‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đánh thuế lòng tốt.
Không ai lạ gì với thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ở ta còn gọi là VAT, đọc là vát.
Nó là thuế do người mua phải trả cho sản phẩm, dịch vụ mà họ mua, được tính luôn vào đơn hàng. Thường là 10%, không thì 5% giá trị món hàng.
Tiền này đầu tiên chạy từ túi người mua vào túi người bán, rồi từ túi người bán vào túi nhà nước.
Giờ bạn hãy tưởng tượng thế này:
Liên minh Châu Âu (EU) muốn tài trợ một tỷ đồng cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam (chẳng hạn như CHANGE) để tổ chức các lớp đào tạo về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là tiến thuế của người dân các nước EU, được EU dùng để giúp người dân các nước khác, như Việt Nam. Tóm lại là họ cho mình tiền để mình cải thiện cuộc sống.
Và nhà nước đánh thuế GTGT lên khoản tiền tài trợ này. Nghĩa là EU phải bỏ thêm 50-100 triệu đồng nữa để đóng thuế cho nhà nước chỉ vì họ mang tiền biếu chúng ta.
Có gì lạ ở đây không?
Ta hãy tạm gác lại chuyện này và hiểu rõ hơn cách thức nhận tiền tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận ở nước ta.
Có hai cách để nhận tiền tài trợ: (1) xin nhà nước và/hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt tiền viện trợ và (2) ký hợp đồng dịch vụ khoa học - công nghệ với nhà tài trợ.
Muốn được miễn thuế, các tổ chức phi lợi nhuận phải thực hiện theo cách thứ nhất. Và đó là một hành trình không đơn giản.
Các tổ chức phi lợi nhuận có sử dụng tài trợ nước ngoài phải dành nhiều thời gian, năng lượng và thậm chí là tiền bạc cho những thủ tục hành chính và tài chính trước khi triển khai các hoạt động dự án.
Thủ tục đầu tiên là phê duyệt viện trợ. Tiếp đến là tuân thủ chế độ kế toán, thuế, miễn thuế tạm cho là phù hợp với mô hình của mình, bao gồm các tổ chức khoa học và công nghệ.
Kể từ khi CHANGE thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2013, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ban hành và áp dụng ít nhất 49 văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó có các quy định về quản trị nội bộ và báo cáo định kỳ với các cơ quan chức năng, phê duyệt và thực hiện các dự án viện trợ, hội họp có yếu tố nước ngoài, chế độ kế toán, thuế, miễn thuế và xử lý vi phạm.
Có những quy định được xem là giấy phép con trong quá trình thực hiện và quyết toán các hoạt động có sử dụng tiền tài trợ nước ngoài. Ví dụ, quy định về việc cơ quan nhà nước về khoa học có thẩm quyền xác nhận là hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thì mới được giảm thuế GTGT và thuế TNDN cho các tổ chức đã có giấy phép hoạt động khoa học và công nghệ. [1]
Hay, quy định về thủ tục phê duyệt tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế đối với các dự án viện trợ nước ngoài đã được cấp phép thực hiện. Và phải có giấy phép thực hiện dự án tài trợ nước ngoài và xác nhận viện trợ thì mới tiến hành thủ tục hoàn thuế GTGT. [2]
Việc tuân thủ những quy định này trở thành gánh nặng cho tất cả các bên liên quan kể từ khi Nghị định số 80/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 93/2009/NĐ-CP) có hiệu lực, đặc biệt kể từ khi lãnh đạo CHANGE, MEC, LPSD, GreenID và PLD bị bắt giam và xử tù vì tội trốn thuế. [3][4] Gánh nặng đó bao gồm gánh nặng hành chính và tài chính đặt lên cả cơ quan chủ quản và nhà tài trợ của các tổ chức phi lợi nhuận.
Nó cũng tạo gánh nặng với các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương phải thẩm định, phê duyệt và quản lý việc thực hiện các dự án viện trợ nước ngoài. [5] Do đó, Kết luận kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với VUSTA cho thấy, 100% trong số 92 dự án viện trợ được lựa chọn để kiểm tra đều vi phạm các quy định về hành chính và tài chính.
Đây là những dự án viện trợ cho VUSTA và một số tổ chức thành viên cho giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022, trong đó có CHANGE. Để xảy ra tình trạng này có “lỗi" của chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. [6]
Nhưng lỗi của ai thì người đi tù vẫn là… lãnh đạo và nhân viên của các tổ chức phi lợi nhuận. Ít nhất năm người đã vào tù vì tội trốn thuế.
Để giảm bớt gánh nặng hành chính và rủi ro hình sự cho đối tác, một số nhà tài trợ đành chấp nhận ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ với các tổ chức phi lợi nhuận. Theo cách này, các nhà tài trợ phải chi thêm 5% hoặc 10% để các tổ chức phi lợi nhuận xuất hoá đơn thuế VAT cho họ.
Lúc này, khoản tài trợ trở thành “dịch vụ” để hai bên “mua-bán”. Tuy nhiên, người trả thuế không hề sử dụng “dịch vụ” này như các hàng hoá, dịch vụ thông thường do các doanh nghiệp cung cấp.
Đây chính là cách thứ hai mà tôi đã nói ở đầu bài.
Dù trả thuế GTGT thì một số nhà tài trợ cũng không chấp nhận việc phát sinh lợi nhuận cho các tổ chức từ thực hiện hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ. Tức là, họ chỉ chi trả đúng chi phí thực tế đã phát sinh để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng đã ký. Không có lãi thì không thể phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nhưng ta sẽ bàn với vấn đề này ở một bài khác.
Một số nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế GTGT hay TNDN vì không thể giải trình với người trả thuế ở các quốc gia của họ. Thật khó để giải thích được tại sao đã phải mang tiền nhà đi cho nước khác mà còn bị đánh thuế.
Ở chiều còn lại, một số tổ chức phi lợi nhuận cũng không đồng ý tiếp nhận viện trợ nếu nhà tài trợ không chấp nhận trả thuế GTGT và thuế TNDN.
Vậy là lòng hào hiệp của các đối tác nước ngoài không được đón nhận ở Việt Nam. Không phải vì người Việt Nam chê, mà vì những khoản thuế vô lý của chính phủ đánh vào chính những người mang tiền đến giúp mình.
Ai được lợi trong chuyện này?
***
Ở kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu xem chính phủ đánh thuế GTGT lên các khoản viện trợ nước ngoài như thế nào.
Loạt bài “CHANGE và án trốn thuế”:
1. Khoản 3 Điều 10 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Khoản 13 Điều 4 và Khoản 15 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
2. Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam (thay thế Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg).
3. Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
4. Ngày 10/12/2021, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hiệp hội và hội họp hoà bình và Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do bày tỏ ý kiến và ngôn luận của Hội đồng Nhân quyền đã nêu quan ngại đối với Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg cùng một số quy định khác. Các Báo cáo viên đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sửa đổi những quy định này nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc gia về nhân quyền của tất cả mọi người, bao gồm quyền tự do hiệp hội và hội họp hoà bình (Tài liệu số OL VNM 7/21).
5. Vinh Anh, 2022, Viện trợ phi chính phủ nước ngoài: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
6. Kết luận số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ và kêu gọi tài trợ từ nước ngoài của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các đơn vị trực thuộc trong giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2023.