời gian chờ để thi hành án tử hình vào năm 1977 là 55 tháng (tức là hơn bốn năm), thì đến năm 1977, thời gian chờ đã lên tới 133 tháng (tức là hơn 11 năm).
Ở Việt Nam, sau hàng loạt các vấn đề oan sai về án tử hình của nhiều tử tù như ông Hàn Đức Long, hay thậm chí là án chung thân của ông Nguyễn Thanh Chấn, v.v. tính “quyết tâm”, “thống nhất” trong thi hành án tử hình đã giảm đi đáng kể. [3] [4] Điều này đặc biệt đúng hơn đối với các bản án có dấu hiệu oan sai, có các cáo buộc bức cung hay tra tấn.
Đối với vụ án của Hồ Duy Hải, nếu tính từ lúc đưa ra hình phạt tử hình của án sơ thẩm vào năm 2008, thì anh đã bị giam giữ và chờ đợi “ngày chết” của mình được 16 năm.
Trong trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng, tính từ năm 2007 vào lúc bị tuyên án tử hình của phiên xử sơ thẩm, anh đã bị giam giữ và chờ đợi thi hành án được 17 năm.
Một vài ví dụ từ Tây sang Đông để cho thấy ngay cả khi chúng ta chưa xét đến các lý luận đạo đức, công lợi hay mục tiêu xã hội của án tử hình, tự thân hệ thống cơ quan tư pháp của hầu hết các quốc gia đều rất ngại ngần trong việc thi hành án tử. Sự tồn tại của hình phạt này (như trường hợp ở Nhật) trở thành một lời nhắc nhở, một phần của “nghi lễ” tư pháp quốc gia, thay vì trở thành một thực tiễn được áp dụng thường xuyên.
***
Quay trở lại với câu chuyện của Death row phenomenon, thái độ “dùng dằng nửa muốn nửa không” của các chính phủ đối với án tử hình biến quá trình chờ đợi thi hành án trở thành cái mà giới nghiên cứu hay gọi là một địa ngục được thể chế hóa (institutionalised hell). [5]
Trước tiên, các phạm nhân nhận án tử thường bị giam giữ trong các khu vực biệt lập, ít có tương tác với bên ngoài, sống dưới hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi các nhóm tù nhân khác được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, được học tập để chuẩn bị cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng, thì người tử tù không có những quy định cần thiết để tham gia vào những hoạt động kể trên.
“Tử tù là những người không còn gì để mất và rất nguy hiểm” là một trong những lý giải thường thấy cho việc cắt đi nhiều sinh hoạt thể chất và tinh thần cần thiết cho sự tồn tại của một con người.
Không chỉ vậy, khác với người tù bình thường vốn có nhiều quyền lợi luật định liên quan đến thăm nuôi, gọi điện thoại cho người thân hay cập nhật tin tức từ thế giới bên ngoài, các nhóm tử tù gần như không có bất kỳ quyền tương tự nào được bảo đảm.
Chưa kể đến sự thấp thỏm chờ đợi khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tử tù bị giam cầm nhiều năm trong tình trạng này thường suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một thẩm phán Ấn Độ từng đau lòng ghi nhận rằng: “[phạm nhân] giờ không còn khác gì với một thực thể thực vật, và treo cổ thực vật không phải là mục tiêu của án tử hình […]”. [6]
Điều này khiến nhiều luật gia và giới nghiên cứu pháp luật hình sự nhận ra rằng thực hành án tử hình cho đến thời điểm này không chỉ là án tử hình. Kéo dài thời gian thực thi án tử còn là các hình thức tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần, là một điều mà hầu hết các văn bản pháp luật quốc tế về nhân quyền đều cấm. Nói chính xác hơn, cách mà án tử hình được vận dụng và thi hành không chỉ chấm dứt mạng sống con người, quy trình này còn kéo theo cả những hình thức đối xử bất nhân khác nhau
***
Vấn đề nói trên không thể chỉ giải quyết bằng việc “đẩy nhanh” tiến độ thực hiện các bản án tử hình.
Như chúng ta đã ghi nhận ở trên, trở ngại của việc thi hành án tử đến từ nhiều phía. Quan chức và giới tư pháp lo ngại về trách nhiệm và khả năng án oan sai có thể xem như là một yếu tố chủ quan đến từ bên trong thể chế. Phản ứng và ngần ngại của công chúng cũng như sự phức tạp của quy trình quản trị án tử hình có thể được xem là yếu tố khách quan từ bên ngoài.
Vì vậy, không “quyết tâm chính trị” nào có thể… đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử hình, và câu chuyện về death row phenomenon chắc chắn lại tiếp diễn.
Câu hỏi đặt ra cho người viết và các nhóm ủng hộ án tử hình vì vậy là tương đối khó: Nếu tự thân các chính phủ đã ngần ngại thực hiện án tử hình, và sự ngần ngại này biến quá trình chờ thi hành án trở thành địa ngục trần gian cho người tử tù thay vì kết liễu sự đau khổ của họ, liệu chúng ta còn có lý do nào để tiếp tục duy trì danh nghĩa của hình phạt này hay không?
1. Daniel P. Blank. (1995). Review: Mumia Abu-Jamal and the “Death Row Phenomenon.” Stanford Law Review. https://www.jstor.org/stable/1229335
2. P Hudson. (2000, November 1). Does the death row phenomenon violate a prisoner’s human rights under international law? European Journal of International Law. https://academic.oup.com/ejil/article/11/4/833/390084
3. Tuyến Phan. (2023, February 19). Cựu tử tù Hàn Đức Long mòn mỏi chờ tiền bồi thường để sửa nhà, trả nợ. thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/cuu-tu-tu-han-duc-long-mon-moi-cho-tien-boi-thuong-de-sua-nha-tra-no-185230219211819791.htm
4. Lưu Quang Định - Vinh Hải - Lương Kết. (2020, May 11). Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn: 3.699 ngày oan trái. Dân Việt. https://danviet.vn/vu-an-oan-nguyen-thanh-chan-an-mang-bat-ngo-va-9-ngay-kinh-hoang-buc-cung-nhuc-hinh-20200510095901256.htm
5. Adeleye, N. (n.d.). The death row phenomenon: a prohibition against torture, cruel, inhuman and degrading treatment or punishment. Digital USD. https://digital.sandiego.edu/sdlr/vol58/iss4/6/
6. V Krishnaiyer. (1979). Rajendra Prasad v. State of Uttar Pradesh. Indian Kanoon. https://indiankanoon.org/doc/1309719/