‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Một đứa con Việt Nam, đồng nghĩa là một đứa con của chiến tranh.
“Fallen Leaves” (tạm dịch: Những chiếc lá rơi) của Nguyễn Thị Thu Lâm, là cuốn hồi ký 200 trang được xuất bản năm 1989, gói gọn hơn 35 năm lịch sử đầy biến động của đất nước Việt qua cuộc đời một người phụ nữ sống ở ba miền và trải qua ba chế độ chính trị khác nhau (thời thực dân Pháp, chế độ cộng sản ở miền Bắc, và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam). Cuốn hồi ký này được viết bằng tiếng Anh, là ngoại ngữ thứ hai của tác giả sau tiếng Pháp, nhưng câu chữ dạt dào tình cảm với đất Việt, nơi bà bắt buộc phải ra đi để bản thân được tồn tại.
Sinh ra ở Biên Hòa trong một gia đình trí thức, tác giả từ nhỏ đã phải di chuyển từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam vì những biến cố của lịch sử. Vốn từ vựng của đứa trẻ năm tuổi đã chứa đựng những khái niệm to tát: cách mạng, thực dân, Nhật, Pháp, Việt Minh. Trong hành trình bôn ba cùng gia đình, Thu Lâm tiếp xúc với thế giới của những nhóm người khác nhau: lính Anh, lính Úc, lính Canada, những người Nhật, người Trung và người châu Phi.
Thuở nhỏ Thu Lâm và anh chị em không ít lần phải phiêu bạt, chia lìa, do nhiệm vụ của cha buộc cả gia đình phải ly tán bốn phương. Để sống yên ổn, gia đình phải chọn bên an toàn nhất và khiến họ thấy an tâm nhất chứ họ không hoàn toàn ủng hộ bên nào. Trong thời khắc ấy tác giả chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài trưởng thành trước tuổi. Một lần chạy giặc, người dì đã nói với tác giả:
“Con có nhớ ngày xưa con còn ở Biên Hoà? Con chưa từng phải đi bộ thế này. Con cũng chưa từng đói. Con chưa bao giờ phải sợ giặc Pháp tấn công. Vậy thì con hãy cố mà chạy nhanh lên đi con, và nhớ lại những ngày đó. Rồi con sẽ tới điểm cuối cầu vồng. Chúng ta phải đi nhanh, chạy mưa và chạy đêm vì cầu vồng sẽ chẳng còn nữa khi trời tối. Chạy nhanh con! Chạy đi để chúng ta sẽ lại có nhiều đồ để ăn, nhiều đồ để chơi, với ba, anh và chị con ở nhà. Nhanh lên các con! Chạy nhanh để chiến tranh qua mau nhé con!”
Chiến tranh không chỉ chia cắt đất nước mà còn chia cắt cả chính những thành viên trong mỗi gia đình. Khi vào kháng chiến, tiếp xúc với cách mạng, chị gái tên Anh Đào phủ nhận thậm chí người cha của mình, oán hận vì cha từng giàu có nghĩa là ông là địa chủ bóc lột người nghèo. Cô cho mình là tình báo vinh quang còn người cha kỹ sư đã mang lại cuộc sống đủ đầy cho gia đình là người phản bội. Không chỉ thế, những cuộc hội thoại của cha và chú là những xung đột chọn phe: Người chú muốn đầu quân đánh Pháp, nhưng không thể chấp nhận sự đối xử tàn bạo của những người lính cộng sản lên những gia đình giàu có, chuyện kẻ vô học khinh bỉ người trí thức.
Thời thế buộc họ phải chọn thủ lĩnh nhất thời. Theo Pháp, theo Việt Minh, theo Diệm, theo Mỹ, có những lúc họ không thể là chính mình. Người cha không thể tin vào chính quyền Bảo Đại vì họ phụ thuộc Pháp, nhưng không thể một lòng một dạ vì Việt Minh. Ông căm phẫn chế độ thực dân Pháp, nhưng vẫn chọn làm dưới chế độ Pháp để đảm bảo cuộc sống yên ổn cho gia đình. Tuy vậy ông tự an ủi mình vì công việc kỹ sư xây dựng đường và đê, là những thứ mà người Việt sẽ dùng.
Sự phân biệt đối xử của người mẹ với Thu Lâm trong chính ngôi nhà của mình khiến cô tìm cách lấy chồng để bước vào một cuộc sống mới, để có được sự độc lập cho riêng mình. Nhưng chính tác giả cũng thú nhận, một cuộc hôn nhân không tình yêu không thể khiến người ta hạnh phúc lâu dài. Xuất giá khi chưa có công ăn việc làm, bà hoàn toàn phải sống như cây tầm gửi vào chồng và bố mẹ chồng. Gia đình bà ủng hộ chế độ Diệm, nhưng chế độ Diệm đàn áp Phật giáo. Gia đình nhà chồng, vốn là những Phật tử vì thế mà ghẻ lạnh với bà. Lúc này vì ly dị vẫn là phạm pháp ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm, bởi thế mà bà không có lựa chọn để từ bỏ người chồng.
Thu Lâm không chỉ muốn độc lập chính trị cho đất nước mà còn độc lập về kinh tế cho chính mình. Là một phụ nữ, bà cần mạnh mẽ cả tiềm lực kinh tế và lý trí. Khi đất nước chìm trong nội chiến, bà cũng rơi vào cuộc chiến với gia đình: làm việc cho Mỹ và có được sự tự chủ hay cắt đứt mối quan hệ với họ. Song chính bà cũng thú nhận, do ám ảnh bởi chiến tranh mà bà muốn kinh doanh. Bằng cách này, bà không còn thấy gia đình chồng, bà có thể chui vào nhóm người giàu để không nhìn thấy cảnh chiến tranh.
Cuốn sách không chỉ nói lên số phận của gia đình bà mà còn nói về những nỗ lực phi thường khi đấu tranh cho phẩm giá của một con người bình thường.
Ngay từ những ngày ấu thơ, Thu Lâm đã phải biết phân biệt đồng minh và thù địch. Nhưng bà cũng sớm nhận ra những người ở các quốc tịch khác nhau không nhất thiết phải là những kẻ thù địch. Họ chỉ bị sinh ra vào thời khắc chiến tranh và bỗng dưng phải buộc coi nhau là kẻ thù. Người cha vì muốn độc lập khỏi Pháp mà đã cản trở mối tình của Anh Đào với một chàng trai Pháp tốt bụng, lịch thiệp. Biết bao mối tình vượt biên giới cũng phải từ bỏ chỉ vì diễn ra không đúng thời điểm.
Và rồi trong quá trình tiếp xúc với những khách hàng là người Mỹ, Thu Lâm đã nhận ra họ không phải những con quỷ xâm lược. Họ là những người lính bất đắc dĩ, cũng là những người bị tra tấn tinh thần. Người chồng thứ hai của Thu Lâm là một chàng quân nhân Mỹ, anh ta là một nạn nhân của cuộc chiến. Anh từng nói: “Tôi bị ép nhập ngũ. Tôi không hề muốn bị điều động đến đây.”
Khi Sài Gòn sụp đổ, những người lính dũng mãnh mới ngày nào còn bảo vệ chính quyền Việt Nam Cộng hòa và người dân miền Nam, giờ cũng tàn bạo xô đẩy những người khác để chen chân được vào những chuyến bay rời Việt Nam để đi đến Mỹ.
Những người thân của bà, như John và Đông, đều bị ép vào một cuộc chiến vô nhân đạo và vô nghĩa. Họ tham gia cuộc chiến chỉ để khẳng định nam tính của bản thân theo chuẩn mực xã hội.
Trong cạnh tranh trên thương trường, người Việt bị đối xử xếp sau người Mỹ và người Hàn, khiến Thu Lâm phải cất tiếng để đồng bào của mình nhận được sự tử tế trên chính đất Việt. Bà học tiếng Anh, ngoại ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Pháp mà tác giả buộc phải học khi lính Mỹ tràn vào Việt Nam, để kinh doanh và cũng là để bảo vệ chính mình.
Thu Lâm đã thẳng thắn vạch trần nạn quấy rối tình dục, bạo lực gia đình mà chính bà cũng như nhiều phụ nữ trong tự truyện gặp phải. Bà cũng thú nhận sự hèn nhát của bản thân khi không dám bảo vệ chính mình. Là một doanh nhân thành đạt, cô không muốn thú nhận mình là một nạn nhân của bạo lực gia đình trên chính quê hương và trên quê chồng. Người ta không muốn thừa nhận mình là nạn nhân bởi sự sĩ diện trong sâu thẳm.
Hai miền không có gì khác biệt. Cho dù tiếng tăm của đảng cộng sản ở miền Bắc ngày càng lớn thì người bỏ cách mạng cũng ngày nhiều vô kể. Rõ ràng người ta không yêu cách mạng, họ ngờ vực bản thân đi nhầm hướng và chọn sai lý tưởng. Những câu chuyện người rời bỏ cách mạng, những đứa con lai ‘mẹ Việt - lính Pháp’ bị xã hội ruồng bỏ cũng được nhắc tới trong cuốn sách.
Nhưng trong chính những hoàn cảnh đó, lòng nhân ái vẫn luôn tồn tại. Cuốn sách nặng trĩu tình yêu với quê hương, sự bao dung của người cha đối với những người lao động chân tay phục vụ dưới quyền của ông, những tình yêu thầm lặng có duyên mà không có phận.
Cuốn sách có một cái kết buồn. Người em rể của tác giả không sang được Mỹ do bị đi tù cải tạo rồi lâm bệnh nặng. Người cha không muốn rời bỏ quê hương. Tiếng máy bay át tiếng gào khóc của cha. Họ hàng chạy tị nạn đã ra đi vĩnh viễn. Cái kết buồn không chỉ cho gia đình của tác giả, mà đó là cái kết của rất nhiều gia đình khác trên khắp Việt Nam vào thời điểm đó. Chiến tranh đi qua và để lại một chương buồn cho dân tộc Việt.
Bạn có thể mua quyển “Fallen Leaves: Memoirs of a Vietnamese Woman from 1940 to 1975” tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.