Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Đến thời điểm hiện tại, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã hai lần nhận được thông báo tử hình từ Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, vụ án của tử tù Lê Văn Mạnh là một vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai.
Để bạn đọc tiện theo dõi, Luật Khoa giới thiệu các diễn biến chính của vụ án, được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Bài được cập nhật liên tục. Lần cập nhật gần nhất: 11:00 ngày 25/9/2023, giờ Việt Nam.
***
21/3/2005
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Việt - mẹ của Lê Văn Mạnh (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), trong một cuộc phỏng vấn của VnExpress - hôm đó, bà sai con trai Lê Văn Mạnh đi tìm em gái đang thả trâu ngoài đồng.
Tối đó, khi cả nhà đang quây quần ăn cơm, xem tivi, thì nghe hàng xóm xôn xao việc bé gái trong xóm mất tích, nghi bị chết đuối. Ba bố con Mạnh cùng nhiều dân làng mò ở một số ao nhưng không thấy xác. [1]
Theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/7/2008 của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa, khoảng 17 giờ, ngày 21/3/2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày thuộc xã Yên Thịnh (huyện Yên Định), Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) thấy một bé gái đang đi vệ sinh nên lén lút lại gần, bịt miệng khống chế rồi hiếp dâm.
Sau đó, cũng theo bản án, Mạnh hành hung khiến bé gái tử vong. Mạnh ôm xác nạn nhân lội qua sông Cầu Chày giấu vào bụi cây rậm ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân). Sợ bị phát giác, Mạnh xé quần áo của nạn nhân làm dây quấn quanh cổ nhằm tạo hiện trường giả một vụ thắt cổ tự vẫn.