‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế cho tiền viện trợ.
Ở bài viết trước, chúng ta đã thấy hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm tổ chức phi lợi nhuận mà chỉ có khái niệm pháp nhân phi thương mại, và tôi đã chứng minh CHANGE thuộc nhóm pháp nhân này. [1]
Tuy nhiên, pháp luật không có các quy định toàn diện, rõ ràng và dễ áp dụng về chế độ kế toán và miễn thuế đối với pháp nhân phi thương mại.
Luật Kế toán năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán cho hoạt động xã hội, từ thiện và chế độ kế toán doanh nghiệp. [2][3][4][5]
Khoảng trống pháp lý này dẫn đến một cách hiểu rằng các tổ chức xã hội và tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập không có trách nhiệm lập báo cáo thuế (còn gọi là báo cáo tài chính) vì không phát sinh lợi nhuận.
Quả vậy, CHANGE không phải là cơ quan nhà nước hay tổ chức nhận ngân sách nhà nước để áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Chế độ kế toán này phức tạp và chủ yếu áp dụng cho các khoản tài trợ thông qua hệ thống kho bạc nhà nước, tức là thuộc ngân sách nhà nước.
CHANGE cũng không phải quỹ xã hội hay quỹ từ thiện để áp dụng chế độ kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng chỉ ban hành hướng dẫn về chế độ kế toán đối với các hoạt động xã hội, từ thiện vào ngày 5/7/2022. [6]
CHANGE không phải là pháp nhân thương mại thành lập theo Luật Doanh nghiệp để áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp.
CHANGE là tổ chức phi lợi nhuận thành lập theo Luật Khoa học và công nghệ. Quyết định thành lập tổ chức do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cấp, giấy phép hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, và báo cáo thường niên về nguồn thu lẫn chi tiêu của CHANGE thể hiện điều này, như đã chứng minh ở kỳ trước.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận rằng chính họ đã chậm ban hành các văn bản quy định chế độ báo cáo thống kê đối với các khoản tài trợ nước ngoài không thuộc ngân sách nhà nước. [7] Bộ Tài chính cũng chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ quản lý tài chính đối với các khoản tài trợ này để CHANGE và các tổ chức có cùng mô hình hoạt động áp dụng.
Do đó, việc kết luận điều tra và cáo trạng cho rằng CHANGE hoạt động theo mô hình doanh nghiệp là khiên cưỡng. Từ đó, dẫn đến câu hỏi mang tính đạo lý khi kết luận CHANGE trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các khoản tài trợ kể từ khi thành lập vào năm 2013.
Theo thông lệ về cơ chế giải ngân tiền tài trợ, các đại sứ quán, các tổ chức của Liên Hợp Quốc hay các tổ chức phi chính phủ không chấp nhận trả thuế GTGT cho các thỏa thuận tài trợ giúp chính quyền và người dân Việt Nam.
Điều này có thể được hiểu là áp dụng cho cả CHANGE.
Họ cũng sẽ không cho phép CHANGE tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản tài trợ do người dân các nước đóng góp thông qua trả thuế và quyên góp từ thiện. Một số nhà tài trợ chỉ ký thỏa thuận tài trợ khi báo cáo kiểm toán độc lập thể hiện CHANGE (hay bất kỳ tổ chức nhận tài trợ nào khác) không có lợi nhuận và nếu có thì không phân chia cho các thành viên. [8][9]
Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2022, CHANGE đã nhận số tiền tài trợ gần 68 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động ở Việt Nam. CHANGE đã ký các thỏa thuận hợp tác và hợp đồng dịch vụ với các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài để nhận số tiền này. Trong đó, có ít nhất 52,6 tỷ đồng nhận từ các tổ chức nước ngoài.
Bản kết luận điều tra không tách rõ số tiền theo thỏa thuận hợp tác, theo hợp đồng cung cấp dịch vụ hay số tiền do các cá nhân trong và ngoài nước đóng góp. Tuy nhiên, theo thông lệ, các đối tác của CHANGE chỉ chấp nhận trả thuế GTGT cho các hợp đồng cung cấp dịch vụ. Họ không chấp nhận trả bất kỳ loại thuế nào cho các thoả thuận hợp tác, ngoại trừ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công do CHANGE trả cho người lao động và chuyên gia tư vấn.
Nhà tài trợ không chấp nhận cho CHANGE trả thuế thì CHANGE lấy tiền đâu ra để có thể trả thuế?
Tới đây, có thể khẳng định CHANGE không có khả năng tài chính để tự trả thuế GTGT và TNDN cho số tiền phát sinh theo các thoả thuận hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài. Bà Hồng cũng không thể bỏ túi riêng số tiền được cơ quan chức năng kết luận là trốn thuế vì CHANGE là tổ chức phi lợi nhuận.
Và về mặt đạo lý, một lần nữa có thể khẳng định nhà nước Việt Nam không thể đánh thuế GTGT và thuế TNDN trên các thỏa thuận hợp tác giữa CHANGE và các nhà tài trợ nước ngoài vì mục đích nhân đạo đối với người dân Việt Nam. Họ cũng không thể đánh thuế trên số tiền các cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp cho hoạt động cộng đồng của CHANGE.
Vậy, cơ quan chức năng sử dụng căn cứ pháp lý nào để kết tội bà Hoàng Thị Minh Hồng trốn thuế GTGT và thuế TNDN?
***
Ở những bài sau, Luật Khoa tạp chí sẽ lý giải tại sao là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì lợi ích cộng đồng như CHANGE bị đánh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp lên tiền viện trợ.
Loạt bài “CHANGE và án trốn thuế”:
1. Thủy Tùng. (2023, September 27). CHANGE và án trốn thuế - Kỳ 1: Tổ chức phi lợi nhuận hay doanh nghiệp? Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/09/change-va-an-tron-thue-ky-1-to-chuc-phi-loi-nhuan-hay-doanh-nghiep
2. Luật kế toán 2015 số 88/2015/QH13 mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Luat-ke-toan-2015-298369.aspx
3. Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Thong-tu-107-2017-TT-BTC-huong-dan-Che-do-ke-toan-hanh-chinh-su-nghiep-333131.aspx
4. Thông tư 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hoạt động xã hội từ thiện mới nhất. Thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Thong-tu-41-2022-TT-BTC-huong-dan-che-do-ke-toan-hoat-dong-xa-hoi-tu-thien-499976.aspx
5. Thông tư số 200/2014/TT-BTC áp dụng với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Thông tư số 133/2016/TT-BTC áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư số 132/2018/TT-BTC áp dụng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ.
6. Thông tư số 41/2022/TT-BTC được thông qua sau khi có tranh luận trên truyền thông chính thống và mạng xã hội liên quan đến ca sĩ Thuỷ Tiên quyên góp và hỗ trợ người dân vùng lũ lụt ở miền Trung vào năm 2020.
7. Kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 01/01/2018 đến 30/6/2022. (2018). Mpi.gov.vn. https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023/Ket-luan-kiem-tra-cong-tac-quan-ly-su-dung-cac-ngu-078857.aspx
8. Bản kết luận điều tra cho biết, từ năm 2016 đến 2022, CHANGE được Công ty TNHH PKF Việt Nam-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm toán.
9. Liên minh Châu Âu yêu cầu các tổ chức phi lợi nhuận phải nộp báo cáo kiểm toán tổ chức trong quá trình xây dựng đề xuất dự án và ký kết thỏa thuận tài trợ.