‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tòa Thánh chủ động, Việt Nam chần chừ.
Ngày 18/4/2011, một giáo sĩ Công giáo của Tòa Thánh bước xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Khoác trên người bộ vest, chiếc áo sơ mi cổ cồn và đi kèm với cây thánh giá trước ngực, ông được đông đảo các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân chào đón nồng nhiệt.
Tại sảnh quốc tế, bầu không khí trở nên rộn ràng khi ông giơ cao tay chào những tín đồ Công giáo ở cổng an ninh. Mọi người đều vui mừng vì Giáo hội Công giáo Việt Nam lần đầu tiên đón một đại diện không thường trú Tòa Thánh tới Việt Nam kể từ sau năm 1975. Ông là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.
Gần bảy năm sau, vào ngày 13/9/2017, ông mãn nhiệm chức vụ đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam và chức vụ này để trống cho đến ngày 21/5/2018 thì Giáo hoàng Francis bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski người Ba Lan thay thế ông cho tới nay.
Ngày 25/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bắt đầu chuyến thăm Ý và Tòa Thánh. Trong cuộc hội kiến chưa đầy một giờ với Giáo hoàng Francis, hai bên đã lần đầu tiên thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam.
Kể từ sau năm 1975, đây là lần đầu tiên quan hệ Việt Nam – Vatican được nâng lên tầm mới.
Đây là một chặng đường dài với những thỏa thuận chìm nổi qua 10 vòng đàm phán giữa hai bên hay gọi là Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican bắt đầu từ hơn 13 năm trước.
Nếu bạn quan tâm tới quan hệ ngoại giao giữa hai bên, sau đây là ba vấn đề bạn nên biết.
Dù dưới thời Pháp thuộc, chính thể Việt Nam Cộng hòa hay chế độ xã hội chủ nghĩa hiện tại thì cấp bậc cao nhất trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam mới chỉ là mức Khâm sứ Tòa Thánh (đại diện Tòa Thánh), mức này dưới Sứ thần Tòa Thánh (tương đương như đại sứ của các nước). Có thể nói, hai bên chưa từng bang giao chính thức mặc dù Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm về số lượng người theo Công giáo ở châu Á. [1]
Năm 1922, Vua Khải Định và Hoàng tử Vĩnh Thụy đến Pháp trên chiếc tàu Porthos của hãng Messageries Maritimes, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của một vị vua triều Nguyễn.
Cùng đi trong phái đoàn có Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài. Ông là vị nho học đạo đức và cũng là một tín đồ Công giáo nhiệt thành. [2]
Trong khi vua Khải Định còn đang ở Pháp, ông Nguyễn Hữu Bài đã sang Roma để yết kiến Giáo hoàng Pius XI và thỉnh cầu Tòa Thánh bổ nhiệm khâm sứ tại Việt Nam, cũng như phong chức giám mục cho các linh mục bản xứ. Đây là sự kiện đánh dấu tiến trình bang giao đầu tiên giữa hai nước. [3]
Một năm sau đó, Giáo hoàng Pius XI đã đặc phái Giám mục Henry Lécroat (Lưu Khánh Minh) thuộc dòng Tên đến Việt Nam thực hiện chuyến kinh lược tông tòa tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và Nam Kỳ. Trong thời gian ở Việt Nam, ông gặp một số quan chức triều đình Huế và đạt được thỏa thuận về hoạt động khâm sứ.
Vào ngày 20/5/1925, Giáo hoàng Pius XI bổ nhiệm Tổng Giám mục Constantin Ayuti làm khâm sứ tiên khởi tại Việt Nam và thiết lập Tòa Khâm sứ Đông Dương đặt tại Huế. [4]
Đến năm 1945 khi Vua Bảo Đại thoái vị, Huế không còn là kinh đô của Việt Nam, Tòa Thánh theo lời đề nghị của Khâm sứ John Dooley lúc bấy giờ đã dời Tòa Khâm sứ từ Huế ra Hà Nội vào năm 1950.
Sau khi hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam bị chia cắt thành hai nhà nước, rất đông các tín đồ rời quê hương ở miền Bắc đến sinh sống tại miền Nam, góp phần giúp các giáo phận Xuân Lộc, Bà Rịa, v.v. phát triển lớn mạnh.
Mặc dù chứng kiến sự ra đi của nhiều tín đồ và tu sĩ, Khâm sứ John Dooley vẫn quyết định ở lại Tòa Khâm sứ tại Hà Nội.
Năm 1959, chính quyền cộng sản miền Bắc bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với Công giáo và ra lệnh cho các giáo sĩ ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam. [5]
Cũng trong năm 1959, trong khi đang đau bệnh nặng, Khâm sứ John Dooley được chính quyền Hà Nội cho chuyển đến Phnom Penh (Campuchia) và giao cho linh mục Terence O'Driscoll tạm thời đảm nhiệm quyền Khâm sứ. [6]
Tuy nhiên vào ngày 17/8/1959, chính quyền lại trục xuất ông và tịch thu Tòa Khâm sứ cho đến ngày nay. [7] Từ lúc này, chính quyền cộng sản miền Bắc chính thức cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Vatican.
Tại miền Nam, vào ngày 15/2/1956, Tòa Thánh đã cử Giám mục Giuseppe Caprio làm Thanh tra Tông tòa tại Việt Nam Cộng hòa và chỉ trong một năm Tòa Thánh đã nâng lên thành Đại lý Khâm sứ tại Sài Gòn.
Sau biến cố chính quyền miền Bắc trục xuất linh mục Terence O'Driscoll, Tòa Thánh tiếp tục nâng Đại lý Khâm sứ thành Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn và đổi Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương thành Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam vào ngày 17/6/1964.
Mối quan hệ này kéo dài cho đến tháng 8/1975 thì chính quyền yêu cầu Khâm sứ Tòa Thánh rời Sài Gòn, chấm dứt sự có mặt của đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. [8]
Có thể nói, trải qua 20 năm tồn tại, nhưng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hòa và Vatican vẫn dậm chân tại chỗ ở mức khâm sứ, vốn đã được thiết lập từ trước đó.
Ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đặt chân đến Vatican trong sự chào đón của các hồng y, giám mục, nhân viên Tòa Thánh cùng các vệ binh Thụy Sĩ.
Đây là lần đầu tiên ông gặp Giáo hoàng Francis và Quốc vụ khanh Tòa Thánh - Hồng y Pietro Parolin - trên cương vị một nguyên thủ quốc gia. Tại cuộc gặp, hai bên thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ có văn phòng đại diện và một vị đại diện thường trú của Vatican kể từ năm 1975.
Đây là kết quả qua 10 vòng đàm phán của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican kéo dài từ năm 2009.
Trước đó, chỉ tính trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 2011, Tòa Thánh đã cử 17 phái đoàn đến thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề hợp tác giữa hai bên, nhằm tiến tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. [9]
Một trong số đó là chuyến thăm đánh dấu cho việc phát triển quan hệ giữa hai quốc gia vào năm 2004, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican - Đức ông Pietro Parolin (nay là Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh) đã dẫn đầu phái đoàn đại diện của Tòa Thánh đến công du Việt Nam. [10]
Một năm sau đó, phái đoàn cấp cao của Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Khoan dẫn đầu đã hội đàm với giới chức Vatican ở Roma. Trọng tâm của buổi gặp là quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Qua cuộc gặp trên, Vatican hy vọng và mong muốn mối quan hệ đó nhanh chóng được bình thường hóa. [11]
Đến ngày 25/1/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Vatican và gặp Giáo hoàng Benedict XVI. Đây cũng là lần đầu tiên một người đứng đầu chính phủ Việt Nam thăm Tòa Thánh. [12]
Chưa đầy bốn năm sau, Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện không thường trú đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam. Quan hệ hai nước lúc này bắt đầu trở nên khởi sắc.
Ngoài ra, chuyến đi của ông Dũng cũng khởi đầu cho hàng loạt các cuộc gặp của các quan chức cấp cao khác như: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 12/2009), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (thăm lần thứ hai vào tháng 10/2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (tháng 10/2018) và mới đây nhất là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 7/2023).
Trước các chuyến đi của các quan chức cấp cao Việt Nam nêu trên, cố Giáo hoàng Benedict XVI đã từng nói ông rất muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. [13]
Tại Việt Nam, Hồng y Phạm Minh Mẫn khi đang làm Tổng Giám mục Sài Gòn cũng từng khẳng định rằng Tòa Thánh luôn sẵn sàng để thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vấn đề then chốt nằm ở phía chính quyền. [14]
Hay vào ngày 22/4/2022, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Đức ông Miroslaw Wachowski - Thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican khẳng định Giáo hoàng Francis luôn mong muốn quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh ngày càng phát triển. [15]
Điều này cho thấy, hai bên đã nỗ lực rất nhiều, đặc biệt từ phía Vatican, luôn tìm mọi cách để có thể bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn chần chừ và tỏ ý lo ngại.
Sau ngày 30/4/1975, những tiếng chuông ngân vang tại các nhà thờ dần bị lấn áp bằng những tiếng loa phát thanh “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm…” Các nhà thờ, chùa chiền theo đó vắng bóng sự tập trung đông người.
Ngày 11/11/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết 297/HĐBT dài gần ba trang với hàng loạt các khoản cấm và phải xin phép trong vấn đề sinh hoạt tôn giáo. [16] Chính văn bản này gián tiếp tách các tín đồ Công giáo ra khỏi cộng đồng dân tộc.
Cụ thể, các linh mục bị cấm giảng đạo ngoài khuôn viên nhà thờ và việc bổ nhiệm các linh mục đến nhận nhiệm sở hay cả những người giúp việc cho giáo sĩ cũng đều phải thông qua chính quyền.
Trước năm 1975, mọi người thường xuyên thấy các hình ảnh về những cuộc rước kiệu long trọng và rầm rộ tại Gia Kiệm và Hố Nai, nơi tập trung phần lớn các tín đồ Công giáo di cư. Thế nhưng sau ngày 30/4/1975, những hình ảnh đó đã không còn và thay vào đó là quang cảnh ảm đạm giới hạn trong phạm vi bên trong nhà thờ.
Ngoài ra, các sự kiện tụ họp tôn giáo đông người cũng buộc phải xin phép chính quyền, ngay cả những cuộc hội họp hàng năm của các linh mục cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Không những thế, Nghị quyết 297/HĐBT còn là tín hiệu xanh cho phép chính quyền chiếm hữu đất đai, các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục của các tôn giáo hoặc ngay cả các nhà thờ thiếu vắng nhà tu coi sóc (điểm b khoản 2).
Nghị quyết cũng nêu rõ việc phong chức cho một chủng sinh thành linh mục hay một linh mục thành giám mục cũng đều phải được chính quyền chấp nhận trước (điểm b khoản 3).
Đến ngày 21/3/1991, Hội đồng Bộ trưởng lại ban hành Nghị định 59-HĐBT quy định về các hoạt động tôn giáo. Qua đó, nghị định càng nêu rõ về việc bổ nhiệm nhân sự cho các tôn giáo. Cụ thể, đối với Công giáo, khi Tòa Thánh bổ nhiệm các Hồng y, Giám mục, Giám quản Tông tòa đều phải được được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng. [17]
Trong một báo cáo về tự do tôn giáo tại Việt Nam được đăng tải trên trang điện tử Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ có nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam và Vatican đã có thỏa thuận (concordat) 3 điểm: không công kích nói xấu lẫn nhau; không ủng hộ một nhóm thứ ba nào để chống bên kia; khi Vatican muốn bổ nhiệm từ giám mục, giám quản trở lên thì phải hỏi ý kiến Chính phủ Việt Nam, khi đồng ý thì Vatican mới ra quyết định.” [18]
Mới đây nhất vào ngày 18/11/2016, chính quyền ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo - Luật số: 02/2016/QH14 và tiếp tục giữ quan điểm “Tòa Thánh bổ nhiệm, chính quyền chấp thuận” (khoản 3, điều 51).
Điều này có nghĩa là Vatican có quyền chọn người nhưng phải được chính quyền Việt Nam xét duyệt và đồng ý.
Điển hình trong việc chính quyền ngăn cản Vatican lựa chọn nhân sự là trường hợp Giám mục Huỳnh Văn Nghi và Hồng y Nguyễn Văn Thuận.
Vào ngày 14/1/1992, Đức ông Claudio Celli dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh đã đến Hà Nội để làm việc với Chính phủ Việt Nam. Tại buổi họp, Tòa Thánh đã đề nghị bổ nhiệm Giám mục Huỳnh Văn Nghi làm Phó Giám mục với quyền kế vị tại Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tuy nhiên chính quyền đã không chấp nhận đề nghị này. [19]
Sang năm sau, Giám mục Nguyễn Văn Bình đang là Tổng Giám mục Sài Gòn bất ngờ đổ bệnh, điều này khiến ông không thể tiếp tục điều hành tổng giáo phận. Không lâu sau, Tòa Thánh đã đơn phương bổ nhiệm Giám mục Huỳnh Văn Nghi làm Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn mà không thông báo trước cho chính quyền Việt Nam.
Phản ứng trước sự việc này, vào ngày 15/9/1993, chính quyền phát toàn văn thông báo phản đối trên Đài Truyền hình TP. HCM. [20]
Ngay sáng hôm sau, ngày 16/9/1993, bản thông báo tiếp tục được đăng tải trên tờ Sài Gòn Giải Phóng, số 5814, cùng với bài xã luận dưới tựa đề “Tự do tín ngưỡng không thể trái pháp luật”. [21]
Đến ngày 22/9/1993, ông Trương Tấn Sang lúc đó là Chủ tịch UBND TP. HCM đã gửi thư cho Giám mục Nguyễn Văn Bình đang trên giường bệnh nhằm phản đối việc bổ nhiệm này. [22]
Mặc dù bị chính quyền phản đối, Giám mục Huỳnh Văn Nghi vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ Giám quản Tông tòa một cách hạn chế.
Chỉ trong lần đối thoại vào đầu năm 1998, chính quyền mới đồng thuận với quyết định của Tòa Thánh, bổ nhiệm Giám mục Phạm Minh Mẫn khi đó đang làm Giám mục phó tại Mỹ Tho về làm Tổng Giám mục Sài Gòn. Đây được xem như là khởi đầu của một giai đoạn mới trong mối liên lạc giữa Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam, kết thúc cuộc khủng hoảng dài hơn 20 năm giữa hai quốc gia. [23]
Ngoài ra không thể không nói đến trường hợp đau thương của Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Không được may mắn như các giám mục cùng thời, ông là giám mục duy nhất trong hàng giám mục tại Việt Nam bị tù đày mà không hề qua xét xử hay tuyên án.
Sáu ngày trước sự kiện 30/04/1975, Hồng y Nguyễn Văn Thuận khi đó là Giám mục Giáo phận Nha Trang được Giáo hoàng Paul VI bổ nhiệm làm Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. [24]
Tuy nhiên do Sài Gòn biến động nên phải đến ngày 7/5/1975 ông mới nhận nhiệm sở. [25]
Khi vào Sài Gòn, ông bất ngờ bị chính quyền cáo buộc rằng việc bổ nhiệm này là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các đế quốc, nhưng ông bác bỏ cáo buộc trên. [26]
Đến ngày 15/8/1975, ông nhận được giấy triệu tập tại Dinh Độc Lập, ông không ngờ rằng đây là những giờ phút cuối cùng được tự do trên chính quê hương mình.
Khi vừa bước vào trong phòng, sau lời chào hỏi, ông lập tức bị đẩy vào quân xa đưa về làng Cây Vông, cách Tòa Giám mục Nha Trang chưa đầy 10 cây số. Khi đi ông chỉ mang trên mình duy nhất một chiếc áo dòng cùng một tràng chuỗi trong túi. [27]
Trải qua 13 năm tù đày từ các nhà tù phía Nam đến tận các vùng núi phía Bắc xa xôi hẻo lánh, cuối cùng ông được chính quyền trả tự do vào ngày 21/11/1988.
Đến năm 1991, ông được chính quyền chấp thuận cho phép qua Roma chữa bệnh nhưng lại không cho phép ông trở về.
Sang năm sau, trong cuộc họp với chính quyền Việt Nam, phái đoàn Tòa Thánh do Đức ông Claudio Celli dẫn đầu đề nghị bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận làm Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội nhưng đã bị chính quyền bác bỏ ngay lập tức. Chính quyền chỉ chấp nhận việc bổ nhiệm Giám mục Phạm Đình Tụng khi đó đang làm Giám quản Tông tòa lên làm Tổng Giám mục Hà Nội. [28]
Ông ở lại Roma và được Giáo hoàng John Paul II bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình cho đến khi qua đời vào năm 2002.
***
Trải qua hơn 100 năm kể từ khi Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài đến Vatican thì quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vatican mới dừng lại ở mức khâm sứ.
Dấu mốc năm 1975 lịch sử đã cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai bên hoàn toàn, và phải mất gần 50 năm sau hai bên mới có thể ký kết một thỏa thuận về đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Thành quả này là tiền đề cho mối quan hệ Việt Nam – Vatican để tiến lên cấp độ cao hơn trong tương lai. Nhiều tín đồ Công giáo Việt Nam đang có niềm tin rằng quan hệ Việt Nam – Vatican sẽ trở nên bình thường, hình ảnh một Sứ thần Tòa Thánh đến thăm các giáo phận, gặp gỡ các tín đồ đang dần hiện lên trước mắt họ.
1. Số người theo Công giáo ở các nước châu Á. (2014, August 18). Vietnamplus. https://www.vietnamplus.vn/infographics-so-nguoi-theo-cong-giao-o-cac-nuoc-chau-a/276778.vnp
2. Nguyễn Hữu Bài (1863 – 1935). (2016, May 23). Nghiên cứu lịch sử. https://nghiencuulichsu.com/2016/05/23/nguyen-huu-bai-1863-1935/
3. Ðỗ Hữu Nghiêm. (2009, December 9). Tóm lược Quá trình Quan hệ Ngoại giao Vatican và Việt Nam từ Thế Kỷ 16 đến nay. https://vntaiwan.catholic.org.tw/09news/9news1388.htm
4. Tài liệu cơ bản quan hệ Việt Nam – Vatican. (2016, May 6). Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao. https://web.archive.org/web/20211106153807/https://www.mofahcm.gov.vn/mofa/cn_vakv/euro/nr070131153228/ns160516085604/
5. Xem [3]
6. Xem [3]
7. Tăng áp lực trong vụ Tòa Khâm sứ. (2008, January 6). BBC. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2008/01/080106_khamsu_update
8. Tài liệu cơ bản quan hệ Việt Nam – Vatican. (2016, May 6). Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao. https://web.archive.org/web/20211106153807/https://www.mofahcm.gov.vn/mofa/cn_vakv/euro/nr070131153228/ns160516085604/
9. Vatican bổ nhiệm đại diện tại Việt Nam tiến tới thiết lập bang giao. (2011, January 11). RFI. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20110114-vatican-bo-nhiem-dai-dien-tai-viet-nam-tien-toi-thiet-lap-bang-giao
10. Thủ tướng Việt Nam thăm Vatican. (2007, January 11). BBC. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/01/070111_dungvisitvatican
11. Xem [10]
12. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI. (2007, January 25). Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/thu-tuong-nguyen-tan-dung-hoi-kien-voi-giao-hoang-benedict-xvi-185335515.htm
13. Xem [10].
14. Quan hệ Việt Nam - Vatican đi về đâu?. (2014, October 18). BBC. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/10/141018_viet_vatican_relations
15. Thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican. (2022, April 22). Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://web.archive.org/web/20230731141753/https://dangcongsan.vn/thoi-su/thuc-day-quan-he-giua-viet-nam-va-toa-thanh-vatican-608650.html
16. Nghị quyết về một chính sách tôn giáo. (1977, November 11). Hội đồng Chính phủ. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Nghi-quyet-297-CP-chinh-sach-ton-giao-17739.aspx
17. Quy định về các hoạt động tôn giáo. (1991, March 21). Hội đồng Bộ trưởng. https://vbpl.vn/boxaydung/Pages/vbpq-toanvan.aspx?dvid=324&ItemID=11568&Keyword=
18. Tự do tôn giáo ở Việt Nam. (2002, October 29). Embassy of the Socialist Republic of Vietnam in the United States of America. https://web.archive.org/web/20170222194304/https://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2002/10/tu-do-ton-giao-o-viet-nam
19. Trương Bá Cần. (1996). Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945 - 1995). Thành phố Hồ Chí Minh: Công giáo và dân tộc. Tr 131.
20. Xem [19]. Tr 134.
21. Chân Tín. (2011, September 21). Ủy ban Đoàn kết Công giáo: Tập đoàn của âm mưu và tội ác – Phần 3. https://saigonvs.wordpress.com/2011/09/21/uy-ban-doan-ket-cong-giao-tap-doan-cua-am-muu-va-toi-ac-phan-3/
22. Nguyễn Văn Lục. (2022, February 6). TGM Nguyễn Văn Thuận, nguyên nhân 13 năm lưu đầy khổ nhục (II). Truyền thông giáo huấn xã hội Công giáo. https://web.archive.org/web/20170916120921/http://www.ghxhcg.com/article.aspx?id=741
23. Kết quả chuyến viếng thăm Việt Nam của Phái Ðoàn Tòa Thánh cuối tháng 2/1998. (1998). Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. https://vntaiwan.catholic.org.tw/ghvienam/vbonhiem.htm
24. Giáo hội Công giáo VN sau biến cố 30/4. (2015, April 19). BBC. https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/04/150419_30april_doanxuanloc
25. Cuộc đời và sự nghiệp vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). (2012, January 14). Tổng Giáo phận Huế. https://web.archive.org/web/20200404212727/http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=6970%3Acuc-i-va-s-nghip-v-toi-t-chua-hy-phanxico-xavie-nguyn-vn-thun-1928-2002&catid=1%3Atin-tuc-giao-hoi-toan-cau&Itemid=2
26. ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. (2009, September 20). Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. https://web.archive.org/web/20190722141220/http://www.liendoanconggiao.net/index.php?option=com_content&view=article&id=941:dhy-phanxico-xavie-nguyen-van-thuan&catid=134:nhung-tai-lieu-khac&Itemid=513
27. Luisa Melo và Waldery Hilgeman. (2016). Đức Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận – Con người của hy vọng yêu thương và niềm vui. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình. Tr 18.
28. Xem [19]