‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Victor Hugo và hành trình đi vào nội tâm của một tử tù chờ chết.
Không danh tính, không lý do, độc giả len lỏi như một kẻ rình trộm đáng hổ thẹn trong tâm tư của nhân vật “tôi” vào ngày cuối cùng mà người này còn được sống. Trong cuộc đồng hành buồn này, Victor Hugo dẫn dắt chúng ta tới nơi khi án tử không chỉ đơn thuần dành cho nhân vật “tôi” mà còn dành cho chính người đọc.
Có lẽ không cần nói nhiều về Victor Hugo khi tên tuổi của ông ở Việt Nam đã được bạn đọc biết đến rộng rãi. Trước khi đặt bút viết nên những thiên tiểu thuyết hùng vĩ như “Những người khốn khổ”, “Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris”, v.v. thì chủ đề nổi bật xuyên suốt lẫn tư tưởng nhân văn của Victor Hugo đã biểu lộ qua tác phẩm “Ngày cuối cùng của một tử tù”.
Tác phẩm này được viết vào năm 1829 sau khi ông đã mục kích quá nhiều vụ hành hình công khai, và căm ghét hình ảnh chiếc máy chém vốn được phát minh và sử dụng rộng rãi kể từ thời Cách mạng Pháp. Tuổi đời của những tác phẩm đã ngót nghét hai thế kỷ, nhưng đến tận bây giờ văn chương của ông vẫn làm bao con tim thổn thức vì thực tại tàn khốc của những kiếp người bất hạnh.
Có thể coi tác phẩm này được viết như một cuốn tự truyện khi mà người tù tội dốc hết những thứ họ có trong đầu, mà trút ào ào ra như nước mưa, hoàn toàn trần trụi và không giấu giếm, như cách ví von của Fyodor Dostoevsky rằng “dường như có một nhà tốc ký ghi chép được hết”. Chúng ta sẽ lắng nghe những ý nghĩ của người tử tù trong không gian mà bản thân họ đang bị giam cầm. Trong thời hạn vỏn vẹn là hai mươi tư giờ nữa, họ sẽ chết, chắc chắn sẽ chết. Họ tuyệt vọng. Họ quyến luyến sự sống. Họ lo lắng. Họ không còn là chính mình, hay đúng hơn, không còn là một con người với những nhân phẩm gắn chặt với một con người. Bởi vì bây giờ không còn thứ gì để họ trụ vào.
Nhà văn Albert Camus viết trong “Thần thoại Sisyphus” rằng “[...] thời gian gánh đưa chúng ta trong dòng chảy của nó, ngày lại ngày trong suốt cuộc đời bình lặng. Nhưng thể nào cũng có đến một khoảnh khắc mà chúng ta phải gánh lấy thời gian. Chúng ta sống bằng tương lai”. Camus cũng viết “sống là quá trình đi dần đến cái chết”. Do đó đây là một nghịch lý đầy đau buồn khi người tử tù chịu cảnh tù đày biệt lập, đầy khắc khổ ở hiện tại lại không thể lấy tương lai, lấy niềm tin vào một ngày mai để an ủi bản thân mình. Giờ đây tương lai là cái chết được định sẵn hiện ngay trước mắt lao ngược vào họ. Con người đó lạc lối, hoàn toàn bị phản bội bởi chính ham muốn sống, bản năng sống khi giờ đây họ có cố gắng bao nhiêu, có thử vẫy vùng, có mưu tính, có hão huyền, có nuối tiếc, có kỳ vọng thì tất cả đã chẳng còn nghĩa lý gì bởi kết cục của họ đã được định sẵn.
Tác giả hoàn toàn không nói rõ ràng danh tính, lẫn tội lỗi đã phạm phải của tử tù. Chúng ta sẽ được biết đại khái về người này, rằng họ là một người có học thức, có một gia đình với một đứa con gái còn nhỏ mà họ hết mực yêu thương, và đau xót xiết bao trước việc cô con gái đó khi được gặp họ lần cuối lại quên mất chính cha mình. Dường như chính bản án tử hình đã thay đổi tất cả, họ không còn là một người chồng, người cha nữa mà chỉ còn là một tử tù.
Và phải chăng việc tội lỗi của anh ta không được tác giả nhắc đến là để người đọc khoan hãy phán xét, khoan hãy vội nghĩ trong đầu rằng “thằng này đáng chết”, mà chỉ đơn thuần tập trung chú ý tới sự ảnh hưởng bản án tử hình gây ra cho họ. Với sự gò bó về mặt không gian và sự gấp rút về thời gian được sắp đặt đầy chủ ý bởi tác giả, chính chúng ta sẽ cảm thức được sự gò bó lẫn ngột ngạt mà nhân vật “tôi” đang trải nghiệm với chiếc đồng hồ điểm giờ tử treo trên đầu.
Qua tác phẩm này, Victor Hugo đã xóa bỏ hoàn toàn quan điểm thời bấy giờ khi cho rằng việc sử dụng máy chém là nhân văn với lý lẽ làm giảm đau đớn thể xác cho người bị thi hành án, bằng tư tưởng rằng bản chất của án tử hình đã là phi nhân văn. Chính nhà văn Dostoevsky, người từng bị kết án tử hình nhưng thật may mắn khi được ân xá trong những giây phút cuối, đã ngợi khen rằng đây là “tác phẩm hiện thực nhất và chân thực nhất trong tất cả những tác phẩm mà ông [Victor Hugo] đã viết”.
Những gì Victor Hugo viết có thể khiến con tim của người đọc xao động. Nhưng để thêm vững tin vào lý tưởng nhân văn này, chúng ta vẫn cần suy xét kỹ càng bằng tư duy thực nghiệm.
Mặc cho chiếc máy chém mà Victor Hugo thấy ghê tởm đã biến mất, ông vẫn đặt ra trước chúng ta một vấn đề đạo đức đầy nan giải ngay cả trong thời đại này - khi có quá nhiều mâu thuẫn cần giải quyết, mà muốn giải quyết chúng không chỉ cần lý tính thuần túy mà còn cần đến cả sự dũng cảm dấn thân.
Liệu chúng ta có nên duy trì án tử hình như một phần tất yếu trong hệ thống tư pháp? Những tranh cãi xoay quanh việc giữ án tử hình nhằm mục đích tránh hoàn toàn khả năng tội ác được tái diễn. Ngoài ra đó còn là vấn đề về việc liệu chính quyền có nên có quyền hoặc nghĩa vụ tước đoạt quyền được sống của một con người? Hay chúng ta có dễ dàng sa đà vào vấn đề tâm lý tập thể, khi việc duy trì bản án tử hình như là một hình thức để đáp lại tâm lý bức xúc của quần chúng về tội ác mà thủ phạm đã gây ra.
Ngoài những quan điểm mang tính công lợi trên thì vẫn cần phải cân nhắc đến cảm xúc của người bị hại và thân nhân của người bị hại, hay của chính bị cáo và thân nhân của bị cáo, mà nếu không có nó sẽ là một thiếu sót lớn. Bãi bỏ án tử hình là một xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu dù vẫn còn nhiều tranh cãi. [1] Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trước mắt cho tới khi án tử hình được bãi bỏ hoàn toàn.
Bạn có thể mua quyển “Ngày cuối cùng của một tử tù” bản tiếng Việt tại đây.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
1. Amnesty International USA. (2018, April 12). Research Shows a Global Trend Towards Abolition of the Death Penalty, But More Work Remains | Amnesty International USA. https://www.amnestyusa.org/reports/research-shows-a-global-trend-towards-abolition-of-the-death-penalty-but-more-work-remains/