‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Thư kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng trái ngược hoàn toàn với cáo buộc của chính quyền.
Ngay từ năm 2015, Luật Khoa đã theo sát vụ Nguyễn Văn Chưởng - một trong 5 vụ án nghiêm trọng, có dấu hiệu oan sai, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khi ấy. [1]
Ngoài có cuộc phỏng vấn trực tiếp với Nguyễn Trọng Đoàn - em trai tử tù, đồng thời là nhân chứng quan trọng - vào tháng 10/2019, phóng viên còn thu thập được hàng chục bức thư viết tay do Chưởng viết trong trại giam, rồi tìm cách lén gửi ra ngoài. [2]
Như tự bào chữa cho mình, các tình tiết Chưởng đề cập trong các bức thư gần như trùng khớp với các nhận định của luật sư bào chữa và các nhân chứng - trái ngược hoàn toàn với cáo buộc của nhà chức trách.
Bên cạnh đó, trong thư có một vài chi tiết liên quan khác không được hoặc được đề cập nhỏ giọt trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bài viết này tập trung vào lá thư đề ngày 16/9/2010 của Nguyễn Văn Chưởng. Bạn đọc có thể tải bức thư này tại đây.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra TP. Hải Phòng, ba người gây ra cái chết của Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh hồi năm 2007 gồm: Vũ Toàn Trung (SN 1984), Đỗ Văn Hoàng (SN 1985) cùng quê Kiến Thụy (Hải Phòng); và Nguyễn Văn Chưởng (SN 1983) quê Kim Thành (Hải Dương).
Công an xác định cả ba là con nghiện, trong một cơn đói thuốc đã tổ chức đi cướp để lấy tiền mua ma túy, Chưởng là kẻ chủ mưu. [3]
Bên cạnh đó, người chỉ đạo điều tra vụ án, ông Dương Tự Trọng khẳng định Chưởng là “lưu manh, chủ quán cà phê đèn mờ, chuyên chăn dắt gái mại dâm”. Điều này càng khiến cho một phần dư luận tin rằng anh thực sự là kẻ phạm tội.
Trích thư:
“Theo hồ sơ thể hiện tôi nghiện ma túy. Nhưng thực tế tôi chưa từng sử dụng ma túy (có thể lấy máu của tôi đi thử).”
Trích thư:
“Theo hồ sơ thể hiện tôi không có nghề nghiệp. Nhưng thực tế tôi là người có nghề nghiệp. Tôi không hiểu tại sao giám đốc công ty [TNHH Đại Phát] của tôi lại xác nhận như vậy. Nhưng còn rất nhiều người ở công ty và sổ sách chứng từ có thể chứng minh cho tôi là vẫn còn làm việc tại công ty.”
Trả lời phỏng vấn Luật Khoa hồi tháng 10/2019, anh Nguyễn Trọng Đoàn - em trai Nguyễn Văn Chưởng - cho biết đầu năm 2007, Chưởng và bạn gái thuê nhà, mở quán cà phê tẩm quất, massage. Nhưng vài ba tháng sau, do không có người làm nên quán chỉ dùng để ở, dừng hoạt động.
Anh Đoàn cho hay, đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Văn Chưởng vẫn làm việc cho công ty của bác mình, tức Công ty TNHH Đại Phát ở TP. Hải Phòng. Lúc này, Chưởng cùng bạn gái đã đăng ký kết hôn; bản thân anh sinh ra trong gia đình nghèo, thuần nông, chưa hề có tiền án, tiền sự. [4][5]
Lật lại hồ sơ gốc của vụ án, trong các biên bản ghi lời khai, bản tường trình đều thể hiện Nguyễn Văn Chưởng đã nhận tội như cáo buộc của nhà chức trách. Tuy nhiên, khi đứng trước vành móng ngựa, Chưởng liên tục phản cung, kêu oan rằng mình thời điểm xảy ra vụ án anh không có mặt ở Hải Phòng; đồng thời không quen biết, thù oán gì với nạn nhân.
Trong các lá thư kêu oan, Chưởng cho rằng sở dĩ buộc phải khai như vậy bởi anh bị các điều tra viên tra tấn, bức cung - ép anh khai theo ý của họ.
Trong lá thư đề ngày 16/09/2010, Nguyễn Văn Chưởng khẳng định “những vết tích vẫn còn trên thân thể”, “[...] ngoài cán bộ quản giáo buồng P, thì còn gần 100 phạm nhân biết tôi bị trọng thương như nào khi nhập trại Trần Phú ngày 03/08/2007”.
Chưởng cũng tiết lộ, anh đã lén viết chữ “EC” - nghĩa là ép cung - bên cạnh chữ ký của mình trong các bản cung, như một cách để chứng minh quá trình điều tra có nhiều điều khuất tất.
***
Luật sư Nguyễn Văn Hòa - người tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh, bố của bị án Nguyễn Văn Chưởng - khi nhận thấy nhiều dấu hiệu hàm oan, đã gửi kiến nghị không thi hành án tử hình từ năm 2014 đến nay, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. [6]
Đến ngày 4/8/2023 vừa qua, ông Nguyễn Trường Chinh nhận được thông báo của tòa Hải Phòng nói đã có quyết định thi hành án tử hình con trai mình.
Theo luật sư Hòa, nếu Chủ tịch nước có chỉ đạo tạm dừng thi hành án thì đó là cơ hội để Chưởng có thể được xem xét lại bản án. Trình tự thủ tục xem xét sẽ theo quy định mới tại Điều 404 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. [7]
Những con hươu do tử tù Nguyễn Văn Chưởng đan từ túi nilon và gửi ra ngoài kêu oan.
Bản quyền: Thịnh Nguyễn, đăng lần đầu năm 2019.
1. Trần Hà Linh. (2015, March 18). Các diễn biến chính của vụ án Nguyễn Văn Chưởng (liên tục cập nhật) | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2015/03/cac-dien-bien-chinh-cua-vu-an-nguyen-van-chuong-lien-tuc-cap-nhat/?fbclid=IwAR3-Q6pb1vr8a9yZnzPgATwT0lA61lpreSg4WM6LtkDspzqTwQ9weP14xGY
2. Trần Phương. (2023, August 7). Em trai tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Anh tôi đang ở Hải Dương khi án mạng xảy ra ở Hải Phòng. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/08/em-trai-nguyen-van-chuong-anh-toi-dang-o-hai-duong-khi-thieu-ta-bi-giet-o-hai-phong/
3. Tổ PV Pháp luật. (2008, June 21). Bản án “tử hình” và lời kêu oan của hai anh em bị cáo. Báo Điện Tử Tiền Phong; Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/ban-an-tu-hinh-va-loi-keu-oan-cua-hai-anh-em-bi-cao-post127312.tpo
4. Xem [1]
5. Xem [2]
6. https://www.facebook.com/bbcnews. (2023, August 9). Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Còn “uẩn khúc” gì sau hơn 16 năm? - BBC News Tiếng Việt. BBC News Tiếng Việt; BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66436540
7. Vũ Thị Hải. (2023, August 8). Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan, luật sư nói gì? Danviet.vn; https://danviet.vn. https://danviet.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-keu-oan-luat-su-noi-gi-20230808091046495.htm