‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Tiến trình dân chủ hóa gian nan với nhiều cột mốc đáng nhớ.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản kết thúc chiếm đóng Triều Tiên. Hoa Kỳ và Liên Xô tiến hành chia cắt bán đảo này ở vĩ tuyến 38.
Ngày 15 tháng 8 và ngày 9 tháng 9 năm 1948, nước Cộng hòa Triều Tiên và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lần lượt được thành lập ở hai miền Nam – Bắc.
Ngày 27 tháng 7 năm 1953, hiệp định đình chiến hai miền Nam – Bắc được ký kết.
Đại Hàn Dân Quốc ra đời trong cảnh đổ nát và nghèo đói.
Cuối thập niên 1950, thu nhập bình quân đầu người tại Hàn Quốc chưa tới 100 USD, tuổi thọ trung bình khoảng 54, chính phủ phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nước ngoài (chủ yếu là Hoa Kỳ), đất nước bị cai trị bởi chế độ độc tài, tham nhũng dưới quyền Tổng thống Rhee Syngman (Lý Thừa Vãn). Chính quyền ông Rhee chỉ có thể duy trì quyền lực bằng bạo lực và hầu như không làm gì để cải thiện chất lượng sống của người dân.
Là một học giả nói tiếng bản xứ, Daniel Tudor đã dày công nghiên cứu lịch sử, kinh tế, chính trị và văn hóa Hàn Quốc, phỏng vấn nhiều nhân vật và vẽ lại bức tranh sơ lược nhưng toàn diện mô tả quá trình lột xác ngoạn mục từ một dân tộc có quá khứ bi thương trở thành tấm gương phát triển phi thường của một quốc gia thời hiện đại.
Daniel Tudor tốt nghiệp cử nhân ngành Triết học, Chính trị học và Kinh tế học tại Đại học Oxford. Anh đã sống nhiều năm ở Seoul và là nhà báo thường trú tại Hàn Quốc của tờ The Economist.
Khi Tudor bắt đầu viết “Korea: The Impossible Country” (tựa tiếng Việt: “Hàn Quốc: Quốc gia gây sững sờ”) vào năm 2010, anh nhận thấy có quá nhiều sự thay đổi liên tục diễn ra trên đất nước này.
Ở bản in đầu vào năm 2012, Tudor tin rằng anh đã khái quát đầy đủ về tình hình chính trị tại Hàn Quốc khi quá trình dân chủ hóa vẫn diễn tiến một cách vững chắc. Đến thời điểm viết bản cập nhật năm 2016, anh lo lắng liệu nền dân chủ tại Hàn Quốc có thể tồn tại không khi tình trạng báo chí bị kiểm soát đã trở nên đáng báo động, cùng với đó là sự bất lực của phe đối lập trước tư tưởng độc tài của Park Geun-hye. Nhưng đến tháng 7/2017, vụ bê bối chính trị nổ ra, bà Park chịu án tù, phe đối lập lên nắm quyền, xu hướng dân chủ lâu dài trở lại.
Hàn Quốc cũng có nhiều thay đổi đáng kể xoay quanh việc chủ nghĩa dân tộc dần suy yếu, sự trỗi dậy của chủ nghĩa nữ quyền, tình hình tăng trưởng kinh tế chậm dần và sự vượt lên của tầng lớp “thìa vàng” gây nên mâu thuẫn căng thẳng trong xã hội, sự quay lưng của giới trẻ Hàn Quốc với đạo Tin Lành mà cha mẹ họ từng sùng kính, làn sóng nghệ thuật hoài cổ khiến người Hàn trở về trân trọng những giá trị văn hóa trong quá khứ, v.v.
Cho đến nay, các tác phẩm nghiên cứu của học giả phương Tây về Hàn Quốc đã xuất hiện nhiều hơn, nhưng theo Tudor thì chừng đó sự chú ý là chưa đủ so với những gì quốc gia này xứng đáng nhận được. Một phần có lẽ vì sự thay đổi tại đây diễn ra quá nhanh chóng và quá khó để nắm bắt.
Hàn Quốc được coi là “quốc gia gây sững sờ” bởi hai lý do. Trước hết là vì trái ngược với kỳ vọng bi quan của nhiều người, Hàn Quốc đã bước qua chiến tranh, đói nghèo, thoát khỏi chế độ độc tài tàn bạo, tiến lên nền dân chủ hỗn loạn, trở lại chế độ độc tài, sau đó xoay chuyển tình thế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển thịnh vượng và ổn định cho nhiều quốc gia khác noi theo. Lý do thứ hai là bởi bất chấp sự phát triển về kinh tế và văn hóa đại chúng, đa số người Hàn vẫn thể hiện sự không hài lòng với cuộc sống tại nơi mà nhiều người Hàn trẻ tuổi gọi là “Hell Joseon” (“Địa ngục Triều Tiên”).
Chặng đường miêu tả quá trình quốc gia gây sững sờ này đi qua được chia thành năm phần.
Phần một nói về những tư tưởng nền tảng ảnh hưởng lên người Hàn như Shaman giáo, Phật giáo, Nho giáo, chủ nghĩa tư bản và Cơ đốc giáo.
Phần hai xoay quanh các quy tắc văn hóa ở Hàn Quốc.
Phần ba phản ánh cách người Hàn làm kinh doanh và chính trị, học tập và hẹn hò.
Phần bốn đề cập đến lối sống, ẩm thực, âm nhạc, phim ảnh, v.v.
Phần năm thể hiện sự mở cửa của Hàn Quốc khi đang rũ bỏ dần quá khứ bị Nho giáo chi phối, tư tưởng trọng nam khinh nữ và kỳ thị người đồng tính.
Nền tảng tư tưởng và văn hóa hai nước Hàn – Việt chia sẻ nhiều điểm tương đồng xét trên bình diện thế giới. Các yếu tố này xuất hiện chủ yếu ở phần một và nằm rải rác ở các phần còn lại trong cuốn sách.
Người Hàn có truyền thống tín ngưỡng musok – hay Shaman giáo – một thuyết vật linh được thực hành từ xa xưa và vẫn phổ biến trong xã hội hiện đại. Từ Hoàng hậu Min cuối thời Joseon cho đến nhiều chính trị gia và nhà tài phiệt Hàn Quốc ngày nay đều có riêng cho mình những thầy cúng shaman để làm lễ hay tư vấn về khía cạnh tâm linh trước khi đưa ra các quyết định trọng đại.
Tác giả cho rằng tính nữ của musok giúp dung hòa những giáo lý cứng nhắc của Nho giáo, còn tính siêu hình của Phật giáo khiến người Hàn dám mơ lớn, có nghị lực vượt khó (để thoát khỏi karma - nghiệp quả) và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.
Khác với Shaman giáo và Phật giáo khuyến khích tinh thần hòa hợp cởi mở, tư tưởng triết học Nho giáo mang đậm tính phụ hệ, duy lý, hướng tới xã hội có kỷ cương trật tự. Nho giáo ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Hàn Quốc. Đây là ý thức hệ chính thống của triều đại Joseon (1392-1910), đề cao lòng trung thành tuyệt đối giữa thần dân với người cai trị, tuy nhiên người cai trị có thể bị phế truất nếu không khoan dung nhân từ.
Điều này vẫn tồn tại đến ngày nay khi nhân viên rất hiếm khi tố giác chủ, còn người chủ rất quan tâm đến đời sống riêng của nhân viên, thường xuyên đãi họ ăn trưa hay ăn tối. Trong gia đình, người cha đóng vai trò trụ cột và cai quản, vợ con phải nghe theo. Người dưới phải sử dụng kính ngữ khi giao tiếp với người trên. Con cái phải tận tâm báo hiếu cha mẹ, lựa chọn nghề nghiệp và bạn đời thuận theo ý cha mẹ. Người Hàn rất coi trọng việc thi cử (cụ thể là kỳ thi đại học, công chức) và tập tục thờ cúng tổ tiên (như lễ jesa để tưởng nhớ người thân đã qua đời).
Giống với Shaman giáo và Phật giáo, Cơ đốc giáo cũng từng trải qua thời kỳ khó khăn khi bị chính quyền xem như một mối đe dọa. Tôn giáo này cho rằng con người đều bình đẳng trong mắt Chúa – một quan điểm đi ngược lại với tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào trật tự xã hội Hàn Quốc khi yêu cầu người dưới tuân phục người trên, đặc biệt là thần dân đối với vua.
Cuối thế kỷ 18, mặc dù có lệnh cấm, các nhà truyền đạo – chủ yếu là người Triều Tiên từ Trung Quốc và Nhật Bản trở về thay vì người ngoại quốc – vẫn nỗ lực phổ biến Công giáo và chịu cảnh bị đàn áp. Năm 1882, một giáo sĩ Tin Lành người Scotland đã truyền bá kinh Tân Ước bằng Hangul – bảng chữ cái thuần Hàn được Sejong Đại đế phát triển vào thế kỷ 15 để thay thế hệ thống Hán tự Hanja mà chỉ tầng lớp tinh hoa mới thông thạo.
Sự phổ biến của Hangul trong xã hội cũng được cho là một lý do quan trọng để tiến trình dân chủ hóa tại Hàn Quốc diễn ra mạnh mẽ, bất chấp truyền thống văn hóa châu Á và ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo.
Một yếu tố lịch sử khác làm tăng thiện cảm người Hàn dành cho Cơ đốc giáo là khi chế độ thực dân Nhật bắt đầu từ năm 1910. Sự thống trị hà khắc của người Nhật khiến một nhóm 33 nhà hoạt động ký tên vào bản tuyên ngôn độc lập và lôi kéo 2 triệu người Triều Tiên xuống đường biểu tình. Trong số 33 người này có 16 người theo đạo Tin Lành, dù các tín đồ Tin Lành chỉ chiếm 2% dân số. Họ được truyền cảm hứng bởi bài diễn thuyết của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson về quyền tự quyết. Họ hy vọng nước Mỹ có thể hỗ trợ Triều Tiên chống lại quân xâm lược Nhật Bản.
Từ đó đến nay, số người theo đạo Cơ đốc tại Hàn – đặc biệt là nhánh Tin Lành – không ngừng gia tăng. Đạo Tin Lành được xem là tôn giáo của người Mỹ. Sự hiện đại, tiến bộ và giàu có của người Mỹ là điều người Hàn mong muốn có được.
Năm 1961, vị tướng quân đội Park Chung-hee lên nắm quyền. Ông thực thi chính sách độc tài với kỳ vọng vực dậy nền kinh tế Hàn Quốc. Một nhóm doanh nhân hàng đầu được yêu cầu tham gia kế hoạch phát triển ở các lĩnh vực như sản xuất phân bón, xi măng, hóa chất, lọc dầu, dệt may, điện máy, xe hơi, tàu thủy. Với nhiều khoản vay từ chính phủ Mỹ, tiền được trả cho việc tham chiến ở Việt Nam, tiền bồi thường và khoản vay dễ dàng từ Nhật Bản, chính phủ Hàn cấp vốn với lãi suất thấp cho những công ty được lựa chọn thông qua ngân hàng quốc gia.
Các tập đoàn chaebol được bảo trợ dưới thời Tổng thống Park đã bành trướng và chi phối nền kinh tế Hàn Quốc, khiến tỷ lệ khởi nghiệp thành công tại Hàn rất thấp và khả năng trở thành tỷ phú tự thân của các doanh nhân trẻ ngày nay xấp xỉ bằng không. Nạn hối lộ và tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn tại Hàn Quốc do mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền và chaebol.
***
Hệ thống chính trị Hàn Quốc và tiến trình dân chủ hóa gian nan với nhiều cột mốc đáng nhớ được Tudor đề cập trong chương cuối phần một và hai chương đầu phần ba. Chủ nghĩa dân tộc và nỗ lực toàn cầu hóa được phân tích ở phần năm.
Phần hai đến phần bốn đặc biệt thú vị với những ai quan tâm tới văn hóa Hàn Quốc, bao gồm Hallyu (Hàn lưu, hay làn sóng Hàn Quốc).
Bạn cũng có thể tìm đọc các nghiên cứu khác của Daniel Tudor như tác phẩm viết chung với James Pearson được xuất bản năm 2015 mang tên “North Korea Confidential”.
Bạn có thể mua quyển “Hàn Quốc - Quốc gia gây sững sờ” bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.