Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sự im lặng được bình thường hóa cho thấy một nền báo chí đã hoàn toàn tê liệt.
Sự câm nín của báo chí Việt Nam trong một tuần qua về vụ Nguyễn Văn Chưởng là biểu hiện của một năng lực tự kiểm duyệt phi thường.
Sau hơn một tuần kể từ khi gia đình tử tù này nhận được thông báo đăng ký nhận xác từ Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng (vào ngày 4/8), tất cả các tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại đã đưa tin. Trên mạng xã hội, hầu như tất cả những KOL về chính trị mà tôi biết đều đã lên tiếng. Hơn 5.000 người đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị kêu gọi hoãn thi hành án tử. [1]
Thế nhưng trong nước, chỉ có duy nhất một tờ báo đăng bài. Bài phỏng vấn duy nhất ấy được đăng trên Dân Việt vào ngày 8/8, bốn ngày sau khi vụ việc xảy ra. [2]
Việc báo chí trong nước không dám đưa tin về một số vấn đề chính trị nhạy cảm là chuyện không có gì mới ở Việt Nam. Nhưng có ba lý do khiến cho sự im lặng lần này đáng báo động.
Thứ nhất, việc báo Dân Việt đăng được bài chứng tỏ không có lệnh cấm đưa tin từ trên xuống. Đăng được hay không là do tòa soạn có muốn và có dám hay không.
Thứ hai, mức độ nhạy cảm chính trị của vụ việc này ở mức thấp. Vụ việc đã xảy ra từ cách đây 16 năm. Nhiều báo trong nước như Tuổi Trẻ hay Tiền Phong đã từng đưa tin rất chi tiết. [3][4] Cách đây vài năm, báo chí trong nước vẫn còn đưa tin rất nhiệt tình về một vụ việc tương tự là tử tù Hồ Duy Hải.
Thứ ba, đây là chủ đề có giá trị tin tức (newsworthy) cao: một tờ thông báo nhận xác nhiều uẩn khúc trong một vụ án có khả năng oan sai kéo dài 16 năm, liên quan đến mạng người và được cộng đồng quan tâm. Đó là chưa kể các nỗ lực kêu oan với hình ảnh những con hươu làm bằng nilon hay các bức huyết thư là những thứ rất dễ thu hút công chúng. Nói nôm na là nếu đăng sẽ đảm bảo “có view”.
Không ai cấm, mức độ nhạy cảm thấp, nhiều thông tin và hình ảnh, và đảm bảo có view – không ai làm báo có thể bỏ qua chuyện này, kể cả là làm báo ở một đất nước không có tự do. Đặt bên cạnh không khí sôi sục của cộng đồng mạng trong những ngày qua, hiện tượng tự kiểm duyệt của báo chí trong nước cho thấy dấu hiệu của một nền báo chí đã hoàn toàn tê liệt.
Đó là kết quả của một cuộc bố ráp toàn diện kể từ năm 2019 của chính quyền nhằm xóa bỏ mọi dấu hiệu “ngoài luồng” trong báo chí. Không ai biết Việt Nam bây giờ có chính xác bao nhiêu tờ báo. Các số liệu thống kê trước đó với ước lượng khoảng từ 800 - 1.000 tờ đều đã hết hạn sử dụng. Đề án quy hoạch báo chí và công cuộc chống “báo hóa” đã xới tung hệ thống này lên để thanh tra và trừng phạt. Nhiều tờ báo đã bị xóa sổ. Nhiều báo điện tử đã bị giáng xuống hàng “tạp chí”, tức là bị cấm đưa tin chính trị. [5] Zing News – một điển hình của trường hợp này – đang bị đình bản chính vì dám đưa những tin không phải là việc của mình. [6]
Việt Nam chưa bao giờ là một quốc gia có tự do báo chí, điều này đúng. Nhưng chỉ đến khi cả môi trường tự do trong khuôn khổ mà ta có bấy lâu nay cũng biến mất, ta mới thấy xã hội trở nên què quặt thế nào. Một tuần sau khi có thông tin rằng Nguyễn Văn Chưởng có thể sắp bị xử tử, vẫn không ai biết thêm thông tin gì. Không ai chất vấn cơ quan hữu trách, không ai truy tìm văn bản, không ai phân tích lại hồ sơ. Chỉ có dân oan vẫn chầu chực trước trụ sở cơ quan tiếp dân với những lời kêu cứu không vang qua được cửa bảo vệ.
Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, các động năng làm báo trong nước đã biến mất. Chỉ vài năm nữa, tất cả các tòa soạn rồi sẽ trở thành báo Nhân Dân.
1. Xem bản kiến nghị tại link: https://secure.avaaz.org/community_petitions/en/chu_tich_nuoc_vo_van_thuong_chanh_an_tand_tp_hai_p_kien_nghi_hoan_thi_hanh_an_tu_tu_nguyen_van_chuong/
2. Vũ Thị Hải. (2023, August 8). Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan, luật sư nói gì? danviet.vn. https://web.archive.org/web/20230809142353/https://danviet.vn/vu-tu-tu-nguyen-van-chuong-keu-oan-luat-su-noi-gi-20230808091046495.htm
3. Tâm Lụa (2017, August 9). Thêm một tử tù kêu oan. TUOI TRE ONLINE. https://web.archive.org/web/20230809215713/https://tuoitre.vn/them-mot-tu-tu-keu-oan-689115.htm
4. Tổ phóng viên Pháp Luật. (2010, April 14). Bản án “tử hình” và lời kêu oan của hai anh em bị cáo. Báo Điện Tử Tiền Phong. https://web.archive.org/web/20230810210309/https://tienphong.vn/ban-an-tu-hinh-va-loi-keu-oan-cua-hai-anh-em-bi-cao-post127312.tpo
5. Hiền Minh. (2020). Zing.vn và 18 tờ báo khác sẽ không còn được là "báo" nữa | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/03/zing-vn-va-18-to-bao-khac-se-khong-con-duoc-la-bao-nua/
6. An Khuê. (2023, July 14). Lý do Zing News bị tước giấy phép 3 tháng, nộp phạt 243,5 triệu đồng. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/ly-do-zing-news-bi-tuoc-giay-phep-3-thang-nop-phat-243-5-trieu-dong-20230714131737163.htm